RaoVat24h
Cẩm nang du lịch Du lịch Địa danh

Ngỡ ngàng mùa rêu biển

Advertisement

(BCT) – Từng mảng rêu phủ xanh trên những bờ đá ven biển tạo vẻ đẹp tuyệt vời mà không phải vùng biển nào cũng có. Thủy triều lên, rêu chìm trong làn nước xanh trong, đu đưa như một loài thủy tức sống ở bãi rạn. Thủy triều xuống, bờ đá lộ thiên một màu xanh mượt như đang phơi mình trong nắng.

< Khi vào mùa rêu, Cổ Thạch như khoác lên một vẻ đẹp rất khác. Ảnh: khangninhnguyen.

Thật ra, rêu biển mọc trên đá không lạ đối với cư dân miền biển. Cho tới khi những bức ảnh rêu lung linh trong nắng sớm được đăng trên các trang mạng xã hội, du khách mới ngỡ ngàng và đổ xô đi biển mùa rêu.

Khi có gió bấc non, cái nắng chói chang của miền biển dịu lại, nhường cho tiết trời ấm áp, là lúc rêu biển sinh sôi và phủ xanh bờ đá.

Rêu có hai dạng: Dạng mềm mượt như nhung, phủ một lớp mỏng trên đá ven biển hay những khối xi măng công trình đê kè; dạng còn lại là sợi bám trên các bờ đá tự nhiên dọc theo bờ biển. Tuy nhiên, người ta chỉ nhìn thấy rêu biển ở một số khu vực nhỏ của biển Bình Thuận, Ninh Thuận, Nha Trang, Phú Yên.

Diện tích rêu biển không nhiều nên rất quý giá. Nhiều người phải canh rêu vừa phủ xanh và canh thủy triều để đến với những vùng biển này. Vì vậy, khi mùa rêu biển bắt đầu, cộng đồng du lịch lại đổ xô đi “săn” rêu.

Có hẳn một danh sách các bãi biển có rêu đẹp như: bờ kè đê biển Hùng Vương (TP Tuy Hòa, Phú Yên), Hang Rái, làng biển Mỹ Hiệp (Ninh Thuận), Cổ Thạch (Bình Thuận)… để mọi người lựa chọn.

Người đi “săn” rêu phải thức dậy từ sớm. Có người mới 4 giờ sáng đã ra bờ biển ngồi chờ mặt trời vừa nhô lên ửng hồng ở phía Đông là bấm máy. Cứ thế, họ hí hoáy đến tận 6-7 giờ sáng chỉ với những hòn đá lô nhô phủ một màu rêu xanh mướt. Có người đến đây cũng chẳng buồn tắm biển vì mải miết với rêu xanh trên bờ đá.

Mùa rêu chỉ kéo dài chừng 2 hoặc 3 tháng tùy theo thời tiết và mức độ hủy hoại của du khách vô ý thức. Thông thường, rêu chỉ mọc xanh tốt ở những nơi xa khu dân cư, không có tàu thuyền neo đậu. Thế nhưng, có không ít người giẫm đạp lên rêu để đứng chụp ảnh, làm giảm thời gian sinh sống của rêu. Nếu mùa bấc không kéo dài, tiết trời nóng trở lại, rêu cũng mau tàn lụi.

Mùa rêu, Cổ Thạch là điểm được nhiều người đến nhất bởi vùng biển đẹp, có bãi sỏi màu trải dài. Đặc biệt, bãi đá rêu là một “kỳ quan”, chiếm mất nhiều thời gian của du khách. Ai tới đây cũng mải mê với bãi đá này.

Có khi chỉ trong 1-2 tháng mùa rêu đẹp nhất, họ dăm ba lần trở lại, cũng chỉ để chụp ảnh bãi đá rêu này mà thôi. Đó là một bãi đá lô nhô, gần như bị chôn vùi trong cát suốt cả nửa năm.

Mùa bấc, bãi đá lộ thiên đã khoác trên mình bộ cánh xanh rêu xinh đẹp. Giữa bãi đá nhô lên một khối đá tự nhiên, trông như hình chú cá heo đang tung lên mặt nước đầy thú vị. Lúc bình minh vừa hừng lên ở phía Đông, bãi rêu càng thêm đẹp vì nó xấp xỉ ngang bằng mặt nước. Con sóng cứ tràn vào rồi kéo ra, tạo thành một màn sương mờ ảo phủ trên mặt đá trong bức ảnh chụp tốc độ chậm. Nhìn những bức ảnh này, ai nấy cũng nao lòng và thầm ước đến cho được Cổ Thạch vào mùa rêu để chiêm ngưỡng hết vẻ đẹp huyền bí của bãi đá cổ.

