RaoVat24h
Cẩm nang du lịch Du lịch Địa danh

Quà quê xứ Quảng đi muôn nơi

Advertisement

(BQN) – Cận Tết, những chuyến tàu, xe ra bắc, vào nam tấp nập. “Hồn” quê hương ẩn chứa trong những món quà quê cũng theo đi muôn nơi, góp niềm vui cho các gia đình không có điều kiện về quê ăn Tết.
Cuộc sống ngày càng hiện đại. Tết nay cũng khác nhiều với Tết xưa. Khách đến chơi nhà, chúc Tết, được gia chủ mời đủ các loại bánh mứt ngon, sản xuất và đóng gói bằng công nghệ hiện đại.

Trẻ con thời nay chỉ biết đến vị ngọt của bánh ngoại nhập, thay vì thòm thèm mùi vị giản dị mà thơm lừng của chiếc bánh in, bánh xốp hay bánh thuẫn… khi ngồi ngóng bà và mẹ cần mẫn tự tay làm trong những ngày giáp Tết như trước đây. Cũng từ đó, những món bánh truyền thống lúc nào cũng xuất hiện ở những cái Tết cũ, dần vắng bóng.

Những tưởng, trước những thay đổi ấy, các làng nghề truyền thống không thể trụ vững giữa xoay chuyển của thị trường. Ấy vậy mà, Tết đến, từ các lò nghề truyền thống, bánh quê vẫn có sức sống mãnh liệt đến không ngờ.


< Các lò bánh truyền thống đỏ lửa đêm ngày và thuê thêm nhân công để kịp phục vụ Tết.

Bà Nguyễn Thị Thu- ngụ ở thôn Điền Trang, xã Nghĩa Trung (Tư Nghĩa) gắn bó với nghề làm bánh nổ hơn 30 năm. Chọn nghề truyền thống để làm kinh tế từ thuở còn là thiếu nữ, đến nay, bà đã con cháu đuề huề.
Dulichgo
Cách đây chục năm, khi bánh truyền thống bị “chèn ép”, bà Thu tính đến chuyện bỏ làng, vào nam buôn bán. Nhưng rồi, cứ kiên trì bám trụ, bà Thu và nhiều gia đình khác ở làng bánh nổ Điền Trang lại có cơ hội mới.

Dần dần, khi thị trường bánh kẹo công nghiệp bị bão hoà. Người Quảng Ngãi lại lần trở về tìm kiếm hương vị xưa. Nhất là những người con xa xứ, khi họ không có điều kiện về quê thường xuyên, thì những món bánh dân gian giúp họ giữ được hồn quê bên mình.

Những ngày giáp Tết, gia đình bà Thu, mỗi ngày sản xuất hơn 100kg bánh. Bà Thu chia sẻ: Từ lâu, trên bàn thờ gia tiên của người Quảng Ngãi trong những ngày Tết luôn có bánh nổ hay bánh in, bánh mì xốp, bánh đậu xanh…Nên Tết đến, bánh nổ theo xe, tàu đi tới những nơi có người Quảng Ngãi sinh sống. Ngày nào bánh cũng không đủ chuyển đi, làm không hết việc.


< Các loại bánh quê làm từ gạo như bánh nổ, bánh tráng vẫn là thứ không thể thiếu trong các gia đình người Quảng Ngãi dịp Tết cổ truyền.

Ngoài bánh nổ, bánh tráng cũng là món bánh không thể thiếu trong mâm cỗ ngày Tết của người Quảng. Vậy nên, hơn 20 hộ làm nghề tráng bánh ở thôn Hiệp Phổ Nam, xã Hành Trung (Nghĩa Hành) dù đã đẩy hết công suất, vẫn không cung ứng kịp cho thị trường Tết.
Dulichgo
Vẫn gắn bó với việc sản xuất ra món bánh quê hương, nhưng để đáp ứng kịp thị hiếu người tiêu dùng, nhiều lò bánh tráng đã đầu tư trang bị máy móc, nâng cấp lò bánh tráng. Mọi công đoạn từ xay bột đến tráng bánh được thực hiện nhanh, ít hao hụt.

