Ngoài cổ hủ dừa, món ăn đậm chất hương đồng cỏ nội, gần đây bà con ở các vùng trồng khóm còn sử dụng phần ngọn của những cây khóm để róc lá lấy cổ hủ chế biến thành nhiều món ăn độc đáo.
Trong bữa ăn của người Việt, sau lúa gạo, thịt, cá thì đến rau quả. “Đói ăn rau, đau uống thuốc” là vì thế.
< Cổ hủ khóm tươi.
Rau quả nước ta vô cùng phong phú và đa dạng. Ngoài rau cải, rau vườn, rau rừng còn có nhiều loại củ, quả, trong đó độc đáo nhất là cổ hủ (củ hủ) thực vật như cổ hủ dừa, cổ hủ khóm, cổ hủ mây (đọt mây)…
Ông cha ta rất tinh tế trong cách chọn lọc và chế biến các món ăn sao cho vừa ngon miệng vừa kích thích tiêu hóa, có lợi cho sức khỏe như các loại cổ hủ vì đây là những món ăn đang trong quá trình âm dương chuyển hóa, rất giàu dinh dưỡng.
Ngoài cổ hủ dừa – món ăn đậm chất hương đồng cỏ nội, gần đây bà con các vùng trồng khóm còn sử dụng phần ngọn của những cây khóm để róc lá lấy cổ hủ chế biến thành nhiều món ăn độc đáo.
Hiện thực đơn của một số hàng quán còn có món “đặc sản” cổ hủ khóm xào tép, xào thịt, trong đó tuyệt nhất là món cổ hủ khóm làm dưa chua và làm gỏi với khô cá lóc.
Đặc điểm của cổ hủ khóm là ngọt, giòn, mềm, mùi vị đặc trưng, thơm ngon không thua gì cổ hủ dừa. Muốn làm món dưa chua, trước hết dùng dao bén xắt cổ hủ ra thành từng lát mỏng, sau đó đem ướp lạnh rồi mới cho vào keo ngâm với giấm, đường, muối, ớt độ hai ngày là dùng được.
Nếu muốn làm gỏi, người ta dùng dưa chua cổ hủ khóm trộn chung với khô cá lóc, cá sặc bổi xé nhỏ hoặc tôm khô làm thành món gỏi vừa ngon ngọt vừa chua cay, đậm đà, càng thưởng thức càng cảm thấy ngon miệng, dễ kích thích tiêu hóa.
Từ khi cổ hủ khóm được dùng làm món ăn, nhiều nhà vườn đã tận dụng những cây khóm, bụi khóm không đạt năng suất, chất lượng vạt lấy cổ hủ bán cho các nhà hàng với giá khá cao.
Hiện nay, nhiều nhà hàng, quán ăn, đặc biệt là các bếp gia đình ở Cần Thơ, Hậu Giang… đã coi cổ hủ khóm là một đặc sản quý hiếm vì không phải lúc nào cũng có. Khách hàng muốn thưởng thức phải “alô” trước để chủ quán tìm mua cổ hủ.
Trong cuộc tranh tài Chiếc thìa vàng 2016, quán Nhi ở Cần Thơ đã vào vòng bán kết nhờ chọn những món “ngon và lành”, trong đó có món cổ hủ khóm, đặc sản của miền Tây Nam bộ.
“Có ăn là có văn hóa”. Không chỉ đáp ứng nhu cầu thưởng thức của nhiều thực khách ngày càng sành điệu, món cổ hủ khóm dân dã mà độc đáo còn góp phần nâng cao giá trị văn hóa ẩm thực của vùng đồng bằng sông Cửu Long này.
Theo Hoài Vũ (Dulich.Tuoitre)
Người Miền Trung !
ĐGD: Cây khóm có tuổi thọ khá cao, có bụi lên đến 10 năm, lấy củ hũ nghĩa là phải bỏ đi cả bụi khóm. Chính vì vậy củ hũ khóm chỉ được lấy từ những bụi khóm của những vườn khóm chuẩn bị phá bỏ.
Sau nhiều mùa vụ thu hoạch, cây khóm bị lão không còn cho năng suất cao nữa nên nông dân sẽ phá đi để trồng đợt khóm mới. Từ những bụi khóm bỏ đi đó, người ta mới tận dụng những bụi khóm còn nhỏ hoặc chồi nách (chồi non mọc gần gốc khóm) bị quá lứa không dùng để nhân giống được nữa để xây (tách lấy phần non bên trong) củ hũ để ăn hoặc đem bán.
Do vậy, món ăn nức tiếng này không nhiều và thưởng chỉ dành để đãi khách quen trong nhà, nên rất hiếm để chúng ta có thể nếm được hương vị không chê vào đâu của loại củ hũ ngon ngọt này, nhất là khi làm nhân của bánh xèo.
DienDan.Edu.Vn Cám ơn bạn đã quan tâm và rất vui vì bài viết đã đem lại thông tin hữu ích cho bạn.DienDan.Edu.Vn! là một website với tiêu chí chia sẻ thông tin,... Bạn có thể nhận xét, bổ sung hay yêu cầu hướng dẫn liên quan đến bài viết. Vậy nên đề nghị các bạn cũng không quảng cáo trong comment này ngoại trừ trong chính phần tên của bạn.Cám ơn.