(TTO) – Dốc Nhà Làng – một con phố cũ nhỏ hẹp giữa nội ô Đà Lạt – bỗng một ngày khoác lên mình những bức vẽ nghệ thuật, trở thành một trong những điểm đến thu hút du khách khi Đà Lạt sắp khai hội hoa.
Để có con phố kể câu chuyện xứ hoa tươi trẻ nhưng nhiều ký ức, một nhóm các bạn trẻ, đa số là người Đà Lạt đang làm việc tại nhiều tỉnh thành, đã chuẩn bị gần hai năm.
Ngày 19-12, phố nghệ thuật Dốc Nhà Làng đã đón đông đảo khách tham quan (miễn phí). Nhiều du khách tỏ ra bất ngờ về sự “lột xác” của nơi này.
Họa sĩ Lê Huy Cầm – cư dân khu phố – bày tỏ sự hứng khởi: “Đây là khu phố có câu chuyện nhưng ẩn mình đã lâu. Nay các bạn trẻ để con phố kể lên câu chuyện Đà Lạt lãng mạn, rực rỡ, có khả năng truyền cảm hứng nghệ thuật”.
Toàn bộ kinh phí thực hiện do nhóm Phố Bên Đồi vận động tài trợ từ nhiều nguồn và bàn giao lại cho địa phương quản lý khi hoàn thành.
Gallery ngoài trời
Dốc Nhà Làng là tên gọi trước năm 1953 của con đường Nguyễn Biểu (P.1, Đà Lạt). Dân cư xung quanh và khách du lịch vẫn quen gọi điểm giao giữa đường Nguyễn Biểu và Phan Đình Phùng là Dốc Nhà Làng.
Nếu trước đây người ta chỉ đi ngang qua con phố nhỏ này khi cần đi tắt, thì nay mọi người tìm đến Dốc Nhà Làng vì những bức họa ngoài trời. Bước chân bộ hành qua hẻm nhỏ cũ kỹ không còn vội vã cho mau hết con phố.
Đến ngày 19-12, hơn 30 bức tranh đã được vẽ lên từng mảng tường, góc phố hài hòa với cảnh quan và kiến trúc sẵn có của các hộ dân. Không gian phố nhỏ trở thành một khu trưng bày tác phẩm nghệ thuật ngoài trời.
Trong những bức tranh, câu chuyện về người Đà Lạt hiện lên rất rõ. Đấy là ngày ông Alexandre Yersin tìm thấy cao nguyên xanh, đó là những loài hoa đặc trưng của Đà Lạt, câu chuyện về những khung cửa sổ hoa nay không còn nhiều ở Đà Lạt, hay câu chuyện thiếu nữ Đà Lạt với chiếc áo len đến trường mỗi ngày…
Là một trong những người tham gia quy hoạch không gian nghệ thuật Dốc Nhà Làng, họa sĩ Lê Kinh Tài cho biết: “Quy hoạch không gian và thực hiện các tác phẩm nghệ thuật trong không gian hiện hữu ở đô thị là việc không mới ở các nước tiên tiến.
Tuy nhiên, ở Việt Nam hầu như chưa có những quy hoạch cụ thể, nếu có thì cũng gần như là những sáng tác tự phát của những nhóm nhỏ. Đôi khi có những bức tranh rất hay lại thiếu “view” nhìn. Hay ngược lại, không thiếu những bức tranh thuộc dòng “tranh trong studio” lại được đem ra vẽ ngoài trời, nên dù nhiều bức rất đẹp bỗng dưng bị mất hút dưới ánh mặt trời và bóng đổ từ các khối nhà”.
Câu chuyện của Dốc Nhà Làng được họa sĩ Lê Kinh Tài nhìn nhận là chiếc áo vừa với người mặc, tức là ngay từ ban đầu hiện trạng con phố được đánh giá với nhiều yếu tố. Sau đó, nhóm thực hiện quyết định tác động ở tầm mức nào để không biến con phố trở nên quá mới, khác lạ nhưng cũng không khiến những bức tranh tường “mất hút”.
