(LĐO) – Thật không ngoa khi nói rằng chợ phiên vùng cao là “đặc sản” của vùng đất Lào Cai – “Nơi con sông Hồng chảy vào đất Việt”.
Mỗi phiên chợ đều có những nét riêng mang đặc trưng của từng vùng, nhưng đều là nơi sinh hoạt văn hóa không thể thiếu của đồng bào các dân tộc thiểu số, thường diễn ra vào thứ bảy, chủ nhật hàng tuần, một số ít diễn ra vào các ngày trong tuần.
Ai đã một lần ghé thăm các chợ văn hóa Bắc Hà, chợ trâu Cán Cấu, chợ bạc Mường Hum, chợ chim Mường Khương hay những chợ phiên Cao Sơn, Pha Long… hẳn sẽ không thể nào quên những nét đặc sắc trong văn hóa chợ của đồng bào các dân tộc thiểu số nơi miền biên ải.
Để tham quan chợ phiên Bắc Hà, được Tạp chí du lịch Serendib xếp là 1 trong 10 chợ phiên nổi tiếng nhất Đông Nam Á, chúng tôi ngược miền “cao nguyên trắng” từ chiều thứ Bảy.
Chúng tôi ngủ lại đêm ở thị trấn yên bình để sáng hôm sau đón bình minh cùng đoàn người, ngựa và nông sản xuống chợ văn hóa Bắc Hà.
Dulichgo
Hòa vào nhịp váy đung đưa, chen vai giữa sặc sỡ sắc màu thổ cẩm du khách sẽ đi giữa những gian hàng đậm chất vùng cao, này đây những bó đỗ cô ve trồng trên núi vàng óng ả, những quả dưa chuột nương to đùng xếp lăn lóc, những bó cải nương xanh mướt, những gùi ớt sừng chín đỏ rực, những chùm thảo quả vừa hái trên nương về cũng được bày bán tại chợ… Tất cả tạo nên những sắc màu đặc biệt riêng có của chợ phiên vùng cao nguyên của loài Mận Tam hoa.
Thật uổng công nếu đến chợ Bắc Hà mà không ngồi ở chợ phiên ăn món thắng cố và uống thứ rượu ngô Bản Phố nấu từ men lá hồng my, không ăn bát canh đậu với mèn mén… để cảm nhận rõ về cuộc sống thường nhật, nét văn hóa ẩm thực của đồng bào vùng cao nơi này.
Tiếng kèn pí lè phát ra từ phía cuối chợ bởi những người đàn ông túm năm, túm bảy thử kèn cũng hấp dẫn du khách hiếu kỳ. Rồi, khu bán thịt lợn bản theo kiểu truyền thống cũng thu hút khá đông khách du lịch đến để xem người dân địa phương mua thịt theo cách riêng của mình.
Dulichgo
Những món bánh làm từ ngô nếp nương, từ gạo Khẩu Nậm Xít không chỉ là thứ quà của đồng bào khi xuống chợ mà còn là nét ẩm thực lạ với nhiều khách du lịch mà không thể bỏ qua khi đến chợ Bắc Hà.
Chỉ có đến và cùng trải nghiệm, du khách mới cảm nhận hết được nét độc đáo của chợ phiên được bình chọn là một trong 10 phiên chợ nổi tiếng nhất Đông Nam Á này.
Rời cao nguyên trắng, đến Sa Pa, thị trấn du lịch xinh đẹp và thơ mộng, hẳn bạn cũng sẽ có cảm nhận như tôi về một mảnh đất có khí hậu trong lành, nơi được mệnh danh là vương quốc của cây trái bốn mùa ngát hương, trĩu quả dưới chân “Nóc nhà Đông Dương – fansipan” cao hùng vĩ.
Và có một điều đặc biệt, du khách không nên bỏ lỡ cơ hội tham quan khám phá không gian văn hóa đặc sắc và hấp dẫn của khu chợ Sa Pa. Vào những gian hàng bày bán thổ cẩm, du khách không chỉ được chiêm ngưỡng những tác phẩm được làm nên từ đôi bàn tay khéo léo của đồng bào Mông, Dao đỏ nơi đây, mà còn được xem bà con ngồi cần mẫn se lanh, thêu từng đường kim mũi chỉ, dệt vải và các công đoạn để hoàn thành những chiếc túi, chiếc gối hay tranh thổ cẩm treo tường, tranh trang trí…
Có lẽ, đến chợ Sa Pa, du khách cảm giác thích thú và lạ mắt nhất là khi được trải nghiệm nghề thổ cẩm truyền thống ngay tại chợ phiên. Đặc sắc hơn nữa khi đến chợ Sa Pa, là những nông sản từ dãy núi Hoàng Liên Sơn hùng vỹ, nào là nấm hương rừng tươi, quả mận Tả Van, quả sơn tra và những giò phong lan bản địa.
