(LĐTĐ) – Cung đường tuần tra biên giới phía tây Bình Liêu, tỉnh Quảng Ninh chắc chắn sẽ mê hoặc các “phượt thủ” bởi nó không chỉ đưa chúng ta đến với các cột mốc biên giới đã được cắm mà nó cũng không quá lắt léo khó đi. Khi thì băng qua núi non trùng điệp, lúc lại xuyên những vạt rừng quế, rừng hồi hoặc dạo quanh những thửa ruộng lúa lên xanh mướt.
Người Bình Liêu đầu tiên mà chúng tôi tiếp xúc là Chu Xuân Cường, 23 tuổi.Cậu thanh niên người dân tộc Tày này mới tốt nghiệp trường trung cấp y của tỉnh nhưng chưa xin được việc làm.Cậu chủ động chào ra mắt cả đoàn bằng một cung cách khá tự tin.Tôi bèn hỏi kiểu như định trêu đùa nhiều hơn là định hỏi thử.
“Cường nhà ở xã Tình Húc thế nhưng cháu đã trèo lên tới đỉnh Cao Xiêm chưa?” Tôi im lặng và hy vọng sẽ nhận được câu trả lời là “chưa” bởi vì chính tôi, tôi đã có mười năm, từ đầu năm 1976 đến hết năm 1985, cùng đơn vị đóng ở đây nhưng thú thực tôi dường như chỉ thấy đó là một đỉnh núi quanh năm mây mù bao phủ. Thay vì câu trả lời “có hay chưa” thì Cường chợt hoạt hẳn lên.
Mắt cậu hướng ngước lên núi Cao Xiêm (dưới nắng hè chói chang, núi Cao Xiêm với độ cao 1429 mét, từng được ví là “nóc nhà của tỉnh Quảng Ninh”, sừng sững đổ bóng xuống che mát cả thị trấn Bình Liêu) và nói như nói với riêng mình bằng cái giọng mang vẻ tiếc rẻ “Hôm 30 tháng 4 năm ngoái chúng cháu đã lên đỉnh núi. Hôm đó chúng cháu dự định dựng cạnh bên cột mốc độ cao trên đỉnh Cao Xiêm một cột cờ bằng sắt có chân đế bê tông. Có lá cờ Tổ quốc tung bay hàng ngày trên đó chắc sẽ nhiều người lên Cao Xiêm du lịch khám phá và chinh phục độ cao chú ạ”.
Dulichgo
Trò chuyện mãi, cuối cùng chúng tôi cũng tới chân đỉnh núi có độ cao độ 800 mét ở bản Phạt Chỉ , xã Đồng Văn, nơi đặt cột mốc chung 1327, giữa khung trời bát ngát chúng tôi gặp thượng úy Lý Thái Giang. Chàng sĩ quan biên phòng sinh năm 1979 này có tác phong sởi lởi. Anh bước nhanh lên xe và sau khi đã “yên vị” thì anh bắt đầu “mở máy”. Những câu chỉ dẫn có “tính bắt buộc” đối với mọi du khách nhanh chóng được thượng úy Giang đưa ra. Vấn đề an ninh nơi biên giới, vấn đề chủ quyền quốc gia của ta, của bạn và cả vấn đề về môi trường tưởng chừng không liên quan nữa.
Thực ra Giang không phải là người Bình Liêu, anh nhà ở thành phố Hạ Long nhưng vẻ như “chàng biên phòng” này còn hiểu “đường đất” Bình Liêu nhiều đến nỗi ngay cả người gốc Bình Liêu cũng “chào thua”. Thượng úy Giang đang cùng người bạn đồng nghiệp thực hiện nhiệm vụ tuần tra biên giới trong ca trực, thấy chiếc xe chở đoàn chúng tôi dừng lại hỏi đường lên cột mốc 1327 thì tới “làm việc”. Thượng úy Giang gọi điện báo cáo cấp trên và được chỉ định “làm hướng dẫn viên du lịch”.
Dulichgo
< Mốc 1327.
Thượng úy Giang giơ tay ra hiệu cho mọi người chú ý, anh nói “Các chú các cô và các anh các chị lên tham quan cột mốc sẽ thấy tự hào bởi lên tới đó nhìn Tổ quốc mình rất đẹp. Tha hồ ngắm cảnh và chụp ảnh. Có một yêu cầu là không được xả rác. Cũng có nhiều bạn trẻ đi phượt lên đây ăn uống xong rác bỏ bừa bãi. Chúng cháu vừa làm công tác tuần tra, công tác đảm bảo an ninh lại vừa…. dọn rác. Hì hì”.
