(TN&MT) – Nói đến Tây Bắc người ta nghĩ ngay đến những ngọn núi trùng điệp mù sương, những bản làng xinh đẹp nằm soi bóng bên những dòng suối và cả những bản sắc văn hóa các dân tộc đặc sắc thể hiện qua những điệu múa xòe, câu khắp thái… Và, ở đó còn có một phong tục đẹp mà người dân vùng tây bắc đã gìn giữ từ đời này qua đời khác đó là tục Cấm rừng hay những Khu rừng thiêng.
1- Chúng tôi ngược đường Tây Bắc đến Nghĩa Lộ – Mường Lò – Yên Bái là nơi được coi là cội nguồn văn hóa dân tộc Thái. Nơi có người dân tộc Thái vẫn “tôn thờ” và duy trì thực hiện tục Cấm rừng và những khu rừng thiêng. Người chúng tôi tìm đến không ai khác là nghệ nhân người dân tộc Thái Lò Văn Biến người được coi là kho tàng sống về văn hóa dân tộc Thái… như chạm vào mạch nguồn suy nghĩ, luôn chảy mãi trong con người luôn trăn trở suy nghĩ làm gì để bảo tồn văn hóa dân tộc Thái.
Ông Biến bắt đầu kể cho chúng tôi: Trải qua hàng nghìn năm chung sống hòa thuận với rừng, hiểu được quy luật của rừng, dân tộc Thái tôn trọng rừng và đặt ra những quy định về việc bảo vệ rừng được cộng đồng tôn trọng như những luật tục. Mỗi khu vực những khu rừng cấm thường gắn với những truyền thuyết, giai thoại, mang tính huyền bí… mỗi người, mỗi bản mường đều tôn thờ như một tín ngưỡng.
Dulichgo
Ngày xưa những khu rừng cấm này không ai dám xâm phạm, dù là chỉ hái một ngọn măng, chặt một cành cây, săn bắt một con chim thú… Ai đi qua cũng phải cúi lạy, cũng phải xuống ngựa, chị em phải cởi khăn Piêu xuống lặng lẽ bước qua, những con thú bị thương trong những cuộc săn bắn nếu chạy vào đây không ai được đuổi theo và sẽ được rừng che chở bảo vệ.
Có khu rừng hàng năm chỉ mở cho phép mọi người vào hái măng một vài lần trong năm sau những cơn mưa rồi lại đóng để rừng phát triển xanh tốt, còn những khu rừng bảo vệ nguồn nước tuyệt đối cấm khai thác, rừng dành cho việc khai thác vật liệu dựng nhà thì cấm không được phát, đốt làm nương.
Bản mường dân tộc Thái, đầu Mường có rừng hồn chiềng gọi là “cửa xen”, cuối mường có rừng hồn chiềng gọi là “ cửa pọng” như nơi trú ngụ của linh hồn bản mường, bên cạnh mường có rừng là nghĩa địa của mường gọi là “chiềng kẻo”, hình ảnh đó như một biểu tượng ăn sâu vào tiềm thức mỗi người. Vài năm một lần bản mường tổ chức cúng rừng – “xên đông”.
Lễ cúng diễn ra trang trọng, linh thiêng, thầy cúng đại diện cho cộng đồng cầu khẩn các đấng siêu nhiên ban cho mưa thuận gió hòa, mùa vụ tươi tốt, cuộc sống ấm no hạnh phúc…
Chính vì vậy, rừng được bảo vệ từ trong ý thức của mỗi người, nhân văn và cao đẹp.
Dulichgo
2- Gấp lại những trang sử huyền bí xa xưa tìm về với hiện tại, chúng tôi đến xã Nghĩa An Thị xã Nghĩa Lộ để thấy được “Rừng thiêng” có ở nơi đây. Với tổng diện tích rừng tự nhiên 1.115 ha, chiếm 1/3 diện tích thị xã Nghĩa Lộ và có đến 530 ha được phủ xanh bởi rừng keo, rừng thông và các loại cây lâm nghiệp khác.
