(TNO) – 22 nóc nhà với gần 80 con người sống hiu hắt trong thung sâu núi rừng, không điện, trẻ con không đến trường và… không đủ thứ. Cứ mỗi đêm, người già, trẻ con trong làng quây lại tiễn ngày cũ với rượu cùng những tiếng hát khàn đục hằn in gian khó mưu sinh.
Trong một chuyến rong ruổi lạc rừng, vào ngôi làng này, anh bạn chúng tôi gọi là làng bị lãng quên bởi nó biệt lập với cộng đồng từ nhiều năm nay. Làng nằm lọt thỏm giữa thung lũng với những ngọn núi đá bao quanh, trước mặt là công trình đại thủy nông Tây nguyên, hồ Ayun Hạ. Sau nhiều lần mò mẫm thông tin, chúng tôi dần xác định đây là làng Hek. Người dân ở xã Chư A Thai, H.Phú Thiện nhưng du canh, du cư đến vùng giáp ranh của 3 huyện Chư Sê, Mang Yang và Phú Thiện của Gia Lai từ hơn 20 năm nay.
‘Vượt hồ, băng đảo cô đơn’
Dulichgo
Nghe thông tin người bạn báo về, chúng tôi quyết định vượt rừng vào làng Hek một chuyến. Để vào được đây, chỉ có hai con đường băng núi hoặc vượt lòng hồ Ayun Hạ. Tây nguyên mùa khô. Cây cỏ quắt lại. Từ trung tâm TP.Pleiku, chúng tôi phải vượt hơn 60 km để đến hồ Ayun Hạ. Từ đây muốn vào được làng phải đi tiếp bằng thuyền. Giữa mênh mông bể nước, chiếc thuyền nhôm nhỏ không mái che chồng chềnh vượt sóng. Anh Hoàng, người lái thuyền, bảo: “Trời này đi đường núi mấy anh không quen đâu, phải hơn một tiếng rưỡi mới đến làng. Bà con ở trong làng toàn đi đường đó”.
< Đường từ bến thuyền vào làng Hek khô khốc vì nắng.
“Giờ mình đi ra hồ, băng qua đảo cô đơn, ngang núi Vú Nàng rồi mới đến làng được anh ạ! Nghe mỹ miều thế chứ dân vùng này vẫn cơ cực lắm anh”, tiếng Hoàng như tan ra giữa sóng nước và bị át đi giữa tiếng máy nổ phành phạch của chiếc thuyền.
Hơn một tiếng ngột ngạt vì ngồi trên chiếc thuyền nhôm nhỏ chồng chềnh sóng nước, chúng tôi lên bờ và tiếp tục đi bộ. Hoàng dẫn chúng tôi băng qua khu rừng khộp, nơi chỉ có những cây dầu, le chịu hạn mới sống nổi. Con đường mòn đất nóng bỏng như dài thêm ra giữa cái nắng mùa khô cao nguyên. Trước mặt chúng tôi hiện ra những nóc nhà túm tụm bên khoảnh đất nhỏ. Phụ nữ và lũ trẻ con tập trung xuống dưới chân nhà sàn để tránh cái nắng gắt. Gần đó, lũ heo cả chục con thả rông cũng tìm chỗ nằm thở dốc vì ngột ngạt.
Thấy người lạ, lũ trẻ con núp ra sau vai mẹ với ánh mắt tò mò. Trong căn nhà sàn mái tôn, bốn bề thưng ván, một người đàn ông rắn chắc bước ra hỏi chuyện và giới thiệu là Đinh Zăi – già làng làng Hek.
< Người dân ở đây luôn lấy rượu làm vui mỗi đêm.
Dù chỉ mới 42 tuổi nhưng Zăi là người có của ăn, của để nhiều nhất làng và hơn cả Zăi là người nói tiếng Việt rành rọt nên được cả làng cử làm già làng. Dẫu vậy, có nói Zăi… 60 tuổi chắc người lạ vẫn tin bởi gánh mưu sinh khốn khó hằn in trên gương mặt ông.
Dulichgo
Nỗi lo thất học
Dẫn chúng tôi vào căn nhà khá rộng rãi. Đồ đạc đáng giá của gia đình chỉ là cái ti vi cũ và chiếc loa của những người hát rong ở quán vỉa hè. Một góc sàn nhà, Đinh Zăi đang tổ chức bữa rượu mời những người thân từ xã Chư A Thai, H.Phú Thiện sang chơi. Chỉ một con gà nướng vẫn nồng mùi đất, bát rau từ ngọn cây gỗ bò cạp và 2 chai rượu trắng cũng thành bữa tiệc.
Nghe chúng tôi hỏi chuyện, Đinh Zăi rót ly rượu trắng ép chúng tôi uống cạn rồi thủng thẳng: “Gọi là làng Hek vì ngày trước những hộ dân từ làng Hek, làng Trớ của xã Chư A Thai vào đây nên lấy tên làng cũ để đặt. Hộ vào đây lâu nhất đã 20 năm. Từ vài nóc nhà giờ làng đã có 22 hộ với gần 80 nhân khẩu. Lâu lắm rồi làng mới có người lạ vào đây đấy!”.
