RaoVat24h
Cẩm nang du lịch Du lịch Địa danh

Non cao Quản Bạ và truyền thuyết núi đôi

Advertisement

(VOV5) – Trong hành trình du lịch Quản Bạ, du khách còn có dịp vào thăm các bản làng bình yên của các dân tộc.

Quảng Bạ là huyện vùng cao, biên giới phía Bắc của tỉnh Hà Giang, là cửa ngõ của vùng Công viên địa chất toàn cầu cao nguyên đá Đồng Văn.
Quảng Bạ có nhiều núi đá cao và bị chia cắt bởi các khe sâu, thung lũng, sông suối. Những con đường quanh co, uốn lượn quanh núi non hiểm trở đã tạo cho Quảng Bạ vẻ đẹp khó cưỡng nối, vẻ đẹp của đá trong mây. Đặc biệt trong chuyến hành trình tới Quản Bạ, nhiều du khách không khỏi dừng chân trầm trồ trước cảnh đẹp của núi đôi, vẻ đẹp của tạo hóa gắn với truyền thuyết “Núi đôi” rất thi vị của đồng bào các dân tộc Quảng Bạ.

Địa phận huyện Quảng Bạ nằm lọt thỏm giữ vùng thung lũng xanh mát giữ vùng núi đá bao quanh ở độ cao khoảng 1.000 – 1.600m so với mực nước biển. Thủ phủ của huyện Quảng Bạ là thị trấn Tam Sơn và toàn huyện có 12 xã vùng cao là nơi cư trú của đồng bào 16 dân tộc, trong đó gần 60% là người Mông, khoảng 14% là người Dao, người Tày chiếm 11%, còn lại là các dân tộc khác.
Dulichgo
Đặc biệt Quảng Bạ là địa phương duy nhất có dân tộc Pu Y (hiện chỉ còn hơn 880 người và hầu hết sống tập trung ở xã Quyết Tiến). Người Tày ở các nhà sàn lợp lá cọ, người Dao ở các nhà trình tường nhà làm bằng đất.

< Thiếu nữ dân tộc Bố Y.

Bà con sống chủ yếu bằng nghề trồng lúa nước tại các chân ruộng ở ven núi, sông và trồng trọt trên nương rẫy. Trong khi cộng đồng đồng bào dân tộc Mông thường ở vùng núi cao, sống chủ yếu với nghề trồng ngô. Ngoài nghề nông, đồng bào còn có các nghề thủ công như: đan lát, sản xuất nông cụ, mộc, làm đồ gốm, dệt vải…

Cộng đồng dân tộc Tày, Mông, Dao ở Quảng Bạ có kho tàng văn hóa dân gian phong phú với nhiều truyền thuyết, thần thoại, truyện cổ, truyện thơ, dân ca… với những làn điệu khèn của người Mông, làn điệu hát then đàn tính của người Tày.

Quảng Bạ có những thắng cảnh nổi tiếng như: Cổng Trời Quảng Bạ, Cổng thành Cán Tỷ, hang Khố Mỷ Tùng Vài, Thạch Sơn Thần xã Quyết Tiến. Đặc biệt là thắng cảnh “Núi đôi” vẻ đẹp “bất ngờ”của tạo hóa bên quốc lộ 4C dẫn vào thị trấn Tam Sơn, huyện Quảng Bạ luôn hấp dẫn du khách.
Dulichgo
Giữa những núi đá trùng điệp và ruộng bậc thang nổi lên hai trái núi có hình dáng như bầu ngực căng tràn của thiếu nữ, khiến du khách không khỏi ngỡ ngàng trước vẻ đẹp kỳ vĩ của tạo hoá. Núi Đôi gắn với những câu chuyện truyền thuyết được đồng bào các dân tộc kể rằng: xưa ở vùng đất này có một chàng trai người H’mông tuấn tú, có tài thổi đàn môi.

Tiếng đàn môi của chàng réo rắt như tiếng suối, ríu rít lảnh lót như tiếng chim rừng, lúc lại sâu lắng, trầm bổng, da diết như tiếng gió giữa đêm khuya cứ bay xa, bay xa mãi. Một nàng tiên trên thượng giới tên là Hoa Đào xinh đẹp tuyệt trần tình cờ nghe được tiếng đàn môi của chàng đã theo gió trốn xuống trần gian tìm người thổi đàn môi. Phải lòng chàng nên nàng tìm cách ở lại vùng đất này. Họ nên vợ nên chồng và sinh được một bé trai kháu khỉnh.

