___________________________________________________________________

RaoVat24h
Kinh doanh Quản trị kinh doanh

Tổng quan về quản trị kinh doanh quốc tế

Advertisement
___________________________________________________________________

1. Khái niệm hoạt động kinh doanh quốc tế

Hoạt động kinh doanh quốc tế bao gồm mọi giao dịch kinh tế liên quan từ hai quốc gia trở lên với từ cách tư nhân hoặc của chính phủ. Nếu hoạt động của công ty tư nhân diễn ra nhằm tìm kiếm lợi nhuận thì hoạt động của chính phủ bảo trợ trong kinh doanh quốc tế có thể vì mục đích lợi nhuận hoặc không. Để đạt được mục tiêu quốc tế, công ty phải thiết lập các hình thức hoạt động quốc tế và chúng có thể khác nhiều so với hoạt động trong nước.

2. Vai trò của hoạt động kinh doanh quốc tế

– Kinh doanh quốc tế giúp cho các doanh nghiệp, các tổ chức kinh tế thỏa mãn nhu cầu và lợi ích của họ về trao đổi sản phẩm, về vốn đầu tư, về công nghệ tiên tiến.
– Kinh doanh quốc tế giúp cho các quốc gia tham gia sâu rộng vào quá trình liên kết kinh tế, phân công lao động xã hội, hội nhập vào thị trường toàn cầu. Thị trường thế giới có vai trò ngày càng quan trọng đối với sự phát triển các quốc gia.
– Hoạt động kinh doanh quốc tế tạo điều kiện cho các doanh nghiệp tham gia chủ động và tích cực vào sự phân công lao động quốc tế và sự trao đổi mậu dịch quốc tế làm cho nền kinh tế quốc gia trở thành một hệ thống mở, tạo cầu nối giữa nền kinh tế trong nước vớ nền kinh tế thế giới, biến nền kinh tế thế giới thành nơi cung cấp các yếu tố đầu vào v tiêu thụ các yếu tố đầu ra cho nền kinh tế quốc gia trong hệ thống kinh tế quốc tế.
– Tham gia vào thị trường thế giới còn giúp cho các doanh nghiệp khai thác triệt để các lợi thế so sánh của mỗi quốc gia, đạt quy mô tối ưu cho mỗi ngành sản xuất, tạo điều kiện xây dựng các ngành kinh tế mũi nhọn, nâng cao năng suất lao động, chất lượng sản phẩm và hạ giá thành, thúc đẩy việc khai thác các nhân tố tăng trưởng theo chiều sâu, trao đổi và ứng dụng nhanh chóng các công nghệ mới, thu hút vốn đầu tư từ bên ngoài, nâng cao tốc độ tăng trưởng và hiệu quả của nền kinh tế quốc dân.
– Mở rộng các hoạt động kinh doanh quốc tế, tăng cường hợp tác kinh tế, khoa học và chuyển giao công nghệ, giúp cho các nước có nền kinh tế kém phát triển có cơ hội cải tiến lại cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước. Tạo cơ hội cho việc phân phối các nguồn lực trong nước và thu hút các nguồn lực bên ngoài vào việc phát triển các lĩnh vực, các ngành của nền kinh tế quốc dân một cách có hiệu quả, khắc phục tình trạng thiếu các nguồn lực cho sự phát triển đất nước như vốn, nhân lực có trình độ cao, công nghệ hiện đại, đồng thời tạo điều kiện cho các doanh nghiệp trong nước vươn ra thị trường thế giới.
3. Cơ sở hình thành hoạt động kinh doanh quốc tế
Có nhiều mục đích và động cơ thúc đẩy các doanh nghiệp tham gia mạnh mẽ vào các hoạt động kinh doanh quốc tế. Trong đó có 3 động cơ chính là mở rộng cung ứng, tiêu thụ hàng hoá, tìm kiếm các nguồn lực ở nước ngoài, đa dạng hoá hoạt động kinh doanh.
a. Mở rộng phạm vi thị trường kinh doanh
Số lượng hàng hoá và trị giá hàng hoá (doanh số) được cung ứng và tiêu thụ tuỳ thuộc vào số người quan tâm đến sản phẩm hay dịch vụ của doanh nghiệp. Thị trường nội địa luôn bị giới hạn về sức mua, về nhu cầu. Nếu doanh nghiệp tham gia hoạt động kinh doanh ở thị trường nước ngoài sẽ khắc phục được sự chật hẹp của thị trường nội địa do số lượng khách hàng, sức mua và khả năng cung ứng của khách hàng trên thị trường thế giới luôn lớn hơn thị trường ở từng quốc gia. Nếu doanh nghiệp luôn mở rộng hoạt động kin doanh ra nhiều khu vực thị trường khác nhau sẽ cho phép doanh nghiệp nâng cao doanh số kinh doanh của mình.
b. Tìm kiếm các nguồn lực nước ngoài
Đối với mỗi quốc gia, các nguồn tiềm năng sẵn có không phải là vô hạn mà chỉ có giới hạn. Do vậy, để có thêm nguồn lực mới, buộc các doanh nghiệp phải vươn tới các nguồn lực ở bên ngoài. Các nguồn lực ở nước ngoài như: nhân công dồi dào và giá rẻ, thị trường tiêu thụ rộng lớn và đa dạng, nguyên vật liệu phong phú,… Đây là những nguồn lợi lớn mà các doanh nghiệp đang hướng tới nhằm giảm chi phí, tăng lợi nhuận, ngày nay nhiều nhà sản xuất, nhà phân phối cố gắng tiến hành sản xuất hay lắp ráp sản phẩm ngay ở nước ngoài và tiêu thụ ngay tại đó, tức là áp dụng rộng rãi hình thức xuất khẩu tại chỗ.
c. Mở rộng và đa dạng hoá hoạt động kinh doanh
– Các công ty thường tìm cách tránh sự biến động bất thường của doanh số bán và lợi nhuận qua việc tiêu thụ hàng hóa ra thị trường nước ngoài. Thí dụ: Hãng phim Lucasfilm đã có thể giảm bớt sự thất thường về doanh số bán hàng hàng năm qua giải pháp này vì thời kỳ nghỉ hè (lý do chính để trẻ em đi xem phim) khác nhau giữa Bắc và Nam bán cầu.
– Bằng cách cung cấp cùng chủng loại sản phẩm hoặc các bộ phận cấu thành trên các quốc gia khác nhau, công ty cũng có thể tránh được hoàn toàn ảnh hưởng của sự biến động giá cả thất thường và sự thiếu hụt ở bất kỳ quốc gia nào.

