RaoVat24h
Cẩm nang du lịch Du lịch Địa danh

Di tích mộ và nhà thờ Trần Cẩm

Advertisement

(QNĐT) – Di tích mộ và nhà thờ Trần Cẩm là một quần thể gồm 3 điểm di tích cùng nằm trên địa bàn phía đông nam huyện Mộ Đức: Mộ Trần Cẩm (người trong gia tộc gọi là mộ thuỷ tổ) tại thôn Hoài An, xã Đức Chánh; nhà thờ Trần Cẩm (gia tộc gọi là từ đường thủy tổ) tại thôn Phước Thịnh xã Đức Thạnh; nhà thờ 4 người con trai (có thờ vọng song thân) tại thôn 1, xã Đức Tân. Cả 3 di tích đều nằm trên vùng đất do chính Trần Cẩm chủ trương và đôn đốc khai phá lúc sinh thời.

Trần Cẩm (1545 – 1640) là một trong những nhân vật lịch sử có công lớn trong sự nghiệp ổn định và khai phá vùng đất Quảng Ngãi, xây dựng hậu phương vững vàng cho công cuộc Nam tiến đầu thế kỷ XVII. Ông sinh năm Ất Tỵ -1545 trong một gia đình võ quan, người phủ Ứng Thiên, trấn Sơn Nam, nay là quận Thanh Oai, thành phố Hà Nội.

Sớm dấn thân vào con đường binh nghiệp, thời trẻ ông ứng nghĩa theo giúp Nguyễn Kim, dưới ngọn cờ “Phù Lê diệt Mạc”, được phong đến chức Phụ quốc Thượng tướng quân, tước Quảng Nham Bá. Năm Quang Hưng thứ 20 (1597) đời vua Lê Thế Tông (triều Lê Trung Hưng), ông phụng mệnh vào Thuận – Quảng giúp Nguyễn Hoàng ổn định vùng đất phía nam Hoành Sơn (đèo Ngang), lãnh chức Tham tướng Cai phủ, trông coi phủ Tư Nghĩa, trấn Quảng Nam.

Phủ Tư Nghĩa lúc bấy giờ gồm 3 huyện: Nghĩa Giang, Bình Sơn và Mộ Hoa, là vùng đất đến năm 1832 trở thành tỉnh Quảng Ngãi. Huyện Mộ Hoa thời Trần Cẩm trải dài từ phía nam sông Vệ đến đèo Bình Đê, bao gồm huyện Mộ Đức, huyện Đức Phổ và một phần huyện Nghĩa Hành ngày nay. Đến triều Nguyễn, năm Thiệu Trị nguyên niên – 1841, Mộ Hoa đổi thành Mộ Đức vì kỵ huý.
Dulichgo
Năm Hoằng Định thứ 8, đời Lê Kính Tông (1607), Trần Cẩm được thăng tước Quảng Nham hầu, phó Đề lãnh phủ Quảng Nghĩa; năm Hoằng Định thứ 11 (1610) thăng Chánh Đề lãnh, đến năm Vĩnh Tộ thứ 7 (1625), đời Lê Thần Tông, được phong chức Chánh khám lý phủ Quảng Nghĩa.

Suốt 30 năm trấn nhậm ở Quảng Ngãi (1597 -1630), Trần Cẩm có công rất lớn trong việc đốc xuất quân dân khai phá đất đai, phát triển thủy lợi; xác lập các thôn, phường, xã, tổng ở vùng đất mới; vừa ổn định đời sống nhân dân, vừa huy động tài lực, nhân lực phục vụ khai mở dải đất phía Nam đất nước.

Khi Trần Cẩm mới vào trấn nhậm, vùng phía đông huyện Mộ Hoa tuy đất đai phì nhiêu, màu mỡ nhưng còn hoang vu, khí hậu ẩm thấp, lau lách um tùm, chưa được khai phá bao nhiêu. Là người có tầm nhìn xa rộng lại giàu nghị lực, năm Mậu Tuất (1598), Trần Cẩm xin phép triều đình chiêu mộ 2.000 dân binh từ vùng Thanh – Nghệ để cùng với dân bản xứ tiến hành khẩn hoang, quy dân lập ấp, mở mang điền địa.

