RaoVat24h
Cẩm nang du lịch Du lịch Địa danh

Núi thần, đá nóng miền ‘hoa vàng trên cỏ xanh’

Advertisement

(TPO) – Gần đây Phú Yên hay được nhắc đến như “xứ sở hoa vàng trên cỏ xanh”. Nhưng biệt danh mĩ miều đó không thể bao quát hết được những thắng cảnh hùng vĩ, độc đáo mà miền đất này sở hữu. Thậm chí bỏ qua những bãi biển mê hồn, Phú Yên vẫn còn những đặc sản du lịch cực độc dành cho du khách ưa khám phá…

< Sông Kỳ Lộ đoạn gần mạch nước nóng Triêm Ðức là bể bơi thiên nhiên lý tưởng.

Miền khoáng nóng

Nhìn trên bản đồ du lịch sẽ thấy Phú Yên có hơi bị nhiều suối nước nóng. Lý do chúng tôi chọn đến suối Trà Ô dù khá xa (cách Tuy Hòa tới 66km) chính vì… cái đầu rồng. Thêm nữa gần đó có suối Triêm Đức, tiện đường đi một thể.

Gọi suối thì hơi quá, Trà Ô thực ra là mạch nước ngầm quanh năm suốt tháng nóng 70°C. Thời Pháp nơi đây hẳn là một khu nghỉ dưỡng ra trò. Người dân kể từng có 6 buồng xông hơi. Mỗi buồng có một ô cửa bé tí (ngăn hơi nóng thoát ra) chỉ vừa một người chui vào. Để giữ cho mực nước cố định, phía đối diện có 2 vòi trang trí thành hình đầu rồng cho nước nóng thoát ra. Có thể trước đây ra bể chứa nhưng hiện trạng thì chỉ chảy xuống rãnh rồi lẩn ngay xuống dưới mặt đất cỏ dại phủ kín.

Chính hình ảnh đầu rồng được các trang web du lịch khai thác triệt để khiến tôi tò mò về Trà Ô. Rời thị trấn La Hai độ hơn chục cây, khi nào gặp một pano hoành tráng bên đường phóng lớn ảnh hai đầu rồng (được tô vẽ khác xa thực tế) có nghĩa là bạn đã đến nơi. Để ra suối chúng tôi phải đi nhờ qua nhà bác Tư Râu, còn được con gái bác tận tình đưa đến tận nơi, nếu không chắc chắn không tìm ra dấu tích của cái gọi là suối nước nóng. Nếu bạn thực sự muốn xông hơi thì chui vào cái phòng tối như hũ đó (chắc cũng chứa được 4 người) rồi đi ra suối (nước lạnh) cách đó độ trăm mét đằm mình. Khung cảnh xung quanh thanh bình với bãi sông toàn cát và cây lúp xúp phù hợp để picnic.
Dulichgo
Triêm Đức không nằm ngay bên đường nhựa mà phải vòng vèo qua làng xóm. Con đường bê-tông này đâm thẳng xuống bến sông. Bạn sẽ gặp ngay một khối đá màu vàng sét. Từ khe đá chảy ra một dòng nước nhỏ, đó chính là nguồn suối. Chỗ nước chảy ra có một khoảng lõm thành nồi luộc trứng. Vỏ trứng và các loại vỏ bánh trái khác còn vương vãi đầy. Tảng đá này tất nhiên luôn luôn nóng hơn các tảng đá xám xung quanh. Nhưng đó mới chỉ là một nửa suối nước nóng.

Trong khi đi bộ dọc bờ sông để đến bãi đá cuội, tôi lội xuống một lạch nước. Trong tích tắc tôi cảm thấy chân mình tê tê rồi lập tức phải nhảy dựng lên như phải bỏng. Nếu dầm lâu tí nữa thôi, bỏng thật là cái chắc. Đó là nguồn thứ hai của Triêm Đức. Nguồn nước nóng tạo nên quanh nó nhiều bùn khoáng hẳn có tác dụng gì đó tốt cho sức khỏe. Tôi thử bước xuống nhưng nó quánh đặc, hút chặt lấy chân nên thôi. Ra chỗ nước lạnh tắm cho lành.

