RaoVat24h
Cẩm nang du lịch Du lịch Địa danh

Lạc vào “cõi mơ” Y Tý

Advertisement

(BPL) – “Khi nào trời chuyển gió mùa/ Thì lên Y Tý, Tà Xùa săn mây…” Thời điểm này trời cũng đang chuyển gió mùa, đưa Y Tý vào mùa du lịch. Nằm ở phía Tây của huyện Bát Xát (tỉnh Lào Cai), Y Tý ở trên vùng núi cao 2000m. Đây là một trong 10 địa điểm “săn mây” nổi tiếng nhất của giới du lịch xuyên Việt.

Chuyến xe độc nhất vô nhị trong ngày

Khi liên lạc với cán bộ Đồn Biên phòng Y Tý, tôi đã được nhắc đi nhắc lại phải đón kịp xe chuyến 13h30 chạy từ bến xe Trung tâm thành phố Lào Cai vào Y Tý. Tới bến xe mới biết, đây là chuyễn xe duy nhất trong ngày chạy vào Y Tý. Nếu không đón kịp sẽ phải chờ xe của ngày hôm sau.

Ngồi cùng hàng ghế với tôi trên xe, một chàng trai chia sẻ: “Anh là kỹ sư điện công tác ở Y Tý từ năm 2014, mỗi lần ra Lào Cai đều phải đợi xem có ai đến để đi nhờ hoặc tự chạy bằng xe máy vất vả lắm. Đến bây giờ có xe khách đi vào trong ngày nên đi lại cũng đỡ vất vả hơn”.

Ngồi chung chuyến xe quanh tôi, người già, trẻ em và các bạn học sinh tíu tít trò chuyện mặc cho cung đường quanh co, uốn lượn. Sau 4 giờ đồng hồ trên cung đường dài 78km nối tiếp bởi các khúc cua, xã Y Tý đã xuất hiện trước mắt tôi, những làn sương mù quấn quanh như đang vẫy gọi chào đón khách quý từ xa đến nhà.

Thiên đường thu nhỏ

Thời điểm thích hợp nhất để lên Y Tý chính là mùa nước đổ, mùa lúa chín và đặc biệt là mùa săn mây. Muốn bắt được những khoảnh khắc đẹp của tạo hóa ban tặng thì lên Y Tý từ khoảng tháng 10 đến tháng 4 dương lịch, đó là thời gian mà chúng ta có thể bắt gặp biển mây mênh mông, trắng muốt, xem vào đó là những bản làng chìm trong yên bình tạo nên khung cảnh vừa hùng vĩ, vừa nên thơ như chốn bồng lai thoát tục.

Đứng trước mỏm đá Ngải Thầu, có thể phóng tầm mắt nhìn xuống ruộng bậc thang. Cảm một biển mây bồng bềnh hiện hữu ngay trước mặt, ranh giới giữa thực và ảo dường như được rút ngắn lại.

Những tia nắng chiếu rọi xuống càng khiến cảnh vật nơi đây trở nên đẹp một cách mê hoặc, một trong những hình ảnh ấn tượng mà ai cũng muốn nhìn thấy trong chuyến đi đến Y Tý.

Không chỉ có “đặc sản” là những biển mây trắng nõn, Y Tý còn có sắc vàng lộng lẫy của những ruộng bậc thang mùa lúa chín. Đặc biệt hơn, càng đi sâu càng ấn tượng bởi những thảm rừng già hoang sơ với nhiều loài động, thực vật quý hiếm mà ít nơi có được như ở Y Tý.

Năm 2017, trang thông tin du lịch điện tử Thrillist (Mỹ) bình chọn Y Tý là một trong mười địa danh được ví như kho báu huyền bí và được bảo tồn tốt nhất Châu Á – Sự kiện này đã và đang mở ra cơ hội cho du lịch ở Y Tý, để những cư dân trẻ người Hà Nhì như Chu Che Xá, Ly Xá Xuy tự tin bước tiếp con đường đã chọn – phát triển, sinh kế ngay chính trên quê hương mình.

