RaoVat24h
Cẩm nang du lịch Du lịch Địa danh

Về làng trầu cau ở Hà Nội

Advertisement

Về Phú Lễ, xã Cần Kiệm, Thạch Thất, Hà Nội hôm nay chúng ta sẽ được thấy một nét văn hóa truyền thống là tục ăn trầu của người Việt vẫn được cả làng giữ gìn trong nếp sống đời thường mà hiếm ngôi làng nào có được. Từ  người già, thanh niên cho đến cả những đứa bé 9, 10 tuồi đều bỏm bẻm nhai trầu.

1. Người Phú Lễ đi làm đồng, ngồi bán quán trước cửa chùa, cửa đình hay đơn giản đang tán chuyện ở nơi nào trong làng cũng đều phải có đĩa trầu, bình vôi làm bạn. Khách vào thăm các gia đình ở Phú Lễ không khỏi bất ngờ khi nhìn thấy tất cả nhà nào nhà nấy đều có bình vôi và đĩa trầu đã têm sẵn để trên bàn.

Về đây, điều đầu tiên chúng tôi thấy là nhà nào cũng có cây cau, giàn trầu, người dân thì môi đỏ thắm. Khắp dọc đường toàn bã trầu không. Ông trưởng thôn Nguyễn Xuân Nho đã nhiệt tình đưa chúng tôi tới gặp một số vị cao niên trong làng để tìm hiểu về tục ăn trầu nơi đây.

Anh Kiều Cao Sơn – trưởng thôn Phú Lễ – vừa dẫn chúng tôi đến thăm một số gia đình vừa tâm sự: “Ở thôn chúng tôi miếng trầu không chỉ là đầu câu chuyện mà đã trở thành món ăn mang tính ẩm thực dân dã, một nếp sống sinh hoạt thường nhật. Vào nhà nào thấy bình vôi đầy đặn thì chứng tỏ gia đình đó an khang thịnh vượng, cha mẹ con cái hạnh phúc hiền hòa”.

Anh Sơn cho biết đó là quan niệm đã tồn tại hàng trăm năm nay ở làng rồi. Cả thôn có 364 hộ với hơn 1.400 nhân khẩu, thì theo thống kê của anh trưởng thôn hiện nay số người ăn trầu cau hàng ngày ở Phú Lễ vẫn còn phải chiếm tới gần 90%. Nhiều cụ cao niên ở Phú Lễ đã có thâm niên ăn trầu đến 70 – 80 năm.

Ông Nguyễn Thanh Dân (82 tuổi) vừa giã trầu vừa tâm sự : “Làng tôi có tục ăn trầu từ bao đời nay rồi. Ai cũng ăn chẳng kể già trẻ. Nếu không biết ăn thì chẳng phải người Phú Lễ. Như tôi thì nghiện thật một ngày phải ăn mấy chục miếng. Gần như miệng lúc nào cũng nhai trầu. Không ăn là thấy nhớ và thèm lắm”. Ông Dân cho biết mình đã ăn trầu từ khi lên 9 tuổi, đến nay cũng đã hơn 70 năm.

Dù đi làm hay đi chơi thì cái đầu tiên họ gói gém mang theo là miếng trầu, quả cau. Bà Phùng Thị Thêm (78 tuổi) bảo: “Chúng tôi ăn trầu đã thành thói quen nếu thiếu thì không thể chịu được. Đi đâu ra khỏi làng tôi phải có bọc trầu trong túi. Nếu cô mà về vào khoảng gần Tết âm lịch thì thấy nhà nào cũng có nong trầu phơi để phục vụ cho việc ăn trầu, tiếp khách trong những ngày Tết và lễ hội đầu năm”.

Trong cái hơi lạnh mùa đông, như biết ý định tò mò muốn học ăn trầu của chúng tôi, bà Thêm vừa bỏm bẻm nhai trầu vừa cho biết: “Trầu có hai loại, một là trầu không, hai là trầu thuốc. Trầu thuốc thường dành cho các cụ già. Tức là trầu ăn kèm với thuốc lào. Bà Thêm bảo: “Ăn trầu kèm thuốc sẽ tạo ra vị đậm đà hơn, không nhạt miệng. Mà trầu thuốc làm chắc răng”.

Riêng trẻ nhỏ và người trung niên lại chỉ ăn trầu không. Anh Kiều Cao Thanh (ăn trầu từ khi lên 8 tuổi) nói: “Cũng lạ, chẳng biết trầu cau có chất gì mà tôi ăn đến nghiện. Mỗi khi vợ đi chợ tôi phải nhắc mua thật nhiều cau vì sợ hết. Mà sắp Tết rồi, vì có khách đến nhà chơi nên càng phải có trầu cau để mời chứ bánh kẹo thì chẳng cần.

Số người trong độ tuổi trung niên đến các cụ cao niên ở Phú Lễ hiện nay 100% vẫn ăn trầu hằng ngày. Trẻ con ở làng này cũng nhai trầu một cách thích thú. Em Lê Thành Nga (14 tuổi|) khoe: “Lần đầu tiên em học theo người lớn ăn trầu thế là bị say, đầu óc cứ quay cuồng tưởng sợ luôn. Ấy vậy mà sau lại cứ ăn như thường”. Còn bé Tuần 8 tuổi lại hồn nhiên nói: “Em thấy nhai trầu như nhai kẹo cao su ấy”.

Không chỉ có vậy, ở Phú Lễ, chúng tôi còn khá bất ngờ khi bắt gặp những bà lão vừa nhai trầu, vừa “bắn” thuốc lào, nhả khói rất điệu nghệ.

