RaoVat24h
Kiến thức Ngữ văn Ôn thi THPT QG

ĐỀ SỐ 15

Advertisement

KÌ THI THPT QUỐC GIA NĂM 2018
Bài thi môn: NGỮ VĂN
Thời gian làm bài: 120 phút (không kể thời gian phát đề)
  
 I. PHẦN ĐỌC-HIỂU (3,0 điểm)
Đọc đoạn văn bản sau và thực hiện các yêu cầu:
Chiến thắng của tuyển U23 Việt Nam trong trận tứ kết trước đội bóng hàng đầu châu Á, được quyết định trên chấm phạt đền may rủi. Bóng đá cần có sự may mắn nhưng chừng đó là chưa đủ. Trên hết là tinh thần, bản lĩnh hơn người, là ý chí thi đấu với hơn 100 % sức lực, là đấu pháp biết mình biết người. Thứ nữa là từ tài luyện quân, cầm quân và điều binh khích tướng của vị huấn luyện viên người Hàn, Park Hang Seo, là từ động viên khích lệ kịp thời, đúng mực của người đứng đầu chính phủ và người hâm mộ nước nhà…  
Vẫn những gương mặt cầu thủ không mới, nhưng khi giáp trận tại vòng chung kết U23 châu Á, cách trình diễn của đội bóng lại cho thấy nhiều sự khác biệt. Rõ nhất là tâm thế thắng không kiêu, bại không nản, biết cách vượt qua áp lực, biết “dĩ đoản (bình) chế trường (trận)”, điềm tĩnh mà ngạo nghễ đi tới chiến thắng cuối cùng. Rõ nhất nữa, là tâm lý ổn định, biết kiềm chế, không bị kích động khi đối thủ chơi xấu hoặc trọng tài xử ép. Rõ nữa, là toàn đội là một tập thể thống nhất, hoàn hảo, không chỉ trích nhau khi cá nhân mắc lỗi, biết hỗ trợ nhau lập công và ai cũng có thể lập công.
Niềm tin, niềm tự hào cao cả của những người yêu bóng đá nước nhà dành cho đội tuyển U23 lần này, có lẽ, xuất phát từ những điều tạo nên sự khác biệt đó. Văn hoá “mỏng” sẽ sinh ra thứ bóng đá xấu xí, cốt ăn thua, phong độ trồi sụt, nói gì tới đẳng cấp. Văn hoá “dày” sẽ tạo nên thứ bóng đá đẹp và sạch, thua hay thắng đều ĐƯỢC, biết hướng tới giá trị khác biệt, hơn hẳn, đẳng cấp.
                                    (Theo Bóng đá và ngọn lửa nồng ấmVietnamnet.com. Ngày 22/1/2018)
   Câu 1. Xác định thao tác lập luận chính được sử dụng trong đoạn văn bản trên. (0,5 điểm)
   Câu 2. Theo tác giả, những yếu tố nào làm nên chiến thắng của tuyển U23 Việt Nam trong trận tứ kết gặp I-rắc? (0,75 điểm)
   Câu 3. Anh/ chị hiểu thế nào về ý kiến: Văn hóa “mỏng” sẽ sinh ra thứ bóng đá xấu xí, cốt ăn thua, phong độ trồi sụt, nói gì tới đẳng cấp. Văn hóa “dày” sẽ tạo nên thứ bóng đá đẹp và sạch, thua hay thắng đều ĐƯỢC, biết hướng tới các giá trị khác biệt, hơn hẳn, đẳng cấp. (1,0 điểm)
   Câu 4. Anh/ chị có đồng tình với quan điểm: Vẫn những gương mặt cầu thủ không mới, nhưng khi giáp trận tại vòng chung kết U23 châu Á, cách trình diễn của đội bóng lại cho thấy nhiều sự khác biệt? Vì sao? (0,75 điểm)
 II. PHẦN LÀM VĂN (7,0 điểm)
   Câu 1 (2,0 điểm)
        Từ nội dung đoạn trích phần Đọc hiểu, anh/ chị hãy viết một đoạn văn nghị luận (khoảng 200 chữ) trình bày suy nghĩ về ý nghĩa của sự khác biệt trong cuộc sống.
   Câu 2 (5,0 điểm)
Cuộc đời tuy dài thế
Năm tháng vẫn đi qua
Như biển kia dẫu rộng
Mây vẫn bay về xa
Làm sao được tan ra
Thành trăm con sóng nhỏ
Giữa biển lớn tình yêu
Để ngàn năm còn vỗ.
                                  (Sóng– Xuân Quỳnh, Ngữ Văn 12, Tập một, NXB Giáo dục, 2017)
            Cảm nhận của anh/chị về đoạn thơ trên. Từ đó, liên hệ đến những suy cảm của Xuân Diệu trong bài thơ Vội vàng (Ngữ Văn 11, Tập hai, NXB Giáo dục, 2017) để thấy những điểm tương đồng và khác biệt trong cách nhìn về cuộc đời và khát vọng sống của mỗi nhà thơ./.
————- HẾT ————-
HƯỚNG DẪN CHẤM ĐỀ THI THỬ THPT QUỐC GIA
NĂM 2018
MÔN: NGỮ VĂN
                             
