(QNO) – Trong cả trăm nghề mưu sinh ở xã đảo Quan Lạn (huyện Vân Đồn), câu chuyện về con sá sùng vẫn làm cho người ta nhớ nhiều nhất. Dân Quan Lạn truyền rằng, cái thời “chết đói” năm 1945, con sá sùng nấu với rau rừng là thực phẩm chính cứu đói biết bao người dân trụ lại trên đảo… Bây giờ ở Quan Lạn, đào sá sùng là nghề chính của chị em phụ nữ, góp phần nuôi sống nhiều gia đình.
Sáng đầu xuân trên đảo khá lạnh, cộng với vì bữa rượu đêm trước với ngư dân khiến tôi phải quyết tâm lắm mới dậy được lúc 5 giờ để cùng ra bãi sá sùng với mọi người. Đồ nghề chúng tôi mang theo chỉ có 1 cái thuổng và 1 cái rá nhựa buộc quai thép. Cả xã có nhiều bãi đào sá sùng nhưng tập trung đông người đào nhất là 3 bãi: Bãi Trước, bãi Sau và bãi Động. Bãi Sau, sá sùng tuy hiếm hơn, nhưng đã bắt được là con nào cũng to, thân dầy, bán được giá cao hơn. Bãi Trước và bãi Động sá sùng mỏng hơn, nhưng lại nhiều, dễ đào.
Chúng tôi chọn bãi Trước, rồi mau chóng hoà vào tốp người làng cùng hướng về phía biển. Khi chúng tôi tới nơi, bãi biển Quan Lạn đã có nhiều người đến từ trước. Họ là những bà, những cô, những chị vác thuổng đi đào mồi (dân Quan Lạn gọi con sá sùng là mồi) từ tờ mờ sáng.
Nhìn khắp bãi triều cạn không một bóng đàn ông. Không phải đàn ông Quan Lạn không biết đào sá sùng, nhưng gần như là giao ước, công việc đó “được trao” cho phụ nữ. Âu cũng là điều dễ hiểu, bởi từ nhiều đời nay, hầu hết đàn ông Quan Lạn vẫn lênh đênh trên biển.
Dulichgo
Sau mỗi chuyến đi là cả những khoang thuyền đầy ắp cá. Phụ nữ, ngoài đảm việc nhà, thì đào sá sùng cũng là công việc chính của họ. Chị Nguyễn Thị Thương (thôn Thái Hoà, xã Quan Lạn) cho biết, nhà chị có 5 chị em gái đều được mẹ dạy cho nghề đào mồi từ khi 12-13 tuổi. Đến nay, từ chị cả đã ngoài 60 tuổi đến cô em út vẫn chỉ có nghề chính là đào mồi. “Từ đời ông bà, chẳng ai bảo ai, nhưng cứ biết cầm được cái thuổng là theo mẹ, theo chị ra bãi. Lúc bé thì coi đào mồi như là trò chơi, lớn lên chút thì ý thức được rằng đó là công việc phụ giúp gia đình, rồi đến khi lấy chồng thì nó đã trở thành công việc chính” – chị Thương kể.
Người đào sá sùng ở Quan Lạn bây giờ lại nhiều hơn bao giờ hết. Cứ mỗi khi triều xuống, lại thấy khắp các bãi quanh đảo những bóng người trong cái dáng liêu xiêu, chốc chốc lại nghiêng người, khuỵu gối, xiên thuổng xuống cát. Nghề đào sá sùng tính theo con nước. Nước lên thì ở nhà, nước rút là lục tục kéo nhau ra bãi, bất kể ngày hay đêm. Vào những tuần nước rút ban đêm, cả bãi biển loang loáng những ánh đèn.
Đồ nghề của người đào sá sùng lúc đó có thêm dụng cụ là cái đèn pin buộc trên đầu. Đã định ít hỏi mà chỉ quan sát thật kỹ, nhưng cho tới lúc cái rá của chị Thương đã có hơn chục con sá sùng, tôi vẫn chưa thể biết cách nhận biết tổ của nó. Chỉ đến khi chị dừng thuổng, chỉ tận nơi, tôi mới lờ mờ hiểu.
