(TTO) – Với dân “phó nháy”, mỗi chuyến du ngoạn hoà mình vào thiên nhiên để ghi lại những khoảnh khắc cao rộng của bầu trời và cảnh vật bao giờ cũng là một kỉ niệm đẹp. Bạn có thể tham khảo 10 lưu ý sau đây trước mỗi lần chụp phong cảnh để có được những tác phẩm ưng ý.
1. Giờ “hoàng đạo”
Các bức ảnh phong cảnh đẹp mắt thường được đánh giá ở nhiều góc độ, trong đó đáng kể nhất là độ sáng ghi hình được. Thông thường, các thợ ảnh chuyên nghiệp thường chọn thời điểm ghi hình phong cảnh tốt nhất vào khoảnh khắc bình minh hoặc chiều tà, khi ánh sáng mặt trời nhè nhẹ, độ tương phản thấp. Thời điểm này, bầu trời cảnh vật thường được nhuộm những dải màu sắc tinh tế đầy tâm trạng! Đó cũng là lí do vì sao đây là những khoảnh khắc được coi là giờ “hoàng đạo” với các thợ ảnh muốn chụp cảnh thiên nhiên.
Tuy nhiên, nếu bạn không muốn chiêm ngưỡng vẻ đẹp của thiên nhiên vào lúc bình minh vì…buồn ngủ thì vẫn còn rất nhiều những cơ hội khác trong ngày để chụp quang cảnh rộng.
2. Bố cục
Bố cục là chìa khoá thành công để chụp ảnh phong cảnh. Ngay cả khi bạn không biết phải bắt đầu từ đâu, hãy thử áp dụng “quy tắc 1/3”. Đây là quy tắc rất đơn giản, bạn chỉ cần chia khung ảnh thành ba chiều tưởng tượng ngang, dọc và thẳng đứng. Bức ảnh sẽ gồm 9 miếng ghép ảo tạo thành. Tiếp đến chọn điểm ảnh hấp dẫn nhất muốn ghi hình và “sắp xếp” vào một trong bốn điểm giao nhau giữa các đường kẻ tưởng tượng này.
Tuy nhiên, đừng sợ phải phá bỏ các quy tắc sách vở cứng nhắc cũng như cách bố cục thông thường vì chính những khi bạn bạn “làm sai”, có thể bạn lại có được những tác phẩm sáng tạo như ý. Hãy mạnh dạn thực hiện thử nghiệm của riêng mình.
3. Khám phá thiên nhiên
Tìm kiếm và tìm được địa điểm tốt nhất là một trong số các việc cần làm trước khi tác nghiệp. Bạn có thể sử dụng bản đồ, la bàn để hỗ trợ và luôn nhớ có thể bạn phải tất tả đi lại để tìm được góc ảnh đẹp. Không có cách nào khác, bạn buộc phải chấp nhận thử thách, hoà mình vào thiên nhiên để có được tác phẩm ưng ý.
4. Sử dụng Kính lọc phân cực (Polarized filter)
Hầu hết các thợ ảnh chụp cảnh thiên nhiên đều có trong túi đựng phụ kiện các bộ kính lọc. Loại thiết bị này có thể dùng vào nhiều mục đích nhưng khi chụp cảnh thiên nhiên, bộ kính lọc phân cực có hai tác dụng chính là giảm độ phản chiếu và ánh sáng chói từ cảnh nền, đồng thời làm cho tông màu thêm đậm sắc, độ tương phản cao hơn. Bạn cũng có thể sử dụng tới hiệu ứng làm màu xanh thêm tươi hơn, khi chụp cảnh bầu trời hoặc biển.
5. Độ sâu của trường ảnh
Các thợ ảnh thường rất hài lòng khi chụp được bức ảnh quang cảnh có điểm nhấn. Đây là tiền cảnh tạo được sự chú ý xuyên suốt hậu cảnh, chẳng hạn giữa mặt hồ dài rộng có phiến đá nhô lên. Để có được bức ảnh kiểu này, bạn chỉ cần nắm được và áp dụng quy tắc độ sâu của trường ảnh (DOF), bằng cách sử dụng độ mở ống kính phù hợp. Chẳng hạn sử dụng độ mở thấp, như mức f/22, bạn sẽ lấy được cảnh trước và ngoài điểm nhấn.
