(BCB) – Trước đây nhắc đến Bảo Lạc, miền biên viễn phía Tây của Cao Bằng là nhắc đến sự xa xôi, cách trở chứa đầy những “huyền tích” kỳ bí. Nhưng giờ đây, Bảo Lạc trở nên gần gũi, đầy sự mê hoặc, mời gọi du khách gần xa đến khám phá về con người và vùng đất mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc.
Có lẽ khó ai ngờ, một cung đường Bảo Lạc trong ký ức của nhiều thế hệ còn lưu giữ hình ảnh về mảnh đất khắc nghiệt với địa hình phức tạp, hiểm trở, bị chia cắt mạnh bởi hệ thống núi cao kéo dài, có độ dốc lớn. Mùa đông rét buốt, băng giá; mùa hè thì nắng cháy bỏng, mưa lũ gây sạt lở đường có thể bị cô lập với huyện cả tuần. Phương tiện đi lại khó khăn, từ Thị trấn muốn đến trung tâm các xã phải đi cả ngày trời…
Nói đến Bảo Lạc với điều kiện hạ tầng cơ sở, cuộc sống vùng cao khiến ai có dịp đến hay công tác, sinh sống tại đây không khỏi chờn lòng. Bởi vậy dân gian lưu truyền câu nói: “Xa Yên Thổ, khổ Đức Hạnh, lạnh Đồng Mu, sương mù Lũng Pán”.
Dulichgo
Bảo Lạc bây giờ đã khác. Cách Thành phố hơn 130 km, với thời gian đi ô tô khoảng 4 giờ là đến Thị trấn huyện Bảo Lạc. Xe bon bon chạy trên quốc lộ 34 được cải tạo, nâng cấp đến Bảo Lạc tạo một trải nghiệm thú vị.
Qua huyện Nguyên Bình đến xã Đình Phùng thuộc địa phận Bảo Lạc, không gian mở ra với những thung lũng thoai thoải chạy dọc theo tuyến đường chính. Màu xanh của núi đồi ngút tầm mắt, xen giữa những rừng trúc đang mùa thu hoạch.
Những chòm xóm với mái ngói rêu phong của nhà sàn cổ nằm giữa từng khoảng ruộng bậc thang ở triền đồi thoải tạo cảm giác thanh bình. Trên những vạt đồi dốc phủ xanh bởi nương lúa, ngô của người dân tộc Lô Lô, Sán Chỉ, Mông… Trước đây, người dân có tập quán canh tác du canh du cư, nhưng giờ đây đã định canh định cư trên chính mảnh đất của mình.
Bảo Lạc đẹp nhưng cũng đầy huyền bí. Đến địa phận xã Hưng Đạo, cảm giác bình yên bị phá vỡ bởi con đường độc đạo chạy ngoằn ngoèo theo bờ sông Neo. Bảo Lạc có nhiều sông và suối nhỏ, chủ yếu tập trung ở vùng lòng máng với hai bên sườn núi vách đá dựng đứng.
Dulichgo
Sông Neo bắt nguồn từ vùng núi Phja Oắc chảy theo hướng Đông Bắc qua Đình Phùng, Huy Giáp, chảy xuống Nà Tồng – Hưng Đạo về Hồng Trị rồi đổ vào sông Gâm tại Thị trấn huyện Bảo Lạc. Sông Gâm là dòng sông lớn nhất huyện Bảo Lạc, bắt nguồn từ vùng núi cao gần 2.000 m thuộc địa phận Khu tự trị dân tộc Choang Quảng Tây (Trung Quốc).
Lòng sông Gâm rộng và sâu, độ dốc lớn, tốc độ dòng chảy và lưu lượng nước lớn. Chính hệ thống sông, suối nhiều nên Bảo Lạc có giá trị tiềm năng về thủy điện, thủy lợi. Sông Gâm có nhiều loài cá ngon và quý hiếm mà nhân dân thường gọi “ngũ quý hà thủy”, gồm: cá anh vũ (cá mõm lợn), cá lăng, cá bống, cá dầm xanh; đặc biệt là cá chiên – loài cá nằm trong Sách đỏ. Theo các cụ cao niên kể lại, cá chiên là loài hung dữ, thường sống ở vùng nước chảy xiết, đằm mình trong những hang ngầm dưới đáy các khúc sông lớn. Thịt cá chiên rất thơm ngọt, vàng ươm như ướp nghệ, thân không có xương dăm. Loài cá này nổi tiếng với bộ lòng to, dày như dạ dày lợn, là món đặc sản mà nhiều người mong được nếm thử một lần.
Đồi Chẻ Ròn là nơi giao nhau của sông Neo, sông Gâm, tạo ngã ba sông và ôm lấy Thị trấn. Thế sông đắc địa, thế núi trập trùng, cảnh sắc thiên nhiên sơn thủy hữu tình. Thị trấn nằm trong thung lũng nhỏ, và trung tâm là chợ huyện.
Dulichgo
Cứ năm ngày một phiên, chợ Bảo Lạc diễn ra vào ngày 5, ngày 10 âm lịch hằng tháng. Ngày áp phiên, ngay từ buổi chiều, trên các đường mòn vách núi, nhiều tốp người Mông, Lô Lô, Sán Chỉ trong trang phục dân tộc hối hả xuống chợ, họ mang theo đặc sản từ rừng xuống chợ bán.