Đến chợ Sa Pa, hẳn du khách sẽ còn choáng ngợp bởi mùa nào thức nấy, nhưng có một thứ đặc sản có quanh năm là sản phẩm thuốc tắm của Đồng bào Dao đỏ được bà con bào chế từ phương thức bí truyền với hàng trăm loại lá thuốc lấy trên núi.Dulichgo
Điều thú vị hơn là bất cứ du khách nào cũng có thể mua những sản phẩm thuốc đông y, dược liệu trồng tại Sa Pa về làm quà cho người thân… Cơ man nào là đào, lê, mận địa phương là su su trồng trên núi đá Ô Quý Hồ, là mầm thảo quả hái từ trên đỉnh núi, khách du lịch tha hồ mà chọn mua những đặc sản bản địa của Sa Pa.
Nhưng có một điều đặc biệt nữa nếu khám phá chợ phiên ở Sa Pa vào sáng chủ nhật thì du khách cũng đừng nên bỏ lỡ cơ hội đến Sa Pa từ chiều thứ Bảy để thưởng thức trọn vẹn Đêm chợ tình Sa Pa bên ngôi nhà thờ đá cổ kính hàng trăm năm tuổi này…
Hầu hết các chợ phiên vùng cao Lào Cai được chia thành những khu bán hàng riêng với đủ mọi mặt hàng như sản phẩm dệt may thổ cẩm, nông sản, đồ gia dụng, rượu và khu bán vật nuôi và nông cụ sản xuất. Mỗi khu có một nét độc đáo riêng, nhưng tựu trung lại là nét độc đáo ấy nằm trong cái cách mua bán của người vùng cao nơi đây.
Quầy hàng bán sản phẩm thổ cẩm không chỉ có váy áo đã may sẵn mà còn có chỉ thêu đủ màu, những miếng thổ cẩm rời, những phụ kiện đính kèm như hạt cườm trang trí trên váy áo rất phong phú. Thu hút nhất vẫn là chị em phụ nữ, họ xem và thử váy áo rất hay.
Dulichgo
Ngoài việc lựa chọn màu sắc, việc mua váy áo thổ cẩm còn được chọn theo cân nặng. Thế nên, khi mua váy áo thổ cẩm, những phụ nữ Mông thường nhấc 2 chiếc váy áo lên để so sánh trọng lượng xem chiếc nào nặng hơn.
Cũng như váy áo thổ cẩm, các mặt hàng nông sản (rau xanh, ớt quả tươi, đậu đỗ, dưa chuột…) bán ở chợ phiên không phải dùng cân để đo khối lượng mà thường được đồng bào “bán vo, bán quạ”… theo bó, theo xâu, theo quả. Ngay cả vật nuôi nhiều khi cũng vậy.
Những chú lợn cắp nách đen trũi, những con gà Mông thịt đen, xương đen cũng chỉ được mua bán theo con, thậm chí nhiều khi còn là vật để trao đổi hàng hoá.
Nếu những gian hàng bán thổ cẩm, bán đồ gia dụng và nông sản thường yên lặng chỉ kịp nghe thấy tiếng ngã giá rất nhỏ thì ngược lại, những dãy bàn hàng thắng cố lại ồn ào náo nhiệt hẳn lên. Người đàn ông vùng cao xuống chợ không chỉ mua bán mà xuống chợ để uống rượu, xuống chợ để tâm tình bầu bạn.
Quây quần bên những chảo thắng cố bốc khói nghi ngút là những bát rượu ngô được nâng lên, hạ xuống cùng những tiếng nói cười rôm rả. Dường như bao những lo lắng, mệt nhọc sau một tuần lao động với nương rẫy, ruộng vườn đã tan biết hết, chỉ còn những câu chuyện, tiếng cười ở lại.
Trong chiếc gùi, một vận dụng quen thuộc của người vùng cao ấy nhiều khi chỉ là vài bó đỗ, vài mớ rau cải nương… tính tiền cũng chẳng đáng là bao. Nhưng ở vùng cao Lào Cai là thế, vài bó đỗ ấy, vài mớ rau cải nương ấy chỉ là “cái cớ” để người dân xuống chợ uống những bát rượu ngô được ủ lâu ngày sủi tăm, ăn những bát thắng cố nóng hổi, những bát phở chua cay cay bùi bùi… để tan buổi chợ lại gùi những chiếc gùi trên lưng trở về bản trong niềm háo hức mong ngóng phiên chợ tuần sau.
