(LCO) – Vào các ngày lễ, tết, hội, người Hà Nhì (Bát Xát) thường sử dụng một số loại nhạc cụ đặc trưng như đàn tròn, tù và, sáo dọc, sáo ngang, nhị…
< Đồng bào Hà Nhì chơi đàn tròn và sáo dọc.
Đàn tròn – “hó tờ” là loại nhạc cụ độc đáo có 4 dây, được làm bằng loại gỗ tốt, mỏng có bầu đàn hình tròn, cần đàn, nút căn chỉnh dây đàn. Dây đàn bằng dây cước hoặc dây phanh. Chỉ có nam giới người Hà Nhì được sử dụng đàn tròn để đánh nhạc đệm cho các bài hát, bài múa và khi hát giao duyên giữa nam và nữ.
Tù và – “có tu” là loại nhạc cụ được làm bằng sừng trâu, có công năng dùng để làm tín hiệu thông báo họp thôn. Tù và thường được treo ở vị trí gian giữa nhà, khi cần dùng sẽ được hạ xuống để thổi và cũng chỉ có nam giới mới được sử dụng.
Dulichgo
Sáo dọc – “pí si” có 7 lỗ ở mặt trên và 1 lỗ thoát hơi phía sau. Gần đầu phía trên có 1 lỗ để thổi. Sáo được làm bằng cây trúc hoặc nứa già thì sử dụng mới bền. Khi thổi, âm thanh phát ra êm dịu, du dương, trầm bổng tuỳ theo cảm xúc người thổi.
Đối tượng sử dụng nhạc cụ này không phân biệt nam hay nữ, nhưng chủ yếu là thanh niên. Sáo thường được người Hà Nhì thổi khi lên nương, là công cụ giúp họ giãi bày tình cảm với quê hương, với bạn bè, người thân… Trong các ngày hội, thành viên các đội văn nghệ của làng thổi sáo đệm cho các bà, các chị hát dân ca và hát giao duyên giữa nam và nữ.
Sáo ngang – “sé pi” – đặc điểm loại sáo này cũng gần giống sáo dọc, thường được các chàng trai, cô gái sử dụng để hát giao duyên.
Dulichgo
Nhị – “si vu” là một loại nhạc cụ của bộ dây. Bầu nhị được làm từ ống tre già phơi khô, mặt đàn nhị làm từ mo của cây tre già; dây đàn được làm từ dây cước hoặc dây phanh xe đạp. Đàn nhị có hai dây, dây kéo đàn được luồn vào giữa hai dây đàn để kéo qua kéo lại tạo ra âm thanh. Khi chơi đàn, đàn nhị phát âm thanh réo rắt, trầm trầm. Đàn nhị được sử dụng chủ yếu trong hát giao duyên giữa nam và nữ.
Có thể thấy đời sống văn hóa tinh thần của người Hà Nhì khá phong phú, đặc biệt là về âm nhạc và hình thức sử dụng nhạc cụ trong đời sống. Âm nhạc làm cho người Hà Nhì đoàn kết, gắn bó, xích lại gần nhau hơn.
Theo Nguyễn Ngọc Thanh (Báo Lào Cai)
Người Miền Trung !
DienDan.Edu.Vn Cám ơn bạn đã quan tâm và rất vui vì bài viết đã đem lại thông tin hữu ích cho bạn.DienDan.Edu.Vn! là một website với tiêu chí chia sẻ thông tin,... Bạn có thể nhận xét, bổ sung hay yêu cầu hướng dẫn liên quan đến bài viết. Vậy nên đề nghị các bạn cũng không quảng cáo trong comment này ngoại trừ trong chính phần tên của bạn.Cám ơn.