RaoVat24h
Cẩm nang du lịch Du lịch Địa danh

Loanh quanh… Cầu Mống

Advertisement

1. Bữa đó tôi tới cầu Mống chơi, thấy một cặp đang chụp ảnh cưới. Dưới chân cầu, đứng yên những đám lục bình cố hữu là đặc sản của sông nước phương Nam.

Đó là tôi đang nói tới cây cầu nổi tiếng nối quận 1 và quận 4 bắc qua kênh Bến Nghé ở Sài Gòn, được xem là cây cầu cổ xưa nhất của thành phố này, do Công ty Vận chuyển hàng hải Messageries Maritimes của Pháp xây dựng vào năm 1893 – 1894, dài 128m, rộng 5,2m, lề bộ hành rộng 0,5m, bằng thép kiên cố. Cầu làm theo kiểu vòng mống cho nên dân gian gọi là cầu Mống. Dân sở tại ưng thì chệch thành cầu Móng, với lý giải đây là cây cầu có móng đầu tiên ở Sài Gòn.

Ở ngay đầu cầu phía quận 1, có tấm bảng bằng đồng ghi: Di tích kiến trúc nghệ thuật. Nghĩa là, với tấm  bảng này, giữa ồn ào giữ hay không giữ những công trình kiến trúc xưa cũ Sài Gòn, thì nó… bất khả xâm phạm. Phải nói là cầu tuyệt đẹp. Thằng bạn dân Sài Gòn nói, đây là điểm hẹn chụp ảnh của đôi uyên  ương chuẩn bị cưới, “mê tín” tình yêu như cây cầu vĩnh cửu , chứ không phải là “Những cây cầu ở quận Madison” để rồi chỉ còn trong ký ức mùi hương và những vũ điệu mơ hồ phía nước chảy về xa xăm…
Dulichgo

2. Còn bây giờ tôi đang ở cầu Mống… Điện Phương, cụ thể hơn là Triêm Nam 2 (xã Điện Phương, Điện Bàn, Quảng Nam). Dễ thấy, câu cửa miệng của dân bên này hay bên kia cầu Câu Lâu, hễ muốn nói chi ở Điện Phương, cứ phang ngay một câu: “Chỗ Cầu Mống nớ!”. Chẳng biết nơi nào trên đất nước này, ngoài cây cầu ở Sài Gòn và địa danh ở đất Điện Bàn này, có chỗ nào còn cầu mang tên Mống nữa không? Đất này nằm gọn trong nét vẽ khoanh vùng của dinh trấn Thanh Chiêm xưa. Câu chuyện lỵ sở dinh trấn nằm cụ thể ở địa điểm nào trên đất Thanh Chiêm, là một tồn nghi, vì thế mới có hội thảo khoa học từng mở để xác định, nhưng rốt cuộc dấu hỏi vẫn trơ trơ.

Mới hơn 500 năm, lạ thiệt, thế mà không biết được dấu tích nó ở chỗ nào, trong khi nhiều thứ khác còn nguyên đó. Ý nghĩ này bao lần chạm vào tôi khi đi qua cầu Câu Lâu. Bãi bể nương dâu, nước chảy qua cầu, mọi thứ đều tan biến, may ra chỉ còn bia miệng chết danh. Tỷ như Cầu Mống chẳng hạn, đi kèm trước tên nó là bê thui nổi tiếng. Đi đâu cũng gặp. Bê thui trong Sài Gòn do dân Điện Bàn đứng chủ lò, cũng nói Cầu Mống, không biết có ai cắc cớ hỏi chơi: “Ông thui  bê ở Cầu Mống ngoài quê chở vô bán hay thui ở chỗ Bến Nghé?”. Bê ở đâu cũng là bê, vấn đề là công nghệ, cách thức thui. Có lần tôi hỏi một đồng nghiệp dân Điện Phương, ông này lắc đầu: “Tau đảm bảo chỉ lò bê thời ông ngoại tau là ngon nhứt! Miếng thịt xắt ra không khô không ướt mới siêu, ăn vô nó quyện trong miệng ngọt lừ, có đâu như chừ”.