Từ nỗ lực của Trần Cẩm và quân dân phủ Mộ Hoa, 25 xứ ruộng với diện tích 3.200 mẫu Trung bộ đã được khai hoang. Tất cả ruộng đất khai hoang đều được sung công, quân cấp cho dân nông canh tác.

Ngoài việc tổ chức lưu dân khẩn hoang, xây dựng hương thôn, Trần Cẩm còn chú trọng đến công tác trị thuỷ. Ông đốc thúc quân dân mở rộng sông Thoa, xây dựng và củng cố các đập Bến Thóc, Phước Khánh, Điền Trang, Tiểu Yển, mương Tuần… Các công trình dẫn thủy nhập điền do ông chủ trương đã tích cực thúc đẩy nền kinh tế nông nghiệp lúc bấy giờ phát triển, góp phần quyết định biến Mộ Hoa trở thành vựa lúa của phủ Tư Nghĩa, đem lại đời sống ấm no, hạnh phúc cho người dân.

Năm 1630, khi tuổi đã cao, ông xin nghỉ hưu, về sống ở làng Địa Thi, tiếp tục cùng con cháu trong dòng tộc và người dân xây dựng Địa Thi thành một trong những hương thôn mẫu mực về nông tang và phong hóa thời bấy giờ.
Dulichgo
Trần Cẩm qua đời năm 1640, người địa phương kính trọng tôn ông là tiền hiền của làng Địa Thi – Thi Phổ và dựng miếu thờ tại đình làng Thi Phổ, tế tự  hai kỳ xuân thu trọng vọng. Các triều vua từ thời Lê Trung Hưng đến thời Nguyễn đã ban cho ông 7 sắc phong, trong đó có sắc phong năm Khải Định thứ 10 (1925) truy tặng tước hiệu 翊  保 中 興 靈 扶 之 神 (Dực Bảo Trung hưng linh phò chi thần).

Ông bà Trần Cẩm sinh hạ 5 người con là Trần Như Trân, Trần Như Châu, Trần Như Bổn, Trần Như Đạt và Trần Thị Xuân Ba. Người con trai đầu và người con trai thứ cũng được triều đình phong tước hầu, giữ nhiều chức vụ quan trọng ở phủ Quảng Ngãi và là những bậc hậu hiền kế tục xuất sắc sự nghiệp an dân lập ấp của thân phụ.

Tất cả các sắc phong cùng với 14 chiếu chỉ của triều đình qua các đời vua ban cho Trần Cẩm và những người con đến nay vẫn được dòng họ trân trọng lưu giữ. Đây là một nguồn tư liệu quý báu, không chỉ góp phần làm sáng tỏ công nghiệp của Quảng Nham hầu Trần Cẩm mà còn giúp ích cho việc tìm hiểu lịch sử kinh dinh vùng đất Mộ Đức nói riêng, tỉnh Quảng Ngãi nói chung.

Nhà thờ Trần Cẩm (Từ đường thủy tổ Trần tộc tiền hiền) toạ lạc tại làng Thi Phổ Nhì, nay là thôn Phước Thịnh, xã Đức Thạnh, nằm phía nam đường liên xã từ cầu Phước Thịnh (quốc lộ số 1) đi bãi biển Minh Tân Nam (xã Đức Minh), cách quốc lộ chừng 1 km, do con cháu tộc Trần xây dựng lần đầu vào cuối thế kỉ XVIII, xây dựng lại cuối thế kỉ XIX.

Từ đường nằm ở trung tâm khu đất thoáng đãng, mặt tiền quay về hướng đông, phía trước có bình phong và nhà bia tưởng niệm. Nhà thờ có diện tích hơn 100 mét vuông, kết cấu tường chịu lực, xây bằng gạch bản lớn và tam hợp chất, mái lợp ngói. Nội thất ngôi nhà chia làm 3 gian, bố trí 5 án thờ, trung tâm chính điện là án thờ thuỷ tổ Trần Cẩm.
Dulichgo
Nhà thờ cũng là nơi lưu giữ các sắc phong, võng, lọng, đao, kiếm mà triều đình ban tặng cho ông. Vào dịp tế tự (ngày tiết thanh minh và ngày tiết đông chí), hòm sắc phong và các tế vật quý báu được các bậc cao niên trong dòng tộc mở ra cho con cháu xem, giảng giải ý nghĩa, nhắc nhở công đức thuỷ tổ, khuyên răn hậu thế noi theo gương sáng của tiền nhân.

