(BNN) – Ngôi chợ nằm sát biên giới Campuchia, thuộc xã Thiện Hưng, huyện Bù Đốp, tỉnh Bình Phước, nhìn bên ngoài cũng bình thường như bao ngôi chợ vùng quê Việt Nam khác. Nhưng chỉ cần dạo một vòng trong chợ, sẽ tận mắt thấy nhiều điều thú vị.
Nơi giao lưu
Cách trung tâm huyện Bù Đốp 3km, chợ Thiện Hưng nằm sát biên giới với nước bạn Campuchia, hàng hóa được tiểu thương 2 nước mang đến khá phong phú. Ngoài buôn bán, trao đổi hàng hoá, chợ biên giới này còn là nơi gặp gỡ, giao lưu giữa người dân hai nước.
Trong những ngày cận Tết Nguyên đán Canh tý, không khí ở ngôi chợ vùng biên này đã nhộn nhịp hơn hẳn ngày thường. Những gian hàng đủ chủng loại bày kín lối đi. Người mua kẻ bán chen chân nhau qua lại, chẳng thua gì một ngôi chợ lớn ở vùng đô thị.
Dạo một vòng vào chợ mới thấy nhiểu điều thú vị mà những ngôi chợ thuần nội địa khác không có. Đầu tiên là những chiếc xe máy biển số Campuchia dính đầy đất đỏ, cực dã chiến. Tất cả chúng đều đã được “độ” lại, gia cố thêm phần phuộc sau, bánh xe được quấn thêm những sợi dây thép nhằm tăng độ bám khi chạy trên đường đất đỏ, trơn trượt. Phía sau xe là một thùng chứa hàng cao vượt đầu người ngồi, rộng đến 2m. Bên trong chứa hàng trăm loại hàng hoá, như một cửa hàng tạp hoá di động.
Anh Nguyễn Văn Sáng, từng nhiều năm chở hàng sang bỏ mối bên nước bạn, tâm sự: “Nghề này cũng vất vả lắm, thức khuya dậy sớm đã đành, mà muốn có lời nhiều thì phải chất hàng càng nhiều càng tốt, chất hàng cao hơn người.
Và càng chở đi xa, về các vùng nông thôn bên đó bán càng lời nhiều. Bình quân 1 ngày kiếm được từ 300 – 500 ngàn đồng. Nhất là dịp cuối năm, bên Campuchia họ cưới xin nhiều, cần nhiều mặt hàng tiêu dùng, nhu yếu phẩm nên ngày nào tôi cũng chở một chuyến hàng sang đó”.
Điều thú vị khác nữa là người mua kẻ bán trao đổi với nhau bằng cả 2 ngôn ngữ Việt Nam và Campuchia, họ thanh toán bằng cả 2 loại tiền Việt và Campuchia. Ngay tại chợ cũng có chỗ đổi tiền Việt sang tiền Campuchia và ngược lại.
“Sự kết nối giữa chợ với nước bạn Campuchia thông qua cửa quốc tế Hoàng Diệu bằng con đường độc đạo dài hơn chục cây số. Việc thông thương tại chợ đã có từ rất lâu, do đó tiểu thương 2 bên đa phần đều biết cả tiếng Việt lẫn tiếng Campuchia nên việc mua bán vô cùng thuận lợi, hàng hóa của bạn đưa đến đây chủ yếu là cá trê, xoài, nước giải khát…
Còn các bạn hàng Campuchia sang đây cũng mua rất nhiều mặt hàng Việt Nam, từ dầu ăn, bột ngọt đến bánh kẹo, quần áo, mỹ phẩm. Nhờ trao đổi thêm hàng hóa với bạn hàng nước bạn mà tiểu thương chúng tôi có thu nhập ngày càng khá hơn”, chị Nguyễn Thị Liên, tiểu thương chợ Thiện Hưng nói.
