(TQO) – Nếu ai đã một lần đến với Thượng Nông, một trong những xã xa xôi nhất của huyện Na Hang hẳn sẽ ngẩn ngơ trước vẻ đẹp của những ngôi nhà sàn cổ của người Tày cổ nằm san sát nép mình dưới dãy núi, bên những thửa ruộng bậc thang sắp vào mùa chín. Ở Thượng Nông còn có nhiều ngôi làng như vậy mang đậm bản sắc văn hóa của người Tày cổ.
Gìn giữ không gian văn hóa
Thượng Nông có 12 thôn, trong đó 8 thôn tỷ lệ người dân tộc Tày sinh sống chiếm trên 70%. Nhưng giữ được những nét bản sắc văn hóa đặc trưng nhất của người Tày là ở các thôn Đông Đa 1, Bản Khẻ, Bản Giòng, Nà Tà. Ở những thôn này, 100% người dân tộc Tày sinh sống và còn giữ được nhiều nét văn hóa đặc sắc.
Những ngôi nhà sàn ở đây được thiết kế theo kiến trúc cổ. Nhà rộng thì 5 gian 4 mái hoặc 4 gian 3 mái; hẹp hơn thì làm 3 gian 2 mái lợp ngói máng. Bếp lửa luôn được đặt ở gian chính giữa, tạo nên một không gian ấm cúng trong mỗi ngôi nhà của người Tày. Ông Nguyễn Vi Lâm, Bí thư Chi bộ, Trưởng thôn Đông Đa 1 bảo: “Chẳng còn bao lâu nữa, nhà nào cũng sẽ làm cốm. Mời nhà báo ở lại thưởng thức hương cốm của bà con làm nhé”.
Dulichgo
Ở Đông Đa 1 cũng như các thôn có đông người Tày sinh sống, gần như nhà nào cũng làm cốm. Cốm được làm từ gạo nếp cái hoa vàng do bà con tự trồng. Mùa cốm cũng là mùa lúa mới ở Thượng Nông, thường bắt đầu từ tháng 9 âm lịch. Ở Thượng Nông cũng đang thực hiện dự án trồng nếp cái hoa vàng do Nhà nước hỗ trợ giống.
Trong một năm, người Tày làm nhiều loại bánh khác nhau để thể hiện lòng hiếu khách khi có khách đến chơi nhà. Vào dịp tết Đắp nọi, người Tày ở Thượng Nông thường làm bánh dày, làm bánh gai vào dịp rằm tháng Bảy âm lịch và làm cốm vào lễ mừng lúa mới. Nhà nào cũng nấu rượu ngô men lá. Rượu ngô men lá ở Thượng Nông cũng nổi tiếng thơm ngon, uống không đau đầu, choáng váng.
Không chỉ có vậy, nhiều gia đình người Tày ở Thượng Nông còn giữ được nghề dệt vải. Những khung cửi, quay sợi không bị bỏ chơ vơ mà luôn có đôi bàn tay người phụ nữ sử dụng đều đặn. Chị Nguyễn Thị Niềm, Chi hội trưởng nông dân thôn Đông Đa 1 cho biết trồng bông, quay sợi, dệt vải từ khi lên 17 tuổi. Khi đi lấy chồng, chị vẫn mang nghề này về để truyền cho nhiều chị em khác trong thôn. Trong chi hội, nhiều hội viên nữ biết dệt vải. Các chị, em chủ yếu dệt quần áo, chăn, gối và nhiều đồ dùng khác để sử dụng trong sinh hoạt.
