(QNO) – Hoàng Su Phì là huyện vùng cao của tỉnh Hà Giang. Một trong những “đặc sản” nổi tiếng của vùng đất này là các cung ruộng bậc thang uốn lượn đẹp mê hồn.
Địa hình tỉnh Hà Giang khái quát chia thành hai vùng đặc trưng: Một là cao nguyên đá gồm 4 huyện Đồng Văn, Mèo Vạc, Quản Bạ, Yên Minh. Các huyện còn lại là đồi núi đất xen đá vôi. Hoàng Su Phì nằm trong số đó.
Biết chúng tôi đi Hoàng Su Phì, chị bạn Triệu Tình, Phó Giám đốc Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch tỉnh Hà Giang, vốn quê ở Hoàng Su Phì nhắn: Các anh lên đó nhớ đi Bản Phùng nhé!
< Các ruộng có độ dốc khoảng 60 độ, trải lưng chừng núi.
Từ TP Hà Giang, theo đường tỉnh 177, mất 3 giờ để chúng tôi đến thị trấn Vinh Quang – thủ phủ của huyện Hoàng Su Phì. Từ đây, chạy xe thêm 30km nữa mới đến được xã Bản Phùng. Con đường từ Vinh Quang lên Bản Phùng uốn lượn như dải lụa, cheo leo, một bên vách núi, một bên vực sâu, nhiều đoạn chỉ vừa đủ chiều ngang chiếc xe Innova.
Dulichgo
Lên đến trụ sở xã Bản Phùng ở thôn Tu Meo cũng là lên đến… đỉnh núi, có độ cao 1.200m so với mặt biển. Đã cận trưa, cả nhóm chúng tôi ghé vào ngôi nhà sàn La Chi Phong homestay để nghỉ ngơi và đặt cơm trưa. Nhà sàn có cột bê tông, bên dưới bán hàng, ăn uống, bên trên là nơi nghỉ của du khách. Hai vợ chồng trẻ chủ nhà cho biết họ vốn quê ở Nam Định, lên đây lập nghiệp, vợ làm giáo viên mầm non, chồng buôn bán tạp hoá và kinh doanh dịch vụ homestay.
< Dịch vụ homestay ở Bản Phùng đủ phục vụ nhu cầu ăn nghỉ của lữ khách đường xa.
Đang muốn tìm một “thổ dân” thì vừa may, chúng tôi làm quen được với anh Trần Chí Nhân, Phó Phòng Văn hoá huyện Hoàng Su Phì đưa vợ con lên Tu Meo chơi, đến sau nhóm chúng tôi 15 phút. Cán bộ lâu năm trong nghề, lại có chút máu nghệ sĩ nên Nhân thuộc Bản Phùng như lòng bàn tay.
Nhân cho biết, cả xã Bản Phùng này 100% dân cư là người La Chí. Người La Chí di cư từ Trung Quốc sang định cư tại đây đã khoảng 800 năm. Hai họ chính là họ Vương và họ Long. Như thôn Tu Meo này có 54 hộ thì có 30 hộ họ Vương, 24 hộ họ Long. “Phong tục tập quán của người La Chí ở Hoàng Su Phì vẫn còn giữ được, song ngôn ngữ đã bị lai tạp nhiều, tiếng nói chủ yếu là tiếng Nùng, còn nhóm La Chí vẫn giữ được tiếng bản ngữ thì hiện chỉ có ở Bản Phùng” – anh Nhân cho biết.
Dulichgo
Nghỉ ngơi chốc lát, chúng tôi cùng đi ngắm ruộng bậc thang. Có lẽ có nhiều du khách tới đây nên ngoài dịch vụ homestay, hãng lữ hành nào đó còn xây mấy căn chòi để du khách ngắm ruộng bậc thang, sáng tác ảnh. Từ đây, phóng tầm mắt ngắm thôn Tu Meo mới thấy bàn tay và khối óc kỳ vĩ của con người và bao mệt nhọc chặng đường đã qua thật không uổng phí.
