___________________________________________________________________
Định nghĩa
Thái độ là một sự biểu lộ mang tính chất đánh giá (tức gán một ý nghĩa tích cực hoặc tiêu cực) của một người đối với người khác, đối với sự vật, sự kiện. Nó phản ánh sự cảm nhận của một người về một cái gì đó.
Cơ sở của thái độ
Giống như giá trị, thái độ dược hình thành từ cha mẹ, thầy cô giáo và các thành viên trong nhóm. Trong những năm đầu đời, chúng ta bắt đầu mô hình hoá thái độ của chúng ta khi chúng ta khâm phục, kính trọng hoặc sợ hãi. Chúng ta quan sát cách cư xử của gia đình, bạn bè từ dó hình thành thái độ và hành vi của chúng ta cho thích ứng với những cách thức của họ. Con người bắt chước thái độ của những cá nhân bình thường hoặc của những người mà họ khâm phục hoặc kính trọng.
Khác với giá trị, thái độ của bạn ít ổn định hơn. Ví dụ thông điệp quảng cáo cố gắng hướng thái độ của bạn đối với sản phẩm hay dịch vụ nào đó. Nếu nhân viên của Coca Cola có thể làm cho bạn thích sản phẩm của họ, thái độ này có thể sẽ dẫn đến hành vi mong đợi đối với họ là bạn sẽ mua sản phẩm của họ.
Đối với các tổ chức, thái độ là quan trọng vì nó ảnh hưởng tới hành vi người lao động.
Phân loại thái độ
Con người có thể có hàng ngàn thái độ, song hành vi tổ chức chỉ tập trung sự chú ý trong các thái độ có liên quan tới công việc. Những thái độ có liên quan tới công việc gắn liền với sự lượng giá tích cực hoặc tiêu cực của người lao động về các khía cạnh của môi trường làm việc của họ. Đặc biệt có ba thái độ chủ yếu cần được quan tâm : Sự thỏa mãn đối với công việc; Sự gắn bó với công việc; và Sự tích cực nhiệt tình với tổ chức.
Sự thỏa mãn đối với công việc đề cập tới thái độ chung của một cá nhân đối với công việc của anh ta. Một người có mức độ thỏa mãn cao đối với công việc sẽ có một thái độ tích cực đối với công việc của anh ta và ngược lại. Khi ta đề cập tới thái độ của người lao động điều đó thường là sự thỏa mãn đối với công việc.
Sự gắn bó với công việc đề cập việc đo lường mức độ hiểu biết về công việc của người lao động; sự tham gia tích cực; và sự quan tâm tới việc thực hiện nhiệm vụ là quan trọng. Những người thể hiện sự gắn bó cao với công việc của họ là những người có năng suất cao hơn, có mức độ thỏa mãn đối với công việc cao hơn và ít thuyên chuyển hơn những người có sự gắn bó thấp.
Sự tích cực, nhiệt tình với tổ chức thể hiện sự hướng tới tổ chức của con người bằng việc trung thành với tổ chức, gắn bó chặt chẽ với tổ chức. Một người có mức độ nhiệt tình .cao với tổ chức sẽ gắn bó cao với công việc của họ – không kể họ có thỏa mãn hay không. Với nhận thức này chúng ta có thể mong đợi một tương quan nghịch biến giữa sự tích cực, nhiệt tình với tổ chức và sự thuyên chuyển.
Thái độ và sự nhất quán
Con người luôn có xu hướng nhất quán, cân bằng giữa các thái độ và giữa thái độ với hành vi nhưng không phải lúc nào lời nói hay thái độ của con người cũng đi đôi với việc làm.
– Cách giải quyết:
– Thay đổi thái độ
– Thay đổi hành vi
Đưa ra lý lẽ để biện hộ cho thái độ hoặc/và hành vi.
Ví dụ: những người hút thuốc lá.
Ai cũng biết hút thuốc lá là có hại cho sức khỏe. Thuốc lá gây ra chứng bệnh ung thư phổi nguy hiểm đến tính mạng hoặc làm giảm tuổi thọ,…Nhưng tại sao nhiều người vẫn hút thuốc? Để giảm thiểu sự không nhất quán này, những người hút thuốc có thể chọn một trong ba cách dưới đây:
+ Thay đổi hành vi : bỏ hút thuốc.
