RaoVat24h
Kiến thức Ngữ văn Ôn thi THPT QG

ĐỀ SỐ 8

Advertisement

ĐỀ THI  THỬ QUỐC GIA THPT
Môn: NGỮ VĂN
Thời gian làm bài: 120 phút, không kể thời gian phát đề
ĐỌC HIỂU (3,0 điểm)
Đọc đoạn trích sau và thực hiện các yêu cầu:
Nhà khoa học người Anh Phơ-râng-xít Bê-cơn (thế kỉ XVI – XVII) đã nói một câu nổi tiếng:“Tri thức là sức mạnh”. Sau này Lê-Nin, một người thầy của cách mạng vô sản thế giới, lại nói cụ thể hơn:“Ai có tri thức thì người ấy có được sức mạnh”. Đó là một tư tưởng rất sâu sắc. Tuy vậỵ, không phải ai cũng hiểu được tư tưởng ấy.
Người ta kể rằng, có một máy phát điện cỡ lớn của công ti Pho bị hỏng. Một hội đồng gồm nhiều kĩ sư họp 3 tháng liền tìm không ra nguyên nhân. Người ta phải mời đến chuyên gia Xten-mét-xơ. Ồng xem xét và làm cho máy hoạt động trở lại. Công ti phải trả cho ông 10.000 đô la. Nhiều người cho Xten-mét-xơ là tham, bắt bí để lấy tiền. Nhưng trong giấy biên nhận, ông ghi:“Tiền vạch một đường thẳng là 1 đô la. Tiền tìm ra chỗ để vạch đúng đường ấy giá: 9999 đô la”. Rõ ràng người có tri thức thâm hậu có thể làm được những việc mà nhiều người khác không làm nổi. Thử hỏi, nếu khống biết cách chữa thì cỗ máy kia có thể thoát khỏi số phận trở thành đống phế liệu được không?…
Đáng tiếc là hiện nay còn không ít người chưa biết quý trọng tri thức. Họ coi mục đích của việc học chỉ là để có mảnh bằng mong sau này tìm việc kiếm ăn hoặc thăng quan tiến chức. Họ không biết rằng, muốn biến nước ta thành một quốc gia giàu mạnh, công bằng, dân chủ, văn minh, sánh vai cùng các nước trong khu vực và trên thế giới cần phải có biết bao nhiêu nhà trí thức tài năng trên mọi lĩnh vực!
(Theo Hương Tâm, Ngữ văn 9, Tập hai,NXB Giáo dục Việt Nam, 2005, tr.35 – 36)
Câu 1. Văn bản trên thuộc phong cách ngôn ngữ nào?
Câu 2. Tại sao trong giấy biên nhận, ông Xten-mét-xơ ghi:“Tiền vạch một đường thẳng là 1 đô la. Tiền tìm ra chỗ để vạch đúng đường ấy giá: 9999 đô la”?
Câu 3. Trong văn bản, việc chuyên gia Xten-mét-xơ “xem xét” máy phát điện bị hỏng và nhanh chóng “làm chọ máy hoạt động trở lại” nói lên điều gì?   
Câu 4. Thông điệp mà Anh/Chị tâm đắc nhất qua văn bản trên là gì?
LÀM VĂN (7,0 điểm)
Câu 1 (2,0 điểm)
Hãy viết 01 đoạn văn (khoảng 200 chữ) trình bày suy nghĩ của anh/chị về vấn đề Đáng tiếc là hiện nay còn không ít người chưa biết quý trọng tri thức. Họ coi mục đích của việc học chỉ là để có mảnh bằng mong sau này tìm việc kiếm ăn hoặc thăng quan tiến chức trích trong phần Đọc hiểu.