Hai nguồn nước nóng đổ ra khúc quanh của sông Kỳ Lộ. Tới đây sông chậm lại, gần như không trôi. Sâu cũng chỉ quá đầu người một chút, bơi lội thoải mái. Bên này là bãi đá cuội rộng đủ để suối tách biệt khỏi khu dân cư. Bên kia là cánh đồng mía xanh ánh bạc (khi lá phản chiếu ánh mặt trời) dưới chân đồi. Khung cảnh quả là lý tưởng để tình tự với thiên nhiên. Mãi đến lúc tôi ra về mới thấy có hai anh chị mang can ra hứng nước nóng, chắc đem về cho người nhà tắm.

< Mạch nước nóng Triêm Ðức chảy ra từ đá.

Gần bờ suối có mỗi một nhà hàng kiểu dân dã với các chòi gỗ tạp có mắc võng. Ngoài ra không còn dịch vụ gì khác. Ít ra ai đó cũng nên xây lấy chiếc bể lộ thiên dẫn nguồn nước nóng vào cho dân tình hưởng chút. Chứ bỏ hoang thế, phí của giời quá!

Thần núi vẫy gọi
Dulichgo
Gửi xe xong, ông chủ quán nhắc với theo: “Nhớ mang nước lên mà uống đấy!”. Tôi cho rằng mình đã mang đủ nước nên cũng chỉ cảm ơn. Về sau đúng là cũng đủ thật nhưng phải uống khá tằn tiện. Nói chung để leo lên đỉnh Đá Bia và trở về, mỗi người cần độ lít rưỡi nước. Thì đâu biết Đá Bia lại cao xa đến thế. Nhìn qua ảnh tưởng leo 30 phút là tới, đến chân núi vẫn còn chủ quan. Ai ngờ đường bộ chỉ 2,5km nhưng ngoằn ngoèo và dốc, mất ba tiếng mới tới đỉnh. Đấy là đã có bậc thang và một số cầu vượt đỡ chân. Dọc đường, khá nhiều cây đổ, khách phải vòng qua lối mòn.


< Chùa mini trên đỉnh Ðá Bia.

Khởi đầu hành trình, tôi cũng không trông chờ gì lắm. Do ấn tượng tàn tạ của khu du lịch bị bỏ hoang dưới chân núi. Kể ra cũng phải, vì Đá Bia hợp với hoạt động thể thao hơn nghỉ dưỡng. Và chỉ cách Tuy Hòa hơn 25km nên có thể về trong ngày.

Nói chung đến Đá Bia là để thử thách hơn là vui chơi. Ngọn núi này trở thành “thiêng” vì một tảng đá ở trên độ cao 706m- cũng là đỉnh núi nhưng không phải đỉnh cao nhất 2.280m. Phải nói là tôi cực tò mò về cái cách mà tạo hóa đặt nguyên khối đá cao 76m lên đỉnh núi. Hay nó là đầu của một trụ đá vĩ đại trồi lên từ lòng đất? Chắc rằng ai diện kiến khối đá cũng cảm thấy choáng ngợp, thậm chí nảy sinh lòng sùng kính.

