(BNN) – Là một trong ba tỉnh của Tây Bắc nằm trải dài bên dãy Hoàng Liên Sơn, Lào Cai nổi tiếng với phong cảnh thiên nhiên hùng vĩ và những đặc sản đậm chất núi rừng.
Trong chuyến chinh phục đỉnh núi Ky Quan San (còn gọi là núi Mào Gà, xã Sàng Ma Sáo, huyện Bát Xát), chúng tôi có dịp theo chân đồng bào Mông luồn rừng sâu “săn” nấm hương rừng.
Xuyên rừng già hái “lộc”
Mới 6 giờ sáng, từ chiếc lán nhỏ nằm ở độ cao 2.100m so với mực nước biển trên núi Ky Quan San, anh Sùng A Chư, một người con của núi rừng nơi đây đã chuẩn bị các đồ đạc cần thiết, khoác lù cở trên vai, bắt đầu hành trình vào rừng hái nấm hương. Nấm hương là một trong những sản vật vùng cao được người người ưa chuộng.
Thấy chúng tôi ngỏ ý muốn đi cùng, anh Chư vui vẻ đưa đường. Trời mưa lất phất, đường lên núi trơn và ẩm ướt, chúng tôi phải luồn qua những bụi cây rậm rạp để đến chỗ nấm hương hay mọc. Nấm hương mọc trên những thân gỗ khô mục nằm sâu dưới tán rừng già. Từ nhỏ đã quen theo bố mẹ lên rừng lấy củi chăn dê, hái nấm, theo anh Chư, trong rừng có rất nhiều nấm thuộc loại nấm độc và nấm lành. Vì vậy, người đi hái cần phải có kinh nghiệm, tránh hái phải nấm độc.
Dulichgo
Bởi những loại nấm này khi ăn vào sẽ gây nguy hại cho cơ thể con người, nhẹ thì là ngộ độc nôn ói, nặng có thể gây tử vong. Một trong những dấu hiệu đơn giản mà anh Chư dậy tôi cách phân biệt đó là nấm độc thường có màu sắc sặc sỡ, mùi hắc, còn nấm lành thì màu thường trầm hơn và có mùi thơm dễ chịu. Tuy nhiên, nếu không biết rõ thì đừng bao giờ thử, bởi rất dễ nhầm phải nấm độc.
Sau nửa tiếng luồn rừng, chúng tôi đến một khoảng rừng già nhiều cây cổ thụ. Mấy hôm nay trời vừa mưa phùn rồi hửng nắng ấm áp, nên nấm hương nở đầy rừng. Nhưng để hái được loại “lộc rừng” quý hiếm này, cũng không hề đơn giản, vì xung quanh những cây gỗ khô thường có nhiều bụi gai tua tủa. Nhìn đôi bàn tay của anh Chư hằn lên những vết gai cào rớm máu, bộ quần áo cũng nhiều chỗ đã rách toạc vì gai góc, cây rừng mới thấu hiểu nỗi vất vả của những người làm nghề “săn” nấm hương trên núi. Ngoài băng rừng vượt núi, chịu gai cào, họ còn phải đối diện với nhiều nguy hiểm nơi “rừng thiêng nước độc” như trượt ngã, rắn rết cắn.
Vừa dạy chúng tôi cách hái nấm, anh Chư vừa chia sẻ rằng nấm hương thường mọc trên núi cao, trong những khu rừng già, ở Lào Cai, nấm hương có nhiều ở khu vực núi cao của hai huyện Bát Xát, Sa Pa.
Dulichgo
Vào thời điểm từ tháng Giêng đến hết tháng Ba âm lịch hàng năm, khi đất trời vào xuân, những đợt sương muối và cái lạnh tê tái của mùa đông nhường chỗ cho những ngày nắng nhẹ, kèm theo những hạt mưa phùn lất phất là thời điểm nấm hương phát triển nhanh nhất. Khác với nhiều loại nấm trong rừng, nấm hương không mọc dưới đất mà mọc trên thân gỗ mục. Và cũng không phải loại gỗ nào cũng thích hợp với loại nấm này.