Câu 2 (5,0 điểm)
 Phân tích tư tưởng “Đất Nước của Nhân dân” và đóng góp của nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm trong đoạn thơ sau trích trong trường ca “Mặt đường khát vọng”:
 Có biết bao người con gái, con trai
 Trong bốn ngàn lớp người giống ta lứa tuổi
 Họ đã sống và chết
 Giản dị và bình tâm
 Không ai nhớ mặt đặt tên
 Nhưng họ đã làm ra Đất Nước
 Họ giữ và truyền cho ta hạt lúa ta trồng
 Họ truyền lửa cho mỗi nhà từ hòn than qua con cúi
 Họ truyền giọng điệu mình cho con tập nói
 Họ gánh theo tên xã, tên làng trong mỗi chuyến di dân
 Họ đắp đập be bờ cho người sau trông cây hái trái
 Có ngoại xâm thì chống ngoại xâm
 Có nội thù thì vùng lên đánh bại.
 Để Đất Nước này là Đất Nước Nhân dân.
-HẾT-
  HƯỚNG DẪN TRẢ LỜI
Phần
Câu/Ý
Nội dung
Điểm
I
Đọc hiểu
3.0
1
Phong cách ngôn ngữ: chínhluận
0.5
2
     Trong giấy biên nhận, ông Xten-mét-xơ ghi:“Tiền vạch một đường thẳng là 1 đô la. Tiền tìm ra chỗ để vạch đúng đường ấy giá: 9999 đô la” . Lí do đó là:
 – Tiền vạch một đường thẳng là 1 đô la: vì vạch một đường thẳng là việc làm đơn giản, ai cũng thực hiện được nên chỉ cần tiền công bình thường.
 – Tiền tìm ra chỗ để vạch đúng đường ấy giá: 9999 đô la: Việc tìm ra chỗ để vạch đúng đường ấy không phải là việc làm đơn giản, dễ dàng, mà đó là công sức của trí tuệ, tài năng, phải đánh đổi bằng mồ hôi, nước mắt của con người, không phải ai cũng có được. Cho nên cần phải được trả công xứng đáng.
1.0
3
 Việc chuyên gia Xten-mét-xơ “xem xét” máy phát điện bị hỏng và nhanh chóng “làm chọ máy hoạt động trở lại” nói lên sức mạnh của tri thức, chứng minh cho chân lí người có tri thức thâm hậu có thể làm được những việc mà nhiều người khác không làm nổi.
0.5
4
        HS trình bày suy nghĩ cá nhân về thông điệp qua văn bản. Có thể trả lời một trong các ý sau:
             – Cần đề cao vị trí, vai trò của tri thức trong cuộc sống;
             – Không nên có lối học thực dụng, chỉ thấy cái lợi trước mắt mà không thấy giá trị về sau;
             – Phải biết dùng sự hiểu biết của mình để phục vụ cuộc sống bằng cái tâm trong sáng.           
1.0
II
Làm văn
1
Viết 01 đoạn văn (khoảng 200 chữ) trình bày suy nghĩ của anh/chị về vấn đề Đáng tiếc là hiện nay còn không ít người chưa biết quý trọng tri thức. Họ coi mục đích của việc học chỉ là để có mảnh bằng mong sau này tìm việc kiếm ăn hoặc thăng quan tiến chức
2.0
a. Đảm bảo cấu trúc đoạn văn nghị luận 200 chữ
Có đủ các phần mở đoạn, phát triển đoạn, kết đoạn. Mở đoạn nêu được vấn đề, phát triển đoạn triển khai được vấn đề, kết đoạn kết luận được vấn đề.
b. Xác định đúng vấn đề cần nghị luận về một hiện tượng đời sống: không coi trọng tri thức
0.25
0.25
c. Triển khai vấn đề nghị luận thành các luận điểm; vận dụng tốt các thao tác lập luận; các phương thức biểu đạt, nhất là nghị luận; kết hợp chặt chẽ giữa lí lẽ và dẫn chứng; rút ra biện pháp khắc phục. Cụ thể:
– Câu mở đoạn: Dẫn ý liên quan từ sức mạnh của tri thức trong phần Đọc hiểu để nêu vấn đề cần nghị luận.