I. PHẦN ĐỌC-HIỂU (3,0 điểm) 
PHẦN
Câu/ý
Nội dung
Điểm
I
(3,0 điểm)
1
Thao tác lập luận chính: Phân tích.
0,5
2
Những yếu tố tạo nên thành công của đội tuyển U23 Việt Nam trong trận tứ kết:
+ Trước hết đó là sự may mắn.
+ Trên hết là tinh thần, bản lĩnh hơn người, là ý chí thi đấu với hơn 100% sức lực, là đấu pháp biết nhìn người.
+ Tài luyện quân, cầm quân và điều binh khích tướng của vị huấn luyện người Hàn Quốc, Park Hang Seo.
+ Sự động viên khích lệ kịp thời, đúng mực của người đứng đầu chính phủ và người hâm mộ nước nhà.
0,75
3
Văn hóa “mỏng” sẽ sinh ra … đẳng cấp” có nghĩa là:
        Văn hóa có ý nghĩa, tác động đến cách ứng xử của mỗi cá nhân đối với các vấn đề trong cuộc sống.
       Khi con người được đào tạo, giáo dục kĩ lưỡng, cẩn thận, một con người có văn hóa sẽ ứng xử văn minh, lịch sự, không lấy sự thắng thua là vui mừng hay cay cú… Ngược lại với những người văn hóa thấp kém, họ sẽ có cách ứng xử thô tục, thiếu văn minh.
         Văn hóa trong mỗi cá nhân sẽ là nhân tố tạo nên sự khác biệt ở mỗi người, và chính nó cũng tạo nên đẳng cấp của mỗi dân tộc.
0,5
0,5
4
HS trình bày ngắn gọn có phân tích, lí giải. Có thể diễn đạt theo các ý sau đây:
   – Đồng ý với quan điểm.
   – Vì: Khi chiến thắng, họ không kiêu ngạo, biết vượt qua áp lực, điềm tĩnh đi đến chiến thắng cuối cùng. Tâm lý ổn định, biết kiềm chế, không bị kích động khi đối thủ chơi xấu hoặc bị trọng tài xử ép. Quan trọng hơn cả, toàn đội là một tập thể thống nhất, hoàn hảo, không chỉ trích nhau khi cá nhân mắc lỗi, biết hỗ trợ nhau lập công và ai cũng có thể lập công.
0,25
0,50
 II.PHẦN LÀM VĂN (7,0 điểm)
PHẦN
Câu/ý
Nội dung
Điểm
II
(7,0 điểm)
1
       Từ nội dung đoạn trích phần Đọc hiểu, anh/chị hãy viết một đoạn văn nghị luận (khoảng 200 chữ) trình bày suy nghĩ về ý nghĩa của sự khác biệt trong cuộc sống.
2,0
a. Đảm bảo thể thức của một đoạn văn.
0,25
b. Xác định đúng vấn đề nghị luận: Ý nghĩa của sự khác biệt trong cuộc sống.
0,25
c. Triển khai hợp lí nội dung đoạn văn: vận dụng tốt các thao tác lập luận, kết hợp chặt chẽ giữa lí lẽ và dẫn chứng. Có thể viết đoạn theo định hướng sau:
1,0
– Giải thích:
+ Sự khác biệt: được nói đến là những nét riêng được khẳng định, được đề cao gắn với đời sống của cá thể trong xã hội.
+ Sự khác biệt có thể được thể hiện ở suy nghĩ, quan điểm, lối sống, hành động, cách ứng xử của bản thân với người khác.
=> Sự khác biệt khiến con người thể hiện được bản sắc riêng, không bị hòa tan trong đám đông, trong cộng đồng.
– Phân tích, bàn luận:
+ Ý nghĩa của sự khác biệt là gì?
  +) Sống khác biệt giúp chúng ta có những suy nghĩ độc lập, táo bạo, thể hiện được cá tính của bản thân.
  +) Mỗi cá nhân là một thực thể với những màu sắc đa dạng. Sống khác biệt để tránh rập khuôn, một màu một cách sáo rỗng.
  +) Những suy nghĩ khác, góc nhìn về thế giới và mọi vật xung quanh sẽ tạo điều kiện con người tìm kiếm cơ hội vươn lên.