3.“Quán bê thui Chín Dưỡng, là của anh vợ tôi” – anh Lưu Tám, thôn Triêm Nam 2 nói. Chỗ nhà anh, cách cầu Câu Lâu chừng mấy trăm mét. Thôn này lạ  thiệt, đến giờ muốn về đây cũng chỉ bằng cách lên cầu phóng xuống, như  bao năm trước tôi theo anh bạn về nhà ở Triêm Nam 2. Từ cầu ngó xuống, doi đất dài mướt xanh bị kẹp bởi hai sông Thu Bồn và Cầu Mống. Kỳ lạ, mỗi năm mấy cơn lụt, sao nó không trôi? “Quán có lâu rồi, thời ông già vợ tôi hồi Pháp thuộc đã mở lò. Ổng khá lắm nên có xe chở, mua bò về bán sống, tức bán bò đứng, sau đó mở quán thui. Ổng mất, truyền nghề lại cho anh Chín. Ảnh cũng mất rồi, thằng con là Dục nối nghề”.
Dulichgo
Hèn chi, tên quán  bây giờ là Dục chứ không phải Chín Dưỡng. Tôi nhớ đời cái quán này, bởi có lần uống rượu ở đây, đi xe đạp thuở mới ra trường, cái dốc lên cầu chẳng cao mấy mà đạp không nổi vì say ngu người rồi, té lăn xuống sông, may có người kéo lên, sáng ra tỉnh dậy ngơ ngác như bò đội nón. “Vợ tôi là con thứ 12”. “Chị làm nghề chi?”. “Bả bán mỳ ở quận 3 Đà Nẵng, hồi trước cũng theo nghề bỏ thịt thui, nhưng sau ni bả đi chùa, bỏ nghề, chuyển qua bán mỳ Quảng”. “Khá không?”. “Mới đi được mấy tháng, bị té nên ở nhà”. “Mỗi ngày bán mấy ký?”. “Mới đi, chưa có bạn hàng nhiều, bán chừng 10 ký, lời chừng hai trăm ngàn đồng. Dân ở đây, 10 thì hết 8 nhà bán mỳ, đi Hội An, ra Đà Nẵng. Mỳ Phú Chiêm thì nằm ở Điện Phương, mà thôn ni là nhiều nhất, đem bán khắp nơi. Hai giờ sáng dậy làm nhưn, ba giờ xe hàng chờ chỗ cầu, rứa là lên, trưa chở về. Ngày bán 20 ký là kiếm mấy trăm ngàn khỏe re, có nhà ngày kiếm lời cả triệu”.

