Một trong những câu hỏi thường gặp nhất khi các bạn đi phỏng vấn tuyển dụng là “Bạn/em hãy giới thiệu một chút về bản thân” và, đây cũng là câu hỏi khiến các nhà tuyển dụng đau đầu và thất vọng nhất.
Khả năng tự nhận thức về bản thân của phần nhiều ứng viên, đặc biệt là ứng viên mới tốt nghiệp là khá lệch. Các bạn thường có xu hướng tự tin thái quá, cho rằng mình có thể làm được nhiều việc, đặc biệt là sinh viên khối ngành kinh tế, quản trị. Còn đối với sinh viên đại học các ngành kỹ thuật khác, các bạn cũng có xu hướng đánh giá khả năng một cách cảm tính, chung chung và hơi quá với khả năng thực sự của mình.
Phần lớn các bạn không có mục tiêu rõ ràng, không biết mình muốn gì, cần gì, dẫn đến hệ quả là học theo kiểu “càng nhiều càng tốt, càng cao càng tốt”, “Học hỏi để có thêm kinh nghiệm” “học vì bố mẹ bảo thế” “học vì ai cũng học những thứ như thế”… chứ không có định hướng cụ thể.
Tại sao lại như thế?
Đầu tiên là lỗi của giáo dục, bao gồm cả giáo dục trong gia đình và giáo dục trong nhà trường. Những năm trước xã hội còn vin vào lý do không đủ thông tin về ngành học, về trường, về đầu ra… nhưng trong những năm gần đây câu chuyện đó không còn thuyết phục nữa. Có rất nhiều cảnh báo về dư thừa trong ngành ngân hàng và kinh tế tuy nhiên cha mẹ và học sinh vẫn đổ xô vào. Không tự lượng sức mình và không tự lượng dự báo chuyên môn. Tâm lý tìm việc an nhàn, lương cao, thực dụng vẫn chiếm đa số. Hệ quả là các em học sinh đổ xô vào các ngành “hot” nhưng bản thân mình lại không đủ tốt cho ngành đó. Thiết nghĩ, mỗi cá nhân nên tự hướng nghiệp cho cả cuộc đời, các bạn cần xem lại bản thân có thật sự cao như mình nghĩ hay không, nếu như trình độ các bạn chỉ làng nhàng thì không nên ảo tưởng hãy chấp nhận những công việc thấp hơn phù hợp với sức lực và khả năng.
Thứ hai, các trường đại học có xu hướng quản lý không có tâm – học “dzỏm” và dạy giả chạy theo lợi nhuận, các bạn sinh viên từ những trường này sẽ không bao giờ qua được chốt chặt phòng nhân sự tại doanh nghiệp vì đơn giản họ là người bỏ tiền mua sức lao động. Họ có quyền từ chối và thải loại các ứng viên không đạt yêu cầu. Ngay cả trong thời kỳ hoàng kim của nền kinh tế, không phải cứ sinh viên ra trường là có việc. Giáo dục không làm cho người học hiểu rằng “học để làm việc” mà làm người học hiểu là học để “lấy bằng cấp” nên các bạn thường cho bằng cấp nghĩa là năng lực, nhưng sự thật đáng tiếc là với phương pháp đào tạo nặng về lý thuyết như chúng ta, bằng cấp không đồng nghĩa với năng lực làm việc. Đấy là chưa kể đến việc mua bằng, mua điểm…
Đổ hết cho giáo dục thì chưa đúng bởi sản phẩm của giáo dục là con người, mà con người thì có quyền tự quyết định riêng. Có thể nói, học sinh sinh viên – sản phẩm của nền giáo dục là sản phẩm của bảy phần do mình, ba phần do gia đình và nhà trường. Nhưng, đa phần các bạn khá bị động, thích dựa dẫm, lười suy nghĩ, thích “la cà chém gió”, ảo tưởng về khả năng thiên phú của chính mình, hy vọng “may mắn từ trên giời rơi xuống”… Không còn là chuyện đáng ngạc nhiên nếu trong giờ hành chính, mật độ các bạn trẻ ngồi quán cà phê, trà chanh còn đông hơn thư viện; thường trực online mạng xã hội than thân trách phận, đổ lỗi do trời… Các bạn sẽ “đi về đâu”, chẳng ai biết, có lẽ là bố mẹ sẽ lo, hoặc không lo thì… chịu.
