(AT) – Nhà thờ Ba Chuông tọa lạc tại số 190 Lê Văn Sỹ, P.10, Q.Phú Nhuận, TP.HCM, do các linh mục dòng Đa Minh sáng lập.
Dòng Đa Minh Việt Nam đã đến đây từ năm 1957. Các tu sĩ xây dựng tu viện thánh Albêtô năm 1959 và mở trường trung tiểu học Thánh Thomas.
Nhà thờ được xây dựng năm 1962, có kiến trúc khá độc đáo, với nhiều nét cong uyển chuyển mềm mại, theo thiết kế của kiến trúc sư Võ Văn Tần. Mặt tiền hình quả chuông úp, với cuốn sách mở trên có chữ Veritas, nghĩa là Chân lý.
Năm 1999, đã có ý kiến khởi xướng việc xây dựng lại thánh đường và phải mất ba năm cho khâu chuẩn bị. Có đến mười mấy mô hình cho ngôi thánh đường tương lai được giới thiệu. Nhiều mô hình được trưng bày công khai để xin ý kiến của mọi người.
Cuối cùng mô hình của kiến trúc sư Anthony Phạm Ngọc Anh đã được chấp thuận. Năm 2003 công trình được khởi sự và ngày 28-8-2005, ngôi thánh đường mới đã được cung hiến như hiện nay.
Nhà thờ Ba Chuông được xây dựng theo phong cách Á Đông và mang đậm nét văn hóa Việt. Thánh đường vừa mang dáng dấp của một ngôi đình của làng xã Việt Nam: hình vuông, mái cong; vừa xây theo lối kiến trúc hiện đại: bêtông cốt sắt, tường gạch ốp đá. Nhà thờ vì thế trở nên nguy nga, tráng lệ, nhưng lại rất thanh thoát, nhẹ nhàng.
Bình diện vuông, theo tư duy Việt cổ, quan niệm trái đất vuông, được bốn phương neo giữ. Đặc tính này được kiến trúc sư khai thác triệt để khi thiết kế thánh đường. Do đó, thánh đường hiện diện trong vị thế hòa điệu tự nhiên với khu biệt kính các Thánh và các vườn… tạo nên một cảnh quan tổng thể có cả chiều cao lẫn bề rộng vừa thiêng liêng vừa ấm cúng.
Từ ngoài nhìn vào, toàn bộ quần thể kiến trúc của nhà thờ Ba Chuông mang một màu xanh được gắn kết bởi những tảng đá xanh láng bóng. Trung tâm thánh đường là hai tầng mái cách điệu với độ cao 30m tạo nên hai tầng không gian mở, vòm mái cao vút tạo độ thông thoáng.
Giữa thánh đường là một gian cung thánh hình tròn rộng lớn với bàn thờ bằng gỗ quý trên mặt cẩn đá cẩm thạch. Những bức tranh kính với nhiều màu sắc gắn xung quanh thánh đường tạo độ sáng tối huyền ảo. Thánh đường Đa Minh – Ba Chuông có kiểu kiến trúc hình vuông tượng trưng cho đất, khung mái hình tròn tượng trưng cho trời, các góc mái có rồng bay diễn tả ý muốn vươn cao hơn giữa trời đất.
Tháp chuông là thành tố không thể thiếu được trong kiến trúc một ngôi nhà thờ Công giáo. Tháp chuông càng cao thì tiếng chuông càng vang xa, nhằm kêu gọi con chiên của Chúa trong giáo xứ đến làm các lễ nghi phụng tự. Ngoài ra, chuông và tháp chuông còn mang ý nghĩa “tượng trưng cho núi Thánh để vang âm lời Chúa”.
Trên đỉnh tháp chuông là thánh giá – “một biểu tượng bất biến về ơn cứu độ”. Đặc biệt ở thánh đường Đa Minh – Ba Chuông là có ba quả chuông đồng. Một dấu ấn mang tính lịch sử đã trở thành biệt danh của nhà thờ.
Tháp chuông hình trụ vuông gồm ba tầng mái với kiểu dáng mái cong truyền thống, được cách điệu và hiện đại hóa. Mỗi góc mái là một đầu đao hình đầu rồng quy hướng về thánh giá, vừa thể hiện sự hội nhập văn hóa trong kiến trúc nhà thờ, vừa chuyển tải được ý nghĩa về mặt tôn giáo “Đức Kitô Trung Tâm”.
Bàn thờ được làm bằng một loại gỗ quý, trên mặt đá cẩm thạch. Chất liệu gỗ, đá là những vật liệu mang tính truyền thống trong kiến trúc xây dựng bền vững của người Việt Nam. Khác với các bàn thờ phương Tây (hình chữ nhật), bàn thờ ở đây hình tròn trên chân đế hình vuông, đặt giữa lòng cung thánh tròn, trên nền vuông với các vòng tròn tam cấp.
Phù điêu ở đây được trưng bày ở tiền sảnh ngôi nhà thờ, các bức phù điêu làm nổi bật sự liên kết giữa tinh thần Kitô giáo và truyền thống văn hóa dân tộc. Bên trái là phù điêu Đức Mẹ Mân Côi có khoảng không gian nền với hoa sen tượng trưng cho sự thanh khiết, nguồn nước tượng trưng cho lòng Mẹ bao la. Bên phải là bức phù điêu Thánh Giuse và Chúa Giêsu trong bối cảnh nền là ngọn núi, ngôi nhà, bàn mộc – biểu lộ tinh thần vững chãi của người cha lao động; sự công chính và sự cương trực được thể hiện qua hình ảnh khóm tre (trúc), một biểu tượng “tiết trực tâm hư” theo tinh thần Á Đông.
Ba bộ tranh gốm bao bọc ba mặt tầng lửng bên trong nội thất nhà thờ, với tổng chiều dài 60m, thể hiện sự hòa hợp giữa các gam màu và họa tiết, kết cấu nên một bộ giáo lý bằng tranh sinh động. Qua đó chúng ta có dịp tìm hiểu những biến cố quan trọng trong toàn bộ tiến trình lịch sử cứu độ của Thiên Chúa, xuyên suốt từ Cựu ước đến Tân ước.
Cho đến hôm nay đã nửa thế kỷ, nhà thờ Ba Chuông trở thành một danh xưng phổ biến và quen thuộc với nhiều người. Có những cuốn Agenda giới thiệu với khách du lịch về nhà thờ “Three Bells” như một địa chỉ để tham quan khi đến TP.HCM.
Theo Thụy Khanh (Tuổi Trẻ)
Người miền Trung !
DienDan.Edu.Vn Cám ơn bạn đã quan tâm và rất vui vì bài viết đã đem lại thông tin hữu ích cho bạn.DienDan.Edu.Vn! là một website với tiêu chí chia sẻ thông tin,... Bạn có thể nhận xét, bổ sung hay yêu cầu hướng dẫn liên quan đến bài viết. Vậy nên đề nghị các bạn cũng không quảng cáo trong comment này ngoại trừ trong chính phần tên của bạn.Cám ơn.