Dù đến Phú Quốc vài lần nhưng tôi vẫn chưa chạm chân đến địa danh Cửa Cạn nên lần này, chuyến phượt từ Cần Thơ đến đảo ngọc tôi muốn lưu lại dấu ấn nơi này. Được biết Cửa Cạn cũng là nơi có di tích chiến lũy nơi Nguyễn Trung Trực từng chỉ huy chống Pháp năm xưa.
Trong cơn gió chướng chuyển mùa, đất trời Phú Quốc đón tôi với khung cảnh thanh bình, xanh mát. Từ thị trấn Dương Đông, tôi chạy xe băng qua cầu Nguyễn Trung Trực để tìm tới Cửa Cạn. Theo bảng chỉ dẫn, địa danh này nằm cách Dương Đông chừng 14 km. Tà tà chạy xe trên đường, chỉ sau vài ki lô mét, khu dân cư, nhà cửa thưa dần, chỉ còn những trụ tiêu xanh mượt nhìn thật thích mắt…
Tuy vậy, tuyến đường tới Cửa Cạn rất bụi bặm bởi các khu du lịch đang thi nhau mọc lên dày đặc. Chưa kể, một khu xử lý rác nằm sát vệ đường, mùi hôi bốc lên nồng gắt. Thầm nghĩ, nếu chính quyền và các ban ngành sở tại của Phú Quốc không chú ý việc gìn giữ môi trường, với tốc độ bùng nổ về xây dựng, lượng khách ồ ạt kéo tới đảo ngọc sẽ làm ô nhiễm ngày càng trầm trọng.
Vừa chạy vừa nghĩ ngợi, xe vượt qua những địa danh như Cửa Lấp, Cửa Dương…, cuối cùng là Cửa Cạn hiện lên trong nắng chiều vàng rực.
Vòng vèo đi tìm địa danh Dinh cụ Nguyễn nhờ một em bé địa phương giúp đỡ, tôi cũng đến được địa chỉ, nơi cụ Nguyễn Trung Trực cùng các đồng đội từng lưu trú ngày nào. Ngắm ngôi đình be bé đang được sửa chữa nền mái, tôi được những cư dân đang dầm đất nền cho biết: Cả xã Cửa Cạn đều thờ vong linh Nguyễn Trung Trực và vợ của ông như những vị thần.
Nay thấy đình thần bị xuống cấp, dân chúng hè nhau góp của, góp công để có nơi cúng giỗ ông bà được tươm tất. Đây là việc làm được lưu truyền nhiều đời của cư dân Cửa Cạn. Có tận mắt nhìn cảnh này mới hiểu và cảm thấu tình yêu, lòng tôn kính của cư dân đối với người xưa đã có công vì nước.
Rời dinh, tôi cho xe quay ra con đường chính để tìm xuống bãi tắm cách đó khoảng vài ki lô mét. Trong nắng chiều xiên nghiêng, biển Cửa Cạn hiện ra mộc mạc, dịu dàng như một bức tranh tuyệt sắc. Những cặp tình nhân người nước ngoài thư thả dạo chơi trên bãi cát, họ chụp ảnh, cười đùa, cùng nhau đắm mình trong nước biển ấm áp, xanh biếc, hít thở không gian sạch thoáng.
Bãi Biển Cửa Cạn hay Bãi Cửa Cạn là một bãi biển còn khá hoang sơ tại Phú Quốc, là khu vực sông Cửa Cạn đổ ra biển. Trước cửa sông là một hoặc hai dải cồn cát dài chừng nửa km. Vào mùa mưa bão, cồn cát bị xáo trộn dữ dội cho nên cửa sông luôn bị thay đổi diện mạo và kích thước.
Bãi biển Cửa Cạn còn khá hoang sơ, giao thông tới khu vực này chưa được đầu tư nhiều. Cửa Cạn có một số quán ăn nhỏ ven đường xung quanh thị trấn với giá cả phù hợp, khách có thể dùng bữa tại đây hoặc có thể tới nhà hàng Chez Carole để thưởng thức những món ăn cao cấp hơn và dĩ nhiên giá cũng cao hơn.
Nơi này chủ yếu là cư dân địa phương sinh sống; hoạt động du lịch tại đây hiện cũng chưa được đầu tư mà mới phát triển theo hình thức tự phát nên khá yên bình và phù hợp cho du khách tới du lịch nghỉ dưỡng Phú Quốc chốn đây.
Khách có thể câu cá tại khu vực những chiếc cầu gỗ bắc ven sông Cửa Cạn cùng với người dân địa phương, hoặc thuê thuyền của ngư dân địa phương đưa bạn ra lòng sông hoặc biển.
Vùng ven cửa sông có một bãi đá trứng. Những viên đá nhỏ do bị nước liên tục bào mòn, mài nhẳn nên có hình trứng rất đặc biệt. Các rạn đá ngầm dưới nước bị xâm thực dữ dội nên có hình thù cũng rất đặc trưng. Đây là một nơi trú ngụ và kiếm ăn của nhiều loài cá, trong số này có vài loài rất đẹp, có thể làm cá cảnh.
Cách cửa sông vài trăm mét là một vùng bãi bồi. Đây là nơi cây đước và các loài thực vật, động vật thuộc rừng trên đất ngập măn sinh sống. Bạn sẽ ngạc nhiên khi tiến sâu vào khu sinh cảnh này. Hiện ra trước mắt bạn là một số loài phong lan sinh sống trên thân cây đước. Có thể đếm được ít nhất là 4 loài phong lan ở đây. Sự phát hiện này vô cùng thú vị, vì từ trước tới nay chưa ai thấy phong lan sống trong loại hình rừng ngập mặn.
Bãi biển Cửa Cạn nằm 2 bên cửa sông, có chiều dài khoảng 4km với cát trắng, nước trong cùng rừng dương xanh, lại cách thị trấn Dương Đông không quá xa nên là chốn lý thú để khách du lịch khám phá, nghỉ dưỡng.
Người miền Trung ! tổng hợp từ Thanh Niên + Phuquoc Trendtravel và nhiều nguồn khác
DienDan.Edu.Vn Cám ơn bạn đã quan tâm và rất vui vì bài viết đã đem lại thông tin hữu ích cho bạn.DienDan.Edu.Vn! là một website với tiêu chí chia sẻ thông tin,... Bạn có thể nhận xét, bổ sung hay yêu cầu hướng dẫn liên quan đến bài viết. Vậy nên đề nghị các bạn cũng không quảng cáo trong comment này ngoại trừ trong chính phần tên của bạn.Cám ơn.