(BQN) – Hương rượu nếp Cút nồng nàn, ngọt lịm vị quê hương đã được tạo nên theo cách rất riêng để trở thành thức uống đặc sản mà không phải ai cũng một lần được thưởng thức.
Bên chén rượu nếp đầu xuân với vị thơm nồng đặc trưng, ông Nguyễn Văn Sơn – người đã giữ nghề ủ rượu nếp Cút “Hạ thổ bách nhựt” của gia đình được lưu truyền suốt hơn 100 năm qua, chậm rãi kể cho chúng tôi nghe về câu chuyện thú vị của loại rượu quý này.
Nếp quý làm nên rượu ngon
Rượu nếp Cút được làm từ loại gạo đúng như tên gọi của rượu. Không giống như lúa và các loại nếp khác, nếp Cút rất khó trồng, thời gian trồng kéo dài từ tháng 5 đến tháng 9 âm lịch.
Năng suất đạt thấp, nhưng bù lại nếp Cút rất thơm ngon mà không có loại nếp nào sánh được. Lạ ở chỗ, giống nếp Cút được trồng ở vùng đất dưới nguồn suối khoáng nóng Nghĩa Thuận (Tư Nghĩa) thì chất lượng mới đạt ngưỡng tuyệt hảo.
Nếp Cút ngon nên làm ra món nào cũng ngon, như: Nấu xôi, gói bánh chưng, bánh tét, làm bánh nổ, bánh in, đặc biệt là ủ rượu nếp thiết đãi khách quý dịp Tết. Từ thời xa xưa, người dân ở thôn An Hội Bắc 1 đã biết chế biến đặc sản rượu nếp Cút thơm ngon, tinh khiết.
Ông Nguyễn Văn Sơn tuy giờ đã sống ở thị trấn La Hà, nhưng ông vẫn gắn với nghề nấu rượu nếp Cút “Hạ thổ bách nhựt” như những ngày còn ở quê. Cứ vào mùa gặt nếp Cút, ông lại đích thân về quê, chọn mua hơn nửa tấn nếp để dành ủ rượu bán trong dịp tết Nguyên đán. Theo ông Sơn, để làm ra rượu nếp Cút “Hạ thổ bách nhật” cần phải tuân thủ theo đúng quy trình kỹ thuật từ khâu chọn nếp, nấu cơm, hấp đậu, vô men, trộn trứng, cho vào chum, hạ thổ…
Chờ đúng 100 ngày, ông lại đào lấy chum sành lên đổ vào máy vắt lấy rượu. Làm như vậy thì rượu mới thơm, ngon, tạo ra hương vị rượu nếp Cút ngon dịu, thơm đặc trưng. Cũng bởi vị ngon khó lẫn, mà năm nào hơn 400 lít rượu nếp cút “Hạ thổ bách nhựt” của gia đình ông cũng được bán hết veo từ những ngày đầu tháng Chạp. Với giá 220 nghìn đồng/lít, rượu ngon làm từ nếp quý, đã mang về cho gia đình ông hơn 100 triệu đồng mỗi dịp Tết.
Chắp cánh cho rượu nếp Cút
Không chỉ làm nên những vò rượu ngon, ông Nguyễn Văn Sơn còn tích cực đưa loại rượu đặc sản ở quê mình tham gia các hội chợ, triển lãm ở các tỉnh Quảng Nam, Bình Định và được nhiều người tiêu dùng đón nhận, đặt hàng. Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Tư Nghĩa Trần Thiên Thanh, với thành công từ việc xây dựng thương hiệu rượu nếp Cút “Hạ thổ bách nhựt” của gia đình ông Nguyễn Văn Sơn, huyện tin tưởng và chọn sản phẩm này cho chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” để quảng bá, nhân rộng. Theo đó, huyện sẽ hỗ trợ mở rộng quy mô, xây dựng định danh, đăng ký bảo hộ nhãn hiệu. Từ đó tập huấn, hướng dẫn cho người dân sản xuất rượu nếp Cút theo hướng VietGap, nhằm nâng cao giá trị sản phẩm.
“Giữa rất nhiều loại rượu, nhưng địa phương chọn rượu nếp Cút để quảng bá. Sản phẩm này đã được Trung tâm đo lường chất lượng của tỉnh kiểm tra và công nhận đảm bảo chất lượng. Chúng tôi luôn lấy chất lượng sản phẩm đặt lên hàng đầu để tạo uy tín, giới thiệu đặc sản rượu nếp Cút đến người tiêu dùng”, ông Thanh khẳng định.
Với những trợ lực từ chính quyền địa phương, hương vị thơm nồng của rượu nếp Cút “Hạ thổ bách nhựt” sẽ được chắp cánh bay xa đến mọi miền Tổ quốc.
“Hơn 100 năm qua, ở xứ Rộc nước nóng ở thôn An Hội Bắc 1, xã Nghĩa Kỳ, 50ha ruộng chỉ để trồng nếp Cút. Canh tác trên đất bùn lầy, thời điểm thu hoạch gặp mưa gió, nên việc trồng trọt hết sức khó khăn. Vất vả, thu nhập lại thấp, nhưng hơn 150 hộ trồng nếp Cút đều có ý thức gìn giữ giống nếp quý. “Chúng tôi đang khuyến khích người dân mở rộng diện tích lên 200ha để giữ gìn và phát huy giống nếp quý của địa phương”.
Chủ tịch Hội Nông dân xã Nghĩa Kỳ VŨ THÀNH HƯƠNG
Theo Thiên Vương (Quảng Ngãi online)
DienDan.Edu.Vn Cám ơn bạn đã quan tâm và rất vui vì bài viết đã đem lại thông tin hữu ích cho bạn.DienDan.Edu.Vn! là một website với tiêu chí chia sẻ thông tin,... Bạn có thể nhận xét, bổ sung hay yêu cầu hướng dẫn liên quan đến bài viết. Vậy nên đề nghị các bạn cũng không quảng cáo trong comment này ngoại trừ trong chính phần tên của bạn.Cám ơn.