Khi bạn chụp với độ mở ống kính lớn thì hậu cảnh sẽ mờ, điểm nhấn ảnh phía trước sẽ rõ. Ngược lại, sử dụng chế độ chụp với độ mở ống kính nhỏ, cảnh phía sau sẽ rõ hơn. Bạn nên có sẵn tripod (chân) để dễ dàng điều chỉnh thông số máy và chụp ảnh.
6. Sử dụng kính ND Grads cân bằng ánh sáng
Một trong số những trở ngại đáng kể với các nhiếp ảnh gia chụp ngoại cảnh là sự khác biệt về ánh sáng giữa giữa bầu trời và mặt đất. Trong khi bình thường, mắt người có khả năng cảm nhận được một cách cụ thể sự khác biệt này thì cảm biến của máy chụp ảnh không thể ghi nhận được. Đó cũng là lí do mà các nhà sản xuất đã tạo ra bộ lọc quang ND Grands, rất hữu ích khi chụp cảnh thiên nhiên. Kính lọc ND có màu xám, hỗ trợ giảm ánh sáng vào cảm biến mà không làm đổi màu ảnh khi chụp. Nó còn giúp người chụp cân bằng độ phơi sáng giữa bầu trời và mặt đất, khi điều hoà ánh sáng giữa các vùng tối và sáng.
Bạn có thể sử dụng giải pháp thay thế bằng phần mềm xử lý hậu kỳ, nhằm cân bằng ánh sáng giữa các điểm, vùng ảnh đã chụp.
7. Tác phẩm nghệ thuật ở khắp mọi nơi
Bạn nên lưu ý, đôi khi, một bức ảnh phong cảnh đẹp lại không phải là cảnh gì hùng vĩ, thiên nhiên hoang dại lộng lẫy, trong những khoảnh khắc ánh sáng tràn ngập, đẹp nhất. Thực tế là, có những khoảnh khắc thời gian, trời đất đặc biệt mà bạn có thể may mắn ghi hình được cảnh đẹp, như khi trời mưa giông, hay những hoang mạc ngoại ô xa tít tắp…
Đừng bận tâm phải đến những nơi kì vĩ, xa ngái…Ngay ở nơi bạn đang sống, bên ngôi nhà quen thuộc, hoặc đâu đó quanh quẩn xa phố phường một chút, những tác phẩm nghệ thuật vẫn đợi bạn khám phá.
8. Định dạng tối ưu RAW
Để có được chất lượng ảnh tốt nhất và cho phép bạn chỉnh sửa về sau mà không làm ảnh hưởng tới ảnh gốc, bạn hãy luôn sử dụng định dạng RAW để lưu hình. Một số phần mềm xử lý ảnh RAW như Adobe Camera RAW hay Lightroom hiện có thể đáp ứng mọi nhu cầu chỉnh sửa hậu kỳ với các tập tin RAW.
9. Thời gian phơi sáng chậm
Các thợ ảnh chụp quang cảnh thường sử dụng khoảng thời gian phơi sáng chậm. Phương án ghi hình này sẽ tối ưu độ sâu trường ảnh với độ mở nhỏ và mang đến những hiệu ứng đặc biệt. Thời gian phơi sáng có thể chỉ trong giây lát , do đó bạn cần phải có một chiếc tripod (chân) cứng cáp. Để hạn chế tối đa tình trạng camera di chuyển khi chụp, trong thời gian phơi sáng, bạn có thể dùng dây cáp điều khiển hoặc đặt thời gian để máy tự chụp.
10. Tìm cảm hứng từ các nhiếp ảnh gia
Bạn có thể tham khảo tác phẩm của các nhiếp ảnh gia chuyên nghiệp, tham gia vào diễn đàn về ảnh để tham khảo các kỹ thuật chụp ảnh, mẹo ghi hình, tạo cảm hứng để bạn tiếp tục theo đuổi những tác phẩm để đời của riêng mình.
Theo Nhật Vương (Báo Tuổi Trẻ)
Người Miền Trung !
DienDan.Edu.Vn Cám ơn bạn đã quan tâm và rất vui vì bài viết đã đem lại thông tin hữu ích cho bạn.DienDan.Edu.Vn! là một website với tiêu chí chia sẻ thông tin,... Bạn có thể nhận xét, bổ sung hay yêu cầu hướng dẫn liên quan đến bài viết. Vậy nên đề nghị các bạn cũng không quảng cáo trong comment này ngoại trừ trong chính phần tên của bạn.Cám ơn.