Từ dưới đường cái, Đá Bia có dáng dấp của sư tổ Bồ Đề Đạt Ma trong tà áo rộng. Đến chân núi lại thấy như đầu sư tử. Người Chăm lại thấy giống linga và tôn núi là Lingaparvata, nghĩa là Linga Đại Sơn Thần. Người Pháp gọi núi là Le Doigt de Dieu – Ngón Tay Của Chúa. Còn khá nhiều các tên gọi khác gắn với các sự tích dân gian. Dân địa phương đơn giản gọi Ông Bia.
Dulichgo
Năm 1836, vua Minh Mạng cho thể hiện hình dãy núi Ðại Lãnh bao gồm Ðá Bia vào Tuyên Ðỉnh, một trong 9 chiếc đỉnh đồng đặt tại Thế Miếu. Thời Nguyễn, Ðá Bia cùng sông Ðà Diễn là cặp Danh sơn đại xuyên được đưa vào tự điển cúng tế, quy định quan địa phương phải lập đàn cúng tế hàng năm với lễ phẩm là một trâu, một lợn… Cứ bảo các cụ xưa mê tín chứ từ tinh thần kính núi trọng sông đến ý thức bảo vệ môi trường không xa.

< Leo hết hơn 2/3 quãng đường, du khách mới thấy lại Ðá Bia.

Ngày xưa thủy thủ vẫn lấy Đá Bia là đích ngắm để cập bờ Vũng Rô. Nhưng phải leo được độ 2/3 đường, du khách mới có thể thấy lại tảng đá trứ danh. Khung cảnh càng thêm thần bí khi một phần đá khuất trong mây mù dù trời nắng. Ai đó có thể cho rằng Đá Bia cũng chỉ là một tảng đá thôi, nhưng với những người leo núi, hấp lực từ đá có thể cảm nhận được. Càng đến gần, sức hút đó càng tăng. Và khi đến nơi rồi sẽ thấy muốn quanh quẩn bên đá không rời.

Quanh đỉnh có nhiều tảng đá “vệ tinh” để làm chỗ ngắm Đá Bia. Có tảng đá chìa ra như cái lưỡi hẳn là chỗ nhiều người lên chụp ảnh sống ảo. Chỉ vì muốn lại gần “thần Linga” nhất có thể mà tôi suýt lâm nguy, khi mắc kẹt lưng chừng một hòn đá vệ tinh. Tưởng ngon ăn mà rồi lên không được, xuống chả xong. Loay hoay mãi mới lết được sang ngang…
Dulichgo
Du khách có thể đi men quanh Đá Bia cho đến khi gặp vực không thể đi tiếp. Trên đường đi sẽ gặp ngôi chùa (chắc là) nhỏ nhất Việt Nam chỉ bao gồm tượng và bàn thờ gắn lên vách đá. Người ta mang hoa lên cúng Phật, đồng thời cũng mang cả… gà lên đỉnh núi để nhậu. May mà núi khó leo chứ không đống rác bỏ lại còn nặng mùi nữa. Trên đường đi tôi gặp vô số kỳ hoa dị thảo, ấn tượng nhất là con cuốn chiếu to bằng ngón tay cái, cùng với chai nhựa, vỏ bánh kẹo lăn lóc khắp nơi.

Tương truyền năm 1471, vua Lê Thánh Tông sau khi thu phục Chiêm Thành đã cho người leo lên núi khắc chữ lên đá thành bia. Chưa biết thực hư thế nào, chỉ biết là người ta có thể trèo lên đỉnh núi nhưng lên đỉnh Đá Bia thì chưa từng có ai.

Theo Nguyễn Mạnh Hà, ảnh trong trang: N.M.Hà, Andy (Tiền Phong)
Người Miền Trung !

Rate this post

DienDan.Edu.Vn

DienDan.Edu.Vn Cám ơn bạn đã quan tâm và rất vui vì bài viết đã đem lại thông tin hữu ích cho bạn.
DienDan.Edu.Vn! là một website với tiêu chí chia sẻ thông tin,... Bạn có thể nhận xét, bổ sung hay yêu cầu hướng dẫn liên quan đến bài viết. Vậy nên đề nghị các bạn cũng không quảng cáo trong comment này ngoại trừ trong chính phần tên của bạn.
Cám ơn.

Đăng bình luận

(+84) (918) 369.468