4. Các hình thức kinh doanh quốc tế

4.1. Kinh doanh thương mại quốc tế
a. Xuất nhập khẩu
– Nhập khẩu là hoạt động đưa hàng hóa và dịch vụ vào một nước do các chính phủ, tổ chức và cá nhân đặt mua từ các nước khác nhau.
– Xuất khẩu là hoạt động đưa hàng hóa và dịch vụ ra khỏi một nước sang một nước khác để bán.
b. Gia công quốc tế
Gia công quốc tế là hoạt động bên đặt gia công giao hoặc bán đứt nguyên vật liệu cho bên nhận gia công. Sau một thời gian thỏa thuận, bên nhận gia công nộp hoặc bán lại thành phẩm cho bên đặt gia công và bên đặt gia công phải trả cho bên nhận gia công một khoản gọi là phí gia công.
c. Tái xuất
Tái xuất là xuất khẩu trở lại ra nước ngoài những hàng hóa trước đây đã nhập khẩu nhưng không qua gia công chế biến.
d. Chuyển khẩu
Chuyển khẩu là hàng hóa được chuyển từ một nước sang một nước thứ ba thông qua một nước khác.
e. Xuất khẩu tại chỗ
Xuất khẩu tại chỗ là hành vi bán hàng hóa cho người nước ngoài trên lãnh thổ nước mình.
4.2. Kinh doanh thông qua hợp đồng
a. Hợp đồng cấp phép (Licensing)
Hình thức đầu tiên là hợp đồng cấp giấy phép. Hợp đồng cấp giấy phép là hợp đồng thông qua đó một công ty (doanh nghiệp, người cấp giấy phép) trao quyền sử dụng những tài sản vô hình của mình cho một doanh nghiệp khác trong một thời gian nhất định và người được cấp phép phải trả cho người cấp phép một số tiền nhất định.
Các tài sản vô hình bao gồm bản quyền, phát minh, công thức, tiến trình, thiết kế, bản quyền tác giả, thương hiệu.
Hợp đồng cấp giấy phép thường được sử dụng trong lĩnh vực sản xuất.
b. Hợp đồng nhượng quyền thương mại (Franchising)
Hợp đồng nhượng quyền thương mại là một hợp đồng hợp tác kinh doanh thông qua đó người nhượng quyền trao và cho phép người được nhượng quyền sử dụng tên công ty rồi trao cho họ nhãn hiệu, mẫu mã và tiếp tục thực hiện sự giúp đỡ hoạt động kinh doanh đối với đối tác đó, ngược lại, công ty nhận được một khoản tiền mà đối tác trả cho công ty.
c. Hợp đồng quản lý
Hợp đồng quản lý là hợp đồng thông qua đó một doanh nghiệp thực hiện sự giúp đỡ của mình đối với một doanh nghiệp khác quốc tịch bằng việc đưa những nhân viên quản lý của mình để hỗ trợ cho doanh nghiệp kia thực hiện các chức năng quản lý.
d. Hợp đồng theo đơn đặt hàng
Hợp đồng theo đơn đặt hàng là hợp đồng thường diễn ra với các dự án vô cùng lớn, đa dạng, chi tiết với những bộ phận rất phức tạp; cho nên vấn đề về vốn, công nghệ và quản lý họ không tự đảm nhận được mà phải ký hợp đồng theo đơn đặt hàng từng khâu, từng giai đoạn của dự án đó.
e. Hợp đồng chìa khóa trao tay
Hợp đồng chìa khóa trao tay (hợp đồng xây dựng và chuyển giao) là những hợp đồng được áp dụng chủ yếu trong lĩnh vực xây dựng cơ sở hạ tầng, trong đó chủ đầu tư nước ngoài bỏ vốn xây dựng công trình, kinh doanh trong một khoảng thời gian nhất định sau đó chuyển giao lại cho nước sở tại trong tình trạng công trình đang hoạt động tốt mà nước sở tại không phải bồi hoàn tài sản cho bên nước ngoài.
f. Hợp đồng phân chia sản phẩm
Hợp đồng phân chia sản phẩm là loại hợp đồng mà hai hay nhiều bên ký hợp đồng cùng nhau góp vốn để tiến hành các hoạt động kinh doanh và sản phẩm thu được sẽ được chia cho các bên theo tỷ lệ góp vốn và thỏa thuận.
4.3.Kinh doanh đầu tư
a. Đầu tư gián tiếp nước ngoài
Đầu tư gián tiếp nước ngoài là hình thức chủ đầu tư nước ngoài mang vốn sang nước khác để đầu tư nhưng không trực tiếp tham gia quản lý và điều hành đối tượng bỏ vốn đầu tư, hoặc thông qua việc mua cổ phiếu ở nước ngoài hoặc cho vay.
b. Đầu tư trực tiếp
Đầu tư trực tiếp nước ngoài là hình thức chủ đầu tư mang vốn hoặc tài sản sang nước khác để đầu tư kinh doanh và trực tiếp quản lý và điều hành đối tượng mà họ bỏ vốn, đồng thời chịu trách nhiệm hoàn toàn về kết quả kinh doanh dự án.
Đặc trưng chủ yếu của đầu tư trực tiếp là:
– Tham gia việc điều hành ở nước ngoài.
– Có sự ràng buộc cao về vốn, nhân sự và công nghệ.
– Tiếp cận thị trường bên ngoài.
– Tiếp cận nguồn tài nguyên nước ngoài.
– Doanh số bán ở nước ngoài cao hơn hàng hóa xuất khẩu.
– Quyền sở hữu một phần tài sản ở nước ngoài.
Đầu tư nước ngoài là sự sở hữu tài sản ở nước ngoài, thường là ở một công ty, với mục đích kiếm được thu nhập tài chính. Đầu tư trực tiếp là một bộ phận của đầu tư nước ngòai, nó xảy ra khi có sự điều hành đi kèm với việc đầu tư. Việc quản lý này có thể do người đầu tư có một tỷ lệ thấp các cổ phần của công ty, thậm chí chỉ là 10%.
Khi có hai hay nhiều hơn các tổ chức cùng phân quyền sở hữu của đầu tư trực tiếp thì hoạt động này gọi là liên doanh. Loại đặc biệt của liên doanh gọi là hợp doanh, ở đó chính phủ hợp tác kinh doanh với tư nhân.

