(BND) – Giữa cánh đồng rộng lớn, núi Pù Đinh nổi lên sừng sững, uy nghi với bảy cây sui cổ thụ sum suê cành lá hướng thẳng lên trời xanh. Những tán lá xanh mướt chở che di tích lịch sử, văn hóa đền Chiềng Ken, nơi ghi dấu lòng yêu nước, tinh thần bất khuất, yêu lao động, làm giàu cho quê hương của đồng bào dân tộc Tày ở Lào Cai.
Mảnh đất giàu truyền thống
Con đường trải nhựa mới, láng phẳng, uốn lượn như dải lụa mềm giữa cánh đồng lúa xanh ngăn ngắt đang kỳ làm đòng thơm hương nếp sữa, dẫn chúng tôi ngược lên đỉnh núi Pù Đinh đến đền Ken. “Pù Đinh” tiếng địa phương có nghĩa là “núi con trai”, hay còn gọi “núi lớn”. Đi dưới tán lim xanh hàng trăm tuổi, từ trên cao phóng tầm mắt bao quát cả một vùng đất sơn thủy hữu tình.
Đền Ken hay đền Chiềng Ken thờ Nguyễn Hoàng Long, một tướng quân có công lớn đánh đuổi giặc ngoại xâm phương bắc và khai hoang, phục hóa, mở mang điền thổ châu Văn Bàn, thuộc phủ Hưng Hóa thuở xa xưa (nay là huyện Văn Bàn, tỉnh Lào Cai).
Bên ấm trà rừng thơm ngọt, chúng tôi nghe chuyện của ông Nguyễn Đình San, gần 80 tuổi, người đang lưu giữ cuốn gia phả của dòng họ Nguyễn nơi đây. Đền Ken tọa lạc trên đỉnh Pù Đinh bốn mùa lộng gió, lãng đãng sương bay. Nghĩ lại chuyện xưa, thấy cha ông ta tự bao đời đã không khuất phục cường quyền, ngoại xâm, dù trong hoàn cảnh nào cũng biết cách vượt lên để tồn tại, bảo tồn và lưu truyền lòng yêu nước thương nòi, bản sắc văn hóa và cốt cách người Việt; để có đền Ken hôm nay được công nhận di tích lịch sử – văn hóa của tỉnh Lào Cai.
Cái nắng quái chiều hôm miền núi cao chói chang, nhưng không xuyên nổi qua tầng lớp lá ken dày, xanh ngắt của những cây lim già, những cây sui cổ thụ thân vươn thẳng lên trời cao, tỏa bóng trùm mặt đất. Đền Ken không chỉ hấp dẫn du khách bởi bề dày lịch sử, văn hóa độc đáo mà còn bởi bảy cây sui hàng trăm tuổi đứng một hàng thẳng, vững chãi, như những người lính hộ vệ phía sau ngôi đền cổ kính, rêu phong. “Tôi sống ở đất này đã gần 70 năm, từ nhỏ sinh ra đã thấy hàng cây sui to lớn, cổ thụ thế này rồi. Bao nhiêu biến đổi, thăng trầm, có lúc đền Ken bị tàn phá bởi chiến tranh nhưng hàng cây thì vẫn nguyên vẹn, không ai dám chặt cành, đốn gốc” – ông La Quốc Lưu, người trông coi đền Ken tâm sự.
Dulichgo
Hàng sui lừng lững với những gốc cây mà bốn, năm người ôm không xuể; mỗi gờ rễ cây nổi trên mặt đất cũng to bằng mấy thân người; bốn phía đều có gờ rễ nổi. Thân cây cao vài chục mét, tròn đều, không có cành nhánh, đứng dưới gốc muốn nhìn thấy ngọn phải bám hai tay vào cây nếu không muốn ngã ngửa ra phía sau. Ông La Quốc Lưu kể, các thế hệ người lính từ nơi này ra đi bảo vệ Tổ quốc, trước khi rời làng, đều lên đền Ken, thắp nén tâm nhang dưới những gốc sui cổ thụ, với lời ước nguyện riêng. Suốt hai cuộc kháng chiến chống Pháp, Mỹ và chiến tranh bảo vệ biên giới, gần 200 người từ Chiềng Ken lên đường chiến đấu, lập nhiều chiến công đáng tự hào.
Vang mãi điệu Then ân tình
Chiều Chiềng Ken, nắng vàng như mật trùm lên cánh đồng lúa uốn câu. Thấp thoáng những mái nhà sàn lợp lá cọ bên dòng suối nhỏ xanh trong, như bức tranh sơn thủy hữu tình. “Văn Bàn quê em, bát ngát màu xanh/Noọng ơi, mùa xuân về/Nghe một câu Then hay ơi là hay/Nghe một câu Nôm yêu ơi là yêu”… Lời bài hát Văn Bàn quê em nghĩa tình từ nhà văn hóa thôn cứ ngân nga, gợi lên bao thương mến về vùng đất giàu truyền thống cách mạng và bản sắc văn hóa đa dạng, độc đáo của các dân tộc nơi đây.
