Dù có thể xuất hiện trong các hàng quán ở các thành phố lớn, nhưng những món ăn xứ Quảng sẽ thực sự đúng và đủ vị khi được chế biến trên chính xứ sở của mình.
Khi ăn mì Quảng, người ta thường bẻ nhỏ bánh tráng cho vào tô, thêm nhiều rau sống, chút mắm ớt, chanh trộn đều rồi thưởng thức. Vị thơm bùi của gạo quyện cùng vị ngọt đậm của nước lèo, thanh mát của rau sống, chua của chanh và cay của ớt sẽ đem đến cho bạn một trải nghiệm không thể quên.
Bánh xèo
Bánh xèo cũng là món ăn truyền thống của người dân xứ Quảng. Chiếc bánh thơm phức mùi bột gạo cuốn với rau sống rồi ăn kèm với nước chấm tuy giản đơn nhưng lại gây ‘nghiện’ cho biết bao người. Bánh xèo Quảng Nam không giòn như bánh xèo sài gòn mà có độ mềm nhất định. Nhân bánh cũng có phần giản đơn hơn với thịt ba chỉ và tôm đất, hoặc chỉ cần tôm đất cũng đủ làm nên chiếc bánh ngon.
Bánh xèo đất Quảng thường chỉ được cắt đôi, thậm chí nếu nhỏ còn để nguyên. Chiếc bánh thơm, mềm, nóng hổi được cuốn cùng nhiều loại rau sống nhưng không thể thiếu được lá cải xanh. Vị nhận đắng của cải vừa chống ngấy, vừa đưa đẩy khiến bánh ngon hơn. Khi ăn người ta lấy một miếng bánh cuốn cùng rau sống và bánh tráng rồi chấm với nước chấm pha từ nước mắm cá cơm, gừng và đậu phộng xay nhuyễn. Sự đơn giản này sẽ đem đến cho bạn một bữa ăn tuy dân dã mà vô cùng khó quên.
Nguyên liệu cơ bản và cách chế biến của món này cũng khá tương đồng với nem của miền Bắc hoặc chả giò của miền Nam. Các nguyên liệu làm ram thường là một ít miến trộn với thịt và nấm mèo, nhưng tuỳ từng địa phương sẽ thêm hoặc bớt nguyên liệu của nhân ram. Từng chiếc ram cuốn dài tầm một ngón tay với lớp vỏ thơm, giòn sẽ được chiên bằng dậu đậu phộng (dầu phụng) thơm phức. Món này thường được dọn với nước mắm chua ngọt cay kèm nhiều rau sống. Tại Đà Nẵng, món này không thể thiếu cải xanh. Lá cải to và đồ chua làm giảm vị ngấy từ dầu của ram. Cuốn ram thơm phức, nước mắm cay sè, bảo đảm khiến bạn ngây ngất.
Bánh tổ
Loại bánh này là đặc sản, có truyền thống lâu đời trong mỗi dịp tết của người dân xứ Quảng. Nhiều địa phương ở Quảng Nam đều làm bánh này. Nguyên liệu gồm có nếp và đường. Nếp phải chọn loại nếp thật tốt, phơi thật khô rồi đem xay thành bột. Bột nếp và đường đem “sên” cho thật kỹ, lọc bỏ hết tạp chất rồi thêm vào chút nước gừng tươi để làm tăng hương vị. Sau đó cho bột vào chiếc khuôn đan bằng nan tre trông như rọ có đường kính chừng 10 – 15 cm, bên trong có lót sẵn lớp lá chuối khô. Bánh được gói lại và dùng tăm tre ghim kín các mép lá. Mỗi bánh cân nặng chừng 500 gam.
Bánh tổ đem hấp chín, vớt ra để nguội rồi cất vào nơi thoáng mát. Tùy theo bột và đường sên mà bánh có nhiều màu khác nhau, từ màu trắng đục cho đến màu ngà hay nâu nhạt và giá cả có chênh lệch ít nhiều. Khi ăn, có người thích cứ lấy cái bánh tổ xắt ra từng miếng và ăn ngay. Có người lại thích nướng trên bếp than hồng cho mềm đi rồi mới ăn. Nhưng cách nhiều người thích nhất là xắt miếng và chiên với dầu phụng (dầu đậu phộng)
Gà đèo Le
Đây là một trong những đặc sản lừng danh của tỉnh Quảng Nam. Muốn ăn gà đèo Le đúng chuẩn, chắc chắn bạn phải đến đèo Le (gần suối Nước Mát – huyện Quế Sơn, tỉnh Quảng Nam) để tận hưởng, bởi như người bản địa nói, gà đèo Le ngon và có tiếng như vậy là do được chế biến cùng mạch nước ngọt mát của suối Nước Mát (một địa danh du lịch nức tiếng của Quế Sơn).
Gà đèo Le là giống gà tre, nuôi thả bộ tự nhiên hoàn toàn, mỗi con chỉ nặng khoảng 0,6 – 0,8 kg. Các món ăn từ gà khá đa dạng như nướng, hấp hành và rô ti… nhưng phổ quát nhất vẫn là luộc bởi món này nấu nhanh và đơn giản. Nhưng dù gọi món nào, gà ở đây cũng được phục vụ dưới dạng nguyên con với tạo hình cánh tiên rất hút mắt. Gà đeo Le được luộc cùng hành tím đập dập, khi đưa ra cho khách không thể thiếu rau răm, chút lá chanh xắt nhỏ cùng… kéo và bao tay nilon để khách tự cắt gà. Tuy không phục vụ đến tận… răng nhưng việc tự mình cắt hoặc xé gà thành miếng, trộn cùng rau răm rồi chấm muối tiêu và thưởng thức chắc chắn sẽ khiến món gà trở thành ngon hơn.
Bê thui cầu Mống
Cầu Mống – một địa danh thuộc xã Điện Phương (huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam), nổi tiếng khắp nơi nhờ món… bê thui trứ danh. Thành phần quan trọng quyết định độ ngon của món bê thui Cầu Mống là nước chấm và rau sống. Nước chấm phải được pha từ loại mắm cái thượng hạng làm từ cá cơm, cá nục đánh bắt ven biển miền Trung. Mắm cái sau khi gạn ép xác, lọc lấy nước mới cho thêm tỏi ớt, gừng xay, mè rang, chanh… vào cho vừa miệng.
Rau sống phải đủ loại của vùng quê bên sông nước, cuốn với bánh tráng mỏng chấm mắm cá cơm mới là đúng điệu. Để thêm phần đa dạng thực khách có thể gọi thịt bắp, thịt ba chỉ, thịt mông, da… tuỳ thích. Cầm một miếng bánh tráng lề mỏng, gói ít rau sống, nhón thêm lát chuối chát, đu đủ, bỏ một miếng bê thui, sau đó bẻ một ít bánh tráng nướng… cuộn tất cả lại, chấm vào chén mắm cá, vị ngon lan tỏa từ đầu lưỡi xuống đến cuống cổ, ngon không tưởng nổi.
DienDan.Edu.Vn Cám ơn bạn đã quan tâm và rất vui vì bài viết đã đem lại thông tin hữu ích cho bạn.DienDan.Edu.Vn! là một website với tiêu chí chia sẻ thông tin,... Bạn có thể nhận xét, bổ sung hay yêu cầu hướng dẫn liên quan đến bài viết. Vậy nên đề nghị các bạn cũng không quảng cáo trong comment này ngoại trừ trong chính phần tên của bạn.Cám ơn.