(QNO) – Gần 5 giờ sáng, vừa mở toang cánh cửa sổ đón hơi sương tràn về trên đảo, tôi ngó về phía núi chợt thấy thấp thoáng những vành nón lá… Hỏi ra, tôi mới hay họ là những người dân hái cây lá thuốc nam đem về bán cho du khách. Tò mò, tôi ở lại đảo Cù Lao Chàm, xã Tân Hiệp, Hội An thêm mấy ngày để theo chân những người đi hái cây lá thuốc…
1. Người cầm rựa, kẻ vác bao tời vừa thoăn thoắt đôi tay cắt rồi bứt lá, vừa trò chuyện râm ran. Ai cũng mừng vì sau những cơn mưa dông, cây lá tốt tươi, tràn đầy nhựa sống nên giòn, dễ cắt. Bà Sớt, người có thâm niên theo nghề cắt lá ngót nghét đã nửa thế kỷ trên đảo nhiệt thành chào đón tôi bằng câu ca: “Ra Lao, đón Lụi, cho Dài/ chờ cho Khô, Lá xuống Tai đón Nồm”.
Tiếng ngân nga vừa dứt là những tiếng cười vui vẻ, hồn nhiên, hiền lành, phúc hậu của các bạn nghề. Bà Sớt ngồi nghỉ giải lao dưới bao tán cây lá sum sê. Uống ngụm nước lá rừng đong sẵn trong chai nhựa, bà say sưa kể về những ngày đầu di dân ra đảo thời máu lửa đạn bom.
Dulichgo
Vô số mẩu chuyện nhỏ xoay quanh cuộc di dân lịch sử năm Mậu Thân – 1968, khi địch mở hàng loạt cuộc càng quét tấn công, người dân ở Thăng Bình, Duy Xuyên, Điện Bàn, Hội An… lần lượt bắt thuyền ra đảo Cù Lao Chàm lánh nạn. Và cũng từ đó, họ bắt đầu cuộc sống mới, nguyện một lòng gắn bó với tứ bề đại dương xanh và núi rừng bảo bọc.
Ngày ấy, mọi người sống nhờ tôm cá ở biển, riết rồi cũng ngán. Một số bô lão nghĩ đến việc hái rau rừng bổ sung vào bữa ăn. Nhưng rồi lên rừng mới thấy, đâu chỉ có rau, cả trăm thứ cây thuốc quý chữa bách bệnh mọc rải rác khắp nơi trên đồi núi. Họ mời thầy thuốc nam dẫn lên chỉ rõ loại nào chữa bệnh gì, nhà có ai đau thì lên rừng ngay. “Cứ người già chỉ người trẻ, người trẻ chỉ cho người trẻ hơn, thành ra dân đảo ai cũng nhận biết được hàng chục loại cây lá thuốc nam chữa các bệnh thông thường.
Ai sinh ra, lớn lên ở đảo Cù Lao Chàm mà không biết gì về cây lá thuốc trên rừng, chắc chẳng phải là con của đảo!” – bà Sớt nói. Đoạn, khi tôi gợi ý đến ngày hòa bình lập lại, các bà, các mẹ mắt nhìn xa xăm về phía chân trời nào đó dường như chỉ có họ mới thấu hiểu. Ai trong số họ cũng nhớ về quê hương của mình, nhưng không một ai muốn hồi hương. Bởi lẽ, họ coi đảo Cù Lao Chàm như quê hương thứ hai, sẵn lòng dang rộng vòng tay bảo bọc lúc hiểm nguy thời chiến. Tại nơi đây, núi cao đâu chỉ chở che phận người gian khó mà còn gắn bó cùng họ trong công cuộc mưu sinh tìm manh áo, miếng cơm.
Dulichgo
2. Tự bao giờ không ai nhớ rõ, nhưng từ khi người ở đất liền có nhu cầu uống nước cây lá chữa bệnh thì cũng là lúc họ nghĩ ngay đến cây lá trên rừng ở đảo Cù Lao Chàm. Bất kể ra đảo mua bán hay du lịch, ai cũng “tậu” cho mình vài bao lá thuốc nam mang về. Nhu cầu sử dụng cây lá thuốc nam ngày càng nhiều nên người dân trên đảo cũng hình thành nghề hái lá thuốc để bán. Thoạt đầu chỉ có năm, bảy người. Sau này, theo thời gian cứ phát triển dần để rồi hiện nay thôn nào ở trên đảo cũng có vài nhóm người chuyên đi hái lá thuốc.
Bãi Hương và bãi Ông là hai nơi có nhiều người chuyên nghề hái lá thuốc, trong đó có không ít người có thâm niên hái lá thuốc và am hiểu sâu về công dụng của từng loại cây lá thuốc. Cụ Trần Thị Hoa ở bãi Hương, năm nay tròn 85 tuổi mà vẫn còn khỏe mạnh, nhanh nhẹn. Trời mới hanh hao nắng, cụ đã cắt được mấy bao lá tươi, trải bạt, lấy thớt và dao băm cây lá thuốc một cách thành thục, đều tay. Vừa làm cụ vừa móm mém nhai trầu, bảo với con gái: “Con Sau lên núi hái thêm lá ngũ da bì và cỏ xước đem về đây má băm trộn phơi mới đủ vị. Đi lẹ lẹ, chứ mặt trời lên cao, nắng to bây đi không nổi mô!”.