Cử nhân thì thất nghiệp “đầy đường” nhưng doanh nghiệp muốn tìm người thì tìm không ra. Chưa xét đến vấn đề lương hay đãi ngộ tại các doanh nghiệp mà vấn đề ở đây là đa phần các cử nhân, những bạn trẻ mới tốt nghiệp ngày nay luôn ngại xa, ngại khó, mời đi phỏng vấn còn không muốn đi và cũng chẳng có thái độ tôn trọng người sử dụng lao động (không tới phỏng vấn, một cú điện thoại thông báo cũng sợ tốn; tới phỏng vấn, thì đánh giá cơ sở vật chất nọ kia, đánh giá nhà tuyển dụng, trả lời thì vòng vo, nói quá khả năng của mình…) trong khi bạn chưa có đủ kiến thức, kinh nghiệm đáp ứng được các yêu cầu của họ. Cho nên, chỉ trong vòng mấy năm trở lại đây, từ dư thừa 72 ngàn cử nhân, thạc sĩ không có việc làm, phải làm nghề bán nước, quét vôi con số ấy đã tăng vọt khủng khiếp 162,4 ngàn người có trình độ từ đại học trở lên đang thất nghiệp.
Truyền thông xã hội cũng đóng một vai trò rất quan trọng, tác động đến thái độ của đông đảo học sinh, sinh viên Việt Nam hiện nay trên con đường tìm việc. Nếu bạn là người thường xuyên dùng mạng xã hội, thường xuyên đọc báo mạng hay ít nhất cũng thường xuyên hóng hớt chốn đông người như mình, bạn sẽ thấy: Thứ nhất, các phương tiện thông tin hiện nay đề cập đến quá nhiều vấn đề vớ vẩn kiểu hot girl này nọ, lộ hàng, cướp, hiếp, giết, hôi của,… đó chưa phải là các thông tin hữu ích đối với bạn đọc và đặc biệt, tần suất xuất hiện của những tin tức kiểu đó đang ngày càng tăng lên ảnh hưởng xấu đến nhận thức của các bạn về thế giới bên ngoài. Thứ hai, có quá nhiều tấm gương trẻ thành công được vinh danh không phải do lao động mà ra, hoặc nếu do lao động mà có thì cách vinh danh cũng không chỉ rõ được những sự nỗ lực, gắng công thực sự của người đó khiến các bạn trẻ lầm tưởng cuộc sống đơn giản chỉ có thế và lạc lối trong mớ bòng bong thông tin rác. Từ những ảo tưởng về cuộc sống, đề cao vai trò của việc tạo dựng các mối quan hệ, nhiều bạn sinh viên đã không tập trung phát triển kỹ năng, kiến thức mà sa vào các sự hào nhoáng về bằng cấp, mối quan hệ, tiền bạc, danh vọng mà quên mất: “Chỉ có sự phát triển tự nội lực của bản thân mới là sự phát triển bền vững nhất!”
Ngoài những nguyên nhân về kinh tế, việc “Hướng nghiệp kỹ càng – Chọn trường phù hợp – Học đàng hoàng – Hiểu thấu đáo – Làm nghiêm túc” có tác động rất lớn đến việc các bạn trẻ có thất nghiệp hay không.
Chúc các bạn may mắn.
– Nhanvienmoi bt
DienDan.Edu.Vn Cám ơn bạn đã quan tâm và rất vui vì bài viết đã đem lại thông tin hữu ích cho bạn.DienDan.Edu.Vn! là một website với tiêu chí chia sẻ thông tin,... Bạn có thể nhận xét, bổ sung hay yêu cầu hướng dẫn liên quan đến bài viết. Vậy nên đề nghị các bạn cũng không quảng cáo trong comment này ngoại trừ trong chính phần tên của bạn.Cám ơn.