(BTQ) – Phượt được đón chào bởi những bạn trẻ có khát khao chinh phục thử thách, đi nhiều nơi và khám phá những điều mới lạ. Những chuyến đi tự do, tràn đầy màu sắc luôn đem đến cho giới trẻ niềm hứng khởi và say mê. Tuy nhiên, khái niệm “phượt” vẫn được dùng phổ biến nhất dành cho dân đi du lịch bụi bằng xe máy.
Không muốn thu mình sau cửa kính ô tô ngồi tán chuyện hoặc ngủ trên xe, anh Nguyễn Xuân Trường, 27 tuổi, ở phường Tân Hà (TP Tuyên Quang) đã chọn xe máy cho mỗi chuyến đi phượt của mình cùng nhóm bạn. Trường tâm sự, cái hay của đi phượt bằng xe máy là khi nhìn thấy cảnh đẹp nào dân phượt có thể tự do dừng lại ngắm nhìn, chụp ảnh.
Thậm chí, khi thấy địa điểm thích hợp đoàn còn dừng lại dựng lều, chuẩn bị đồ ăn và ngủ qua đêm ngay ven đường. Hơn nữa, đi xe máy cũng giúp Trường cảm thấy gần gũi hơn với cảnh vật, với người dân trên mảnh đất mình đi qua.
Anh Nguyễn Cảnh Châu, sinh năm 1981 ở tổ dân phố An Kỳ, thị trấn Sơn Dương (Sơn Dương) đã đi phượt đến gần hết các tỉnh, thành phố trong nước. Không chọn những cung đường đơn giản với quốc lộ thẳng băng, anh và các thành viên trong nhóm phượt thường chọn điểm đến là những bản làng xa xôi như: Hoàng Su Phì, Lũng Cú (Hà Giang), Mù Cang Chải (Yên Bái)…
Dulichgo
Nơi đẹp nhất anh từng đi đó là dãy núi Tà Xùa, xã Bản Công, huyện Trạm Tấu (Yên Bái) với cái tên “sống lưng khủng long”. Cung đường này hội tụ đủ mọi cung bậc cảm xúc với những con dốc cao, địa hình hiểm trở, rừng nguyên sinh, phong cảnh đẹp… Năm 2012, anh đã đi 17 ngày liên tiếp vượt qua chặng đường dài 3.700 km để đến với Cà Mau. Anh rất ấn tượng với cảnh vật, con người và sự mến khách của người dân miền Tây.
Trong quá trình đi phượt, những sự cố như đường trơn ngã xe, thủng săm, hỏng xe, chết máy đột ngột trên đỉnh đèo là chuyện thường gặp. Do đó, trước mỗi chuyến đi, dân phượt cần bảo dưỡng xe và chuẩn bị đầy đủ các vật dụng cần thiết như: Dụng cụ y tế, sửa xe, bản đồ, đồ ăn, lều, tiền. Mọi người còn tham khảo các bài viết, kinh nghiệm đi phượt thực tế của người đi trước.
Dulichgo
Không chỉ chọn đi phượt ở các tỉnh, thành phố trong cả nước, nhiều bạn trẻ đã chọn các huyện vùng cao của tỉnh như: Na Hang, Lâm Bình… là điểm đến lý tưởng để khám phá và thỏa trí tò mò. Em Trần Hoa Lý ở phường Phan Thiết (TP Tuyên Quang) hiện là sinh viên năm thứ 3, trường Đại học Lao động – Xã hội Hà Nội chia sẻ, em rất thích khám phá cảnh đẹp của huyện Na Hang, Lâm Bình bởi với phong cảnh thiên nhiên hoang sơ, đầy thơ mộng, đây là điểm đến khá hấp dẫn. Không chỉ được trải nghiệm những cung đường uốn lượn trên chiếc xe máy, mỗi chuyến đi đoàn chúng em lại lựa chọn những điểm đến mới. Khi thì ngao du cảnh sông nước trên Hồ sinh thái Na Hang, khi lại khám phá khu rừng nguyên sinh Phiêng Bung, Thác Mơ…
Dulichgo
Bên cạnh việc chuẩn bị những đồ dùng thiết yếu cho hành trình, trước mỗi chuyến đi em và các thành viên còn kêu gọi mọi người ủng hộ, quyên góp tiền, quần áo, chăn hay những thứ còn mới mà không dùng đến để tặng cho những người dân khó khăn nơi đoàn sẽ đến. Những việc làm tuy nhỏ nhưng chứa đựng bao tình cảm, sự sẻ chia của mọi người đã mang đến niềm vui cho người dân vùng cao và trở thành kỷ niệm đáng nhớ, giúp chuyến đi của đoàn trở nên ý nghĩa hơn.
Những chuyến đi phượt trèo đèo vượt suối, đôi khi phải “ăn bờ, ngủ bụi” trong mắt nhiều người chẳng khác nào “hành xác”, nhưng với dân phượt, đó lại là cơ hội để thử thách và rèn luyện bản thân. Đó cũng chính là những kỷ niệm ghi dấu 1 thời tuổi trẻ đầy nhiệt huyết, đam mê của mỗi người.
Theo Trần Liên (Báo Tuyên Quang)
Người Miền Trung !
DienDan.Edu.Vn Cám ơn bạn đã quan tâm và rất vui vì bài viết đã đem lại thông tin hữu ích cho bạn.DienDan.Edu.Vn! là một website với tiêu chí chia sẻ thông tin,... Bạn có thể nhận xét, bổ sung hay yêu cầu hướng dẫn liên quan đến bài viết. Vậy nên đề nghị các bạn cũng không quảng cáo trong comment này ngoại trừ trong chính phần tên của bạn.Cám ơn.