(QTTV) – Núi rừng Trường Sơn nơi miền Tây Quảng Trị, từ Vĩnh Linh, Gio Linh, Cam Lộ ngược lên Hướng Hóa, Đakrông rồi xuôi về Triệu Phong, Hải Lăng, những dãy núi điệp trùng, những ngọn thác như từ trên trời đổ xuống, những khói sương giăng mắc luôn có sức cuốn hút mãnh liệt đến kỳ lạ với những ai thích khám phá và thưởng ngoạn cảnh đẹp của núi non quê nhà.
Nhưng vì địa thế hiểm trở, đường đi gian nan, mạo hiểm nên có nhiều ngọn núi, nhiều con thác rất ít khi lưu dấu chân người, thậm chí dù chỉ mới nghe đồng bào Vân Kiều, Pa Kô nhắc tên nhưng đã khiến bao người cảm thấy mỏi gối chồn chân. Đối với chúng tôi thác Ba Vòi là một trong những địa danh như vậy.
Khám phá thác Ba Vòi không thể không nhắc đến núi Voi Mẹp, vì khởi nguồn của thác Ba Vòi chính từ trên đỉnh Voi Mẹp chót vót giữa trùng mây.
Dulichgo
Đỉnh núi Voi Mẹp thuộc về xã Hướng Linh và Hướng Sơn, huyện Hướng Hóa. Ngọn núi mà theo như truyền thuyết vua Hàm Nghi trên đường từ thành Tân Sở, Cam Lộ ra vùng đất Tuyên Hóa, Quảng Bình đã từng đi qua, cũng vì thế mà người Vân Kiều còn gọi là núi Vua.
Cách đây vài năm chúng tôi đã từng có chuyến đi lên đỉnh Voi Mẹp đầy thử thách, mọi người phải cắt rừng mà đi, phải men theo vách núi chênh vênh thường xuyên bị sương mù che lối, phải nghỉ qua đêm co ro trên phiến đá dưới cơn mưa rừng tầm tả và rồi phải đi ngược suối để lên đỉnh núi với cảm giác như đang đi trên chiếc thang bắc ngược lên phía trời. Từ trên đỉnh Voi Mẹp hướng mắt về phía quê xa khuâng khuâng chợt nhớ câu ca người mẹ quê thường hay hát ru đàn em ngày thơ dại.
“Núi cao chi lắm núi ơi,
Núi che mặt trời chẳng thấy người thương”.
Núi Voi Mẹp cao hơn 1700 mét so với mực nước biển là ngọn núi cao nhất trong số tất cả những ngọn núi trên dãy Trường Sơn chạy qua miền tây Quảng Trị. Dưới chân Voi Mẹp, ở bình độ khoảng 1000 mét so với mực nước biển là con đường Bắc Sơn từng in dấu chân của bao người lính trên đường Nam tiến và đặc biệt có ngọn thác Ba Vòi đẹp nổi tiếng tung bọt trắng xóa cùng thời gian. Giữa bồng bềnh mây trắng, có người bảo ước gì được sống mãi giữa chốn non xanh, còn chúng tôi chỉ mong sao một lần được diện kiến ngọn thác Ba Vòi trên cung đường Bắc Sơn hiểm trở.
Dulichgo
Khao khát được chiêm ngưỡng vẽ đẹp hùng vĩ của thác Ba Vòi đã thôi thúc chúng tôi quyết tâm lên đường. Chuyến đi lần này của chúng tôi cùng với những người bạn Pa Kô, Vân Kiều từ Hướng Hóa và Đakrông còn có anh Lê Tiến Sỹ, một thành viên đã có mặt trong chuyến đi lên đỉnh Voi Mẹp lần trước.
Muốn đến được thác Ba Vòi, từ bản bản Đá Ngồi, tiếng Vân Kiều gọi là bản Tà Cu thuộc xã Hướng Hiệp, huyện ĐaKrông phải đi về phía tây. Đường đi ngược theo dòng suối Giàng Thoan cũng là con đường đi nương đi rẫy của đồng bào, cùng góp bước chân trên con đường này thi thoảng chỉ có những người lính đi tìm đồng đội và những người dân đi rà tìm phế liệu chiến tranh.
Sau hơn nửa ngày đường cuối cùng chúng tôi cũng đặt chân đến khu rừng dưới chân thác Ba Vòi. Thủ tục đầu tiên của người Vân Kiều dẫn đường là làm lễ cúng xin phép thần núi cho phép mọi người được đi thăm 3 ngọn thác. Lễ vật không cầu kỳ nhưng nhất thiết phải có 1 con gà, một ly rượu và một ít hạt gạo.
Thứ tự từ thấp lên cao là tầng thấp nhất của thác Ba Vòi, trải qua thời gian có lẽ cả ngàn năm trước, dòng nước từ trên cao đổ xuống không ngơi nghỉ đã tạo thành một hồ nước ngay dưới chân thác. Nước ở đây trong xanh và mát lạnh dù trời đang mùa hạ nắng như đổ lửa. Xung quanh ngọn thác là vách đá chênh vênh với những thảm rêu như nhuốm màu thời gian, thi thoảng đâu đó xuất hiện dăm ba cánh hoa e ấp từ trong kẻ đá. Trời về chiều nên mọi người quay về trại để hôm sau tiếp tục leo lên tầng thứ 2 và thứ 3 của thác Ba Vòi.
Dulichgo
Tầng thứ hai của thác Ba Vòi ngắn hơn so với tầng thứ ba, dưới chân thác cũng có một hồ nước nhưng nhỏ hơn, nghĩa là dòng nước sẽ lưu lại ở đâu không lâu trước lúc đổ xuống ngọn thác thứ ba phía dưới kia. Đứng dưới chân thác thứ hai nghĩa là phía trên đỉnh của ngọn thác thứ ba cảm giác thật chênh vênh. Dòng nước không chỉ bào mòn những phiến đá lớn như những ngôi nhà, mà còn kiến tạo nên những hang sâu, những hình hài kỳ dị và những lối đi đầy cạm bẫy, vì lối đi rêu phong nên rất dễ bị trượt chân nếu không cẩn thận.