Đêm tối trời hay mùa trăng sáng, đình chợ đều nhộn nhịp. Những khúc hát giao duyên giữa đôi trai gái, những điệu khèn dìu dặt trong đêm gợi bao thương nhớ…, tiếng rì rầm tâm sự xen trong tiếng nước sông Gâm chảy. Bây giờ chợ phiên Bảo Lạc đã khác hơn nhưng không vì thế mất đi nét đặc sắc của một phiên chợ vùng cao.
Dulichgo
Là chợ đầu mối khu vực miền Tây của tỉnh, chợ phiên vùng cao Bảo Lạc có sức hấp dẫn riêng. Hằng năm vào ngày 30 tháng 3 và ngày 15 tháng 8 âm lịch có hai phiên chợ hội (Háng Toán) giống như “Chợ tình” ở Khau Vai (Mèo Vạc, Hà Giang).
Bảo Lạc đậm dấu ấn với văn hóa ẩm thực đặc sắc. Tập trung đông đúc nhất ở phiên chợ đó là các hàng phở, bún. Phở ở đây được người dân Thị trấn tự tráng bánh bằng bột gạo nguyên chất, sau đó cắt thành sợi phơi khô để đến phiên chợ mang ra dùng. Nước canh chan phở ngọt bởi được ninh từ xương ống của lợn. Bưng bát phở thật đầy với những miếng thịt lợn quay vàng rộm, nghi ngút hương vị hành khiến thực khách chưa ăn đã ứa nước miếng. Ngoài các món thịt lợn hun khói, thịt bò khô, Bảo Lạc còn nổi tiếng món thịt chua. Thịt được ướp gia vị, ủ trong chum và được làm chín bằng cách lên men. Khi thưởng thức các loại đặc sản này, mỗi khách phương xa như thấm thêm tình và đất nơi đây.
Đến với Bảo Lạc là đến với nền văn hóa đặc sắc và đa dạng. Huyện có 7 dân tộc có hình thái cư trú, sinh hoạt, lao động sản xuất, phong tục tập quán mang đậm nét văn hóa độc đáo riêng. Đồng bào Tày, Nùng sống ở vùng thấp, dọc sông, suối và thung lũng. Đồng bào dân tộc Dao, Sán Chỉ, Lô Lô sống lưng chừng núi và đồng bào dân tộc Mông sinh sống ở vùng núi cao. Tuy địa bàn sinh sống khác nhau, nhưng đồng bào các dân tộc huyện Bảo Lạc luôn có tinh thần cố kết cộng đồng, giúp đỡ nhau trong cuộc sống, lao động, sản xuất. Ai từng đến mảnh đất này khi được thưởng thức những bài hát then, câu hát lượn, hay làn điệu dân ca, dân vũ đầy mời gọi sẽ không bao giờ quên.
Dulichgo
Bảo Lạc không còn xa xôi nữa, các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước đã làm huyện vùng cao đổi thay. Dải biên giới của Bảo Lạc từ các xã Cốc Pàng, Thượng Hà, Cô Ba đến Khánh Xuân, Xuân Trường đã có sự chuyển biến đậm nét. Các tuyến giao thông đến những vùng khó khăn tiếp tục được đầu tư xây dựng. Trong năm 2016, huyện mở mới 39 km giao thông nông thôn; duy tu, bảo dưỡng 234 km đường huyện, xã. Hạ tầng cơ sở được quan tâm đầu tư, 17/17 xã có điện với 57% số hộ được sử dụng điện. Các tiềm năng, thế mạnh của địa phương từng bước được khai thác hiệu quả.
Đến nay, sản xuất nông, lâm nghiệp của huyện ổn định, diện tích gieo trồng hằng năm từ 2.700 – 2.800 ha, sản lượng lương thực có hạt đạt trên 22.200 tấn. Huyện chủ động tuyên truyền, vận động và hỗ trợ người dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, đưa khoa học kỹ thuật vào sản xuất.
Thông qua Dự án Phát triển đàn bò và lồng ghép một số chương trình, dự án khác, đến nay tổng đàn gia súc trên 31.000 con, đàn lợn hơn 55.000… Thu nhập bình quân đầu người đạt 16,6 triệu đồng. Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” tạo chuyển biến tích cực, các thiết chế văn hóa, an sinh xã hội được bảo đảm; quốc phòng, an ninh được giữ vững.
Dulichgo
Đến Bảo Lạc, chúng ta không chỉ được khám phá cảnh quan thiên nhiên hùng vĩ, bản sắc văn hóa dân tộc mà còn tìm hiểu những địa danh đậm dấu ấn lịch sử của mảnh đất biên cương. Hiện nay, huyện có 1 di tích lịch sử cách mạng được xếp hạng cấp Quốc gia, 3 di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh. Trên địa bàn huyện hiện có điểm du lịch cộng đồng là xóm dân tộc Lô Lô đen Khuổi Khon, xã Kim Cúc; khu du lịch mạo hiểm xuyên quốc gia “Khe Hổ Nhảy”…
Bảo Lạc kỳ vĩ mà bình yên, miền biên viễn này luôn cuốn hút, mời gọi mọi người đến khám phá về sắc màu thiên nhiên, con người và bề dày văn hóa nơi đây.
Theo Tiến Quyết (Báo Cao Bằng)
Người Miền Trung !
DienDan.Edu.Vn Cám ơn bạn đã quan tâm và rất vui vì bài viết đã đem lại thông tin hữu ích cho bạn.DienDan.Edu.Vn! là một website với tiêu chí chia sẻ thông tin,... Bạn có thể nhận xét, bổ sung hay yêu cầu hướng dẫn liên quan đến bài viết. Vậy nên đề nghị các bạn cũng không quảng cáo trong comment này ngoại trừ trong chính phần tên của bạn.Cám ơn.