(TH) – Từ bao đời nay, đá gắn liền với đời sống sản xuất và tinh thần của người Nùng, xã Phúc Sen huyện Quảng Uyên (tỉnh Cao Bằng). Đá được người Nùng tạo thành những hàng rào bao quanh đường làng, ngõ xóm, quanh nhà, ngoài ruộng, trở thành vật dụng gắn liền với đời sống hằng ngày.
Hàng rào đá của người dân tộc Nùng An tại xóm Phja Chang, xã Phúc Sen (Quảng Uyên). Trong tâm niệm của người dân nơi đây, đá tượng trưng cho sự lâu bền, vững chắc có thể phục vụ cho các mục đích lâu dài trong đời sống sinh hoạt nên người dân sử dụng đá làm thành những bức tường rào bao quanh nhà và nương rẫy của mình.
Có những bức tường đá đã phủ hoen màu thời gian vẫn tồn tại vững chắc.
Để có được hàng rào đá, người dân phải mất nhiều thời gian lấy những viên đá có kích cỡ lớn nhỏ khác nhau, kỳ công xếp nên bức tường kiên cố. Những viên đá có kích thước khoảng 30 cm sẽ được mang từ trên núi về và được xếp quanh nhà cũng như là vạch phân chia đất đai.
< Phân chia rõ ranh giới diện tích ruộng vườn của mỗi gia đình.
Dulichgo
Ở xã Phúc Sen, hàng rào bằng đá phản ánh sự sáng tạo của người Nùng An trong việc xây dựng. Đá chồng lên đá với kỹ thuật sắp đặt mà không có bất cứ chất kết dính nào, tưởng chừng cơn gió thổi qua có thể đổ sập.
Thế nhưng chúng rất chắc chắn, ngăn gia súc, gia cầm phá hoại mùa màng. Trên một cánh đồng, có thể len lỏi vào lối đi giữa những hàng rào đá, chúng như mê cung chạy dài theo trí tưởng tượng.
< Hàng rào đá trầm mặc cùng thời gian.
Cỏ mọc men lên chân đá, những hòn đá dưới cùng cũng lún dần theo thời gian và tạo độ bền chắc. Sự vững chắc và kiên cố của hàng rào bằng đá trải qua thời gian, mưa nắng mà không dễ đổ, dần dần kết dính lại với nhau bởi rêu phong và đất như một chất keo gắn bó bền chặt.
Giữa màu xám rêu phong của hàng rào đá, một bên là ruộng lúa nước, một bên là vườn khô.
< Những hàng rào đá cao từ 50 cm đến 1 m chạy dọc đường làng, ngõ xóm.
Dulichgo
Tất cả chỉ cách nhau một hàng rào. Điểm xuyến những khoảng ruộng xanh rì hay sắc màu của ngô, lúa đang độ thu hoạch tạo nên nét tươi mới của miền quê nông thôn vùng cao.
Đi sâu vào trong các xóm Khào A, Đâu Cọ, Phia Chang trên, Phia Chang dưới…, đâu đâu cũng thấy những hàng rào đá được xếp rất khéo léo, chắc chắn. Hàng rào đá thường có chiều cao từ 50 cm đến khoảng 1 m. Hàng rào đá được dựng lên quanh xóm tạo thành những lối đi trông rất đẹp và cổ kính.
< Những ngôi mộ cũng được xếp đá.
Hàng rào đá tạo thành những bức tường rào quanh nhà, tạo thành ranh giới giữa các mảnh ruộng vườn. Đá còn được xếp quanh các gốc cây để bảo vệ không cho trâu bò phá hoại và được xếp quanh các ngôi mộ. Ngoài ra, đá còn được dùng để làm những cái âu đựng nước trước cửa nhà, cối giã gạo, cầu thang…
< Đá được xếp quanh gốc cây không để gia súc phá hoại và là nơi nghỉ chân của bà con.
Dulichgo
Trải qua thời gian, những mẫu sắp đặt của hàng rào được thay đổi để hợp với sự phát triển của cộng đồng. Tuy nhiên dù thay đổi theo cách thức nào, những hàng rào đá vẫn luôn là biểu tượng của sự sáng tạo cũng như tín ngưỡng của người dân nơi đây.
Hàng rào đá không chỉ là sự sáng tạo của dân tộc Nùng ở Cao Bằng mà nó còn là một nét đẹp văn hóa lâu đời. Là một gam màu tô điểm cho bức tranh phong cảnh của Cao Bằng trở nên hữu tình và đặc sắc hơn.
Người Miền Trung ! tổng hợp từ báo Cao Bằng
DienDan.Edu.Vn Cám ơn bạn đã quan tâm và rất vui vì bài viết đã đem lại thông tin hữu ích cho bạn.DienDan.Edu.Vn! là một website với tiêu chí chia sẻ thông tin,... Bạn có thể nhận xét, bổ sung hay yêu cầu hướng dẫn liên quan đến bài viết. Vậy nên đề nghị các bạn cũng không quảng cáo trong comment này ngoại trừ trong chính phần tên của bạn.Cám ơn.