+ Làm thế nào để tạo ra sự khác biệt?
  +) Thay đổi tư duy, suy nghĩ về các vấn đề cũ, tạo cho mình cách tiếp cận, nhìn nhận mới mẻ về sự vật, hiện tượng.
  +) Mỗi cá nhân cần nỗ lực học tập, rèn luyện tạo nên những giá trị riêng biệt đóng góp cho cộng đồng, xã hội.
  +) Cần phải có sự bản lĩnh, tự tin, dám chấp nhận sự đánh giá của người khác đối với những khác biệt của mình với số đông.
– Bình luận, mở rộng vấn đề:
+ Không phải sự khác biệt nào cũng có ý nghĩa. Có sự khác biệt có ý nghĩa tích cực nhưng cũng có những sự khác biệt có ý nghĩa tiêu cực. Khác biệt tiêu cực chính là sự kì dị, quái gở, phá vỡ những nét đẹp văn hóa truyền thống. Khác biệt của họ chỉ có một mục đích đó là làm cho mình thật nổi bật giữa đám đông.
+ Ngoài ra, đề cao sự khác biệt không có nghĩa là cổ vũ cho lối sống hẹp hòi, ích kỉ, chối bỏ trách nhiệm với cộng đồng.
– Bài học nhận thức và hành động cho bản thân:
  + Liên hệ bản thân: anh/ chị đã làm gì để tạo nên sự khác biệt tích cực?
  + Khác biệt là yếu tố cần thiết với mỗi cá nhân để tạo dấu ấn riêng trong cộng đồng. Nhưng sự khác biệt phải phù hợp với quy chuẩn đạo đức và thuần phong mĩ tục của xã hội.
d. Sáng tạo: cách diễn đạt độc đáo, có suy nghĩ riêng về vấn đề nghị luận.
0,25
e. Chính tả, dùng từ, đặt câu: đảm bảo chuẩn chính tả, ngữ pháp, ngữ nghĩa tiếng Việt…
0,25
2
       Cảm nhận của anh/chị về đoạn thơ (2 khổ cuối bài “SóngXuân Quỳnh, Ngữ Văn 12, Tập một). Từ đó, liên hệ đến những suy cảm của Xuân Diệu trong bài thơ Vội vàng (Ngữ Văn 11, Tập hai) để thấy những điểm tương đồng và khác biệt trong cách nhìn về cuộc đời và khát vọng sống của mỗi nhà thơ./.
5,0
a.  Đảm bảo cấu trúc của một bài văn nghị luận: Có đầy đủ ba phần Mở bài, Thân bài, Kết bài. Mở bài nêu được vấn đề nghị luận. Thân bài triển khai các luận điểm để giải quyết vấn đề. Kết bài đánh giá, kết luận được vấn đề.
0,5
b. Xác định đúng vấn đề nghị luận: Cảm nhận về đoạn thơ (“Sóng”) nêu trong đề bài và liên hệ đúng theo yêu cầu của đề.
0,5
c. Triển khai các luận điểm nghị luận: Vận dụng tốt các thao tác lập luận, kết hợp chặt chẽ giữa lí lẽ và dẫn chứng, chia vấn đề cần nghị luận thành các luận điểm phù hợp; các luận điểm được triển khai theo trình tự hợp lí, có sự liên kết chặt chẽ; sử dụng tốt các thao tác lập luận để triển khai các luận điểm (trong đó phải có thao tác phân tích, so sánh); biết kết hợp khai thác nghệ thuật để làm rõ nội dung.
3,0
0,25
1,50
0,75
0,5
     Học sinh có thể sắp xếp các luận điểm theo nhiều cách nhưng về cơ bản, cần đảm bảo những yêu cầu sau:
–  Giới thiệu tác giả Xuân Quỳnh, bài thơ Sóng, đoạn thơ nêu luận đề.
– Cảm nhận về đoạn thơ:
 + Về nội dung:
   +) Suy cảm của Xuân Quỳnh về sự chảy trôi của thời gian, sự rộng lớn của không gian và sự ngắn ngủi, nhỏ bé, mong manh của cuộc đời con người.
   +) Khát vọng của nhà thơ được sống, được dâng hiến trọn vẹn cho tình yêu để vượt qua sự hữu hạn của cuộc đời.
