RaoVat24h
Cẩm nang du lịch Du lịch Địa danh

Xuôi dòng Đà giang chiêm ngưỡng nơi ‘sơn cùng thủy tận’

Advertisement

(TTO) – Để khám phá vùng thượng nguồn sông Đà có phong cảnh tuyệt đẹp nhưng nổi tiếng hung dữ, với khoảng 543km chảy trên lãnh thổ Việt Nam, chúng tôi đã ngược về Kẻng Mỏ, Ka Lăng (Mường Tè, Lai Châu) rồi xuôi dòng tới tận Mường Lay (Điện Biên).

Hôm chúng tôi đặt chân tới cột mốc 17 trên một ngọn đồi thấp thuộc xã Mù Cả (Mường Tè, Lai Châu), trời đã về chiều. Phóng tầm mắt nhìn xung quanh là không gian rừng già lấp loáng dưới nắng vàng óng ả.

Phía dưới là nơi con suối Nậm Náp xanh trong chảy từ phía tây nam hợp lưu với sông Đà màu đỏ quạch từ hướng tây đổ xuống. Đó cũng là đường biên giới Việt – Trung chạy theo trung tuyến con suối Nậm Náp và sông Đà bắt đầu từ đây.

Nơi sơn cùng thủy tận của Tổ quốc

Rời cột mốc 17, chúng tôi theo lối mòn ven sông Đà dài khoảng 5km, hướng tới cột mốc 18. Con đường này địa hình hiểm trở, nhiều đoạn phải vòng qua cánh rừng sâu thẳm với nhiều cây thuộc hàng cổ thụ, cao vài chục mét và tán lá rậm rạp che khuất bầu trời.

Thỉnh thoảng phát hiện dấu chân hươu nai và trái cây rơi vãi do thú rừng ăn còn sót lại. Cũng có lúc gặp đoạn đất lở hoặc suối ngầm, chúng tôi phải hì hục chặt cây lót đường mới đi qua được.

Cuối cùng vượt qua cầu treo vắt ngang đôi bờ đầu nguồn sông Đà trên đất Việt là tiếp cận trạm biên phòng Kẻng Mỏ, đơn vị quản lý cột mốc 18.

Nhìn ra sông Nậm Là, sông Đà với hai sắc màu đỏ quạch và vàng sậm hòa quyện vào nhau tạo ra ngã ba sông tuyệt đẹp và đầy hoang dã, trước khi toàn bộ chảy hẳn vào lãnh thổ VN.

Người bản địa cho biết vùng đầu nguồn sông Đà có lưu lượng nước lớn, chảy trên địa hình có độ dốc cao, nhiều dải rừng đá giăng khắp mặt nước tạo nên những thác ghềnh, vực xoáy hung hãn đã gây ra không ít tai nạn lật thuyền.

Để định vị và miêu tả sự hung dữ, hiểm nguy người xưa đã đặt tên cho từng khu vực: khúc sông giữa cột mốc 17 và 18 là Kẻng Cớn, nghĩa là đá lăn chìm bè.

Còn tên Kẻng Mỏ – thác mất chảo – dựa vào câu chuyện truyền khẩu kể lại rằng xưa kia người Trung Quốc hay vượt biên sang bán chảo cho bà con dân tộc, mỗi lần qua khu vực này thuyền nặng, gặp đá ngầm, nước xoáy là bị lật thuyền, bao nhiêu chảo đều chìm sâu xuống đáy sông.

Vừa mới biết cột mốc đánh dấu nơi sơn cùng thủy tận của Tổ quốc cũng là lúc trời vừa sụp tối, chúng tôi đành phải chia tay để tiếp tục hành trình, trong lòng không tránh khỏi bồi hồi lưu luyến bởi khó mà hẹn ngày trở lại.