– Các câu phát triển đoạn:
     + Giải thích:
       ++Tri thức: Tri thức, theo nghĩa hẹp, là kiến thức tích lũy được về các lĩnh vực khác nhau của mỗi người nhờ học tập, rèn luyện và suy nghĩ. Theo nghĩa rộng, tri thức có thể hiểu là vốn hiểu biết về tự nhiên, xã hội và con người,… của nhân loại nói chung. Như vậy, tri thức là nguồn sức mạnh trên mọi lĩnh vực hoạt động của đời sống con người, đồng thời cũng là sức mạnh thúc đẩy sự phát triển của mọi quốc gia, dân tộc trên thế giới..
        ++Mục đích là lý do hay kết quả của một hành động, một công việc nào đó.
         ++ Ý cả câu: Nêu hiện tượng một số người không coi trọng tri thức, nhận thức đơn giản mục đích của việc học.
       + Phân tích, chứng minh:
         ++Tác hại:
           +++Không quý trọng tri thức, con người sẽ dậm chận tại chỗ, thiếu ý thức cầu tiến. Xã hội sẽ chậm phát triển, đất nước sẽ tụt hậu so với bạn bè thế giới…
           +++coi mục đích của việc học chỉ là để có mảnh bằng mong sau này tìm việc kiếm ăn hoặc thăng quan tiến chức sẽ dẫn đến tình trạng chạy bằng, chạy chức. Con người rơi vào lối sống thực dụng, ích kỉ, vi phạm pháp luật; không có ý thức phấn đấu để cống hiến cho xã hội. .             
           ++ Nguyên nhân:
              +++ Do cá nhân: ý thức coi thường giá trị của tri thức; sống không có ước mơ, lí tưởng..
               +++Do xã hội: chưa có chính sách phù hợp để nâng cao dân trí, bồi dưỡng nhân tài, xuất hiện tình trạng chảy máu chất xám…              
1.00
          – Câu kết đoạn: đưa ra biện pháp khắc phục phù hợp:
             + Mỗi người cần nâng cao ý thức để thấy được tri thức là sức mạnh để có động lực học tập và rèn luyện, chuẩn bị hành trang bước vào tương lai
              + Gia đình, nhà trường phối hợp giáo dục thế hệ trẻ, xã hội tạo điều kiện cho con người phát huy sức mạnh của tri thức…
d. Sáng tạo
Có cách diễn đạt sáng tạo, thể hiện suy nghĩ sâu sắc, mới mẻ về vấn đề nghị luận.
0,25
e. Chính tả, dùng từ, đặt câu
Đảm bảo quy tắc chính tả, dùng từ, đặt câu.
0,25
2
  Phân tích tư tưởng “Đất Nước của Nhân dân” và đóng góp của nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm trong đoạn thơ
5,0
1. Đảm bảo cấu trúc bài nghị luận về một khía cạnh nội dung trong một đoạn thơ.  
             Có đủ các phần mở bài, thân bài, kết bài. Mở bài nêu được vấn đề, thân bài triển khai được vấn đề, kết bài kết luận được vấn đề.
(0,25)
2. Xác định đúng vấn đề cần nghị luận
               Tư tưởng “Đất Nước của Nhân dân” và đóng góp của nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm trong đoạn thơ…
(0,25)
3. Triển khai vấn đề nghị luận thành các luận điểm; thể hiện sự cảm nhận sâu sắc và vận dụng tốt các thao tác lập luận; kết hợp chặt chẽ giữa lí lẽ và dẫn chứng. Cụ thể:
a/ Mở bài:  (0,25)
– Nguyễn Khoa Điềm là thế hệ nhà thơ trẻ thời đánh Mĩ, có nhiều đóng góp cho nền thơ ca hiện đại Việt Nam;
– Đất Nước là chương thứ V của trường ca Mặt đường khát vọng của Nguyễn Khoa Điềm. Tư tưởng chủ đạo của chương V là tư tưởng “Đất Nước của Nhân dân”
– Đoạn thơ thể hiện tư tưởng “Đất Nước của Nhân dân” và đóng góp của nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm.
