(MĐQN) – Miếu Bà Kỳ Tân tọa lạc ở thôn Kỳ Tân, xã Đức Lợi (Mộ Đức) có niên đại gần 300 năm. Trải qua bao thăng trầm với thời gian cùng biến cố lịch sử nhưng miếu Bà Kỳ Tân vẫn uy nghi, sừng sững với kiến trúc nghệ thuật đặc sắc, mang đậm dấu ấn của người Việt xưa.
Thường niên chiếu lệ, cứ đến ngày 14 tháng 7 âm lịch tại Miếu Bà Kỳ Tân, bà con nhân dân xã Đức Lợi cùng nhau tổ chức lễ vía Bà. Rồi cũng tại đây, vào ngày 20 tháng 9 âm lịch lại diễn ra Lễ hội Kỳ Yên.
Không phải sự trùng hợp ngẫu nhiên mà có chủ đích, nhân dân chọn ngày 14 tháng 7 âm lịch để làm lễ vía Bà, vì đây là dịp đại lễ Vu Lan, dịp mà dân làng báo hiếu, gửi lòng tri ân và tưởng nhớ đến công đức của các vị nữ thần.
Lễ vía Bà có hai phần, gồm cầu siêu, cầu an để siêu độ cho chúng sinh trong làng, sau đó làm lễ vía Bà, nghi lễ được tổ chức theo nghi thức Thọ Mai Gia Lễ, gồm sơ hiến lễ, á hiến lễ và chung hiến lễ. Lễ vật gồm trầm trà, hoa quả, chè xôi, vàng mã, hương đăng. Ông chủ miếu làm chủ bái, hai bên tả hữu ban là phó tế, trong từng nghi thức đều có ban nhạc ngũ âm phối lễ.
Còn Đại lễ Kỳ Yên (20 tháng 9 âm lịch), là ngày lễ lớn trong năm với sự tập trung đông đủ của các tầng lớp nhân dân địa phương. Trước ngày diễn ra đại lễ cầu an, lễ tế thần Thành Hoàng, chính quyền địa phương, Ban trị sự tổ chức họp bàn với đại diện nhân dân trong làng để thống nhất, chuẩn bị những công việc như mời chư tăng, phật tử để đọc kinh cầu an, mời đại diện các cấp chính quyền tham dự, mời ban nhạc ngũ âm phối lễ, đội hát múa bả trạo, đội múa lân, đội trống phụ lễ, đồng thời mua sắm các lễ vật gồm heo, gà, hương, hoa, trầu, rượu, bánh trái và tổ chức đầy đủ các ban nghi lễ, hậu cần, ban lễ tân…
Dulichgo
Vào chiều trước ngày đại lễ, bà con làm lễ tiên thường, ban tế lễ ra mắt thần để mời chư vị thần linh và các vị tiên công về dự lễ Kỳ Yên. Lễ vật chính trong ngày lễ tiên thường gồm hương đăng, trầu rượu, hoa quả và vàng mã. Cũng như lễ vía Bà, nghi lễ của Đại lễ Kỳ Yên cũng được tiến hành trình tự theo ba bước sơ hiến, á hiến và chung hiến lễ, chủ miếu làm chủ tế, hai bên tả hữu là phó tế, trong nghi lễ có ban nhạc ngũ âm phối lễ.
Sáng ngày hôm sau (tức 20 tháng 9 âm lịch), sau khi chuẩn bị những vật phẩm tế, Ban tế tự tiến hành vào lễ chính. Trong tế lễ có phần đọc chúc văn, ban nhạc ngũ âm, đội múa hát bả trạo và đội múa lân hầu lễ trước bàn thờ hương án ở chánh điện. Tiếp đến là nghi lễ đọc kinh cầu an của các vị chư tăng và phật tử, Ban tế tự làm lễ rước long đình, sau đó long đình được bốn người phụ tá nâng lên từ chánh điện miếu Bà về tại lăng ông Nam Hải. Trong lễ nghinh thần Nam Hải, đi theo long đình có đầy đủ các thành viên trong Ban tế tự, Ban trị sự, các vị chư tăng, phật tử và bà con nhân dân, đội hát múa bả trạo đi trước long đình, đến đội trống, đội chiêng, đội múa lân dẫn đường về tại lăng ông Nam Hải dâng hương, khấn cung thỉnh, làm lễ nghinh thần Nam Hải và chư vị thần linh về lại Miếu Bà để hành lễ Kỳ Yên.
Dulichgo
Qua thu thập từ các cứ liệu còn lưu giữ, cũng như sử liệu truyền miệng, Miếu Bà Kỳ Tân không chỉ thờ Ngũ Hành Thượng Giới mà còn phối thờ Thiên Y a Na và chư vị thần linh, các vị tiên công, vì các vị thần vốn có quan hệ mật thiết với trời đất, núi rừng, sông nước, cho thấy tín ngưỡng thờ thần của người Việt tuy mang tính chất hỗn dung nhưng lại gần gũi với cư dân sản xuất ngư nghiệp, nông nghiệp, buôn bán…
Điều đó thể hiện sự giao lưu và tiếp biến văn hóa Việt – Chăm, sự trao truyền các giá trị văn hóa mang tính cố kết cộng đồng người, đáp ứng nhu cầu hưởng thụ và bảo tồn các giá trị văn hóa, gắn liền với lịch sử khai phá lập làng, lập nghiệp và sinh sống của cư dân Việt từ xa xưa, đặc biệt hiện nay tại Miếu Bà còn lưu giữ một số tư liệu Hán văn rất có giá trị, trong đó có 5 thần vị vẫn còn nguyên bản.