Những năm qua, kinh tế rừng được xã Nghĩa an chú trọng nhằm xóa đói giảm nghèo và làm giàu cho nhân dân, đồng thời, cũng là cách bảo vệ môi trường xanh sạch đẹp và ở đây đồng bào dân tộc thái vẫn còn lưu mãi tục cấm rừng. Theo chân ông Vì Ngọc Trình Chủ tịch UBND xã, chúng tôi lên thăm những cánh rừng xanh mướt. Ông Chủ tịch cho biết, toàn bộ diện tích rừng trong tầm mắt đều phủ xanh bởi những cánh rừng trồng.
Khi chúng tôi hỏi ông về tục cấm rừng và những khu rừng thiêng, ông Trình cho biết, đây là một phong tục đẹp mà người thái xưa để lại. Người Thái hiểu rất rõ vai trò của rừng đầu nguồn với cuộc sống và mùa màng. Có thể nói rằng, rừng góp phần nuôi sống con người và đến khi mỗi người qua đời, rừng lại đón về, ấp ủ như người Mẹ.
Người Thái có câu: “Tai pá phăng, nhăng pá liệng” – có nghĩa là: Sống rừng nuôi, chết rừng chôn. Rừng cung cấp cho người từ ngọn măng, ngọn rau, cây nấm, thuốc chữa bệnh… đến cây cột dựng nhà, chiếc quan tài khi qua đời…
Việc bảo vệ rừng, đặc biệt là những khu rừng đầu nguồn, rừng thiêng là nghĩa vụ, trách nhiệm của mỗi người và đã trở thành luật lệ của bản mường. Người Thái đời này sang đời khác vẫn nhắc nhau rằng: “Giữ rừng cho muôn đời phát triển/ Để cho muôn mỏ nước tuôn trào/ Ai nhớ được câu ấy thì mới thành người! Ông Vì Ngọc Trình Chủ tịch UBND xã cho biết, xã Nghĩa An không có rừng già rừng nguyên sinh nhưng không vì thế mà đồng bào dân tộc thái quên tục cấm rừng.
3- Chúng tôi đi giữa những cánh rừng bạt ngàn khi gặp được ông Hoàng Văn Song người gác rừng đang đi tuần. Dừng lại, ngồi hút thuốc lào ông kể cho chúng tôi nghe về công việc của mình: Ông là đi tuần tra khu vực rừng phòng hộ của xã, khu rừng này rộng 68 ha chủ yếu là keo; những cây keo trồng được từ 3 – 5 năm phát triển mạnh cho tán rộng mát. Thời gian qua, ông Sóng quá quen với từng con đường, từng giao thông hào; nhớ từng gốc cây to. Để đi tuần tra hết một quả đồi anh chỉ mất khoảng 1 giờ 30 phút nhưng với chúng tôi phải mất 3 giờ đồng hồ.
Dulichgo
Bằng kinh nghiệm dầy dạn của người đi rừng ông Sóng nắm bắt được thời điểm kẻ xấu thường hay lợi dụng chặt trộm cây, từ đó, ông tích cực đi tuần vào thời điểm đó để kịp thời phát hiện, ngăn chặn, báo về xã để giải quyết xử lý.
Trong những năm bảo vệ rừng, ông phát hiện hàng chục vụ chặt trộm cây lớn, kịp thời báo về xã để giáo dục, răn đe, xử phạt. Nhắc nhở bà con nhân dân chỉ nên tỉa cành về làm củi, thường xuyên phát quang cỏ rậm đề phòng cháy rừng.
Nói chuyện với người gác rừng, chúng tôi không thể lý giải được tục cấm rừng hay những khu rừng thiêng đã ăn sâu vào tiềm thức của người dân tộc Thái như thế nào, chỉ biết rằng, thực tế những con người như ông Hoàng Văn Sóng vẫn hàng ngày đi gác rừng từ lúc trời còn tảng sáng.