Mục đích lớn nhất của chuyến đi là được tận mắt nhìn thấy thác Ba Vòi, vì thế mọi người nhanh chóng tìm đường đến ngọn thác thứ ba, tức là ngọn thác cao nhất. Thật đúng như tên gọi thác Ba Vòi! Tầng thác thứ ba có ba dòng nước từ độ cao hàng trăm mét đổ xuống trắng xóa cả vách núi, tiếng nước ầm ào, réo rắt vang xa hàng cây số và cùng với tiếng lá cây xào xạc, tiếng chim rừng thánh thót đã tạo nên một bản nhạc thiên nhiên thật nhiều cung bậc.
Mặc dù dòng nước với sức mạnh làm xói mòn cả đá núi, song cũng thật kỳ diệu, chẳng biết bằng cách nào mà những cây cỏ mỏng manh vẫn bám rễ vào vách đá để sống nương theo dòng nước. Mà không chỉ có vài gốc cỏ đơn lẻ, ngay phía sau thác nước là cả một thảm cỏ như một bức rèm ẩn hiện. Nhìn thảm có thật dịu dàng, chúng tôi lại nghĩ vẫn vơ, có lẽ loài cỏ này suốt đời sống chung với nước, không bị thiếu nước nên sẽ chẳng bao giờ biết đến cái cảm giác bị khô hạn, bị ánh nắng mùa hạ thiêu đốt đến vàng võ, xác xơ.
Hồ nước dưới chân thác không sâu nhưng lại khá lớn, xung quanh chân thác là những phiến đá bị thời gian và mưa gió làm cho sạt lỡ từ trên cao rơi xuống chồng lên nhau. Thảm thực vật ở đây chủ yếu vẫn là hoa dại thân mềm mọc trên vách đá, nghe nói loài hoa này vẫn thường xuyên khoe sắc suốt cả bốn mùa.
Dulichgo
Là dịp hiếm trong đời khi được đến với thác Ba Vòi, có lẽ vì vậy mà nhiều người tranh thủ hòa mình vào dòng nước để được cảm nhận cho thật trọn vẹn sự trong lành và tinh khiết của ngọn thác từ bình độ cả ngàn mét so với đại dương. Đứng trước vẽ đẹp mê hoặc mà kỳ vĩ, hoang sơ, anh Lê Tiến Sỹ, một người bạn của chúng tôi đã có không ít chuyến đi rừng đầy thử thách, và đã may mắn được thưởng lãm nhiều danh sơn của núi rừng Quảng Trị, vậy mà vẫn không khỏi ngỡ ngàng trước thác Ba Vòi.
Ngay như những người bạn Vân Kiều, Pa Kô đến từ phía Nam của huyện Hướng Hóa, vốn là những người con của núi rừng nên lẽ thường đã quá quen với phong cảnh núi cao, suối sâu, nhưng với chuyến đi lần này các anh các chị vẫn cảm thấy thật hạnh phúc và may mắn.
Núi Vọi Mẹp ví như nóc nhà của Quảng Trị trên đỉnh Trường Sơn, có lẽ không còn quá xa lạ với nhiều người quan tâm và yêu mến cảnh đẹp của quê hương. Nhưng để đến được đỉnh Voi Mẹp ngoài yếu tố về sức khỏe thì quan trọng hơn nhiều là khát vọng được khám phá, là mong muốn được trải nghiệm thực tế về chuyện đi rừng, vì quá trình leo núi, vượt thác đòi hỏi con người không chỉ kiên trì, nhẫn nại, mà còn phải vượt lên giới hạn chịu đựng của bản thân và sẵng sàng chia sẻ gian khổ cùng bạn đồng hành.
Dulichgo
Với thác Ba Vòi trên cung đường Bắc Sơn, tiếng thác nước trầm hùng ngày đêm dội vào vách núi tưởng như vẫn còn vang vọng mãi khúc quân hành của bao người lính trẻ vượt Trường Sơn một thủa. Đường đi tuy không quá gian nan, nhưng vì ngọn thác đổ xuống từ dãy núi Voi Mẹp và nằm sâu giữa bốn bề vách đá dựng đứng giữa mênh mông rừng già, có lẽ vì vậy mà thác Ba Vòi, một cảnh đẹp thiên nhiên kỳ thú của Quảng Trị nhưng đến nay vẫn còn ít người biết đến. Qua chuyến đi của mình, chúng tôi hy vọng sẽ có thêm nhiều người bỏ chút thời gian để cùng chiêm ngưỡng và khám phá vẽ đẹp vẫn còn tiềm ẩn của núi non quê nhà giữa đại ngàn xanh thẳm. Chúng tôi cũng cầu mong sao cho những cánh rừng nơi miền tây Quảng Trị sẽ mãi xanh tươi và dòng nước trong lành kia sẽ còn chảy mãi với dòng thời gian./.
Theo Phan Tân Lâm (Tin Tức.vn)
DienDan.Edu.Vn Cám ơn bạn đã quan tâm và rất vui vì bài viết đã đem lại thông tin hữu ích cho bạn.DienDan.Edu.Vn! là một website với tiêu chí chia sẻ thông tin,... Bạn có thể nhận xét, bổ sung hay yêu cầu hướng dẫn liên quan đến bài viết. Vậy nên đề nghị các bạn cũng không quảng cáo trong comment này ngoại trừ trong chính phần tên của bạn.Cám ơn.