“Sơn thần” 
bảo vệ dân bản

Quãng đường công vụ từ Kẻng Mỏ ra trạm biên phòng ngã ba Nậm Lằn cách khoảng 25km, hầu hết là đất đá lởm chởm chỗ thấp, chỗ cao và uốn lượn quanh co giữa một bên là vách đá, rừng rậm còn bên kia là vực sâu với con sông Đà chảy cuồn cuộn.

Đó thật sự là một thử thách với chúng tôi, phải căng thẳng và tập trung cao độ khi lái xe trong điều kiện trời tối om om, không bóng người qua lại, bởi chỉ sơ suất hoặc phóng bừa sẽ gánh lấy hậu quả khôn lường.

Đến ngã ba Nậm Lằn, nếu rẽ phải và đi thêm 5km sẽ tới Pác Ma – một thị tứ nhỏ bên dòng sông Đà. Ngược lại, rẽ trái là đường đi đến xã Ka Lăng, đi thêm 25km đường đèo là Thu Lũm, hai xã tận cùng Lai Châu đúng chất vùng sâu vùng xa nằm trên độ cao từ 1.000 – 1.100m so với mặt biển. Tuy nhiên, nơi cuối trời này lại sở hữu những phong cảnh cực kỳ thơ mộng và hùng vĩ.

Núi cao vời vợi, mây trắng dày xốp chùng thấp xuống từng thửa ruộng bậc thang, những bản làng toàn nhà trình tường chênh vênh dốc núi là “đặc sản” của cao nguyên Ka Lăng – Thu Lũm.

Sĩ quan đồn biên phòng Thu Lũm Lỳ Mò Chừ khẳng định về kỹ thuật làm ruộng bậc thang và nhà trình tường, xưa nay ở Tây Bắc không nơi nào bằng dân Hà Nhì – Thu Lũm.

Nghe tiếng từ lâu nhưng mãi hôm nay chúng tôi mới có dịp đến thăm hòn đá trắng, còn gọi là Pú Tư theo tiếng dân tộc Hà Nhì trên đồi gió hú và cách đường biên giới phân thủy Việt – Trung chưa tới 10m.

Đó là khối đá màu trắng cao khoảng 1,6m nổi lên trên khoảnh đất bằng phẳng có dáng như cụ già đang ngồi, mặt ngoảnh hướng đông nam.

Bao đời nay người Hà Nhì ở bản Pa Thắng – Thu Lũm nói riêng và ở huyện Mường Tè nói chung thờ hòn đá như một vị sơn thần bảo vệ dân bản được ấm no, thịnh vượng và tin tưởng cầu gì được nấy.

Theo anh Chu Pó Cà, người Hà Nhì, thường vào tháng 2 âm lịch, dưới sự điều khiển của hai thầy cúng, dân bản Pa Thắng mang lễ vật gồm một con heo nặng ít nhất 30kg, hai con gà trống và chín quả trứng để cúng, cầu xin Pú Tư phù hộ cho xóm làng được bình an, hạnh phúc.

Trong ngày cúng, người dân từ Mường Tè (Lai Châu), Mường Nhé (Điện Biên)… thậm chí người Trung Quốc bên kia biên giới cũng sang tham dự lễ rất đông, nhưng chỉ cánh đàn ông mới được lên núi dâng lễ, còn phụ nữ không được lai vãng.

Mỗi bản làng 
là một truyền thuyết

Đã 7g sáng, bầu trời Pác Ma vẫn còn u ám, những đám mây trắng bồng bềnh trôi trên thôn bản người Hà Nhì nằm thoai thoải bên rẻo núi. Hành trình xuôi của Đà giang đến đây dường như sung sức hơn khi được dòng suối Nậm Ma trong xanh từ Mường Nhé, Điên Biên đổ về tiếp sức.

Ông Lý Văn Khiêu – dân tộc Thái, băng sóng vượt gió gần 30 năm với nghề chài lưới sông Đà – cho biết dù nguồn thủy sản vùng thượng nguồn hiện có suy giảm nhưng ở Pác Ma và Ka Lăng người ta thường xuyên câu được cá chiên, cá lăng nặng 10 – 20kg.