+ Về nghệ thuật:
   +) Lời thơ biến hóa, lúc trăn trở, suy tư, lúc thôi thúc khát khao mãnh liệt.
   +) Sử dụng biện pháp tu từ so sánh, đối lập, kết hợp với các trợ từ tuy…vẫn…, dẫu …vẫn…; thế giới hình ảnh có ý nghĩa ẩn dụ, mang màu sắc triết lý gợi những liên tưởng sâu xa.
-> Đánh giá chung: Đoạn thơ thể hiện rõ phong cách thơ Xuân Quỳnh. Đó là tiếng thơ của một người phụ nữ vừa hồn nhiên tươi tắn, vừa thấm đẫm suy tư về khát vọng tình yêu, khát vọng hạnh phúc giữa đời thường. Đoạn trích nói riêng và bài thơ “Sóng” nói chung đã đem đến chất men say tình yêu, khát vọng tình yêu vĩnh hằng.
* Liên hệ những suy cảm của nhà thơ Xuân Diệu trong bài thơ Vội vàng:
Về nội dung:
+ Xuân Diệu cảm nhận cuộc sống trần thế là một “bữa tiệc trần gian” ngập tràn thanh sắc, đẹp đẽ, tươi non, say đắm, gọi mời mà thời gian thì cuộn chảy, tuổi trẻ thì qua mau, một đi không trở lại.
+ Vì thế, nhà thơ tự giục giã mình hãy gấp gáp, vội vàng, cuồng nhiệt nhập thế để “thâu” lấy, tận hưởng cho kì hết vẻ đẹp của cuộc sống, của tình yêu và của tuổi trẻ.
Về nghệ thuật: Lời thơ Xuân Diệu cuồng nhiệt, hối hả, gấp vội, đắm say. Thế giới hình ảnh sinh động, tràn trề sức sống. Hệ thống các động từ mạnh, tăng tiến, giàu sắc thái biểu đạt, biểu cảm. Các biện pháp điệp được sử dụng hiệu quả.
* So sánh:
– Điểm tương đồng:
+ Cả hai nhà thơ đều giống nhau trong cách nhìn về cuộc đời. Từ đó, xác định một thái độ sống tích cực, đầy khát khao, giàu ý nghĩa nhân văn.
+ Đều thể hiện một cái tôi nội cảm đầy trăn trở, suy tư và ước muốn thiết tha, mãnh liệt – một cái tôi yêu đời, yêu sống, gắn bó thiết tha với cuộc sống.
– Điểm khác biệt:
       Cảm nhận được sự hữu hạn của cuộc đời, nếu như Xuân Quỳnh trăn trở, khát khao tận hiến trọn vẹn sự sống của mình cho cuộc sống, cho tình yêu để bất tử trước thời gian thì Xuân Diệu lại xác định một thái độ sống gấp vội, cuồng si, sống hết từng giây phút của đời mình để tận hưởng cho kì cùng vẻ đẹp của cuộc sống, của tuổi trẻ.
d. Sáng tạo: Có cách diễn đạt độc đáo; thể hiện được những cảm nhận sâu sắc về vấn đề nghị luận.
0,5
e. Chính tả, dùng từ, đặt câu: đảm bảo chuẩn chính tả, ngữ pháp, ngữ nghĩa tiếng Việt.
0,5
Tổng điểm
10,0
Lưu ý: – Giám khảo căn cứ vào mức độ đạt được của bài làm mà cho điểm.
            – Điểm tối đa chỉ dành cho những bài làm đảm bảo yêu cầu về kiến thức, diễn đạt trôi chảy, mạch lạc, lôgíc, có cảm xúc và không mắc nhiều lỗi chính tả, ngữ pháp…
===–&—==

Rate this post

DienDan.Edu.Vn

DienDan.Edu.Vn Cám ơn bạn đã quan tâm và rất vui vì bài viết đã đem lại thông tin hữu ích cho bạn.
DienDan.Edu.Vn! là một website với tiêu chí chia sẻ thông tin,... Bạn có thể nhận xét, bổ sung hay yêu cầu hướng dẫn liên quan đến bài viết. Vậy nên đề nghị các bạn cũng không quảng cáo trong comment này ngoại trừ trong chính phần tên của bạn.
Cám ơn.

Đăng bình luận

(+84) (918) 369.468