Kinh doanh dàn trải, thiếu định hướng, không có chiến lược quảng bá hiệu quả… sẽ khiến việc khởi nghiệp gặp nhiều trở ngại.
1. Không có một kế hoạch cụ thể
Không cần vẽ nên một bản kế hoạch đồ sộ mà việc cần làm là phải xây dựng kế hoạch chi tiết và thiết thực. Ông Tim Berry – Chủ tịch Công ty Palo Alto Software ví von kế hoạch kinh doanh như bài tập về nhà, dù muốn hay không thì bạn vẫn phải hoàn thành nó và điều này góp phần quan trọng vào thành công.
Thay vì sa lầy vào việc đưa ra những điều lớn lao qua hàng chục trang giấy với con số chi chít, cần phải biết mình sẽ bán cái gì, khách hàng là ai và điều gì khiến họ sẵn sàng bỏ tiền ra để mua sản phẩm hay dịch vụ của mình. Từ đó sẽ đề ra những bước đi cụ thể với định hướng rõ ràng, các cột mốc thời gian và công việc kỳ vọng đạt được. Điều quan trọng không kém là nắm rõ mình đang có và sẽ huy động bao nhiêu vốn, dòng tiền này sẽ kéo dài bao lâu để “nuôi” dự án.
2. Tập trung quá nhiều vào những thứ nhỏ nhặt
Ông Steve Tobak – người sáng lập công ty tư vấn chiến lược kinh doanh Invisor Consulting chia sẻ, để doanh nghiệp thực sự “bay bổng” thì chủ doanh nghiệp đừng để sa lầy bởi các tiểu tiết.
Người khởi nghiệp thường bị lạc hướng khi tốn quá nhiều thời gian cho việc thiết kế danh thiếp thế nào cho bắt mắt, logo có đẹp hay không… Thay vào đó, nên tạo cho mình một tầm nhìn xa và rộng, tập trung vào những nhiệm vụ chính yếu để thúc đẩy doanh nghiệp phát triển lên cấp độ mới.
3. Không chú trọng đến tiền bạc
Ông Steve Tobak nhấn mạnh giới trẻ khởi nghiệp hãy luôn lạc quan, tuy nhiên không được “lạc quan tếu” về tiền bạc. “Nhiều cơ hội tốt xuất hiện nhưng chúng ta bỏ lỡ vì không có tiền để hiện thực hóa. Do vậy cần tính toán rõ ngân sách cần thiết để thực hiện quy trình kinh doanh, tỷ lệ cho việc thất bại và kế hoạch dự phòng để huy động vốn trong những trường hợp cấp thiết”, ông Steve Tobak đưa ra lời khuyên.
Thông thường, các chủ doanh nghiệp hối hả đi huy động vốn khi đã quá muộn. Vì vậy ngay từ đầu nên lập một kế hoạch tài chính, chi tiết hóa từng khoản tiền dành cho những khoản mục nào và làm thế nào để đạt được các mục tiêu đã đặt ra.
4. Định giá thấp sản phẩm
Ông Cynthia Salim – nhà sáng lập đồng thời là CEO của Citizen’s Mark cho rằng dù bán sản phẩm hay cung cấp dịch vụ, cần phải phân tích và định giá đúng để tạo ra lợi nhuận phù hợp. Ví dụ đối với sản phẩm cụ thể, cần xem xét các chi phí lao động và nguyên liệu cho dây chuyền sản xuất, chi phí vô hình…. để thiết lập mức giá khởi điểm. Doanh nghiệp càng phát triển thì chi phí và mức giá sẽ liên tục điều chỉnh.
5. Bỏ qua dịch vụ khách hàng
Với các giao dịch kinh doanh diễn ra trên Internet, khách hàng nhiều khả năng sẽ quay lại trang web của bạn nếu có những trải nghiệm tốt. Có nhiều cách để tương tác với người dùng tham khảo sát thông tin trên website doanh nghiệp như thông qua chat, e-mail, khảo sát trực tuyến hay gọi điện. Ngoài ra, các trang truyền thông xã hội cũng cung cấp nhiều thông tin cần thiết. Cần thường xuyên kiểm tra các mạng xã hội để tìm hiểu về mức độ hài lòng hay không với thương hiệu được khách hàng chia sẻ, từ đó rút kinh nghiệm và tìm cách tiếp cận để giải quyết thấu đáo.
6. Cho khách hàng quá nhiều thứ miễn phí
Để tạo được sự chú ý và tin cậy của khách hàng, nhiều doanh nghiệp ban đầu thường tặng sản phẩm miễn phí. Tuy nhiên, ông Joel Widmer – sáng lập công ty nội dung chiến lược Fluxe Digital Marketing cho rằng điều này lợi bất cập hại. Thay vào đó có thể tặng khách hàng những món quà hữu ích nhưng mức phí thấp như tặng e-book, công thức nấu ăn, sách hướng dẫn trực tuyến, tổ chức hội thảo trên web…
7. Xuất hiện quá “mỏng” trên phương tiện truyền thông xã hội
Khi bắt đầu với tiếp thị và xây dựng thương hiệu, có thể khảo sát để biết được khách hàng tiềm năng của mình thường quan tâm đến những mạng xã hội nào, từ đó tùy biến ngân sách tiếp cận phù hợp. Điều này giúp ngân sách quảng cáo không bị thổi phồng ngay từ đầu và tăng tính hiệu quả.
8. Tuyển dụng nhân sự
Nhiều doanh nhân vội vàng trong quá trình tuyển dụng để nhanh chóng lấp đầy các vị trí nhằm thực hiện mở rộng quy mô kinh doanh. Nhưng cách làm này tiềm ẩn những bất ổn cho doanh nghiệp như tuyển người không phù hợp với nhu cầu kinh doanh, khác biệt nền văn hóa công ty, thiếu kỹ năng và kinh nghiệm…
9. Quá ôm đồm
Ông Steve Tobak cho rằng đừng cố gắng kiểm soát thời gian, luôn chăm chăm tính toán từng phút một sẽ phải làm được điều gì. “Ý tưởng lớn không đến khi bạn đang cố gắng để quản lý mỗi phút thời gian của mình, khi việc gì bạn cũng muốn tự tay mình xử lý. Ý tưởng chỉ đến khi bạn đang tập trung vào một điều thật sự quan trọng và khi đó hãy để mọi thứ khác không cần thiết sang một bên”, người sáng lập công ty tư vấn chiến lược kinh doanh Invisor Consulting nói.
10. Thiếu tầm nhìn
Một sản phẩm hay chiến lược thành công trong giai đoạn này không có nghĩa nó sẽ tiếp tục thành công trong tương lai. Vì vậy cần luôn kiểm tra về tài chính và nguồn lực, đánh giá các rủi ro, tác động thay đổi để đưa ra chiến lược phù hợp cho từng giai đoạn phát triển của công ty.
DienDan.Edu.Vn Cám ơn bạn đã quan tâm và rất vui vì bài viết đã đem lại thông tin hữu ích cho bạn.DienDan.Edu.Vn! là một website với tiêu chí chia sẻ thông tin,... Bạn có thể nhận xét, bổ sung hay yêu cầu hướng dẫn liên quan đến bài viết. Vậy nên đề nghị các bạn cũng không quảng cáo trong comment này ngoại trừ trong chính phần tên của bạn.Cám ơn.