Không như trước đây, các cụ quây lưới hoặc đặt đăng (đó) bắt cá nặng 50 – 70kg là bình thường. Thậm chí mùa nước to tháng 2 – 3, cá chiên từ sông Đà bơi ngược dòng Nậm Ma để sinh sản, qua tháng 7 – 8 nước rút, các cụ đan phên, làm hom đánh chặn ngay cửa sông mỗi lần bắt được vài tấn cá.

Không chỉ được biết đến là con đường huyết mạch nối Tây Bắc và miền xuôi, sông Đà còn gắn liền với hình ảnh bản làng dân tộc Thái, Hà Nhì, La Hủ, Si La, Nhắng, Máng, Mông, Mường từ Mường Tè, Nậm Nhùn (Lai Châu) cho tới Mường Lay, Điện Biên. Mỗi bản làng, bến nước đều chứa đựng những câu chuyện xưa.

Tôi đã từng vào thăm bản Nậm Pặm, xã Mường Tè của dân tộc La Hủ. Trước đây họ sống rải rác, không cố định trên núi cao do lối sống du canh đồng thời biệt lập với các dân tộc khác. Để có nơi trú ngụ, họ dựng lán tạm bợ, phía trên lợp lá. Đến khi lá vàng lại chuyển đi nơi khác.

Vì vậy còn gọi dân tộc Lá Vàng. Cách đây hơn 10 năm, được sự giúp đỡ và vận động của Nhà nước, các hộ gia đình về quy tụ lập bản như ngày nay.

Nhờ thế, cuộc sống của người La Hủ ngày càng khá hơn bởi ngoài việc canh tác nông nghiệp trên sườn núi và khai thác mật ong rừng, họ còn có thêm nghề đánh bắt cá.

Càng gần tới thị trấn Nậm Nhun, Lai Châu, sườn dốc bên sông càng thoai thoải, dòng chảy cũng trở nên hiền hòa hơn một phần nhờ công trình thủy điện Lai Châu ngăn dòng tích nước hồ chứa. Trong cái nhìn của lữ khách, cảnh sắc không phải vì thế làm mất đi vẻ đẹp hoang sơ vốn có của nó.

Thi thoảng dòng sông bỗng lẩn khuất sau những rặng núi mờ sương rồi đột ngột xuất hiện uốn mình lả lướt theo thế núi, cũng có lúc nó mở rộng bao bọc nhiều hòn đảo nhấp nhô như một bức tranh thủy mặc khổng lồ. Đây đúng là những trái núi xưa kia, nay bị nhấn nửa chìm nửa nổi trong lòng hồ.

Dấu ấn lịch sử oai hùng

Qua thủy điện Lai Châu, mặt nước sông Đà bỗng đổi sắc màu xanh ngắt như dẫn đường cho lữ khách đến di tích bia Lê Lợi và đền thờ vua Lê Thái Tổ, vị vua đầu tiên triều đại nhà Lê sơ thân chinh cầm quân dẹp loạn Đèo Cát Hản vào năm 1431.

Trải qua gần 600 năm, tấm bia do Lê Lợi khắc bút tích năm 1432 nhằm răn đe những kẻ làm phản vẫn đứng sừng sững bên sông Đà là một mốc son chói lọi khẳng định chủ quyền đất nước.

Theo Trần Thế Dũng (Dulich.Tuoitre)
Người Miền Trung !

Rate this post

DienDan.Edu.Vn

DienDan.Edu.Vn Cám ơn bạn đã quan tâm và rất vui vì bài viết đã đem lại thông tin hữu ích cho bạn.
DienDan.Edu.Vn! là một website với tiêu chí chia sẻ thông tin,... Bạn có thể nhận xét, bổ sung hay yêu cầu hướng dẫn liên quan đến bài viết. Vậy nên đề nghị các bạn cũng không quảng cáo trong comment này ngoại trừ trong chính phần tên của bạn.
Cám ơn.

Đăng bình luận

(+84) (918) 369.468