(TGDS) – Địa danh làng chiếu Cà Hom – Bến Bạ thuộc xã Hàm Giang trước đây. Nay Hàm Giang được chia thành hai xã mới là Hàm Giang và Hàm Tân. Làng chiếu Cà Hom – Bến Bạ nằm trên địa bàn xã Hàm Tân (huyện Trà Cú). Đây là một trong những làng nghề truyền thống của tỉnh Trà Vinh, được các thế hệ người dân truyền nghề nhau gần 100 năm nay.
Sự xuất hiện của nghề dệt chiếu ở Cà Hom – Bến Bạ kể ra như một sự tình cờ khi mấy phụ nữ địa phương trong chuyến đi thăm họ hàng tận đất mũi Cà Mau học lỏm được. Trở về, họ nhờ cánh đàn ông làm khung căng sợi, rồi ra biền cắt lát, chẻ nhỏ phơi khô, dệt thử. Những chiếc chiếu đầu tiên thô ráp, vụng về ấy chỉ cốt sao cho đỡ tốn tiền ra mua chiếu chợ.
Rồi nghề dạy nghề, những chiếc chiếu sau trông vừa mắt hơn, sờ mịn tay hơn. Rồi từ một vài khung lẻ tẻ ban đầu lan ra cả vùng Cà Hom – Bến Bạ. Mẹ truyền nghề cho con. Con giữ lấy và cố cho mình, cho con gái mình vài bí quyết riêng. Nhờ vậy, từ những chiếc chiếu thô ráp ban đầu, qua ba, bốn thế hệ, chiếu Cà Hom – Bến Bạ tạo được uy tín trên thương trường các tỉnh Nam Bộ với các chủng loại chiếu trắng, chiếu màu, chiếu in hoa, in chữ…
Nhiều phụ nữ làng chiếu hôm nay trở thành nghệ nhân trong nghề được gần xa biết đến như bà Ngô Thị Pho, Mã Thị Dứt… mà sản phẩm của họ là những đôi chiếu cao cấp, giá thành lên đến vài trăm ngàn đồng và chỉ sản xuất theo sự đặt hàng của khách hạng sang và dĩ nhiên, khó tính.
Dulichgo
Từ chỗ tự sản tự tiêu khi ra đời vào thập niên 1920, chiếu Cà Hom Bến Bạ chuyển sang sản xuất hàng hóa có chỗ đứng trên thị trường vào những năm 1940 và phát triển mạnh mẽ vào thập niên 1960, lúc đó, ghe thương hồ theo dòng sông Hậu vào Bến Bạ nằm chờ, mặc dù đã có toa đặt hàng trước. Trên đường bộ, mỗi ngày có hàng chục xe đạp bán chiếu rong từ Cà Hom tỏa đi các huyện, các tỉnh. Ở thị trường Cần Thơ, Vĩnh Long… chiếu Cà Hom – Bến Bạ có giá cao hơn 40 – 50%, thậm chí đến 70% so với chiếu Cà Mau cùng chủng loại mà vẫn không đủ bán. Hai ấp Cà Hom, Bến Bạ nhà nào cũng có đôi ba khung dệt, nhộn nhịp hoạt động hết công suất, cả ngày lẫn đêm.
Đến thập niên 1970, sự xuất hiện tràn ngập của chiếu nylon làm cho làng chiếu truyền thống này một phen điêu đứng. Nhưng rồi những khiếm khuyết không khắc phục được của mặt hàng thời trang này như không rút được mồ hôi, độ nóng cao… nhanh chóng bộc lộ đã trả lại cho chiếu Cà Hom – Bến Bạ vị trí xứng đáng vốn có của nó trong lòng người tiêu dùng.
Người có công đưa làng nghề dệt chiếu Cà Hom-Bến Bạ từ chỗ sắp mai một đi đến ăn nên làm ra là bà Ngô Thị Pho, một thợ dệt dân tộc Khmer lão luyện trong nghề. Ở thập niên 90, làng nghề dệt chiếu Cà Hom-Bến Bạ có thể nói gần như đi đến bên bờ vực mai một. Nguyên nhân, do người dân làng nghề không chủ động được nguồn nguyên liệu, sản phẩm chiếu không được cách tân về mẫu mã nên không đủ sức cạnh tranh trên thị trường. Không sống được với nghề, hàng trăm người thợ đã bỏ khung dệt, đi xa xứ mưu sinh bằng những nghề khác.