Hang Rái, nằm cách Cổ Thạch không xa, thuộc tỉnh Ninh Thuận cũng là điểm “săn” rêu hấp dẫn đối với du khách. Rêu biển ở đây ít hơn Cổ Thạch nhưng bù lại có cảnh quan đẹp. Đặc biệt là “con thác” nước mặn theo sóng biển chảy tràn trên bãi san hô cổ lộ thiên làm say đắm biết bao nhiêu người. Khu vực này nằm trong khu bảo tồn thiên nhiên Núi Chúa mà bãi san hô cổ là phần nối dài của quần thể núi non hùng vĩ trên tuyến đường ven biển đầy ngoạn mục. Không ít người phải giăng lều ngủ tại đây để chờ bình minh lên là bấm máy cho ra những bức ảnh siêu thực, tạo nên một trào lưu đến Hang Rái. Một bãi đá rêu khác được ví “đẹp tựa thiên đường” là bãi san hô chết ở làng chài Mỹ Hiệp, cách thành phố Phan Rang- Tháp Chàm (Ninh Thuận) gần 10 cây số. Khu vực này phần lớn thu hút giới săn ảnh chứ không hấp dẫn khách du lịch thuần túy bởi vị trí khó tìm và thiếu kỹ thuật thì ảnh không đẹp vì toàn đá lởm chởm.

Dễ đi, dễ tìm là bãi rêu đê biển gần cầu Hùng Vương (thành phố Tuy Hòa, Phú Yên). Bản thân những khối bê tông chắn sóng hình tròn sắp xếp thứ tự ngăn nắp dọc đê biển cũng đã tạo được cảnh quan chụp ảnh lung linh, không cần nhiều kỹ thuật.

Ngay trung tâm thành phố, đi tới cầu Hùng Vương rồi rẽ sang hướng biển chừng vài trăm mét đã thấy đê biển phủ đầy rêu xanh này. Tuy nhiên, điểm này chỉ phù hợp với du khách trẻ chứ không thật sự hấp dẫn các tay săn ảnh.

“Săn” rêu biển phải có ý thức

Rêu biển như một món quà của thiên nhiên ban tặng để tạo không gian khác, một sắc màu khác và cả cái nhìn khác về môi trường, cảnh quan biển Việt Nam. Vì thế, đi du lịch “săn” rêu biển cần phải có ý thức giữ gìn, để nhiều người có cơ hội chiêm ngưỡng vẻ đẹp miền biển vào mùa rêu.

Đi biển mùa rêu, nhiều du khách dễ nổi cáu trước sự vô ý thức của một số người. Họ vô tư nện những bước chân lên mặt đá phủ màu rêu đẹp đẽ làm người khác nhói lòng. Nếu có ai đó nhắc nhở, họ miễn cưỡng bước ra khỏi bờ đá rêu nhưng lát sau lại quay trở lại, giẫm đạp dữ dội hơn để có những bức ảnh mà họ mong muốn. Thậm chí, có người còn bất chấp sự nhắc nhở của người khác, nghiễm nhiên đi lại trên bãi đá rêu như thể đó là sân nhà riêng.

Đành rằng, rêu biển không phải là sinh kế của người dân bản địa, cũng không phải là thứ đắt đỏ hay tốn nhiều công sức để tạo ra. Rêu là tự nhiên, tự sinh rồi tự diệt. Nhưng cũng phải nhìn lại, nhờ có mùa rêu, những bãi biển trở nên khác biệt, thu hút bao người đổ xô đến tận hưởng, tạo thêm sinh kế cho người dân bản địa và niềm vui cho du khách.

Một chút trân trọng với thiên nhiên cũng là lòng tự trọng, ý thức của bản thân đối với môi trường, với cộng đồng. Rêu không của riêng ai nhưng biết trân trọng nó thì du khách được mọi người xung quanh trân trọng và nhìn với ánh mắt đầy thiện cảm.

Bởi thế, chẳng trách nhiều người mê du lịch cố giấu nhẹm những địa điểm hoang sơ, xinh đẹp, hoặc hạn chế cho nhiều người biết vì sợ cảnh quan thiên nhiên bị hủy hoại do tình trạng kém ý thức của một số người, nhất là việc xả rác bừa bãi và không biết trân trọng thiên nhiên. Có lẽ sự “giấu giếm” đó khiến nhiều người khó chịu, nhưng âu đó cũng có lý do chính đáng là không muốn thiên nhiên bị xâm hại bởi những người đi du lịch thừa tiền nhưng thiếu ý thức cộng đồng.

Theo Thành Nguyễn (Báo Cần Thơ), ảnh từ internet
Người miền Trung !

Rate this post

DienDan.Edu.Vn

DienDan.Edu.Vn Cám ơn bạn đã quan tâm và rất vui vì bài viết đã đem lại thông tin hữu ích cho bạn.
DienDan.Edu.Vn! là một website với tiêu chí chia sẻ thông tin,... Bạn có thể nhận xét, bổ sung hay yêu cầu hướng dẫn liên quan đến bài viết. Vậy nên đề nghị các bạn cũng không quảng cáo trong comment này ngoại trừ trong chính phần tên của bạn.
Cám ơn.

Đăng bình luận

(+84) (918) 369.468