Bước chân nhanh nhẹn vượt qua những con dốc, triền đồi ông Sóng thầm lặng làm công việc của một người bảo vệ rừng. Khi biết rằng đồng trợ cấp ít ỏi 100.000 đồng/tháng và 3 tạ thóc một năm nhưng suốt những năm qua hơn 500 ha rừng của xã Nghĩa An luôn gắn chặt với từng bước chân và thấm đẫm những giọt mồ hôi của ông.
Ông Vì Ngọc Trình Chủ tịch UBND xã cho chúng tôi biết thêm, việc trồng rừng, hàng năm được xã huy động toàn bộ lực lượng nhân dân sau đó xã tiến hành giao rừng cho từng hộ chăm sóc, công tác bảo vệ rừng, phòng chống cháy rừng do xã đảm nhận, nhờ đó, năm nào xã nghĩa an cũng hoàn thành sớm kế hoạch trồng rừng và đảm bảo tỷ lệ sống cao. Hiện nay, xã Nghĩa An có 350 hộ trồng rừng chiếm trên 50% tổng số hộ của toàn xã; trong đó, nhiều hộ đã thoát nghèo và làm giầu từ rừng. Để bảo vệ rừng được như hiện nay, các thôn bản còn ra các hương ước riêng về phòng chống chữa cháy rừng và quản lý bảo vệ rừng.
Quy định mức phạt với các gia đình để trâu bò vào phá rừng mới trồng. Mỗi năm 2 lần các gia đình tổ chức phát quang cây cỏ dại, tỉa thưa cây và phát tán cho cây. Gia đình nào muốn đốt nương, phải xin phép và được sự đồng ý của UBND xã.
Dulichgo
Ông chỉ chúng tôi thấy những cánh rừng xanh ngút tầm mắt xen kẽ những cánh rừng mới chỉ 1, 2 năm tuổi, nhờ gối vụ nên khi rừng mới thu hoạch màu xanh của rừng không mất đi. Ông Trình còn khẳng định chắc chắn trong vòng 5 năm tới rừng Nghĩa An sẽ được phủ kín tới 800 ha, trên là rừng dưới là nơi chăn thả gia súc và xã sẽ xây thông hào “vạn lý” để giữ cho những cánh rừng xanh mãi.
Đi trong những cánh rừng Tây Bắc với lộc chồi biếc phủ xanh ngát, chúng tôi mới hiểu được rằng, rừng trong tâm thức của Người Thái như trái tim của cộng đồng, thể hiện những quy ước, luật tục và những giá trị văn hoá truyền thống được tôn thờ, được sùng kính với ông bà tổ tiên và những cánh rừng tây bắc luôn xanh tươi như mùa xuân của đất trời vậy. Câu nói người dân tộc Thái về rừng và cách bảo vệ rừng của dân tộc họ: “Có rừng, có cây, có hoa quả chín. Chim muông, ong bướm muôn loài sẽ đến. Nếu không muôn loài ong bướm và chim muôn sẽ bỏ đi. Đó là lẽ thường tình của tự nhiên” luôn làm chúng tôi suy nghĩ.
Theo Nguyễn Nhật Thanh (Báo Tài Nguyên Môi Trường)
Người Miền Trung
DienDan.Edu.Vn Cám ơn bạn đã quan tâm và rất vui vì bài viết đã đem lại thông tin hữu ích cho bạn.DienDan.Edu.Vn! là một website với tiêu chí chia sẻ thông tin,... Bạn có thể nhận xét, bổ sung hay yêu cầu hướng dẫn liên quan đến bài viết. Vậy nên đề nghị các bạn cũng không quảng cáo trong comment này ngoại trừ trong chính phần tên của bạn.Cám ơn.