Làng Liên Trì, xã Liên Thành (Yên Thành) mang đặc trưng của làng quê Việt Nam với lũy tre xanh, mái đình rêu phong, cây đa cổ thụ, những cánh đồng thẳng cánh cò bay… Những chuyện kể về làng được lưu truyền từ đời này sang đời khác, làm nên dòng chảy văn hóa làng…
Làng có tên là Liên Trì – đồng nghĩa với ao sen, đầm sen. Sen mọc kín cả sông Chèn, hoa nở đỏ thắm. Những hôm nam nồm hương sen thấm đẫm cả không gian, xen cả vào giấc mơ trẻ nhỏ. Người dân thường hái sen ở sông Chèn dâng lên bàn thờ Uy Minh Vương Lý Nhật Quang – con trai thứ 8 của vua Lý Thái Tổ được làng tôn thành hoàng. Theo các cụ cao niên kể lại: Ngày xưa bao quanh làng là lũy tre gai ba bốn lớp. Khi gió bão, tre chở che cho những nếp nhà tranh bé nhỏ, khi giặc giã, bờ tre trở thành chiến lũy giữ làng, giữ nước. Ngày giặc Tây đánh phá, trai làng chặt tre gai rải khắp các lối đi rồi đắp bùn non lên trên khiến giặc phải tháo lui.
Đình làng Liên Trì – Di tích Lịch sử – Văn hóa cấp quốc gia. |
Đó là chuyện về ông Tác Bảy (tức Lãnh Ngợi) quê ở làng Đậu Lý cách Liên Trì độ cây số – một dũng tướng của cụ Nghè Ôn đã lấy làng Liên Trì làm căn cứ địa, lấy tre làm vũ khí. Xa hơn chút nữa vào thời nhà Lê, ở làng có ông Nguyễn Bá Tích, một thanh niên vóc dáng hơn người, khi ra Kinh thành Thăng Long thăm anh đúng vào dịp nhà Vua tổ chức kỳ thi chọn tướng tài giỏi. Nguyễn Bá Tích tay cầm cối đá ném bay qua nóc nhà làm ai nấy đều vị nể. Sau đó ông được sung vào quân ngũ, được lên làm tướng, lập nhiều chiến công hiển hách, được nhà Vua ban thưởng võ quận công. Tấm bia đá ở đình Liên Trì ghi danh hàng chục vị đỗ đạt khoa bảng, gần trăm vị có công trong nghiệp binh đao.
Trong những ngày sục sôi lửa cách mạng, đình Liên Trì, đền Bạch Mã phía sau làng, cây gạo, cây si rú Đầu Cầu, đồng Nương Rú… là chỗ gặp mặt, điểm giao tài liệu, nhận chỉ thị của Đảng. Đầu năm 1939, cơ quan ấn loát của Xứ ủy và Tỉnh ủy Nghệ An bí mật chuyển về Liên Trì hoạt động. Các đồng chí lãnh đạo Xứ ủy, Tỉnh ủy được đất và người Liên Trì che chở, nuôi dưỡng.
Đất nước thay đổi, làng quê cũng đổi thay. Ngôi đình làng, đền Bạch Mã, nhà thờ họ Nguyễn nay là di tích lịch sử văn hóa. Cây gạo cổ thụ trước cổng làng với mấy vòng tay ôm, đầu Hạ, cuối Xuân vẫn đơm những chùm hoa đỏ chói. Giếng nước cạnh đình làng nước trong vắt và đầy ăm ắp. Chỉ khác là làng Liên Trì bây giờ được xã chia tách thành 2 xóm với 500 hộ dân. Trong những năm đổi mới, nhân dân ở đây đã phát huy tinh thần yêu nước, sáng tạo trong lao động sản xuất, chung góp sức cùng địa phương đẩy mạnh phong trào xây dựng nông thôn mới.
Điều đáng ghi nhận ở làng Liên Trì là truyền thống của làng có từ xa xưa được nhiều thế hệ kế tiếp chọn lọc, kế thừa và phát huy trong thời kỳ mới. Hương ước nay của làng bên cạnh khuyên răn con cháu tránh những điều không nên, không phải trong điều ăn, nếp ở và có rất nhiều điều, khoản khuyến khích, cổ vũ mọi người dân làm nhiều việc tốt, ích nước, lợi nhà. Hơn 15 năm qua làng giữ vững danh hiệu Làng Văn hóa…
DienDan.Edu.Vn Cám ơn bạn đã quan tâm và rất vui vì bài viết đã đem lại thông tin hữu ích cho bạn.DienDan.Edu.Vn! là một website với tiêu chí chia sẻ thông tin,... Bạn có thể nhận xét, bổ sung hay yêu cầu hướng dẫn liên quan đến bài viết. Vậy nên đề nghị các bạn cũng không quảng cáo trong comment này ngoại trừ trong chính phần tên của bạn.Cám ơn.