Thấy có đĩa trầu và chùm cau các bà, các mẹ để trên bàn, lũ trẻ đã nhao nhao tiến đến xin miếng ăn cho đỏ môi. Chúng hồn nhiên, cười đùa và quết một ít vôi lên lá trầu rồi cho miếng cau vào giữa cuốn lại rồi cho vào miệng ăn một cách rất tự nhiên, ngon lành.

2. Về Phú Lễ chúng tôi may mắn được diện kiến nhà giáo – kho văn hóa sống của làng đó là ông Kiều Cao Lâm (74 tuổi) và ông Nguyễn Đình Thiện (79 tuổi) – Chi hội trưởng chi hội người cao tuổi thôn.

Ông Lâm kể: “Xưa kia làng Phú Lễ có tên là Phú Hoa Thôn, ra đời từ thời vua Gia Long đầu thế kỷ XIX. Và cũng kể từ đó ngôi làng này đã xuất hiện tục ăn trầu. Người dân đều ý thức rằng đây là nét đẹp truyền thống văn hóa của làng quê nên rất coi trọng. Thậm chí nhiều cụ trong làng coi cây cau, giàn trầu như sức khỏe của mình nên khi nào cũng chăm chút cẩn thận để cây luôn xanh tốt. Ở đây con người ta đặc biệt rất coi trọng tình cảm và cung cách ứng xử với nhau. Mà điều đó được thể hiện rõ nét nhất qua miếng trầu cau”.

Trước đây mỗi đám cưới ở Phú Lễ, nhà gái thường thách cưới nhà trai bằng lễ vài nghìn quả cau (mà phải là loại cau to). Sau khi nhà gái thách cưới và có được số cau như mong muốn thì gia đình sẽ mang cau trầu đi tất cả các hộ trong làng để chia. Nhà nào cũng có phần.

Hiện nay để giảm nhẹ phần thủ tục thách, gia đình bên nhà gái thường chỉ yêu cầu 1.000 quả hoặc ít hơn. Gia đình bên nhà gái cũng không đi chia khắp làng nữa mà mời mọi người đến nhà mình ăn trầu.

Trong làng hễ có đám cưới, hỏi…, hay đám hiếu đều không thể thiếu đĩa trầu. Ngày thường ăn trầu chỉ cần lấy lá trầu quệt ít vôi quấn lại là ăn nhưng khi có đám thì cần tới cả một “đội ngũ” những người têm trầu cánh phượng.

Tuy rằng chưa bao giờ thành quy định của làng, của xã nhưng bà Kiều Thị Liên (76 tuổi) và một số người cao tuổi ở Phú Lễ kể rằng, trước đây nếu con trai, con gái sinh ra ở Phú Lễ đến tuổi trưởng thành mà không biết ăn trầu sẽ không lấy được vợ, không lấy được chồng. Nếu là người làng khác lấy vợ, lấy chồng về Phú Lễ thì có thể bỏ qua, nhưng đã là người Phú Lễ lấy nhau thì trong ngày đám cưới đều phải có thủ tục bổ đôi quả cau, miếng trầu ra chia cho cô dâu, chú rể ăn ngay trước mặt mọi người.

Người dân Phú Lễ khi có đình, đám thì dùng thơ ca mời trầu tinh tế lắm. Vừa nói bà Liên vừa ngâm nga hát cho chúng tôi nghe điệu mời trầu ở đám hội, đình, chùa: “Gặp đây! Gặp đây!  ăn một miếng trầu. Không ăn cầm lấy cho nhau bằng lòng…”. Còn ở đám cưới thì lại có cách mời khác: “Trầu này trầu tính trầu tình ăn vào cho đỏ môi ta, môi mình. Trầu này têm tối hôm qua, giấu cha giấu mẹ nay đem mời trầu,…”.

Khi nghe những điệu mời tha thiết này thì dù có là người không ăn cũng vẫn muốn cầm.

Bao đời nay, người Phú Lễ dù đi thoát ly đến nơi khác nhưng chẳng thể bỏ được miếng trầu đỏ môi. Chính từ những ý nghĩa cao đẹp trong tục ăn trầu cau của làng quê, ông giáo Kiều Cao Lâm đã viết lên nhiều vần thơ về trầu cau, cũng như tình làng nghĩa xóm ở Phú Lễ:

“Cô hàng xóm gói cho chùm than đỏ
Chút nửa rơm biết giữ gìn cho nhau
Chuyện buồn vui, điếu thuốc, miếng trầu
Bát chè xanh gọi mời nhau ới ả”
(Trích bài Hàng xóm – NXB Văn Học)

Hay:

“…Đôi bờ qua lại đã ngày trầu cau
Còn ai giặt áo chân cầu
Để cho tiếng sáo neo sầu bâng quơ…”
(Trích bài Tâm sự dòng sông – NXB Văn Học)

Theo Nguyễn Hường (Doanh Nhân Saigòn)
Người Miền Trung !

Rate this post

DienDan.Edu.Vn

DienDan.Edu.Vn Cám ơn bạn đã quan tâm và rất vui vì bài viết đã đem lại thông tin hữu ích cho bạn.
DienDan.Edu.Vn! là một website với tiêu chí chia sẻ thông tin,... Bạn có thể nhận xét, bổ sung hay yêu cầu hướng dẫn liên quan đến bài viết. Vậy nên đề nghị các bạn cũng không quảng cáo trong comment này ngoại trừ trong chính phần tên của bạn.
Cám ơn.

Đăng bình luận

(+84) (918) 369.468