Khắp Nôm (tiếng Tày có nghĩa là hát Nôm – hát Then bằng chữ Nôm) là phong trào đang được cấp ủy, chính quyền và đồng bào dân tộc Tày ở Chiềng Ken bảo tồn và phát triển, phục vụ du lịch.
Dulichgo
Theo Trưởng phòng Văn hóa – Thông tin huyện Văn Bàn Tạ Minh Khuê, chữ Nôm Tày là một sáng tạo tập thể của nhiều thế hệ trí thức người Tày, ra đời từ khoảng thế kỷ 15 – 16, phát triển mạnh trong thời kỳ nhà Mạc cát cứ ở Cao Bằng và tồn tại đến ngày nay. Chữ Nôm được dân tộc Tày ở Văn Bàn dùng để ghi chép, lưu truyền di sản Then nổi tiếng. Là những khúc hát, điệu múa thuộc thể loại dân ca nghi lễ, phong tục từ lâu đời của dân tộc Tày, Then xuất phát từ chữ “Thiên” (tức là Trời); bởi vậy được người Tày ở Chiềng Ken coi là điệu hát thần tiên, thường được sử dụng trong các nghi lễ trang trọng như cầu mùa, cầu yên, cấp sắc…
Lời của bài hát Then mộc mạc, giàu hình ảnh, gần gũi cuộc sống đời thường, sử dụng ngôn từ tượng hình, tượng thanh phong phú, lối so sánh, ví von, ẩn dụ đa nghĩa. Nội dung các khúc hát đều toát lên tư tưởng nhân văn sâu sắc, chứa đựng tình yêu thiên nhiên, đôi lứa, nghĩa vợ chồng, răn dạy đạo lý làm người, ca ngợi quê hương, đất nước…
Giai điệu Then mượt mà, sâu lắng; âm hưởng mềm mại, đầm ấm tạo cảm giác gần gũi, thiêng liêng, có sức truyền cảm mạnh tới người nghe, người xem. “Ngày trước giao thông khó khăn, mỗi lần đi hội hoặc dự đám cưới hỏi, mọi người thường đi bộ. Trên quãng đường xa xôi ấy, những trai thanh, gái lịch hát đối với nhau vừa để quên đi quãng đường dài, vừa là cơ hội gặp gỡ và giao duyên. Không ít cặp nên duyên chồng vợ từ khắp Nôm.
Ngày nay, đường sá đi lại thuận lợi, phương tiện giao thông phát triển, không còn “không gian” như ngày trước, chúng tôi thành lập các đội, câu lạc bộ khắp Nôm tại nhà, khu dân cư, nhà văn hóa thôn; tổ chức truyền dạy, học tập và hằng năm thi hát vào dịp Lễ hội đền Ken, trên đỉnh Pù Đinh, thu hút rất đông người tham gia, nhất là các cháu học sinh, thanh niên và du khách bốn phương đến thưởng thức, khám phá và trải nghiệm” – Chủ tịch UBND xã Chiềng Ken Vấn Gia Lâm cho biết. Điều phấn khởi nhất là người dân Chiềng Ken có đời sống văn hóa tinh thần phát triển lành mạnh, đoàn kết, tích cực phát triển kinh tế, nâng cao đời sống văn hóa tinh thần, xây dựng nông thôn mới. Đến nay, Chiềng Ken là xã vùng sâu của huyện Văn Bàn đã đạt 10 trong số 19 tiêu chí nông thôn mới, tỷ lệ hộ nghèo giảm 7 – 9% mỗi năm, thu nhập của người dân ngày càng được nâng lên.
Dulichgo
Ông Lâm bộc bạch, hy vọng về một Chiềng Ken xanh, đó là xanh ruộng đồng, xanh rừng và du lịch tâm linh – sinh thái xanh. Chúng tôi tin điều đó sẽ thành hiện thực, bởi với truyền thống cách mạng đáng tự hào, nền văn hóa lâu đời và độc đáo, chính quyền và bà con các dân tộc nơi đây luôn đồng sức, đồng lòng, nghĩa nặng tình sâu với quê hương Chiềng Ken đang biến chuyển, thay đổi từng ngày.
Theo Quốc Hồng (báo Nhân Dân)
Người Miền Trung !
DienDan.Edu.Vn Cám ơn bạn đã quan tâm và rất vui vì bài viết đã đem lại thông tin hữu ích cho bạn.DienDan.Edu.Vn! là một website với tiêu chí chia sẻ thông tin,... Bạn có thể nhận xét, bổ sung hay yêu cầu hướng dẫn liên quan đến bài viết. Vậy nên đề nghị các bạn cũng không quảng cáo trong comment này ngoại trừ trong chính phần tên của bạn.Cám ơn.