Ngày thường, mỗi lò bánh chỉ sản xuất khoảng 10-20 kg gạo. Đến Tết, lò bánh tráng phải đỏ lửa liên tục từ 2-3 giờ sáng đến tận chiều tối hôm sau để pha chế và tráng 70-100kg gạo thành hàng nghìn chiếc bánh. Bánh vừa sản xuất ra lò, đã nhanh chóng được xếp gọn gàng và chuyển đi khắp nơi.


< Bánh nổ vừa ra lò đã được đóng gói và gửi đi phương xa qua các chuyến tàu, xe chạy ra bắc, vào nam.

Ông Vũ Bảo- chủ lò bánh tráng ở xã Hành Trung, huyện Nghĩa Hành chia sẻ, ngày thường lò có 2-3 người làm là đủ. Nhưng Tết phải thuê thêm nhân công gấp 3-4 lần. Theo ông, dù tráng không kịp bán nhưng các lò bánh ở đây không chạy theo số lượng mà luôn đặt chất lượng bánh lên hàng đầu. Từ việc chú ý pha chế nguyên liệu sao cho bánh ngon đến việc bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm ở từng công đoạn.
Dulichgo
“Làm nghề này, không bao giờ sợ ế. Vì ở đâu có người Quảng Ngãi thì ở đó người ta còn có nhu cầu dùng bánh tráng, nhất là những dịp lễ Tết. Vậy nên, phải làm chất lượng, thì người ta mới đặt hàng thường xuyên. Bánh làm từ gạo thôi, mà bao nhiêu lần đi nước ngoài rồi đó!”- ông Bảo cười khoe, tay vẫn không ngừng khuấy bột tráng bánh.

Quả thật chỉ là loại bánh quê, làm từ gạo mùa, nhưng trong đó, như ẩn chứa cả tấm lòng của người quê hương. Bởi vậy cho nên, nhiều người Quảng xa quê, khi được nhận những món bánh dân dã ấy, thì chẳng gì quý bằng.


< Tết đến, với những người con xứ Quảng xa quê,chẳng gì quý bằng những chiếc bánh truyền thống gửi từ quê hương.

Chị Đinh Ngọc Hoàng- một người con Quảng Ngãi đang định cư bên đất Canada xa xôi, năm nay lại không thể về ăn Tết cùng gia đình. Ăn Tết xa quê, với chị, Tết ấy chẳng thể vẹn tròn. Nhưng chị Hoàng cho rằng, mình vẫn còn may mắn, khi chị sắp được nhận quà bánh từ quê mẹ.

Chẳng có gì nhiều, chỉ là túi bánh thuẫn, bánh nổ, bánh mì xốp hay vài chục bánh tráng mỏng. Nhưng thứ quà quê ấy, có mặt cùng chị nơi đất khách quê người, hẳn là rất ý nghĩa.
Dulichgo
“Xa quê lâu năm, những món mình thèm nhất vẫn là các loại bánh truyền thống này thôi. Mẹ mình mỗi lần gửi bánh thì vất vả lắm. Phải gửi xe từ Quảng Ngãi vào Sài Gòn, may có người quen từ Sài Gòn qua đây thì lại gửi nhờ. Nên hiếm hoi lắm, mình mới nhận được quà quê”- chị Hoàng bộc bạch.

Chỉ đơn giản là từ vật phẩm của cánh đồng làng, nhưng các loại bánh truyền thống lại có sức hút kỳ lạ. Đến nỗi, khi nhớ về nơi “chôn nhau, cắt rốn”, nhiều người con xa quê vẫn chép miệng, thèm được cắn một miếng bánh quê, nhâm nhi cùng bình trà nóng. Vậy mà như nếm được mùi vị của Tết quê!

Theo Thanh Phương (Quảng Ngãi online)

Rate this post

DienDan.Edu.Vn

DienDan.Edu.Vn Cám ơn bạn đã quan tâm và rất vui vì bài viết đã đem lại thông tin hữu ích cho bạn.
DienDan.Edu.Vn! là một website với tiêu chí chia sẻ thông tin,... Bạn có thể nhận xét, bổ sung hay yêu cầu hướng dẫn liên quan đến bài viết. Vậy nên đề nghị các bạn cũng không quảng cáo trong comment này ngoại trừ trong chính phần tên của bạn.
Cám ơn.

Đăng bình luận

(+84) (918) 369.468