Dulichgo
Tổ sá sùng là một mô cát nhỏ bằng nắm tay, dưới cái mô đó là hình hoa cát như hình dấu chân chó. Người đào lấy thuổng xiên từ cái hoa đó đến chỗ mô cát rồi hất lên. Hì hụi từ 5 giờ cho tới 11 giờ, chị Thương đào được 4 lạng sá sùng, bán được 80.000 đồng (giá bán tại bãi cho người thu mua là 200.000 đồng/kg). Tôi ái ngại: “Hay tại hôm nay em đi với chị nên xui xẻo?”. “Không phải đâu chú ơi. Mùa này ít lắm. Sá sùng được mùa nhất phải từ tháng 3 đến tháng 6” – Chị Thương giải thích.
Trong số chị em đi đào sá sùng ở bãi Trước hôm nay, người đào được nhiều nhất là chị Nguyễn Thị Hằng, với gần 1kg. Tôi hỏi: “Nghề này cũng dễ kiếm hả chị? Làm mấy tiếng là có 200 ngàn”. Chị Hằng cười: “Dễ kiếm vậy anh ở lại Quan Lạn đào mồi cho nhanh giàu nhỉ!”.
Rồi chị bộc bạch: “Nếu chỉ đào chơi về cải thiện bữa ăn thì không mấy khó, nhưng đã xác định đó là nghề kiếm cơm rồi thì thấy cực lắm anh ơi. Nước rút ban đêm thì lọ mọ ngoài bãi từ 23 giờ cho tới sáng. Làm ngày thì nắng gió rát người, có hôm 11-12 giờ trưa mới có bãi để làm, tối về nhà bải hoải tay chân, cơm chẳng muốn ăn nữa”.
Dulichgo
Quan Lạn có nghề làm sá sùng khô, với khoảng 20 hộ. Không phải chịu cái nắng gió ngoài bãi, nhưng để có được món mồi nhậu thượng hạng chỉ dành cho người giàu (giá từ 3 đến 4 triệu đồng/kg), người làm sá sùng khô cũng vất vả không kém. Sá sùng tươi mua về phải làm ngay khi còn sống. Đầu tiên phải rửa sạch, rồi lộn ngược lớp ruột ra ngoài, rửa kỹ lần nữa rồi cho lên giàn sấy.
Sấy sá sùng phải ở nơi kín gió, đứng cạnh giàn sấy, bên dưới là bếp than, đứng sấy liên tục 3 tiếng đồng hồ để lật đi lật lại con sá sùng cho chín đều. Sá sùng khi sấy khô ngót đi rất nhiều. Phải khoảng 12kg sá sùng tươi mới được 1kg khô thành phẩm. Với giá bán như hiện nay thì mỗi kg sá sùng khô, người làm lãi khoảng 800.000 đến 1 triệu đồng.
Bữa rượu chia tay với những con người hiền lành, chất phác trên đảo đêm nay không có sá sùng khô. Anh bạn chủ nhà phân trần: “Sá sùng khô dành để bán. Người Quan Lạn cũng không mấy khi được thưởng thức đâu. Đắt như vàng mà…”.
Nhâm nhi chén rượu tôi chợt nghe thấy tiếng ru trẻ vọng ra trong đêm: “Ầu ơ… Con ơi con ngủ cho ngoan/Mẹ ra bờ biển bắt con sá sùng/Quanh năm cá biển rau rừng/Sa chân lỡ bước đường cùng thì thôi/Con đừng khóc nữa con ơi/Biết đâu sông nước đầy vơi bao giờ”.
Theo Nguyễn Chiến (Báo Quảng Ninh)
Người Miền Trung
Xem bắt sá sùng đêm ở Trương Cả
DienDan.Edu.Vn Cám ơn bạn đã quan tâm và rất vui vì bài viết đã đem lại thông tin hữu ích cho bạn.DienDan.Edu.Vn! là một website với tiêu chí chia sẻ thông tin,... Bạn có thể nhận xét, bổ sung hay yêu cầu hướng dẫn liên quan đến bài viết. Vậy nên đề nghị các bạn cũng không quảng cáo trong comment này ngoại trừ trong chính phần tên của bạn.Cám ơn.