b/ Thân bài:
– Khái quát trường ca, chương V và đoạn thơ ( về hoàn cảnh sáng tác, xuất xứ, cảm hứng…)(0,25)
– Giải thích: (0,25)
 +“Đất Nước của Nhân dân” là đất nước do nhân dân xây dựng, bảo vệ và giữ gìn.
+đóng góp của nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm trong đoạn thơ là phát hiện ra vai trò to lớn của nhân dân trong quá trình xây dựng và bảo vệ Đất nước bằng hình tượng ngôn ngữ nghệ thuật đậm chất trữ tình-chính luận, mang âm hưởng dân gian và tư duy hiện đại.
-Phân tích tư tưởng “Đất Nước của Nhân dân” và đóng góp của nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm trong đoạn thơ: (2,75 điểm)
+ Nhân dân là người sáng tạo ra lịch sử đất nước:
++Lịch sử bốn nghìn năm của đất nước, trước thời đại Nguyễn Khoa Điềm thường được tổng kết bằng các triều đại, những anh hùng. (Trong Sông núi nước Nam của Lí Thường Kiệt; Bình Ngô Đại Cáo của Nguyễn Trãi…)
++Với Nguyễn Khoa Điềm, chính lớp lớp những con người vô danh, bình dị (Con gái, con trai bằng tuổi chúng ta) đã tạo ra lịch sử. Họ có một cuộc đời như bao cuộc đời khác rất giản dị và bình tâm ; họ sống và chết với những số phận nhỏ bé và riêng tư đến mức không ai nhớ mặt đặt tên. Nhưng từ những con người vô danh ấy trong lịch sử, Nguyễn Khoa Điềm đã phát hiện ra một điều sâu sắc: họ đã làm ra Đất Nước. Họ gắn kết cuộc đời của mình với đất nước vì thế đất nước mở rộng, chan hoà với nhân dân.
+ Nhân dân là người làm nên và lưu giữ mọi giá trị văn hoá vật chất, văn họá tinh thần:
++Những con người vô danh đã giữ lại eho con cháu đời sau giá trị của nền văn hoá, văn minh nông nghiệp lúa nước. Đó là lối sống “cần cù làm lụng” chắt chiu một nắng hai sương để tạo ra hạt gạo (Họ giữ và truyền cho ta hạt lúa ta trồng). Đó cũng là lối ứng xử trọng tình “Tắt lửa tối đèn có nhau” (Họ chuyền lửa qua mỗi nhà, từ hòn than qua con cúi); họ biết nâng niu, giữ gìn từng tên làng, tên đất, tên sông đến giọng điệu, lời ân tiếng nói trong cuộc sống nhiều thay đổi và biến động (Họ truyền giọng điệu mình cho con tập nói – Họ gánh theo tên xã, tên làng trong mỗi chuyến di dân). Từ những công việc lao động đắp đập be bờ rất nhỏ bé thường ngày của họ mà người đời sau được sống trong trải nghiệm trồng cây hái trái.
++Kết tinh của lối sống thuần khiết, trong trẻo chính là tình yêu đất nước mộc mạc nhưng đầy sức mạnh (Có ngoại xâm thì chống ngoại xâm – Có nội thù thì vùng lên đánh bại). Tinh thần tham gia vào việc nghĩa của những con người vô danh hết sức tự nhiên, tự giác như là một tất yếu.