Cây bông được người Tày ở Thượng Nông trồng vào tháng 4 và thu hoạch vào tháng 9. Bông được nhuộm màu từ lá cây rừng và làm thành sợi để dệt vải. Chị Niềm bảo: “Nhà nào có con gái đều phải học cách dệt vải trước khi đi lấy chồng. Bao nhiều năm nay, dù bận rộn công việc đồng áng nhưng rảnh rỗi, chị em đều tranh thủ dệt vải để duy trì nghề truyền thống của dân tộc mình”. Bên chén rượu ngô thơm nồng nàn, tiếng khung cửi và tiếng quay sợi thưa nhặt khiến những người lần đầu đến Thượng Nông như chúng tôi không khỏi bồi hồi khi được chìm trong một không gian đậm bản sắc văn hóa cổ của người Tày.Dulichgo
Xây dựng nếp sống văn hóa
Người Tày ở Thượng Nông tuy vẫn giữ được nhiều nét đẹp trong bản sắc văn hóa song luôn nỗ lực bài trừ hủ tục, xây dựng đời sống văn hóa mới với cuộc sống và những ước vọng no ấm hơn. Ông Hoàng Văn Kim, người cao tuổi nhất thôn Nà Tà kể: “Thôn Nà Tà trước đây chỉ có 14 hộ thôi, nhưng giờ có hơn 100 hộ rồi. Trước đây nếu nhà nào có người mất thì phải làm lễ 2 ngày, 3 đêm; mổ trâu, bò để làm lễ; nhà gái thách cưới nhà trai rượu 100 lít, thịt lợn 1 tạ, gạo 1 tạ, nhưng giờ nhà nào có đám hiếu, đám hỷ cũng rút thời gian xuống rồi. Nhà gái không thách cưới nhà trai “nặng” như trước nữa mà tùy vào điều kiện kinh tế của nhà trai, chủ yếu là bọn trẻ biết thương nhau thôi”.
Bí thư Chi bộ thôn Nà Tà Nguyễn Văn Đa cho rằng, xây dựng nếp sống văn hóa mới không chỉ là vận động nhân dân bài trừ các hủ tục lạc hậu, chi bộ còn phân công các tổ chức đoàn thể vận động nhân dân giữ gìn vệ sinh môi trường nơi ở, không buộc trâu, bò dưới gầm nhà sàn, làm chuồng trại gia súc xa nhà. Vì vậy, giờ đây, những ngôi nhà sàn của người Tày ở Thượng Nông không còn tình trạng buộc trâu, bò dưới gầm nhà sàn.
Dulichgo
Nhiều thôn của người Tày ở đây đã bê tông hóa 100% đường liên thôn và làm được các tuyến “Thắp sáng đường quê”. Cùng với việc bảo tồn nét đẹp văn hóa của dân tộc, người Tày Thượng Nông nỗ lực phát triển kinh tế, xây dựng cuộc sống no ấm. Theo Bí thư Đảng ủy xã Nguyễn Ngọc Báo, người dân tộc Tày trong xã chủ yếu phát triển cây chè Shan đặc sản, trồng rừng, trồng cây lúa nếp đặc sản. Hiện nay, toàn xã có trên 30 ha chè Shan, trên 300 ha rừng. Cây lúa nếp đặc sản thì phát triển ở tất cả các thôn của người Tày.
Khi nói về mấy thứ đặc sản của địa phương mình, ông Báo không khỏi trăn trở. Trăn trở của ông cũng là trăn trở của cấp ủy, chính quyền xã. Đó là mong muốn những sản phẩm nông nghiệp của bà con làm ra trở thành sản phẩm hàng hóa chứ không chỉ mang tính tự sản tự tiêu như hiện nay. Ông bảo, người dân trong xã trồng chè Shan được nhà nước hỗ trợ giống, phân bón nhưng hiệu quả chưa cao vì chưa có đầu ra ổn định. Dự án trồng và chăm sóc cây lúa nếp cái hoa vàng cũng được nhà nước hỗ trợ tại hai thôn nhưng chưa được nhân rộng và trở thành hàng hóa. Ngoài ra, ở Thượng Nông còn có thế mạnh trong phát triển cây đậu tương và đàn thủy cầm.
Dulichgo
Với một không gian văn hóa phong phú, đặc sắc của người Tày cùng với những thế mạnh địa phương, chắc chắn Thượng Nông cũng như nhiều bản, làng khác của người Tày sinh sống ở Đà Vị, Thượng Giáp có một ưu thế trong phát triển du lịch, phát triển kinh tế nếu biết khai thác.
Theo CTTĐT Tuyên Quang
Người Miền Trung !
DienDan.Edu.Vn Cám ơn bạn đã quan tâm và rất vui vì bài viết đã đem lại thông tin hữu ích cho bạn.DienDan.Edu.Vn! là một website với tiêu chí chia sẻ thông tin,... Bạn có thể nhận xét, bổ sung hay yêu cầu hướng dẫn liên quan đến bài viết. Vậy nên đề nghị các bạn cũng không quảng cáo trong comment này ngoại trừ trong chính phần tên của bạn.Cám ơn.