RaoVat24h
Cẩm nang du lịch Du lịch Địa danh

Một ngày làm hương ở Đông Khê

Advertisement

(BTH) – “Hương ngửi xa, hoa ngửi gần” đó là câu châm ngôn mà người dân làng hương cổ truyền Đông Khê vẫn lưu truyền hàng trăm năm qua. Những ngày giáp Tết, người làng Đông Khê lại hối hả vào mùa sản xuất.

Nén hương thơm ngày rằm, lễ, đặc biệt là mỗi dịp Tết là nét đẹp văn hóa rất đỗi quen thuộc với người dân Việt Nam. Những người làm hương ở làng Đông Khê (xã Hoằng Quỳ, huyện Hoằng Hóa) cũng vậy, họ vốn xem cây hương như hồn quê, chứa đựng nét tinh hoa mà cha ông để lại. Những ngày giáp Tết, không khí nơi đây lại hối hả hơn bao giờ hết.

Trải qua hàng trăm năm lịch sử, nghề làm hương ở Đông Khê cũng có những bước chuyển mình rõ rệt cả về chất lượng lẫn hình thức. Cách đây khoảng 10 năm, khi những chiếc máy làm hương chưa xuất hiện, người làng Đông Khê vẫn lưu truyền nghề làm hương bằng cách làm thủ công.

Để mục sở thị những công thức cũng như bí quyết tạo nên những nén hương thơm bậc nhất của làng Đông Khê, chúng tôi đã có một ngày trải nghiệm cùng người dân nơi đây.

Đã có thâm niên 4 đời làm hương truyền thống, gia đình ông Đoàn Văn Mậu (62 tuổi, xã Hoằng Quỳ) là một trong số ít những gia đình còn lưu giữ lại nghề làm hương bằng phương pháp thủ công. Những ngày này, gia đình ông đang gấp rút chuẩn bị cho những lô hàng phục vụ Tết nguyên đán 2020.

“Ở làng này, trước kia hầu hết đều sống bằng nghề làm hương. Khi có máy làm hương thì hầu hết các gia đình đều chuyển đổi sang mô hình mới. Gia đình tôi là một trong số ít vẫn giữ lại cách làm hương thủ công. Làm hương bằng phương pháp thủ công rất vất vả nhưng đổi lại nó có một nét đặc trưng riêng tạo nên những nén hương thơm đặc biệt”. Ông Mậu chia sẻ.

Để làm ra được những nén hương thơm bằng phương pháp thủ công đòi hỏi những người thợ phải tỷ mỷ, nhập tâm đến từng công đoạn. Bật mí về công thức làm nên hương truyền thống, ông Mậu chia sẻ một cây hương phải mất ít nhất 5 công đoạn.

Công đoạn đầu tiên đó chính là xử lý tăm hương. Nguyên liệu làm tăm hương được chọn từ thân cây vầu. Vầu sau khi được lấy về sẽ được chẻ nhỏ thành từng thớ nhỏ để tạo nên tăm hương.

Tăm hương sau khi được xử lý sẽ tiến hành dùng thuốc nhuộm để nhuộm chân tăm, phơi khô.

Chạy nhựa, một trong những công đoạn quan trọng để tạo nên hương vị của cây hương. Thông thường, nhựa được dùng làm hương là loại nhựa của cây trám.

Sau đó, nhựa trám sẽ được trộn cùng bột than (than vừng, mía, lá chuối…) rồi đưa vào cối giã nát. Hiện nay, công đoạn chạy nhựa được thực hiện bằng máy xay nên người dân đỡ vất vả hơn nhiều.

Tiếp đến là công đoạn tẩy tăm. Trước khi đưa vào chạy thuốc cho hương thì các tăm hương sẽ được tẩy bằng một lượt nhựa trám tẩm than.

Công đoạn cuối cùng đó chính là “chạy bài”. Những que hương sau khi hoàn tất sẽ được đưa vào máy chạy thuốc để tạo mùi thơm đặc trưng. Thuốc bài chính là loại bột mịn được triết xuất từ cây bài, đây là loại cây đem đến hương thơm đặng trưng.

Sau khi chạy bài xong, những que hương thơm ngát sẽ được đem ra phơi cho khô rồi đóng gói. Vào những ngày mưa, hương sẽ được đưa vào các lò sấy cho khô.

Hương đã được làm thành phẩm sau nhiều công đoạn.

Ông Mậu chia sẻ, những người làm hương thủ công rất vất vả, riêng đôi bàn tay lúc nào cũng được nhuộm đủ thứ màu từ nhựa, than đến phẩm màu…

Những ngày giáp Tết nguyên đán Canh Tý, những người thợ làm hương như ông Mậu ở làng Đông Khê lại hối hả vào vụ.

Theo Tuấn Kiệt (Báo Thanh Hóa)

Rate this post

DienDan.Edu.Vn

DienDan.Edu.Vn Cám ơn bạn đã quan tâm và rất vui vì bài viết đã đem lại thông tin hữu ích cho bạn.
DienDan.Edu.Vn! là một website với tiêu chí chia sẻ thông tin,... Bạn có thể nhận xét, bổ sung hay yêu cầu hướng dẫn liên quan đến bài viết. Vậy nên đề nghị các bạn cũng không quảng cáo trong comment này ngoại trừ trong chính phần tên của bạn.
Cám ơn.

Đăng bình luận

(+84) (918) 369.468