Ngọc Hoàng phát hiện ra chuyện Hoa Đào bỏ trốn xuống trần gian lấy người phàm trần đã vô cùng giận dữ, sai người đi bắt nàng về. Thương chồng một mình nuôi con vất vả, thương con thơ thiếu bầu sữa mẹ, nàng đã bỏ lại đôi nhũ của mình dưới hạ giới cho con bú. Đôi nhũ căng tròn nuôi con nàng ngày càng khôn lớn, sau này đã biến thành hai quả núi dáng hình như bầu vú mẹ, tròn trịa, đều đặn đến lạ thường.

Hai quả núi đó được gọi là Núi Đôi hay núi Cô Tiên. Tương truyền nhờ dòng sữa của nàng mà vùng đất này có khí hậu vô cùng mát mẻ, các loại hoa trái như đào, mận, lê, hồng,… có hương vị thơm ngon kỳ lạ, rau trái thì luôn xanh tươi, lúa ngô tươi tốt. Ngày nay, hầu như mọi du khách đến Quảng Bạ Hà Giang đều dừng chân chụp ảnh, ngắm cảnh núi đôi.
Dulichgo
Cảnh đẹp núi đôi là nguồn cảm hứng sáng tác của các nhà thơ, nhạc sỹ, các nghệ sỹ nhiếp ảnh mỗi dịp đến thăm Quảng Bạ, Hà Giang. Anh Nguyễn Tuấn Khoa, nghệ sỹ nhiếp ảnh ở Hà Nội bày tỏ cảm nghĩ: “Du khách qua đây thường dừng chân chiêm ngưỡng “tác phẩm nghệ thuật” của thiên nhiên ban tặng cho vùng đất này. Thật kỳ lạ, giữa những núi đá trùng điệp và ruộng bậc thang nổi lên hai trái núi có hình dáng như bầu ngực thiếu nữ, khiến du khách không khỏi ngỡ ngàng trước vẻ đẹp kỳ vĩ của tạo hoá. Tôi đã lên đây nhiều lần, vào những thời điểm khác nhau, nhưng vào mỗi mùa, núi đôi lại mang vẻ đẹp rất đặc biệt, gợi lên nhưng cảm xúc khó tả.”

Trong hành trình du lịch Quảng Bạ, du khách còn có dịp vào thăm các bản làng bình yên của các dân tộc như: làng văn hóa thôn Hợp Tiến, xã Lùng Tám với nghề dệt thổ cẩm, làng văn hóa người Tày ở thị trấn Tam Sơn với điệu then đàn tính, lễ cấp sắc người Dao ở làng Nậm Đăm, lễ cầu mùa người Nùng, Tày, lễ gầu tào dân tộc Mông, lễ cúng Thần rừng dân tộc Pu Y. Vào các ngày chợ phiên huyện Quảng Bạ, chợ Quyết Tiến, chợ Tùng Vải, chợ Tráng Kìm… du khách được hòa mình vào đời sống, phong tục tập quán văn hóa đa dạng của các sắc màu dân tộc. Các khu chợ có rất nhiều sản vật địa phương hết sức phong phú.
Dulichgo
Du khách đến Quảng Bạ được thưởng thức những món đặc sản như: rượu ngô Thanh Vân, đậu tương, thịt treo, lợn tên lửa, mèn mén, cháo lảo, gà xương đen, lạp xường, thảo quả…Cảnh sắc cùng những phong tục văn hóa của đồng bào các dân tộc luôn để lại những ấn tượng khó quên trong lòng mỗi du khách trong suốt cuộc hành trình lên non cao Quản Bạ, Hà Giang.

Theo Tô Tuấn (VOV World)
Người Miền Trung !

Rate this post

DienDan.Edu.Vn

DienDan.Edu.Vn Cám ơn bạn đã quan tâm và rất vui vì bài viết đã đem lại thông tin hữu ích cho bạn.
DienDan.Edu.Vn! là một website với tiêu chí chia sẻ thông tin,... Bạn có thể nhận xét, bổ sung hay yêu cầu hướng dẫn liên quan đến bài viết. Vậy nên đề nghị các bạn cũng không quảng cáo trong comment này ngoại trừ trong chính phần tên của bạn.
Cám ơn.

Đăng bình luận

(+84) (918) 369.468