(VOV) – Nghinh Lương Đình là một công trình kiến trúc cung đình thời Nguyễn, tọa lạc bên bờ sông Hương, trên trục chính của kinh thành Huế.
Hình ảnh công trình từ lâu đã đi vào với ký ức, tâm hồn người dân xứ Huế và gắn liền với một giai đoạn trầm buồn của lịch sử đầu thế kỷ XX qua địa danh bến Phu Văn Lâu.
Nghinh Lương Đình có tự bao giờ, ở Huế không ai còn nhớ nữa, chỉ biết rằng công trình tiền thân của nó là Lương Tạ, nằm trong hành cung Hương Giang, dùng làm nơi để nhà vua ra hóng mát và lên thuyền du ngoạn.
Ban đầu, Lương Tạ là công trình tạm, đầu năm được dựng lên, đến mùa thu được dỡ xuống. Dòng sử liệu đầu tiên nhắc đến Lương Tạ là Đại Nam thực lục chính biên đệ nhị kỷ, năm Minh Mạng thứ 7 (1826). Ở thời điểm được nhắc đến, công trình đã được xây dựng từ vài năm trước đó.
Đến thời Khải Định, cái tên Nghinh Lương Đình lần đầu đề cập trong sử liệu qua Đại Nam thực lục chính biên đệ thất kỷ với nội dung:
“Mùa thu, tháng 7, Bộ Công tâu nói đình Nghênh Lương đã dựng xong, trở đi gặp ngày kỷ niệm Quốc khánh xin trần thiết trang nhã trong đình ấy cùng diễn kịch diễn hát cho công chúng xem”.
Thông tin từ đoạn sử liệu và dòng lạc khoản bằng chữ Hán “Khải Định tam niên nhị nguyệt cát nhật kiến tạo” (xây dựng vào ngày tốt tháng 2 năm Khải Định thứ 3) trên bức hoành phi mặt hướng ra sông Hương của công trình đã cho thấy, Nghinh Lương Đình đã có tên như ngày nay và được trùng tu từ tháng 2 đến tháng 7 âm lịch, năm Khải Định thứ 3 (1918), và tại thời điểm này, chức năng của công trình đã thay đổi.
Công trình không còn nằm trong hành cung Hương Giang, chỉ dành cho nhà vua mà đã trở thành sân khấu trình diễn kịch hát cho công chúng xem trong các ngày lễ lớn.
Với chức năng mới, Nghinh Lương Đình cũng có những nét tương đồng với các đình dân gian khác, là trở thành nơi tổ chức sinh hoạt cộng đồng, chỉ khác là Nghinh Lương Đình thuộc quyền quản lý của triều đình và chỉ mở cửa cho công chúng trong các ngày kỷ niệm đặc biệt.
Nghinh Lương Đình có kết cấu kiến trúc kiểu phương đình 1 gian 4 chái, phía trước và phía sau đều có nhà vỏ cua nối dài ra. Bộ khung gỗ ở phần trên, nhất là các vì vỏ cua cùng hệ thống liên ba được chạm trổ công phu.
Mái nhà chính lợp ngói ống lưu ly vàng, hai nhà vỏ cua lợp ngói liệt men vàng.
Nền Nghênh Lương tạ cao 90 cm, bó vỉa bằng gạch vồ và đá thanh, phía bờ sông có 13 bậc cấp dẫn xuống một hành lang xây sát mặt nước sông Hương.
Cảnh quan xung quanh nhà tạ thoáng đãng và rất trữ tình. Xét về cấu trúc không gian ở trục trước mặt Kinh thành, Nghinh Lương Đình là điểm nối kết giữa Kỳ Đài – Phu Văn Lâu – Hương Giang – Ngự Bình.
Và đây cũng là vị trí đẹp để ngắm nhìn, cảm nhận vẻ đẹp lãng mạn của sông Hương vào lúc bình minh, khi hoàng hôn hay trong đêm trăng sáng. Nơi này nằm trên tờ tiền polymer mệnh giá 50.000 đồng của Việt Nam
Theo Lê Huy Hoàng Hải/VOV.VN
DienDan.Edu.Vn Cám ơn bạn đã quan tâm và rất vui vì bài viết đã đem lại thông tin hữu ích cho bạn.DienDan.Edu.Vn! là một website với tiêu chí chia sẻ thông tin,... Bạn có thể nhận xét, bổ sung hay yêu cầu hướng dẫn liên quan đến bài viết. Vậy nên đề nghị các bạn cũng không quảng cáo trong comment này ngoại trừ trong chính phần tên của bạn.Cám ơn.