Theo kinh nghiệm của người dân bản địa, thì nấm hương chỉ mọc trên những loại cây ít nhựa, lý tưởng nhất là cây dẻ. Mải mê hái nấm, chẳng mấy chốc, chiếc giỏ đựng nấm của chúng tôi đã chật kín. Nâng chiếc giỏ lên anh Chư cười tươi: “Tầm này cũng được hai, ba cân đấy. Mang xuống trung tâm xã bán mỗi kg nấm tươi được 50 nghìn đồng. Còn nấm phơi khô rồi thì có giá 500 nghìn đồng/kg. Từ đầu mùa đến giờ, tôi hái và bán được khoảng 10kg nấm khô rồi, cũng có thêm khoản tiền để mua quần áo mới cho các con.
Món ăn hấp dẫn
Rời khỏi khu rừng cổ thụ, tôi ôm giỏ nấm như báu vật trên suốt đoạn đường trở về lán. Đầu bếp của chúng tôi nói sẽ dùng nấm hương cho bữa tối. Sau khi rửa sạch để cho ráo nước, anh Chư đem nấm hương đi xào cùng bộ lòng gà.
Đôi tay đảo nấm nhanh thoăn thoắt. Anh Chư bảo, để xào nấm ngon, phải để lửa to, đảo nhanh để nấm chín đều và không bị nát, nấm theo đó cũng không bị nồng. Tôi ngồi à, ừ bên cạnh mà thấy bụng réo ùng ục, bởi mùi nấm đang thơm lừng cả gian bếp.
Mùi nấm hương tỏa cả sang dãy nhà bên cạnh, thơm đến mức anh bạn tôi cũng chạy sang góp chung câu chuyện. Bên bếp lửa, anh Chư lấy mấy cây nấm to, xiên vào que tre, cho lên than hồng nướng. Than đỏ nổ lép bép, nấm hương vừa chín tỏa khói dậy mùi thơm, đưa lên miệng ăn thử một miếng thấy vị thơm, ngọt lan tỏa, hấp dẫn vô cùng, đúng là thứ “lộc” rừng quý giá, món ăn đặc sản ít nơi có được.
Dulichgo
Tìm hiểu thêm về nấm hương rừng, tôi được biết tất cả quá trình sinh trưởng của nấm hương rừng từ khi ủ mầm, tách chồi qua lớp gỗ mục, đâm nụ rồi xòe ô hoàn toàn tự nhiên, nên nấm hương luôn mang đến cảm giác an toàn cho người sử dụng.
Thêm vào đó, nấm hương rừng mọc trong rừng sâu, “thịt” nấm chứa nhiều đạm, đặc biệt giàu khoáng chất và các loại vitamin, acid amin cần thiết cho cơ thể, nên được nhiều người ưa chuộng. Dù là dùng ngay sau khi hái hay đã được phơi khô, những món ăn làm từ nấm hương đều rất đậm đà, thơm ngon.
Dulichgo
Ai đã từng thưởng thức nấm hương rừng, hẳn sẽ đồng ý với tôi đó là một món ăn vô cùng tuyệt hảo. Nấm có thể chế biến thành nhiều món thơm ngon, như nấm tươi xào với các loại thịt thái chỉ, nấu canh, làm lẩu gà; hay nấm khô nấu miến, làm nhân nem… Mùi thơm, vị ngọt của nấm hòa quyện với các loại thịt khiến người ăn thưởng thức một lần rồi nhớ mãi không quên.
Theo Tuấn Ngọc (Báo Nông Nghiệp VN)
Người Miền Trung !
DienDan.Edu.Vn Cám ơn bạn đã quan tâm và rất vui vì bài viết đã đem lại thông tin hữu ích cho bạn.DienDan.Edu.Vn! là một website với tiêu chí chia sẻ thông tin,... Bạn có thể nhận xét, bổ sung hay yêu cầu hướng dẫn liên quan đến bài viết. Vậy nên đề nghị các bạn cũng không quảng cáo trong comment này ngoại trừ trong chính phần tên của bạn.Cám ơn.