Trong chúng ta chắc không ai lạ gì câu chuyện Tây Du Ký (Bộ phim gắn liền với tuổi thơ của mỗi người – năm nào cũng chiếu đi chiếu lại vài lần trên TV) Nhà ai có trẻ con chắc cũng khó thể quên lời bài hát trong phim được dịch sang tiếng Việt như thế này: ” Thỉnh kinh Tây Thiên đâu phải là dễ, nếu là dễ thì có gì đáng kể…” Và cũng không ít người trong chúng ta cũng có đôi lần tự hỏi Sao người ta không cử Tôn Ngộ Không bay vù một cái đến Tây Trúc lấy kinh cho nhanh mà cứ để Sư Phụ (Đường Tăng) đi chậm thế, bao giờ mới đến? Tôi đã hỏi câu hỏi tương tự như thế khi còn nhỏ và đến bây giờ các cháu tôi cũng hỏi thế.
Ngày trước, đi Luyện Thi Đại Học môn Hóa – Sinh, tôi cũng được nghe giáo viên của mình nói về những ý tưởng của tác giả bộ truyện đã trở thành sự thật và được khoa học hiện đại sử dụng như biện pháp hiệu quả nhất mang lại cơ hội sống cho nhiều người như: Tôn Ngộ Không thổi lông thành vô số khỉ con – Sinh sản vô tính,…
Gần đây, tôi có cơ hội nói chuyện với một diễn giả của chương trình Giá Trị Cuộc Sống – Sức Mạnh Từ Tâm, tôi mới vỡ ra nhiều điều, hóa ra, tác giả của Tây Du Ký có nhiều kinh nghiệm sống, nhiều kinh nghiệm quản trị nhân sự hơn tôi tưởng, và kinh nghiệm của ông ấy đưa vào ứng dụng trong đời sống, trong quản trị nhân lực quả thật đã mang lại hiệu quả khó thể đo lường.
Hành trình đi lấy Kinh của thầy trò Đường Tăng là hành trình đi tìm chân lý.
Cứ theo sách thì thời Đường Tăng phương tiện di chuyển có đâu kém thời bây giờ mà còn nhanh hơn cả máy bay siêu âm ấy chứ.
Cỡ Tôn Ngộ Không chỉ nhún mình một cái đã ở tận lưng trời rồi. Đấy là chưa nói đến các vị Bồ Tát (cấp dưới của Đức Phật) thần thông quảng đại đi Nam về Bắc chỉ trong chớp mắt.
Nhưng tại sao thời đó người ta không sai đệ tử của Đường Tăng là Ngộ Không chạy ù một cái đến Tây Trúc mang Kinh về mà phải chọn Đường Tăng đi lấy kinh dằng dặc suốt mấy năm trời và phải đi qua biết bao khổ nạn và nhiều lần cận kề cái chết? Câu trả lời thật chẳng khó khăn gì. Đó là vì để tới được chân lý, con người phải dấn thân với toàn bộ khát vọng, trí tuệ, ý chí và sự dâng hiến tột cùng.
Chân lý đâu chỉ ngày một ngày hai hay mấy tiếng đồng hồ mà tới được. Chân lý nhiều khi phải trả bằng máu hay cái chết của một dân tộc mới có được. Chứ chân lý làm sao lại có được dễ dàng như phóng xe máy ra cuối phố mua một can bia hơi hay là quần áo lụa là bước trên thảm nhung đi từng bước khoan thai trong rộn ràng tiếng trống phách, tiềng phèng la mà đến thẳng tới chân lý như đi trẩy hội để xin sớ, xin lộc nhà chùa được.
Hơn nữa, một người như Tôn Ngộ Không có 72 phép thần thông biến hóa nhưng tâm đức chưa đủ để được chọn là người đón nhận và cầm giữ chân kinh. Cũng như chân lý đâu phải là thứ đặt vào tay ai cũng được. Sự thật cho chúng ta thấy có những người cầm giữ chân lý thì người ta tin theo và có những người cầm chân lý trên tay giơ lên và nói ra rả về chân lý mà cũng chẳng ai tin cả. Nếu để Tôn Ngộ Không hay Chu Bát Giới hay Sa Tăng quẩy trên vai một gánh kinh vừa đi vừa oang oang : “Chân Kinh đây, Chân Kinh đây” cũng chỉ làm cho thiên hạ thêm nghi hoặc mà thôi.
Việc chọn Đường Tăng là chọn nhân sự cho một Đại sự của quốc gia nhà Đường. Bởi Đường Tăng là người có lòng từ bi rộng lớn, thanh tịnh đến vô cùng, lòng tham được triệt từ vĩnh viễn, lại có khát vọng sâu tựa lòng đất, cao tựa bầu trời, lại có trách nhiệm tột đỉnh đối với Vua Đường trong việc khai mở tư tưởng và Đạo sống cho muôn dân xã tắc, lại có lòng hy sinh vì nghiệp lớn của đất nước mà gạt bỏ mọi riêng tư…
Chỉ người như thế mới chạm được vào Chân Kinh, người như thế mới mang vác được Chân Kinh, người như thế mới được muôn dân và xã tắc tin tưởng sẽ lấy đúng Chân Kinh và truyền đúng Chân Kinh chứ không làm sai lệch. Vì kẻ nào làm sai lệch Chân Kinh như đánh tráo Chân Kinh hay mượn Chân Kinh mà phục vụ cho danh lợi của cá nhân mình thì ắt là ma quỷ.