Trần Cẩm còn được thờ vọng tại Từ đường biệt tổ tứ phái, toạ lạc tại làng Thi Phổ Nhất, nay là thôn 1, xã Đức Tân, giáp phía đông quốc lộ số 1. Đây là nhà thờ 4 người con trai, đứng đầu bốn chi phái hậu duệ và cũng là những người kế tục sự nghiệp khai hoang lập ấp của thuỷ tổ Trần Cẩm.

Nhà thờ nay là một công trình kiến trúc nhà ở rất độc đáo với hệ thống chịu lực gồm 24 cột gỗ mít (8 cột cái, 16 cột quân), 4 vì kèo chồng rường chày cối, cùng hệ thống cửa bàn khoa, trần khuôn liệt bản, chạm khắc công phu, sinh động theo các chủ đề tứ quý, tứ linh, bát bửu, cá chép hoá rồng, rùa đội kiếm, dơi ngậm quả đào, chữ phúc, chữ thọ…

Mộ Trần Cẩm yên vị trên một vồng đất cao giữa cánh đồng Bàu Súng, thuộc xã Đức Chánh. Mộ xây kiên cố bằng đá ong to bản, phía trước có trụ biểu, bình phong, nhà bia. Bên ngoài thành mộ, về phía đông nam, có cây trâm cổ thụ hàng trăm tuổi.
Dulichgo

Chếch về phía đông nam chừng 20 mét là khu mộ song thân ông, thẳng về phía đông 50 mét là mộ người con trai trưởng – Xuân Lãnh hầu Trần Như Trân, xa hơn, chừng gần 2 cây số về hướng đông bắc là mộ người con thứ – Thới Sơn hầu Trần Như Châu.

Là người uy danh trọng vọng, chức tước hàng đầu một phủ, lại có công rất lớn trong việc kinh dinh, nhưng Trần Cẩm nổi tiếng “công pháp vô tư”, gần gủi và thấu đạt nguyện vọng của người dân. Khi về trí sĩ ông hầu như không có sản nghiệp riêng, ngoài phần đất công điền do xã cấp, thật đúng như câu đối tại nhà thờ:

生 良 將 死 福 神  英 灳 萬 古
鄉 前 賢 族 始 祖 崇  拜 仟 秋

Sanh lương tướng, tử phúc thần, anh linh vạn cổ;
Hương tiền hiền, tộc thủy tổ, sùng bái thiên thu

Sống làm lương tướng, chết làm phúc thần, thiêng liêng muôn thuở;
Làng là tiền hiền, họ là thủy tổ, thờ cúng nghìn thu.
(Lê Hồng Long dịch)

Di tích mộ và nhà thờ Trần Cẩm đã được Bộ Văn hoá Thông tin (nay là Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch) xếp hạng di tích lịch sử – văn hóa quốc gia tại quyết định số 1543 –QĐ/VH ngày 7/5/1997.

Theo Lê Hồng Khánh (Báo Quảng Ngãi)
Người Miền Trung

Rate this post

DienDan.Edu.Vn

DienDan.Edu.Vn Cám ơn bạn đã quan tâm và rất vui vì bài viết đã đem lại thông tin hữu ích cho bạn.
DienDan.Edu.Vn! là một website với tiêu chí chia sẻ thông tin,... Bạn có thể nhận xét, bổ sung hay yêu cầu hướng dẫn liên quan đến bài viết. Vậy nên đề nghị các bạn cũng không quảng cáo trong comment này ngoại trừ trong chính phần tên của bạn.
Cám ơn.

Đăng bình luận

(+84) (918) 369.468