+ Thay đổi thái độ: cho rằng thuốc lá không quá nguy hiểm như các công trình nghiên cứu khoa học đã “bịa đặt” (thiếu chứng cứ liên hệ giữa hút thuốc và bệnh ung thư phổi), bằng chứng là có nhiều người vẫn sống thọ, mà cụ thể là ông ngoại (ông nội) của tôi, họ hút một ngày cả gói nhưng sống đến 90 tuổi.
+ Hợp lý hóa hành vi: sống bao lâu mà kiêng với cử! Thời đại chiến tranh nguyên tử biết sống chết vào giờ ngày nào? Hoặc: hút thuốc bị ung thư ư? Lo gì! Với sự tiến bộ của khoa học, đặc biệt là ngành y khoa, nay mai người ta có thể chữa trị được hết. Tôi bây giờ còn trẻ, hút thuốc mà lỡ mắc bệnh thì tới khi đó việc chữa trị ung thư là chuyện nhỏ!
Mối quan hệ giữa thái độ và hành vi
Là một quan hệ khá phức tạp, khó đo lường. Thông thường, người ta thường nghĩ có một mối quan hệ nhân quả giữa thái độ và hành vi. Nhưng vào cuối những năm 60 thuộc thế kỷ trước, các nghiên cứu cho thấy chẳng có một mối quan hệ nào giữa thái độ và hành vi cả. Và một thập niên sau đó, cũng qua nghiên cứu, người ta lại củng cố các kết quả của Festinger.
Các biến trung hòa : tầm quan trọng của thái độ (thái độ xét thấy có quan trọng hay không), tính cụ thể, áp lực xã hội, kinh nghiệm của cá nhân.
Tầm quan trọng của thái độ: phản ánh những giá trị căn bản, tính tư lợi, đồng nhất hóa với người khác, với một nhóm mà cá nhân coi trọng…Các thái độ mà cá nhân cho là quan trọng dễ cho thấy có một mối quan hệ vững chắc với hành vi.
Ví dụ: đối với bạn, sự nịnh bợ là một dấu chỉ của một nhân cách hèn hạ và bạn luôn luôn khinh bỉ nó. Cho nên, sẽ thật là dễ dàng dự đoán được hành vi của bạn khi bạn phải gặp hoặc làm việc với những người thuộc loại phẩm cách này!
Tính cụ thể: thái độ càng cụ thể bao nhiêu thì hành vi càng cụ thể bấy nhiêu, nghĩa là có mối quan hệ chặt chẽ giữa thái độ và hành vi.
Ví dụ: để dễ dự đoán sự thuyên chuyển (hành vi) nhân viên thì nên hỏi về thời gian họ có ý định ở lại (thái độ) với công ty trong vòng sáu tháng tới hơn là hỏi họ có hài lòng với thù lao được trả hay không.
Áp lực xã hội: có một ảnh hưởng đặc biệt đối với hành vi bạn thể hiện. Thường có sự không nhất quán giữa thái độ hành vi là do áp lực xã hội.
Ví dụ: do áp lực của công đoàn cơ sở mà một nhân viên vốn không ưa thích gì công đoàn cơ sở này (thái độ) lại xoay qua ủng hộ nó (hành vi) về một vấn đề gì đó.
Trải nghiệm cá nhân: quan hệ giữa thái độ-hành vi sẽ rõ hơn nếu thái độ có liên quan đến những kinh nghiệm quá khứ của cá nhân.
Ví dụ: khi hỏi những sinh viên chưa có kinh nghiệm nghề nghiệp là họ sẽ tỏ thái độ như thế nào trong trường hợp có một vị trưởng phòng độc đoán để dự đoán hành vi của họ. Câu trả lời bạn nhận được đương nhiên sẽ mơ hồ hơn khi, cũng một câu hỏi ấy, nhưng được đặt ra với người đã có kinh nghiệm làm việc dưới quyền của một người độc đoán.
Download toàn bộ bài viết tại đây
DienDan.Edu.Vn Cám ơn bạn đã quan tâm và rất vui vì bài viết đã đem lại thông tin hữu ích cho bạn.DienDan.Edu.Vn! là một website với tiêu chí chia sẻ thông tin,... Bạn có thể nhận xét, bổ sung hay yêu cầu hướng dẫn liên quan đến bài viết. Vậy nên đề nghị các bạn cũng không quảng cáo trong comment này ngoại trừ trong chính phần tên của bạn.Cám ơn.