Chỗ gần nhà tôi ở Đà Nẵng, ngay ngã tư Hoàng Diệu – Trưng Nữ Vương chạy theo hướng lên Trưng Nữ Vương, hai năm qua cũng có mỳ Phú Chiêm bán vỉa hè. Chị nói ở Điện Phương,  5 giờ là bày ra bán. Ôi thôi, ngó đống đồ hàng của chị mà ngán. Thứ chút thứ xí, xanh đỏ giăng giăng. Mưa như nắng, mặt chị chưa bao giờ ngớt mồ hôi. Chị nói chỉ nghỉ mấy ngày tết, bán tới ba mươi tết. Một bữa vắng khách, chị nói: “Cực lắm, mình em lo hết, chừ chuẩn bị về, nghỉ xí là đi mua tôm, thịt; rau sống chiều mua, hai giờ sáng đã dậy rồi. Họ nói mỳ Phú Chiêm, nhưng anh phải để ý, đúng Phú Chiêm là khi bán phải có nồi nước sôi bên cạnh, trụng mỳ xong mới bỏ vô tô chứ không phải hốt càn bỏ đại, mỳ nguội ngắc”. Rồi một bữa chị than: “Buôn gánh bán bưng ri mà có bà cán bộ phường mô đó nói: Ở đâu tới đây mà bán, phải dẹp ngay, rồi đòi hỏi này nọ”. Tôi nghe, thở dài.
Dulichgo
4. Tôi ngó cái sống lưng con đường chạy trước mặt nhà anh Tám, vẻ xuôi xuôi, bèn hỏi: “Lụt, nước chảy mạnh không?”. “Rất mạnh, nhưng ở đây cao như năm rồi còn 20 phân nữa mới vô nhà. Đất ở đây cao và xuôi lần xuống, càng xuống càng thấp, như dưới xóm Dừa, thấp lắm”.  Bị kẹp ở hai sông, nhưng anh Tám nói, xói lở ít lắm, nhiều năm nó đứng im. Quy luật lở bồi, phía nam cầu Câu Lâu lở chứ bên này thì không. Điều này một lần nữa khiến tôi vỡ ra lắm điều mà lâu nay cứ nghĩ nó “ngó là thấy”, ví dụ như đất này, nhìn trên cầu xuống, thấy nó nhong nhong ốm xanh, nghĩ chẳng là bao, hóa ra không phải. Nó dài chừng 2km, rộng gần 1km, vườn tược, quán xá, không thiếu. Ở làng, còn chừng 5 nhà cổ. Đương nhiên rồi, nơi đây từng nức danh bến sông Chợ Củi, thiếu chi gỗ từ thượng nguồn Thu Bồn theo đường nước về. Ngay  phía trên cầu, mấy xưởng gỗ cũng còn nguyên đó.

Tôi bẻ chuyện qua hướng… Cầu Mống: “Cái tên Cầu Mống có từ đâu?”. “Tôi nghe nói do cái cầu sắt của Pháp làm bắc qua sông trước mặt nhà nớ. Cầu sắt, cong như cái mống, nên gọi là Cầu Mống. Sau giải phóng, nó bị gãy, rồi sau đó xã bán cho ông mô đó dưới Hội An được 5 triệu. Hồi còn thanh niên, tụi tôi hay ra đó nhậu rồi ngủ, mát phải biết”. “Cầu Mống có trong thư tịch cổ không?”. Chị Lương Mỹ Linh – Phó Trưởng phòng VH-TT huyện Điện Bàn nói: “Em đọc nhiều về Thanh Chiêm, không thấy nhắc Cầu Mống”. Nhiều người cũng khẳng định tên Cầu Mống là không có trong sách vở. Vậy thì dân gian từ cây cầu tên Mống, cho ăn theo và chết danh Cầu Mống luôn cả một vùng đất.
Dulichgo
Tôi ra chỗ cây cầu. Bây giờ có cái trạm bơm ở đó. Ngó qua bờ bên kia là thôn Đông Khương, gần xịt. Nước cạn trơ sông. Mấy chiếc ghe nhỏ xíu gác mũi trong chiều tà. Con sông ngày cũ bây giờ như con hói, con rạch. Cỏ mọc loi thoi giữa xâm xấp nước. Ngang qua quán bê thui Dục, khách đông. Bỗng nghĩ, ăn miếng bê thui mà nghe bò rống như lời ai oán sau cùng giã biệt thế gian để chuẩn bị lên giàn thui, ớn hè. Nhớ anh Lê Trâm viết “Truyện đốt theo sông”, nghe nói khởi sự cảm hứng là quán nhậu bê thui Chín Dưỡng, ám ảnh.

Theo Trung Việt (Báo Quảng Nam)
Người Miền Trung !

Rate this post

DienDan.Edu.Vn

DienDan.Edu.Vn Cám ơn bạn đã quan tâm và rất vui vì bài viết đã đem lại thông tin hữu ích cho bạn.
DienDan.Edu.Vn! là một website với tiêu chí chia sẻ thông tin,... Bạn có thể nhận xét, bổ sung hay yêu cầu hướng dẫn liên quan đến bài viết. Vậy nên đề nghị các bạn cũng không quảng cáo trong comment này ngoại trừ trong chính phần tên của bạn.
Cám ơn.

Đăng bình luận

(+84) (918) 369.468