Những ngôi nhà nhỏ thấp thoáng trong mây

Cư dân sinh sống ở Y Tý gồm các dân tộc H’mông, Dao, Giáy, Hà Nhì, đặc biệt cộng đồng người Hà Nhì đen, một trong những dân tộc ít người nhất Việt Nam. Cộng đồng người Hà Nhì tương đối mến khách và có thiện chí, trẻ em ở đây cũng rất vô tư và đáng yêu.

Đến với Y Tý, có thể nhìn thấy lối kiến trúc nhà Trình Tường đặc trưng của người Hà Nhì: Đó là nhà hình chữ nhật, tường đắp bằng đất, rất bền, chắc, mái nhọn hình kim tự tháp, mùa đông ấm áp mùa hè mát mẻ. Thậm chí có những ngôi nhà lâu đời đến cả trăm năm mà chưa bị hỏng.

Tuy nhiên những ngôi nhà cổ hiện nay không còn nhiều, chủ yếu nằm xen kẽ giữa những ngôi nhà mới. Chẳng cần phải cầu kỳ, hào nhoáng, Y Tý vẫn điểm đến cho du khách thích trải nghiệm, khám phá các bản làng mộc mạc, bình yên mà không kém phần thú vị và hấp dẫn. Nơi đây đang là điểm đến lý tưởng cho dân mê phượt hoặc giới nhiếp ảnh khắp nơi nơi đến dịp cận tết.

Chuyện cây thảo quả giúp thoát nghèo

Trên đường vãn cảnh Y Tý, tôi nghe đồng bào khoe, đến nay, thảo quả vẫn là loại cây cho thu nhập tốt nhất đối với người Hà Nhì, H’mông, Giáy ở 14 thôn bản của Y Tý. Tôi quyết định đi đến thôn Hồng Ngài – nơi có diện tích trồng thảo quả lớn nhất (gần 150 ha). 18km từ xã Y Tý đến Hồng Ngài, xuất hiện trước mắt tôi là căn nhà gỗ vững chãi, những bao tải thảo quả xếp chồng lên tận mái nhà tỏa mùi hương ngaò ngạt. “Năm 2018, gia đình thu hoạch ddược 2 tấn thảo quả khô. Nhờ thảo quả mà nhiều hộ dân ở Hồng Ngài đã có thu nhập từ vài chục đến vài trăm triệu đồng/năm” -chị chủ nhà niềm nở chia sẻ.

Có thảo quả, người dân ở đây đã bớt khổ, sống tốt hơn rồi. Rừng còn như hôm nay cũng nhờ cây thảo quả đó. Chủ nhà cười tươi như tỏa nắng, cái bắt tay chào trước khi tôi ra về ấm nóng như xua tan cái lạnh khi chiều xuống ở Hồng Ngài.

Tạm biệt Y Tý trên chuyến xe chạy qua cánh rừng già, chợt nhớ tới câu chuyện của những cụ già mến khách người H’mông bên bếp lửa, nhớ nụ cười trong trẻo của những cô gái Hà Nhì như làn sương sớm, nhớ ánh mắt trong veo của những đứa trẻ vùng cao hồn nhiên chơi đùa ngoài bãi cỏ khi chiều về…
Ẩn trong một Y Tý kỳ bí, hoang sơ giữa đại ngàn, có một Y Tý đang thức giấc, đang đổi thay từng ngày…

Theo Lê Dung (Báo Pháp Luật)

Giấc mơ Ý Tý
“Vén mây” Ý Tý…
Lang thang xứ mây

Rate this post

DienDan.Edu.Vn

DienDan.Edu.Vn Cám ơn bạn đã quan tâm và rất vui vì bài viết đã đem lại thông tin hữu ích cho bạn.
DienDan.Edu.Vn! là một website với tiêu chí chia sẻ thông tin,... Bạn có thể nhận xét, bổ sung hay yêu cầu hướng dẫn liên quan đến bài viết. Vậy nên đề nghị các bạn cũng không quảng cáo trong comment này ngoại trừ trong chính phần tên của bạn.
Cám ơn.

Đăng bình luận

(+84) (918) 369.468