Về cơ bản, có thể nói, Đường Tăng là người có được được niềm tin của quần chúng, có khả năng thuyết trình để người khác nghe và phục, người có thể hướng dẫn đào tạo người khác…
Lại nói sao đường đi Tây Trúc hiểm trở và nguy nan đến vậy mà Đường Tăng lại dùng những kẻ giúp việc như Ngộ Không, Bát Giới, Sa Tăng? “Bản nhận xét cán bộ” về ba người giúp việc này được tóm tắt như sau:
Một: Ngộ Không có tài cao mà sống thiếu kỷ cương. Đúng sai đều nhận biết được nhưng xử lý thường tùy tiện, hay xử dụng lối trừng phạt mà không có ý thức giáo hóa. Ngộ Không tính lại nhiều lúc tự cao tự đại cứ nghĩ mình ở trên mọi người. Nhân sự Ngộ Không lại là người sống quá tự do, thiếu kiên nhẫn, thích thì làm không thích lại bỏ về Hoa Quả Sơn chén chú chén anh với các huynh đệ, con cháu. Đại sự của quốc gia đâu cứ thích thì làm không thích thì bỏ. Nhưng, Ngộ Không lại là người có tài, rất có tài là khác, vì vậy, nếu đã tìm được người, đúng người rồi, thì việc còn lại chỉ là đào tạo nhân sự – đào tạo lại họ, để họ phát huy tài năng vốn có mà thôi.
Hai: Bát Giới lòng dạ tuềnh toàng không mưu mô nhưng lại ham sắc dục, ngại khó ngại khổ, thích hưởng lạc, dễ quên lý tưởng, vì một bữa ăn, vì một cô gái đẹp mà bỏ ngay sứ mệnh cao cả được giao của mình. Nhiều lần thấy cơm ngon, gái đẹp là rủ rê cả Đường Tăng ở lại hưởng thụ chứ Kinh kệ biết bao giờ lấy được. Nói chung, Bát Giới là kẻ lười, rất lười, nhưng ai đó, dù có không khéo quan sát cũng có thể thấy được Bát Giới có khả năng ngoại giao tốt. Anh ta chính là đầu mối gắn kết thầy trò Đường Tăng, người làm cho câu chuyện trở nên vui tươi, sinh động hơn.
Ba: Sa Tăng vốn là kẻ sát sinh, có tội, kiến thức hạn hẹp, chỉ làm theo lệnh mà không có sáng tạo, không có tư duy. Nếu rời khỏi sự chỉ giáo của Đường Tăng thì lại quay trở về chui xuống khúc sông cũ đợi khách qua đường kiếm ăn qua ngày đoạn tháng mà thôi. Sa Tăng là người cần cù chăm chỉ, anh ta đã có được công việc phù hợp.
Cả ba người này thường thì giúp Đường Tăng được một thì lại gây phiền cho Đường Tăng một. Với những người giúp việc như thế, nếu nghĩ theo một phía thì thấy họ dễ cản trở con đường đến Tây Trúc của Đường Tăng. Nhưng nghĩ thêm phía khác thì thấy thật sâu sắc nhường nào.
Việc thu nạp những con người này vừa cho thấy sứ mệnh của giáo hóa và phép dùng người. Mỗi con người kia đều có mặt tốt mặt xấu, có mặt mạnh mặt yếu. Nếu chỉ nhìn vào khuyết tật hay lỗi lầm của họ trong quá khứ thì mãi mãi họ sẽ là những kẻ cản trở. Nhưng với lòng từ bi vô bờ, những người mà Thảo Dân này xin gọi vui là Ban Tổ Chức của Đức Phật đã giao phó cho Đường Tăng sứ mệnh đi lấy Chân Kinh bên cạnh đó là sứ mệnh giáo hóa chúng sinh.
Con đường đến với Chân Kinh cũng là con đường giáo hóa con người, biến những kẻ còn sống trong quá nhiều ham muốn, sống trong cái tôi tùy tiện, sống trong bóng tối tâm hồn thành những người có ích cho xã hội. Đấy mới thực sự là Chân Kinh. Thiết nghĩ mọi chân lý người xưa bằng cách này hay cách khác đã nói hết cả rồi.
Bàn: Tây Du Ký nhìn từ góc nhìn quản lý nhân sự lại chính là một câu chuyện hay về dùng người. Thứ nhất là việc dùng đúng Đại nhân để làm Đại sự. Thứ hai là việc dùng người biết tới cả mặt tốt, mặt xấu, và như người xưa đã nói: Dụng nhân như dụng mộc.
quá hay 🙂 nói chung, càng đọc càng ngẫm, càng phát hiện ra nhiều cái hay ơi là hay, mà nhất định sẽ up lên cho các anh chị em đọc tiếp, hoặc ai biết rồi thì share cho em nhé
DienDan.Edu.Vn Cám ơn bạn đã quan tâm và rất vui vì bài viết đã đem lại thông tin hữu ích cho bạn.DienDan.Edu.Vn! là một website với tiêu chí chia sẻ thông tin,... Bạn có thể nhận xét, bổ sung hay yêu cầu hướng dẫn liên quan đến bài viết. Vậy nên đề nghị các bạn cũng không quảng cáo trong comment này ngoại trừ trong chính phần tên của bạn.Cám ơn.