(TTH) – Buổi sáng cuối năm, từ Huế chúng tôi đến Xuân Lộc theo con đường từ ngã ba La Sơn lên. Ở đó có 4 chiếc xe máy của mấy anh bạn ở địa phương đợi sẵn. Sau cái bắt tay thật chặt, một anh trong đoàn xởi lởi, mời lên xe, lại nhắc giữ thật kỹ nhé, chỗ nào khó thì phiền ta “nhảy xuống” đi bộ. Hành trình tìm lên địa đạo Xuân Lộc của chúng tôi bắt đầu như thế, theo đúng phong cách… phượt.
Thời điểm này là mùa mưa. Ngay cả đêm trước tại đây có một trận mưa lớn. Mưa làm trơn trợt và nhiều chỗ ngập nước nên đi lại rất nguy hiểm… Từ Tỉnh lộ 14B, chúng tôi rẽ vào con đường đi ngang qua bản Phúc Lộc, nay đã thảm nhựa. Dừng lại ở vị trí cách Tỉnh lộ 14B chừng 4 cây số, chúng tôi đi theo hướng tây và bắt đầu hành trình leo đồi và vượt dốc. Tôi ngồi sau xe máy mà cứ có cảm giác bị hất tung bất kỳ khi mô. Núi đồi hoang vu ngày nào đã nhường chỗ cho những rừng keo bạt ngàn nhưng đường đi thì vẫn cứ như xưa, còn lắm những ghập ghềnh.
Cuối cùng, không quá khó để tìm kiếm, cửa số 1 ở hướng đông của địa đạo nằm ở gần một đỉnh đồi, cũng đã xuất hiện trước mắt chúng tôi. Có điều, không như chúng tôi tưởng tượng về một di tích lịch sử cách mạng đã được công nhận, khó có thể nhận ra địa đạo Xuân Lộc khiêm nhường và hoang sơ, nằm lẩn khuất giữa một rừng keo bạt ngàn. Cửa phía đông là một trong 2 cửa của địa đạo nằm ở địa phận bản Phúc Lộc, xã Xuân Lộc (huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên – Huế). Địa đạo còn một cửa nữa ở phía tây, thông ra nguồn Tả Trạch.
Dulichgo
Ngược dòng lịch sử, cuối năm 1974, chiến dịch La Sơn – Mỏ Tàu được mở ra. Được giao nhiệm vụ là Sư đoàn 324 và để phục vụ cho chiến dịch, đơn vị đã nhanh chóng tiến hành đào một địa đạo ở trên một quả đồi có độ cao 186,7 m so với mặt nước biển, thuộc bản Phúc Lộc, xã Xuân Lộc, huyện Phú Lộc. Với tinh thần khẩn trương và thần tốc, địa đạo đã nhanh chóng được hoàn thành, góp phần vào thành công của chiến dịch, không chỉ làm phá sản kế hoạch bình định, lấn chiếm vùng căn cứ cách mạng ở phía nam của chính quyền Sài Gòn mà còn cắt đứt tuyến đường bộ Huế đi Đà Nẵng trong tổng tiến công và nổi dậy xuân 1975.
Cửa số 1 có miệng cửa hình vòm, không quá cao (khoảng 1,5 m) và khá hẹp (rộng 1,1 m). Nối liền với cửa này là hệ thống giao thông hào. Với ánh sáng phát ra từ những chiếc điện thoại di động, chúng tôi bắt đầu hành trình khám phá địa đạo. Đã là mùa mưa nhưng bên trong vẫn không quá ẩm ướt. Chúng tôi phát hiện rất nhiều ếch nhái nhảy bò lổm ngổm. Ai cũng sợ bất ngờ xuất hiện những chú rắn thì đúng là nguy hiểm khi mà ở đoạn giao thông hào này rộng không quá 1m và chỉ cao chừng 0,9m.