Dulichgo
Cả làng, đâu ai nghĩ cụ Hoa “truyền nghề” cho người con gái bị tật bẩm sinh xưa nay chỉ thuộc đường từ nhà ra ngõ chợ. Tôi khéo léo tìm hiểu, mới hay, trong 4 người con, chỉ có bà Nguyễn Thị Sau gắn bó một đời với núi. Để dạy con cách chọn hái lá thuốc, cụ Hoa dẫn con men theo biết bao con đường lên núi cao, hái từng loại lá rồi chỉ cách nhận biết bằng mắt và ngửi bằng mũi. Sau bao tháng ngày miệt mài nhẫn nại thổi hồn cây lá thuốc nam vào đời con gái, cụ Hoa mỉm cười mãn nguyện. Bởi bà Sau đã nhận biết rõ từng loại cây lá thuốc với công dụng riêng: lá từ bi chữa bệnh phù thận, lá gút chữa bệnh gút, lá dung chữa dạ dày, cỏ xước chữa đau cột sống, dứa núi chữa tiểu đường, trái nhàu chữa đau lưng…
Phận tật nguyền, đi lại khó khăn, ấy nhưng thu nhập từ việc hái lá thuốc trên rừng của bà Sau lại hơn hẳn những người trong làng. Đó là nhờ cách biết phơi lá đủ 5 nắng tốt, lá hái về đảm bảo chất lượng, khi lá phơi khô vẫn không có vệt bầm đen hay nát vụn. Bởi bà Sau có nghị lực vượt khó, vươn lên để nối nghề của mẹ, bởi tính cần cù chịu thương, chịu khó mà các thương lái mua sỉ luôn tìm đến ngõ nhà bà hết ngày này qua tháng khác, bất kể tiết nắng hay mưa cũng đều có đủ lượng cây lá thuốc cung ứng cho thị trường.
3. Hái cây lá thuốc trên rừng, nghe dễ nhưng để theo được đến cùng nghề này phải nếm trải không ít gian truân, vất vả. Bà Trần Thị Nhứt ở thôn Bãi Ông được mọi người biết đến là một phụ nữ giàu nghị lực. Chồng mất sớm, một mình chị xoay xở nuôi cha già bại liệt và 4 đứa con ăn học nên người. Bám đảo đến ngày thứ hai, tôi mới gặp được bà Nhứt ở ngọn núi gần chùa Hải Tạng. Người dân chỉ đường rồi giục tôi cứ leo lên thẳng chừng hai mươi bước chân sẽ có kẻ đón.
Dulichgo
Đúng như vậy, vừa đến dốc núi đã có hai chú chó xuống vẫy đuôi quấn quýt, mừng đón tôi rồi dẫn tiếp đường lên phía trên. Bà Nhứt chào tôi với nụ cười hồn hậu, chìa cho nhúm sim rừng ngọt lịm. Bà Nhứt cho biết: “Ngày nào tôi cũng mang tơi, đội nón đi hái sim một vòng quanh đồi, sau đó mới đi hái lá thuốc. Càng lên cao càng có nhiều lá già, mà ngon. Có hôm tôi ở trên này cả ngày, cơm nắm gói lá chuối mang theo sẵn, cứ rứa ăn no mà làm việc. Chiều tối lại vác lá mang về băm để sẵn cho mấy đứa con ở nhà phơi rồi bán!”.
Cũng như bao nghề khác, nghề lên rừng hái lá thuốc gặp lắm rủi ro, hiểm nguy. Khi thì gặp rắn độc cắn, lúc lại bị ong chích sưng phù cả người. Nhờ sống lâu năm trên đảo, hiểu biết tường tận cách sơ cứu vết thương bằng cây lá thuốc trên rừng mà những người dân hành nghề hái lá thuốc vẫn bình yên sau những rủi ro.
Dulichgo
Ông Trần Mưa ở thôn Bãi Ông làm nghề đánh bắt cá, dăm ba hôm ông lại cùng vợ đi hái cây lá thuốc trên núi cao. Từng bị ong vò vẽ chích đốt nên trên người ông đầy những vết rỗ sẹo. Ông vừa kể về hành trình mưu sinh nơi rừng núi, vừa đưa cho tôi xem những dấu vết do ong chích đốt, cười bảo: “Hương rừng chính hiệu đây chứ đâu!”. Còn vợ ông, bà Phạm Thị Minh, phân loại lá đã phơi khô gói kỹ một lớp bì giấy, sau đó mới bọc bao tời cột lại cho thương lái đến chở đi với giá 50 – 100 ngàn đồng/bao, mắt ánh lên niềm vui có được khoản tiền mà hương rừng mang lại.
Trời tháng 10, chợt nắng chợt mưa. Vì thế, nhà nào cũng tranh thủ trút cây lá thuốc ra phơi lại dăm ba nắng để dành. Đó cũng là lúc rừng ngơi nghỉ tiếng chân người ít xào xạc nơi triền núi. Đâu đó, những mầm xanh lại bắt đầu nhú lên.
Theo Như Trang (Báo Quảng Nam)
Người Miền Trung !
DienDan.Edu.Vn Cám ơn bạn đã quan tâm và rất vui vì bài viết đã đem lại thông tin hữu ích cho bạn.DienDan.Edu.Vn! là một website với tiêu chí chia sẻ thông tin,... Bạn có thể nhận xét, bổ sung hay yêu cầu hướng dẫn liên quan đến bài viết. Vậy nên đề nghị các bạn cũng không quảng cáo trong comment này ngoại trừ trong chính phần tên của bạn.Cám ơn.