+ Tư tưởng “Đất Nước của Nhân dân” và đóng góp của Nguyễn Khoa Điềm trong mối quan hệ với thời đại thi ca:
++Tư tưởng “Đất Nước của Nhân dân” thực ra đã hình thành từ rất lâu trong lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam, nhưng chỉ đến thời kì hiện đại, nhất là thời kì kháng chiến chống Pháp và chống Mĩ, cảm hứng về nhân dân mới trở nên sâu sắc. Nguyễn Duy đã trồng vào vườn thơ ca chống Mĩ hình tường nhân dân lam lũ, cần lao, kiên cường, vững chãi thông qua hình tượng cây tre (Thân gầy guộc, lá mong manh – Mà sao nên luỹ nên thành tre ơi? – Ở đâu tre cũng xanh tươi – Cho dù đất sỏi, đất vôi bạc màu ). Cũng chính Nguyễn Duy, bằng trải nghiệm của mình, cho người đọc thấy được sự đùm bọc, che chở của nhân dân từ hơi ấm ổ rơm (Rơm vàng bọc tôi như kén bọc tằm – Tôi thao thức trong hương mật ong của ruộng). Với Lửa đèn, Phạm Tiến Duật khẳng định sức sống dẻo dai và vai trò tiếp sức của nhân dân trong cuộc đấu tranh chống Mĩ cứu nước.
++Nguyễn Khoa Điềm, trong đoạn trích này, đã làm sâu sắc thêm tư tưởng “Đất Nước của Nhân dân” bởi lối sống mang đậm bản sắc tâm hồn của lớp lớp những con người vô danh đã hoá thân vào đất nước theo chiều dài của thời gian – lịch sử.
– Đánh giá chung: (0,25)
++Đoạn thơ nói riêng và chương V nói chung là minh chứng cho sự thành công của thơ Nguyễn Khoa Điềm trong việc thể hiện tư tưởng  Đất Nước của Nhân Dân: chính nhân dân đã kiến tạo nên Đất nước. Vì thế, đất nước phải thuộc về nhân dân;
++ Thể thơ tự do, giọng thơ trữ tình, chính luận; lời thơ chiêm nghiệm, đúc kết chân lí…đã làm nên vẻ đẹp trong tư tưởng và nghệ thuật thơ Nguyễn Khoa Điềm.
c/ Kết bài:(0,25)
– Đoạn trích là sự hội tụ của cảm hứng về tư tưởng “Đất Nước của Nhân dân” trên phương diện thời gian – lịch sử – văn hoá. Điểm nhìn này giúp nhà thơ khám phá lối sống mang đậm bản sắc tâm hồn người Việt Nam – lối sống tạo nên vẻ đẹp thuần khiết, trong trẻo của đất nước.
           – Cảm hứng về đất nước trong đoạn trích này tuy mang những đặc điểm riêng nhưng vẫn nằm trong nguồn mạch của thơ ca chống Mĩ: Tình yêu đất nước gắn liền với tình yêu nhân dân, gắn liền vớ những giá trị văn hoá đậm đà bản sắc dân tộc.
(4.00)
4. Sáng tạo                                                    
            Có cách diễn đạt sáng tạo, thể hiện suy nghĩ sâu sắc, mới mẻ về vấn đề nghị luận.
( 0,25)
5. Chính tả, dùng từ, đặt câu                        
            Đảm bảo quy tắc chính tả, dùng từ, đặt câu.
( 0,25)

Rate this post

DienDan.Edu.Vn

DienDan.Edu.Vn Cám ơn bạn đã quan tâm và rất vui vì bài viết đã đem lại thông tin hữu ích cho bạn.
DienDan.Edu.Vn! là một website với tiêu chí chia sẻ thông tin,... Bạn có thể nhận xét, bổ sung hay yêu cầu hướng dẫn liên quan đến bài viết. Vậy nên đề nghị các bạn cũng không quảng cáo trong comment này ngoại trừ trong chính phần tên của bạn.
Cám ơn.

Đăng bình luận

(+84) (918) 369.468