Dulichgo
Trong lúc bao người thợ đã bỏ nghề, thì bà Ngô Thị Pho vẫn gắn bó bên khung dệt. Chiếu thô, chiếu trắng thường không được thị trường chấp nhận thì dệt hoa, màu sắc đẹp để đáp ứng theo yêu cầu, sở thích người tiêu dùng. Với suy nghĩ đó, bà tự thiết kế hoa văn, phối màu, rồi dệt thử sản phẩm chiếu hoa hai mặt.
Không mất 20 lần thất bại, nhưng rồi cuối cùng bà cũng thành công. Năm 2000, chiếu hoa hai mặt của bà Pho khi được chào bán ra chợ xã đã chiếm được ngay thị hiếu của người tiêu dùng. Cũng từ đó, ngày càng có nhiều người tìm đến đặt hàng cho bà dệt những chiếc chiều hoa, có chữ Hán, chữ Khmer… Độc đáo nhất là bà đã thiết kế, phối màu dệt nên chiếu hai mặt có hình những ngôi chùa tháp vàng ở đất nước Campuchia, được rất nhiều bà con Khmer ở Nam Bộ và Campuchia ưa chuộng.
Tiếng lành đồn xa, năm 2001, với mong muốn xây dựng lại làng nghề và giúp nhiều hộ đồng bào Khmer nghèo có việc làm, Ủy ban nhân dân xã Hàm Tân đã xây dựng dự án hỗ trợ kinh phí đóng khung dệt cho 40 hộ nghèo và nhờ bà Pho truyền nghề dệt hoa hai mặt. Bà nhận lời không một chút đắn đo và tận tâm, tận sức truyền dạy những “bí quyết” của mình. Làng nghề dệt chiếu Cà Hom-Bến Bạ cũng từ đây dần được vực dậy cho đến bây giờ đã có hơn 200 hộ chuyên sống bằng nghề dệt chiếu và có trên 600 lao động làm việc gián tiếp ở các khâu: trồng lát, sơ chế nguyên liệu, pha màu…Dulichgo
Hiện nay, làng chiếu truyền thống này có qui mô bao trùm hai ấp Cà Hom và Bến Bạ của xã Hàm Giang, huyện Trà Cú, với gần 500 khung dệt, giải quyết được khoảng ngàn lao động thường xuyên lúc nông nhàn. Đó là chưa kể một đội quân không nhỏ cung cấp các dịch vụ cần thiết cho nghề làm chiếu từ trồng và thu hoạch lát, chẻ phơi, vận chuyển, nhuộm màu lát đến tiêu thụ ra thị trường.
Với một khung dệt trong nhà, hai lao động nữ vừa bảo đảm các công việc không tên từ dọn dẹp nhà cửa, bếp núc, con cái, heo gà… tối thiểu cũng dệt được một đôi chiếu có kích thước 1,6 x 2 mét trong một ngày. Người giỏi có thể dệt được chừng đôi rưỡi hoặc hai đôi.
Công đoạn đầu tiên để làm chiếu là phải tìm nguyên liệu cây lác cho thật già, sau đó chọn lựa chiều dài của lác cho phù hợp với khổ chiếu cần dệt. Lác được phân cỡ xong đem rửa sạch, rồi vót lại bằng lưỡi dao thật sắc và nhỏ. Công việc này đòi hỏi có nhiều thành viên gia đình tham gia mới đảm bảo được một lượng lác lớn đủ dệt trong nhiều ngày. Mỗi cọng lác sau khi vót được phơi khô, sẽ có kích cỡ to bằng cọng chân nhang. Nếu làm chiếu hoa thì giai đoạn sử dụng nước pha màu nấu sôi để luộc những cọng lác phải đảm bảo được độ nóng của nước màu, lửa quá to hay quá nhỏ sẽ dễ làm cho lác bị chín nhừ hoặc là không thấm màu.
Dulichgo
Gần 500 khung dệt, mỗi ngày làng chiếu Cà Hom – Bến Bạ đưa vào thị trường 1.000 – 1.200 đôi chiếu, thu về cả trăm triệu đồng. Tuy nhiên, cái khó của người làm nghề là không phải lúc nào sản phẩm làm ra cũng tiêu thụ được ngay và thu tiền về nhanh chóng. Sản phẩm bị ứ đọng hoặc phải bán chịu, bán chậm trả là ngay tức khắc đời sống của bà con gặp nhiều khó khăn, sản xuất đình trệ. Đó là chưa kể những tháng mưa dầm, lát nguyên liệu không phơi phóng được, cộng với sức mua trên thị trường cũng chậm đi khiến cho làng chiếu Cà Hom – Bến Bạ nhiều khi phải treo khung, ngưng hoạt động.