Đúng như Chu Xuân Cường “hứa đền” có lên tới cột mốc 1327 mới thấy hết cái thú vị của “phượt cột mốc”. Kể từ khi hai nước Việt Nam và Trung Quốc tiến hành cắm mốc biên giới đến nay thì du khách lên thăm cột mốc mỗi ngày mỗi nhiều. Ban đầu như là sự “tò mò” của mấy thanh niên trong xã trong huyện. Rồi du khách đến ngày một nhiều hơn. Tua du lịch “phượt cột mốc” hình thành một cách tự nhiên và bỗng chốc thu hút.
Tôi hỏi Cường “Phượt thủ là người trong huyện à?”. Cường cười to làm tôi ngường ngượng “Người khắp nơi chú ạ. Thanh niên Hà Nội lên đây phượt nhiều lắm. Như các cô các chú hôm nay vậy thôi”. Thấy mình “hơi quê” nhưng tôi nói vớt “Các chú hôm nay không có cháu đưa lên thì làm sao biết được. Chú hỏi là hỏi vì sao có nhiều người biết “phượt cột mốc” mà lên kia”. Chu Xuân Cường lại cười “Lên phây búc là biết hết chú à”.
Dulichgo
Thì ra những tấm ảnh mà Cường cùng các bạn của mình đưa lên mạng xã hội đã “tạo nên làn sóng rủ rê” các phượt thủ khắp nơi. Những tấm ảnh tưởng chừng như giản dị tự nhiên nhưng lại rất có “ý thức”. Cường mở điện thoại đưa cho tôi xem. Tôi giật mình, đó là những tấm ảnh mà Cường cùng các bạn của mình chụp giữa chót vót trời cao. Nhưng nụ cười nở trên những gương mặt roi rói và đặc biệt là họ đều chung một màu áo nền đỏ với ngôi sao vàng. Những “lá cờ” Tổ quốc được tuổi trẻ khoác lên người đã nói lên niềm tự hào chính đáng. “Vậy là thanh niên các nơi thấy thích quá cũng làm theo?”. Chu Xuân Cường bẽn lẽn “Vâng”.
Thượng úy Lý Thái Giang thêm vào “Các chú có nhìn thấy mấy chiếc xe máy dựng dưới chân núi không? Phượt thủ đấy. Bọn họ chắc tỏa đâu đó “seo phì”, tí nữa các chú sẽ gặp”.
Chẳng cần đợi lâu. Cứ như “đốt giấy cũng lên” vậy. Nhóm phượt thủ mà thượng úy Giang vừa nhắc lục tục xuất hiện. Hai cặp nam nữ thở hổn hển theo lối bậc thang đi lên. Bọn họ tay xách nách mang nào nước uống, nào bánh trái chứng tỏ tí nữa họ sẽ dừng ở trên này để ăn để uống. Tôi lán tới hỏi han “Các cháu từ đâu tới?”. Cậu cao cao trả lời ngay “Chúng cháu dưới Tiên Yên lên”. Rõ rồi, họ ở huyện Tiên Yên lên “phượt”. Hai cặp nam nữ đặt đồ xuống vạt cỏ. Tôi lại hỏi “Sao các cháu biết chỗ này?”. “Chúng cháu là hội viên của Team Phượt Bình Liêu mà”.
< Mốc 1302.
Thì ra chính nhóm thanh niên “ham tìm hiểu” ngay chính quê hương mình như Cường Pin, như Hoàng Sắn, như Trưởng Ngố…. đã rủ nhau cho ra mắt Team Phượt Bình Liêu vào ngày mùng 9 tháng 12 năm 2015. Đến nay số hội viên đã lên tới vài trăm và vượt ra ngoài phạm vị của huyện. Chu Xuân Cường cười “Chúng cháu chơi như thế vui và có nhiều bổ sung cho nhau lắm. Ví dụ như phương tiện đi lại, phương tiện thông tin và ….vui lắm ạ”.