Dulichgo
Vào sâu bên trong cửa số 1, chúng tôi phát hiện có nhiều hầm ếch được bố trí hai bên. Đây có thể là nơi nghỉ ngơi và có thể cũng là nơi để các quân trang, quân dụng của các chiến sĩ mỗi khi ra vào địa đạo. Mò mẫm chừng 50m, chúng tôi không thể đi được nữa vì sụt lở đất và cũng không còn dám mạo hiểm. Thế nhưng, chúng tôi được các anh dẫn đường cho biết, tiếp tục đi sâu vào địa đạo chừng 60m, ta sẽ bắt gặp một ngã ba chia làm 2 ngã rẽ. Một nhánh phụ rẽ về hướng tây – nam dài 20m và không có cửa thông ra ngoài. Đây là nơi diễn ra các cuộc họp quan trọng, chỉ đạo tác chiến; đồng thời, cũng là kho quân lương phục vụ cho chiến dịch. Từ ngã ba này, chúng ta đi theo hướng tây chừng 20m thì thông ra cửa số 2.
Cửa số 1 địa đạo còn nối liền với đường đi lên đỉnh đồi, nơi bộ đội ta xây dựng trận địa pháo chuẩn bị cho chiến dịch K18. Còn cửa số 2 nằm ở hướng tây, miệng cửa cũng có hình vòm. Điểm đặc biệt là cửa số 2 nằm giữa một khe nước chảy từ đỉnh núi xuống. Hiện nay, qua thời gian và mưa nắng dập vùi, kiến tạo địa chất, đất sụt lở đã làm lòng địa đạo ở cửa số 2 vùi lấp một đoạn dài, miệng cửa cũng đang bị sụt lở nghiêm trọng. Nhìn chung, do kiến tạo địa chất chủ yếu là đá non nên việc đào địa đạo không quá khó khăn. Đáng nói là vấn đề bảo đảm bí mật. Chúng tôi được nghe kể, quá trình đào địa đạo từ tây sang đông, đất, đá đào đến đâu đều được các chiến sĩ ta đưa ra phía sau đổ xuống khe nước. Chúng ta đã lợi dụng dòng nước chảy để xóa dấu vết…
Dulichgo
45 năm trước, còn ấu thơ ở Thủy Phương (Hương Thủy), tôi vẫn thường nghe tiếng súng nổ dữ dội từ hướng La Sơn – Mỏ Tàu và tận mắt chứng kiến nỗi sợ hãi của những người lính Việt Nam cộng hòa khi nhắc đến những địa danh này. Đặt chân đến La Sơn và lên tận địa đạo Xuân Lộc mới thấy sự can trường và anh dũng của bộ đội ta năm nào. Bên ni có địa đạo Xuân Lộc nằm ở đồi cao, bên tê là căn cứ Nguyễn Trãi của địch, nhìn sang có thể thấy rõ bóng hình từng người một và không xa là dòng Tả Trạch. Khó có thể tránh khỏi sự phát hiện của địch từ máy bay(!). Thế nhưng, bộ đội ta đã tồn tại, đứng vững và chiến thắng.
Vừa tròn 36 năm sau ngày giải phóng, theo Quyết định số 656/QĐ – QĐ của UBND tỉnh ngày 21/3/2011, địa đạo Xuân Lộc được công nhận là di tích lịch sử cách mạng cấp tỉnh. Người ta đã nói nhiều đến ý nghĩa lớn lao trong việc giáo dục giáo dục truyền thống yêu nước cho các thế hệ trẻ hôm nay và mai sau cùng những kế hoạch biến địa đạo Xuân Lộc thành điểm đến du lịch khám phá lịch sử. Thế nhưng có dịp đặt chân lên địa đạo, với tôi vẫn có một cảm giác chờ đợi và dang dở…
Theo Đan Duy (Báo Thừa Thiên Huế)
Người Miền Trung
DienDan.Edu.Vn Cám ơn bạn đã quan tâm và rất vui vì bài viết đã đem lại thông tin hữu ích cho bạn.DienDan.Edu.Vn! là một website với tiêu chí chia sẻ thông tin,... Bạn có thể nhận xét, bổ sung hay yêu cầu hướng dẫn liên quan đến bài viết. Vậy nên đề nghị các bạn cũng không quảng cáo trong comment này ngoại trừ trong chính phần tên của bạn.Cám ơn.