2 tháng trước Tết Nguyên đán là thời điểm làng nghề dệt chiếu Cà Hom – Bến Bạ nhộn nhịp nhất trong năm. Bên cạnh sản phẩm chiếu trắng được dệt hàng ngày, các nghệ nhân tập trung làm nhiều chiếu hoa (hay còn gọi là chiếu màu) phục vụ thị trường Tết. Bình quân mỗi ngày, một gia đình 2 người dệt được 1 đôi chiếu hoa (khổ 2m x 1,6m).
Dulichgo
Sản phẩm chiếu hoa của làng chiếu Cà Hom – Bến Bạ được nhiều người tiêu dùng biết đến và có mặt hầu hết ở các tỉnh, thành vùng ĐBSCL. Dệt chiếu hoa đòi hỏi sự công phu hơn dệt chiếu trắng vì tốn thời gian nhuộm màu, tỉ mỉ trong bấm hoa văn. Theo nhiều người tiêu dùng, chiếu hoa ở làng chiếu Cà Hom – Bến Bạ mua về sử dụng từ 4 -5 năm, nhưng vẫn đảm bảo chiếu không bị đổ lông, phai màu và giòn gãy. Chiếu hoa ở đây được thể hiện qua 5 màu chủ đạo là trắng, đỏ, xanh, vàng và tím. Hình ảnh hay hoa văn thường được các nghệ nhân chọn lựa rất công phu cho từng sản phẩm của mình, phù hợp với thị hiếu của người tiêu dùng, hoặc theo yêu cầu của từng khách hàng, của các thương lái đến đặt hàng để đem bán ở các tỉnh thành lân cận trong vùng. Đặc biệt là chiếu hoa dệt 2 mặt, đòi hỏi sự khéo léo và thể hiện sự tinh tế, tính thẩm mỹ trong từng đường dệt của nghệ nhân.
Ngày nay, nghề dệt chiếu ở Cà Hom – Bến Bạ từng bước được khép kín. Nguyên liệu dệt chiếu được người dân trong xã tự trồng trên các diện tích đất lúa kém hiệu quả. Toàn xã đã có trên 35 ha đất trồng lác và cứ 1000 m2 đất trồng lác, sẽ cho ra khoảng 120 đôi chiếu lớn (khổ 2 x 1,6 mét) và 120 – 130 đôi chiếu khổ nhỏ (1 x 1,9 mét). Xã Hàm Tân đang xúc tiến thành lập hợp tác xã chiếu thảm Hàm Tân để tập hợp mọi người cùng hướng đến sản xuất ổn định, bền vững, nâng cao chất lượng sản phẩm và mở rộng thị trường, xây dựng thương hiệu làng chiếu Cà Hom – Bến Bạ đến với người tiêu dùng mọi nơi.
Dulichgo
Trong số gần 400 hộ sinh sống với nghề dệt chiếu truyền thống thì có 80% hộ dân làm nghề là người dân tộc Khmer. Làng chiếu Cà Hom – Bến Bạ ngoài giải quyết việc làm cho những hộ trực tiếp làm nghề, còn gián tiếp giải quyết cho hơn 1.500 lao động ở các khâu: trồng lác, sơ chế nguyên liệu, dệt gia công và tiêu thụ sản phẩm. Mỗi năm làng chiếu Cà Hom – Bến Bạ cung cấp ra thị trường trên dưới 150.000 đôi chiếu. Công việc dệt chiếu của người dân nơi đây diễn ra thường xuyên, có người lấy nghề dệt chiếu làm nghề chính của mình, cũng có người làm theo thời gian nhàn rỗi.
Theo Vũ Huyền (Thế Giới Di Sản)
Người Miền Trung !
DienDan.Edu.Vn Cám ơn bạn đã quan tâm và rất vui vì bài viết đã đem lại thông tin hữu ích cho bạn.DienDan.Edu.Vn! là một website với tiêu chí chia sẻ thông tin,... Bạn có thể nhận xét, bổ sung hay yêu cầu hướng dẫn liên quan đến bài viết. Vậy nên đề nghị các bạn cũng không quảng cáo trong comment này ngoại trừ trong chính phần tên của bạn.Cám ơn.