Cũng phải nói thêm rằng vùng biên giới ở huyện Bình Liêu nói riêng và tỉnh Quảng Ninh nói chung có thuận lợi hơn các huyện biên giới ở các tỉnh khác. Rừng sát biên không rậm rạp, núi không cao quá và thường là những ngọn núi chỉ có cỏ cây lúp xúp, sông suối nhỏ, lại thêm hệ thống giao thông vô cùng tiện lợi nên việc đi lại cũng dễ dàng.
Dulichgo
< Mốc 1300.
Bên cạnh đó là cảnh quan thông thoáng với một tầm nhìn “mê ly” khiến người “thờ ơ” nhất cũng phải chụp vài kiểu ảnh. Hôm chúng tôi lên cột mốc 1327 là một ngày trời đẹp. Nắng lên cao, mây trắng chờn vờn sà ngang dãy núi phía xa xa.Một khung cảnh yên bình và thơ mộng đến không thể cầm lòng được.
“Cột mốc 1327 này là cột mốc chung, nghĩa là người Việt Nam và người Trung Quốc đều có thể lên đến đây được?”. Tôi ngập ngừng hỏi, thượng úy Lý Thái Giang đáp luôn “Vâng chú à. Nhưng chúng cháu thấy hình như chỉ có người Việt Nam mình là lên đây tham quan du lịch thôi”. Tôi hỏi lại “Giang có biết vì sao không?”. Thượng úy Giang nói luôn “Người Việt Nam mình có lòng tự hào dân tộc, tự hào đất nước chú ạ”.
Tôi đưa mắt nhìn bốn xung quanh và chợt nhận ra rằng: Chinh phục độ cao, du lịch tự nhiên, du lịch trải nghiệm suy cho cùng có cái hay của nó. Cái hay nhất như tôi đã biết là tuổi trẻ hiện nay đâu chỉ có khát khao thể hiện mình mà sâu thẳm là một tình yêu đất nước, tình yêu thiên nhiên và khát vọng tuổi trẻ đã thôi thúc họ. “Phượt cột mốc” nếu như ban đầu chỉ là sự “tò mò” hay là sự “tự tìm hiểu” của các bạn trẻ Bình Liêu nay đã trở thành một trào lưu mới trong du lịch.
Dulichgo
Tuy nhiên “tính tự phát” và “Tính tự giác” như hiện nay rất cần được hướng dẫn, được tổ chức và được giáo dục một cách bài bản với sự tham gia của ngành văn hóa du lịch trước tiên là của địa phương và tiếp đó là của toàn xã hội. Mạng xã hội đã tỏ ra có tác dụng tích cực trong vấn đề khơi gợi này.
< Mốc 1305.
Nếu được định hướng đầy đủ thì tin rằng một khi các “phượt thủ” lên chinh phục độ cao của những đỉnh núi hay trải nghiệm với những cột mốc chủ quyền sẽ hiểu hơn về sự hy sinh mà lớp lớp cha anh đã đỏ để giữ gìn biên cương Tổ quốc.
Là huyện biên giới có gần 50 km đường biên giáp với Trung Quốc nên ở Bình Liêu, bạn nên thuê xe máy hoặc đi bộ men theo đường mòn đồi núi để chinh phục các cột mốc biên giới Việt Nam – Trung Quốc. Bốn cột mốc chính đừng nên bỏ qua đó là các cột mốc 1300, 1302, 1305 và 1327 sừng sững giữa bao la bát ngát. Ai một lần lên tới nơi hẳn sẽ nhớ mãi những hình ảnh như đang đứng lưng chừng trời xanh trong vậy.
Theo Nguyễn Trọng Văn (Lao Động Thủ Đô), ảnh internet
Người Miền Trung !
Đường tuần tra biên giới tây Bình Liêu
Hoang sơ Bình Liêu
Bình Liêu – cung đường tuyệt đẹp ở biên giới
Bình Liêu mùa thu
Khám phá vùng biên giới Bình Liêu
Êm đềm Bình Liêu…
DienDan.Edu.Vn Cám ơn bạn đã quan tâm và rất vui vì bài viết đã đem lại thông tin hữu ích cho bạn.DienDan.Edu.Vn! là một website với tiêu chí chia sẻ thông tin,... Bạn có thể nhận xét, bổ sung hay yêu cầu hướng dẫn liên quan đến bài viết. Vậy nên đề nghị các bạn cũng không quảng cáo trong comment này ngoại trừ trong chính phần tên của bạn.Cám ơn.