Theo các vị cao niên kể lại, gần ba trăm năm trở lại đây, lễ vía Bà, Lễ hội Kỳ Yên được dân làng tổ chức đã thu hút đông đảo nhân dân trong xã và các địa phương lân cận qui tụ về Miếu Bà Kỳ Tân, người nào cũng trang phục chỉnh tề với lễ vật trên tay, cầu nguyện thần linh cho mưa thuận gió hoà, quốc thái dân an, mùa màng thuận lợi, sản xuất phát triển, nhân dân ấm no, hạnh phúc.
Thông qua việc tổ chức các lễ hội, cho thấy các hoạt động vừa thỏa mãn nhu cầu tâm linh của cộng đồng, mang ý nghĩa tri ân các vị thần linh, các bậc tiền hiền, hậu hiền, thì nơi đây còn gắn liền với lịch sử khai phá, lập làng tại vùng đất mới của người Việt ở làng Kỳ Tân, cũng đồng thời đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hóa tinh thần, vừa mang tính cố kết cộng đồng, đoàn kết dân làng… góp phần bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, giàu tính nhân văn sâu sắc ở làng Kỳ Tân, Mộ Đức nói riêng và Quảng Ngãi nói chung.
Dulichgo
Miếu Bà Kỳ Tân là cơ sở tín ngưỡng có vị trí đặc biệt quan trọng trong đời sống của người dân, thuộc loại công trình kiến trúc tín ngưỡng lâu đời, mang giá trị khoa học, nghệ thuật, thẩm mỹ cao. Từ kỹ thuật xây dựng đến kiến trúc công trình, nghệ thuật trang trí, đắp nổi long, lân, quy, phụng, lưỡng long tranh châu, trang trí tứ thời mai điểu, trúc tước, tùng lộc, cúc trĩ, kết cấu kiến trúc di tích hình chữ Tam, hậu cung xây dựng theo kiểu cổ lầu vẫn còn nguyên… là những hình tượng, họa tiết của một công trình kiến trúc nghệ thuật mang phong cách thời Nguyễn (thế kỷ XIX).
Từ khi Miếu Bà Kỳ Tân hình thành đến nay, theo biến thiên của thời gian và lịch sử, di tích đã bị xuống cấp, nhưng với sự tự nguyện đóng góp của cộng đồng, di tích được nhiều lần trùng tu, tôn tạo và năm 2006 di tích đã được trùng tu lớn nhưng vẫn giữ nguyên trạng, ngày nay di tích vẫn là một công trình kiến trúc khá vững chắc và rất có giá trị. Đặc biệt, hiện nay các hoạt động lễ hội, công tác quản lý, bảo tồn, tôn tạo, phát huy giá trị di tích đều thực hiện thông qua hình thức xã hội hóa, và được đông đảo các tầng lớp nhân nhân nhiệt thành tham gia, hưởng ứng. Trong tương lai gần, nếu có điều kiện di tích Miếu Bà Kỳ Tân không những là điểm đến tham quan, thưởng ngoạn, chiêm bái của du khách, phát triển du lịch góp phần phát triển kinh tế, xã hội ở địa phương, mà còn phục vụ công tác nghiên cứu khoa học, công tác bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa, kiến trúc nghệ thuật của người Việt xưa, cũng như phục vụ giáo dục truyền thống cho các thế hệ mai sau.
Dulichgo
Với những giá trị đặc trưng của di tích, vừa qua Miếu Bà Kỳ Tân thuộc xã Đức Lợi, huyện Mộ Đức đã được UBND tỉnh Quảng Ngãi ra Quyết định xếp hạng Di tích lịch sử cấp tỉnh (Quyết định số 581/QĐ-UBND ngày 18/4/2014). Đây là niềm tự hào, vinh dự lớn của nhân dân, nhưng cũng là trọng trách mà nhà nước giao cho các cấp chính quyền và nhân dân địa phương trong việc gìn giữ, phát huy các giá trị của di tích trong thời gian đến./.
Theo Việt Cường (Mộ Đức – Quảng Ngãi)
Người Miền Trung !
DienDan.Edu.Vn Cám ơn bạn đã quan tâm và rất vui vì bài viết đã đem lại thông tin hữu ích cho bạn.DienDan.Edu.Vn! là một website với tiêu chí chia sẻ thông tin,... Bạn có thể nhận xét, bổ sung hay yêu cầu hướng dẫn liên quan đến bài viết. Vậy nên đề nghị các bạn cũng không quảng cáo trong comment này ngoại trừ trong chính phần tên của bạn.Cám ơn.