Con đường kể chuyện ký ức Đà Lạt
Ông Nguyễn Trung Hiền – người sáng lập nhóm Phố Bên Đồi – cho biết dự án “Phố Bên Đồi – Vào miền nghệ thuật” chọn các con phố nhỏ ở Dốc Nhà Làng để thực hiện vì không gian nhiều ký ức ở đây. Nhà nhỏ, phố nhỏ, trong đó nhiều căn nhà có từ rất lâu.
Theo ông Hiền, Dốc Nhà Làng không gọi là đường hay phố bích họa vì thực ra bích họa chỉ là hình thức để trưng bày tranh của họa sĩ vẽ về Đà Lạt. “Các hoạt động của nhóm mong muốn tạo thêm cảm xúc cho con phố chứ không đơn thuần là vẽ một câu chuyện khác lạ, không có hơi thở Đà Lạt lên tường để con phố này thỏa mãn những hiếu kỳ” – ông Hiền nói.
Anh Đoàn Anh Khoa – người quy hoạch không gian cho phố nghệ thuật Dốc Nhà Làng – kể: “Để có chất liệu quy hoạch không gian, nhóm đã đến gặp những người trẻ, người lớn tuổi để nghe câu chuyện ký ức ở đây. Từ đó, nhóm xác định nơi nào được trang điểm bằng tranh, nơi nào cần bổ sung thêm hoa tươi và nơi nào tuyệt đối không được động chạm đến”.
Khoa nói thêm: “Có một tường đá phủ rêu và một căn nhà rất cũ nhóm không đụng chạm gì đến, đó là chứng nhân cho những đổi thay ở con phố này cần được giữ lại. Ký ức con phố cũng là một tác phẩm để mọi người thưởng thức”.
Từ góc độ người dân, anh Hoàng Vũ – cư dân Dốc Nhà Làng – hào hứng: “Bà con sẽ tự bắt camera giám sát để không ai phá những bức họa ở đây”. Anh Vũ và người dân trong khu phố đã chuẩn bị đưa hoa về trồng theo bản vẽ mà các bạn trong nhóm Phố Bên Đồi phác thảo.
Ông Đoàn Văn Việt – chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng – đến Dốc Nhà Làng trong thời điểm khu phố là một xưởng vẽ ngổn ngang. Ông bảo: “Con phố Dốc Nhà Làng trở thành nơi tái hiện không gian xưa của Đà Lạt bằng các thể hiện trẻ, hiện đại, gần gũi với không khí du lịch tươi vui.
Đáng ghi nhận nhất là các bạn trong nhóm Phố Bên Đồi tổ chức tuyển chọn các bức vẽ của nhiều nghệ sĩ trên toàn quốc để có được những góc nhìn đa dạng về Đà Lạt. Câu chuyện Dốc Nhà Làng không bị gói nhỏ thành câu chuyện địa phương”.
Đà Lạt sẽ có thêm các phố nghệ thuật?
Bà Trần Thị Vũ Loan, phó chủ tịch UBND TP Đà Lạt, cho biết phố nghệ thuật Dốc Nhà Làng gợi cho TP cách tổ chức những con phố cũ – cổ của Đà Lạt thành những điểm đến thu hút du khách. TP Đà Lạt đã tính đến việc kết hợp câu chuyện Đà Lạt với nghệ thuật và không gian kiến trúc đô thị để TP trở nên sinh động trong mắt du khách.
Theo Mai Vinh (Báo Tuổi Trẻ)
DienDan.Edu.Vn Cám ơn bạn đã quan tâm và rất vui vì bài viết đã đem lại thông tin hữu ích cho bạn.DienDan.Edu.Vn! là một website với tiêu chí chia sẻ thông tin,... Bạn có thể nhận xét, bổ sung hay yêu cầu hướng dẫn liên quan đến bài viết. Vậy nên đề nghị các bạn cũng không quảng cáo trong comment này ngoại trừ trong chính phần tên của bạn.Cám ơn.