Đầu đông, đồng bào đang thu hoạch gần xong vụ mùa nhưng cũng vì thế, những thửa ruộng bậc thang chưa gặt hết vô hình giống như những miếng ghép tô điểm cho bức tranh khổng lồ vàng óng dưới nắng chiều. Các thửa ruộng uốn lượn từ trên lưng chừng núi với độ dốc khoảng 60 độ trải gần xuống chân núi.
< Phụ nữ La Chí dùng đầu để địu lúa.
Điểm chấm trên bức thảm ấy là những ngôi nhà sàn thấp của đồng bào La Chí. Nhân bảo, người La Chí chính là chủ nhân của những ruộng bậc thang này. Đời nọ kế tiếp đời kia mở rộng, tu chỉnh. Năm 2012, ruộng bậc thang ở Bản Phùng cùng 5 xã khác thuộc huyện Hoàng Su Phì đã được công nhận là Di tích cấp quốc gia, chính là ghi nhận giá trị không chỉ về cảnh quan mà còn là giá trị lịch sử, văn hoá mà người La Chí đã tạo nên qua hàng trăm năm.
Dulichgo
Có một chi tiết thú vị Nhân kể là khi bắt đầu cấy lúa, người La Chí cũng đồng thời thả cá vào ruộng. Cá ăn sâu, loăng quăng. Đến khi thu hoạch lúa cũng là lúc thu hoạch cá. Trong bữa trưa ấy, tôi đã được thưởng thức, đó là những giống cá gần giống cá trôi, cá chép nhưng bụng đầy trứng, ăn như cá suối ở Bình Liêu của Quảng Ninh.
< Những phụ nữ La Chí dùng bữa trưa ngay cạnh thửa ruộng.
Từ căn nhà chòi vọng cảnh, Nhân khoát vòng tay cho biết, Bản Phùng mùa nào cũng đẹp. Mùa đông, sương mù khiến thung lũng như dòng sông mây trắng. Mùa xuân, hoa đào, hoa mai, thảo quả đua nhau khoe sắc nở khắp các triền đồi. Riêng ruộng bậc thang thì mùa nào cũng đẹp. Mùa xuân – mùa nước đổ, các thửa ruộng lấp loáng nước, khi lúa xanh và khi lúa chín đều tuyệt đẹp.
Gần nửa ngày rong ruổi Bản Phùng, ngắm không biết chán, dù còn nhiều tiếc nuối chưa khám phá hết nhưng chúng tôi cũng phải chia tay bởi chiều đã buông. Nhân nắm chặt tay: Nhớ trở lại Bản Phùng các anh nhé!
< Trang phục của người La Chí thuần màu xanh chàm.
Hoàng Su Phì là một huyện núi đất nằm ở phía tây của Hà Giang, cách thành phố Hà Giang 110km. Huyện bị chia cắt mạnh bởi địa hình núi cao, độ dốc lớn; sông Chảy và sông Bạc là hai dòng thủy lưu chính chảy qua địa bàn huyện đã hình thành những thung lũng hẹp, tương đối bằng phẳng, độ cao trung bình 1.000m so với mực nước biển.
Dulichgo
Hoàng Su Phì được biết đến với ruộng bậc thang đẹp bậc nhất Việt Nam. Ruộng bậc thang Hoàng Su Phì nằm trên địa bàn 6 xã là: Bản Phùng, Bản Luốc, Sán Sả Hồ, Hồ Thầu, Nậm Ty và Thông Nguyên. Toàn huyện có khoảng 3.000ha ruộng bậc thang trải khắp các đồi núi. Ruộng bậc thang Hoàng Su Phì đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chính thức cấp bằng công nhận Di tích Quốc gia vào năm 2012.
Theo Trần Minh (Quảng Ninh online)
Qua đèo vượt dốc đến Bản Phùng ngắm lúa thu
DienDan.Edu.Vn Cám ơn bạn đã quan tâm và rất vui vì bài viết đã đem lại thông tin hữu ích cho bạn.DienDan.Edu.Vn! là một website với tiêu chí chia sẻ thông tin,... Bạn có thể nhận xét, bổ sung hay yêu cầu hướng dẫn liên quan đến bài viết. Vậy nên đề nghị các bạn cũng không quảng cáo trong comment này ngoại trừ trong chính phần tên của bạn.Cám ơn.