Bản Hua Tạt của người H’Mông thuộc xã Vân Hồ, huyện Vân Hồ, tỉnh Sơn La, nằm chạy dọc theo quốc lộ 6, một bên là đại lộ, một bên là vách núi cao, bản nằm lọt thỏm ở giữa, yên bình và lặng lẽ.
Sự yên bình, lặng lẽ thể hiện ngay từ lối vào bản, mấy đứa trẻ nhỏ mặc quần áo truyền thống sặc sỡ đang chạy chơi, thấy người lạ cầm máy ảnh vào thì lấm lét nhìn rồi thì thầm với nhau, ý chừng có khách lạ vào thăm bản, muốn được khách chụp ảnh cho mà hơi ngại.
Tôi đã ngẫu nhiên tạt vào bản Hua Tạt chơi bởi thấy tò mò khi đứng trên đường chụp ảnh xuống, thấy sân vận động đông đồng bào váy áo sặc sỡ đang vui chơi rất nhộn nhịp.
Thì ra vào mùa Xuân, khi những bông hoa mận, hoa đào tưng bừng bung nở dưới bản là lúc đồng bào ăn Tết. Việc nương rẫy đã xong xuôi, mọi người mặc những bộ quần áo đẹp nhất, rực rỡ nhất do chính mình hoặc người thân tự tay dệt, may, thêu lấy để đi chơi Tết.
Theo con đường bê tông mới mở xuôi xuống bản Hua Tạt, trước mắt tôi hiện ra khung cảnh hết sức vui nhộn. Những cậu bé, những chàng thanh niên mới lớn đang chơi đánh cù, đá bóng trên sân vận động, cạnh đó những tốp khác cũng đang thổi khèn ở sân Nhà văn hóa của bản. Bên trái Nhà văn hóa, cây đào cổ thụ hoa nở rực rỡ che rợp một khoảng hiên nhà, nơi đó một nhóm phụ nữ H’Mông mặc trang phục đỏ, cam truyền thống đang ngồi thêu quần áo.
Các bé gái xúng xính trong những bộ váy cùng mũ đội đầu rực rỡ chạy chơi xung quanh mẹ và các chị. Những chiếc vòng bạc lấp lánh, những đồng bạc trắng hoa xòe trang trí trên váy áo va vào nhau leng keng theo từng bức chân tung tăng. Tiếng leng keng sôi nổi ấy còn cuốn theo chân các cô bé ra tận bãi ném pao hay ra cả những con đường quanh bản. Tất cả tạo nên một bức tranh sôi động, rực rỡ sắc màu.
Đến thăm bản, thấy gần như tất cả các ngôi nhà trong bản đều làm theo lối truyền thống. Đó là những ngôi nhà trệt đơn sơ, xung quanh là vườn rau cải mèo, vài cây mận, cây đào, dưới vườn thể nào cũng có ít gà hoặc lợn con đuổi nhau.
Hoa đào, hoa mận đã quyến rũ, nhưng còn mơ hơn khi gặp sắc vàng của hoa cải mèo, vài nhà lại thấy sắc đỏ quyến rũ của hoa đậu hà lan cạnh bếp. Thấp thoáng trong vườn là những bộ quần áo đỏ rực rỡ trong nắng Xuân.
Vào thăm nhà một gia đình người H’Mông ở bản, tôi đã rất tò mò với những lò rèn thủ công, cối xay ngô cũ kỹ. Ngay đường quốc lộ 6, điện cũng đã về bản lâu rồi, xe máy, máy xát… đủ cả, nhưng nhiều nhà vẫn giữ những món đồ xưa cũ, như một nét đẹp truyền thống.
Thậm chí, tôi còn được vào thăm một lò rèn truyền thống của người H’Mông để tự rèn cho mình một chiếc dao mèo theo đúng kiểu người H’Mông (tất nhiên dưới sự trợ giúp của gia chủ). Ngày trước, dao, cuốc và súng của người H’Mông rất tốt vì họ có bí quyết rèn đặc biệt mà các dân tộc khác không có.
Người H’Mông có hai cái Tết quan trọng nhất là: Tết độc lập cùng nhân dân cả nước diễn ra vào dịp 2/9 hàng năm và Tết truyền thống của đồng bào diễn ra trước người Kinh 1 tháng. Những ngày này, sân vận động của bản rộn ràng tiếng cười nói và những bộ trang phục rực rỡ sắc màu. Những trò chơi truyền thống: ném pao, đánh quay, chơi đàu pao, vật gậy, rồng ấp trứng…. được tái hiện trong ngày hội, khách du lịch cũng cùng được tham gia, hết sức vui tươi, thú vị.
Đến bản Hua Tạt thăm quan, tôi còn có thể nghỉ lại ở bản luôn. Hua Tạt đã trở thành điểm du lịch cộng đồng, có một ngôi nhà sàn được dựng lên ngay cạnh sân vận động của bản để cho khách du lịch nghỉ lại, phục vụ cả ăn uống, văn hóa văn nghệ. Ngôi nhà sàn độc đáo, mộc mạc được thiết kế và xây dựng với những vật liệu hết sức gần gũi: tre, nứa, thân cây khô… tạo cảm giác bình yên, nhẹ nhàng trong không khí mát mẻ, trong lành.
Anh Tráng A Chu là một người đi đầu trong việc giới thiệu và mời du khách về thăm quan bản. Mới tiếp xúc ít thôi, nhưng thấy anh cũng giống mọi người dân tộc H’Mông khác, rất cởi mở, nhiệt thành và đặc biệt tôn trọng, tự hào và luôn muốn giữ gìn bản sắc dân tộc mình. Anh đưa tôi đi thăm bản và sau đó dùng bữa ngay tại nhà. Bữa cơm mùa Xuân đầm ấm đặt ngay cạnh bếp lửa bập bùng giữa nhà. Trong không gian tĩnh mịch của núi rừng, tôi còn được thưởng thức tiếng sáo đặc biệt của A Chu, những giai điệu trầm bổng vang lên lúc như lưu luyến gọi mời, lúc như réo rắt, giục giã những bước chân vội vã xuống chợ phiên…
Hiện nay, từ Hua Tạt, những du khách thích khám phá như tôi có thể tham gia một số tour du lịch như: cắm trại trên rừng thông, đi bộ xuyên rừng tới các bản lân cận: Chiềng Đi, rừng Xuân Nha, hoặc đi chợ phiên Hang Kia- Pà Cò với người H’Mông, sau đó di chuyển xuống bản Mai Hịch của người Thái… Tất cả các chương trình đều hướng tới những trải nghiệm hết sức thiên nhiên, gần gũi với cuộc sống của chính những người dân bản địa như A Chu.
Theo Thành Đạo (Quehuong online)
Người Miền Trung !
DienDan.Edu.Vn Cám ơn bạn đã quan tâm và rất vui vì bài viết đã đem lại thông tin hữu ích cho bạn.DienDan.Edu.Vn! là một website với tiêu chí chia sẻ thông tin,... Bạn có thể nhận xét, bổ sung hay yêu cầu hướng dẫn liên quan đến bài viết. Vậy nên đề nghị các bạn cũng không quảng cáo trong comment này ngoại trừ trong chính phần tên của bạn.Cám ơn.