5. Các chủ thể tham gia vào kinh doanh quốc tế

Các công ty thuộc tất cả các loại hình, các loại quy mô và ở tất cả các ngành đều tham gia vào hoạt động kinh doanh quốc tế. Tất cả các công ty sản xuất, công ty dịch vụ và công ty bán lẻ đều tìm kiếm khách hàng ngoài biên giới quốc gia mình.
Công ty quốc tế là một công ty tham gia trực tiếp vào bất kỳ hình thức nào của hoạt động kinh doanh quốc tế. Vì vậy sự khác nhau của các công ty là ở phạm vi và mức độ tham gia vào kinh doanh quốc tế. Chẳng hạn, mặc dù một công ty nhập khẩu chỉ mua hàng từ các nhà nhập khẩu nước ngoài, nhưng nó vẫn được coi là một công ty quốc tế.
Tương tự, một công ty lớn có các nhà máy phân bổ trên khắp thế giới cũng được gọi là công ty quốc tế, hay còn gọi là công ty đa quốc gia (MNC)- một công ty tiến hành đầu tư trực tiếp (dưới hình thức các chi nhánh sản xuất hoặc marketing) ra nước ngoài ở một vài hay nhiều quốc gia. Như vậy. mặc dù tất cả các công ty có liên quan đến một hay một vài khía cạnh nào đó của thương mại hay của đầu tư quốc tế đều được coi là công ty quốc tế, nhưng chỉ có các công ty đầu tư trực tiếp ra nước ngoài mới được gọi là công ty đa quốc gia.

Download toàn bộ bài viết tại đây

nguồn : giáo trình QTKDQT – DHDN/HVBCVT
Rate this post

DienDan.Edu.Vn

DienDan.Edu.Vn Cám ơn bạn đã quan tâm và rất vui vì bài viết đã đem lại thông tin hữu ích cho bạn.
DienDan.Edu.Vn! là một website với tiêu chí chia sẻ thông tin,... Bạn có thể nhận xét, bổ sung hay yêu cầu hướng dẫn liên quan đến bài viết. Vậy nên đề nghị các bạn cũng không quảng cáo trong comment này ngoại trừ trong chính phần tên của bạn.
Cám ơn.

Đăng bình luận

(+84) (918) 369.468