< Người làng Hek lặng lẽ giữa đại ngàn.
Giọng Đinh Zăi chùng xuống: “Mình vào đây từ năm 2000, cũng đã 18 mùa rẫy rồi nhưng cũng không biết đất làng thuộc xã nào, huyện nào. Chỉ biết phía tây là núi HBông, bên cạnh là suối Lơ Pang và phía sau là núi Đăk Nhang, trước mặt là hồ Ayun Hạ. Từ đây đi ra xã Ayun gần nhất cũng 10 cây số băng qua núi đá lởm chởm”. Nằm lọt thỏm vậy nên làng gần như tách biệt với bên ngoài. Người dân trong làng muốn mua gì thì phải đi gần cả tiếng đồng hồ, ra tận xã Đăk Trôi, H.Mang Yang.
Dulichgo
Điện không có, chỉ vài ánh lửa leo lét và ánh đèn từ bình ắc quy sạc bằng năng lượng mặt trời của nhà già làng. Đinh Zăi nhớ lại: “Cách đây hơn 10 năm, cán bộ xã Chư A Thai vận động mình với bà con về. Nhưng mình nói rồi, về ngoài đó không có đất sản xuất, lấy gì cho con cái ăn. Ở trong này cực mình nhưng con cái có cái ăn là vui cái bụng rồi”.
Thế nhưng, nỗi lo thất học vẫn ám ảnh cả ngôi làng này. Khoảng 80 người dân, trẻ con chiếm gần nửa làng và người có trình độ cao nhất là Đinh Lem khi học đến lớp 9, còn lại chỉ lớp 2 – 3 và mù chữ. Dù có cuộc sống ổn nhất làng song cả 4 đứa con của già làng Hek đều thất học.
< Vòi nước, nơi trẻ con thất học quây quần vui chơi.
Điểm vui chơi thú vị nhất của lũ trẻ có lẽ là vòi nước duy nhất cung cấp nước sinh hoạt, ăn uống cho làng dẫn từ trên núi xuống. Không được đến trường, ngày ngày lũ trẻ hết lên rẫy là quây lại nghịch nhau nơi vòi nước. Tối đến chúng lại quẩn quanh bên đám người lớn uống rượu. Họa hoằn lắm chúng mới được bố, mẹ cho ra chợ.
Ngoài nỗi lo thất học, người làng Hek luôn khó khăn khi thiếu cả nơi khám chữa bệnh và đau ốm cũng trở thành nỗi ám ảnh của người làng này. “Có người đau thì bà con lại dùng xe máy chở ra ngoài xã Đăk Trôi để khám, nặng thì lên bệnh viện H.Mang Yang. Mùa khô đường đi đã khổ, cả tiếng đồng hồ mới đến nơi. Mùa mưa thì đám thanh niên phải dùng võng làm cáng mới đưa người bệnh ra khỏi làng được. May mà chưa có ai chết dọc đường”, già làng Đinh Zăi trầm ngâm.
Dulichgo
< Một góc làng Hek.
Rời làng Hek khi mặt trời đổ dần sau những ngọn núi đá. Đó cũng là ánh sáng le lói của hoàng hôn, nhường chỗ cho đêm tối lan tràn. Dù không có cảnh thiếu đói trầm trọng, thiếu nơi trú ngụ nhưng nhìn ánh mắt lũ trẻ con ngây thơ vui đùa khiến chúng tôi chạnh lòng. Liệu số phận chúng có thoát được khỏi ngôi làng nằm heo hút giữa thung lũng đầy đá và nắng cháy này không?
Ông Rơ Châm La Ni, Chủ tịch UBND H.Phú Thiện, cho biết: “Chúng tôi đã nhiều lần chỉ đạo UBND xã Chư A Thai lên kiểm tra và vận động người dân về lại làng Hek, Trơk sinh sống nhưng chưa được người dân đồng thuận. Chúng tôi cũng đã có đề án cấp đất và chuyển người dân làng Hek về xã Chư A Thai. Tới đây, huyện sẽ tổ chức đoàn công tác nhằm vận động người dân về xã Chư A Thai sinh sống để thuận tiện hơn trong việc quản lý và hỗ trợ người dân phát triển kinh tế, nâng cao đời sống”.
Theo Trần Hiếu, Khánh Toàn (Thanh Niên)
Người Miền Trung !
DienDan.Edu.Vn Cám ơn bạn đã quan tâm và rất vui vì bài viết đã đem lại thông tin hữu ích cho bạn.DienDan.Edu.Vn! là một website với tiêu chí chia sẻ thông tin,... Bạn có thể nhận xét, bổ sung hay yêu cầu hướng dẫn liên quan đến bài viết. Vậy nên đề nghị các bạn cũng không quảng cáo trong comment này ngoại trừ trong chính phần tên của bạn.Cám ơn.