“Từ khi chợ đi vào hoạt động, đã thúc đẩy phát triển mạnh kinh tế vùng biên mậu, làm thay đổi bộ mặt nông thôn ở vùng đất biên cương của Tổ quốc, tác động tích cực đến sự phát triển KT-XH của xã biên giới, góp phần xây dựng vững mạnh vùng điểm “Thế trận xã biên giới gắn với xây dựng NTM” của huyện Bù Đốp. Điều cần nhấn mạnh là người dân 2 nước sang trao đổi, mua bán hàng hoá qua lại bao năm nay, nhưng chưa từng xảy ra bất đồng, mâu thuẫn lớn nào”, ông Trần Chí Công, Chủ tịch UBND xã Thiện Hưng.
Bắc cầu se duyên
Bắt chuyện với một người đàn ông Campuchia qua phiên dịch là chị Liên, anh cho biết tên Lâm Chai Tha, là thương lái chuyên sang chợ Thiện Hưng nhập hàng Việt Nam số lượng lớn về bán kiếm lời. Nghe chúng tôi hỏi cảm nhận về chợ và hàng hoá Việt Nam, anh cười bẽn lẽn khá lâu sau mới nói: “Hàng Việt Nam bây giờ nhiều, tốt lắm. Tôi sang đây nhập hàng Việt Nam về bán lâu rồi, có nhiều bạn hàng quen, mua không cần kiểm tra. Thậm chí dịp tết tôi nhập thêm hàng nhiều, thiếu chút tiền họ cho trả sau nữa”.
Theo lời người đàn ông này, mỗi ngày anh sang chợ Thiện Hưng mua 2 đến 3 chuyến hàng chở về Campuchia bỏ mối lại cho các chợ ở tỉnh Mondulkiri và tỉnh Carache.
“Ngoài mua bán, trao đổi hàng hoá, chúng tôi ngoài trao đổi hàng hóa còn sử dụng đồng tiền của nhau, nếu chúng tôi mua hàng Việt Nam chúng tôi trả bằng tiền Việt Nam và ngược lại để đảm bảo cho hàng hóa 2 bên trao đổi công bằng, ngoài mua bán chúng tôi còn trao đổi kinh nghiệm làm ăn, giao lưu qua lại mỗi khi có lễ, tết người dân Việt Nam rất hòa đồng vui vẻ”.
Điều thú vị là sau những ngày chạy như con thoi mang hàng hóa sang chợ trao đổi, lấy hàng Việt về bỏ mối, anh Lâm Chai Tha đã “phải lòng” cô con gái xinh xắn của một bạn hàng người Việt Nam. Hiện vợ chồng anh đã có đến 3 mặt con. “Ở đây không chỉ có đàn ông Campuchia lấy vợ Việt, mà nhiều cặp chồng Việt vợ Campuchia nữa”, chị Liên cho biết.
Bình Phước có 3 huyện biên giới Bù Gia Mập, Bù Đốp và Lộc Ninh với chiều dài đường biên hơn 260km, tiếp giáp với 3 tỉnh Mondulkiri, Kratíe và Tabong Khmun của Vương quốc Campuchia. Chợ Thiện Hưng là một trong 2 chợ biên giới sầm uất nhất vùng biên giới, chỉ sau chợ Lộc Ninh, ở thị trấn Lộc Ninh.
Theo số liệu của Sở Công thương Bình Phước, năm 2018 tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu qua các cửa khẩu trên địa bàn tỉnh Bình Phước đạt 317,423 triệu USD, tăng 13,4% so với cùng kỳ.
Một điều đáng ghi nhận là năm nay tuyến đường từ của khẩu Hoa Lư (Lộc Ninh) đến của khẩu Hoàng Diệu ( Bù Đốp) dài hơn 60km đang trong quá trình mở rộng từ 30 lên 60m sẽ được thông tuyến, các loại xe tải, xe container chở hàng lưu thông qua lại dễ dàng, tạo thuận lợi rất nhiều cho việc mua bán của người dân hai nước.
Theo Phúc Lập (Báo Nông Nghiệp)
DienDan.Edu.Vn Cám ơn bạn đã quan tâm và rất vui vì bài viết đã đem lại thông tin hữu ích cho bạn.DienDan.Edu.Vn! là một website với tiêu chí chia sẻ thông tin,... Bạn có thể nhận xét, bổ sung hay yêu cầu hướng dẫn liên quan đến bài viết. Vậy nên đề nghị các bạn cũng không quảng cáo trong comment này ngoại trừ trong chính phần tên của bạn.Cám ơn.