Trong chợ, cảnh mua bán tập nập của người dân vùng cao. Những quầy hàng bán đồ gia dụng, quầy bán nông sản, dãy bán rượu ngô, rượu thóc nấu từ men lá bí truyền, dãy hàng ăn… cứ sôi động với tiếng chào mời, ngã giá. Sà xuống hàng rượu ngô, được người phụ nữ chắt ngay cho một “nắp can” rượu uống thử.
Chỉ sang can rượu khác, chị giới thiệu bằng một tiếng Kinh lơ lớ: Rượu ủ đấy, rượu này ngon mà, mua đi! Hay thật, thử vậy rồi không mua rượu mà vẫn không sao. Người Lào Cai vốn nồng hậu và mến khách như vậy đấy.
Dulichgo
Bên góc chợ, trên bếp than hồng, qua tiếng búa đập qua, đập lại, những lưỡi cày, những con dao, cái cuốc được làm ra rất tinh xảo từ sự khéo léo cần mẫn của những người đàn ông Mông. Nghe nói, rèn nông cụ sắc và tốt, phù hợp với tập quán canh tác trên nương rẫy, ruộng bậc thang vẫn chỉ có người Mông ở Lào Cai. Nên chợ phiên cũng là một trong những thứ đặc sản của vùng cao mà mỗi lần khám phá là mỗi lần tìm ra nhiều điều mới mẻ, thú vị.
Đặc biệt, ở vùng cao Mường Khương, vào chủ nhật còn có một khu chợ chim họa mi dành cho những người yêu thích nuôi chim. Ở đây, từ khi người Mông biết xuống chợ phiên thì cũng là lúc ở chợ phiên có một góc bán hàng dành riêng cho những người chơi chim. Đó là thú chơi tao nhã, gần gũi với thiên nhiên mà lâu nay người Mông ở vùng cao vẫn thưởng thức vào mỗi chợ phiên. Nếu có dịp lên Lào Cai, tới Mường Khương, vùng đất nổi tiếng với giống hoạ mi quý có giọng hót hay và chiến đấu rất dũng mãnh thì bạn đừng bỏ qua phiên chợ đặc biệt này.
Khi chảo thắng cố đã cạn, vò rượu ngô đã hết, những mặt hàng thiết yếu đã được sắm đủ, bà con dân tộc lại lục tục kéo nhau về, kết thúc một phiên chợ đầy náo nhiệt. Lúc này, trên khắp các nẻo đường về bản, du khách sẽ dễ dàng gặp hình ảnh người dân dắt ngựa chở lỉnh kỉnh đồ đạc theo những con đường núi chênh vênh trở về bản. Với những người Lào Cai, phiên chợ quê hương là cả một tài sản vô giá, để lữ khách phương xa mỗi lần đến để rồi cứ mãi ngập ngừng chẳng muốn về…
– Chợ phiên Bắc Hà: Họp ngày chủ nhật, ở thị trấn Bắc Hà, huyện Bắc Hà.
– Chợ phiên Mường Khương: Họp chủ nhật, ở trung tâm huyện Mường Khương, có khu chợ chim họa mi.
– Chợ Pha Long: Ở xã Pha Long (huyện Mường Khương), họp sáng thứ 7.
– Chợ Cốc Ly, xã Cốc Ly (huyện Bắc Hà) họp ngày thứ 3 hàng tuần.
– Chợ tình Sa Pa, họp tối thứ 7 hàng tuần; Chợ phiên Sa Pa họp ngày chủ nhật.
– Chợ phiên Mường Hum (xã Mường Hum, huyện Bát Xát) họp ngày chủ nhật.
Theo Thanh Cường (Báo Lao Động)
Người Miền Trung !
DienDan.Edu.Vn Cám ơn bạn đã quan tâm và rất vui vì bài viết đã đem lại thông tin hữu ích cho bạn.DienDan.Edu.Vn! là một website với tiêu chí chia sẻ thông tin,... Bạn có thể nhận xét, bổ sung hay yêu cầu hướng dẫn liên quan đến bài viết. Vậy nên đề nghị các bạn cũng không quảng cáo trong comment này ngoại trừ trong chính phần tên của bạn.Cám ơn.