(TNO) Đến bây giờ trên thị trường đã có hàng trăm loại mì gói, cả trong nước và ngoại nhập, nhưng với nhiều gia đình vẫn trung thành với mì Miliket.
Khởi nguồn hình thành nên danh từ “mì tôm” tại Việt Nam, thương hiệu mì ăn liền Colusa – Miliket với biểu tượng hai con tôm đã trở thành một mảnh ký ức của thế hệ những người sinh ra, trưởng thành trong giai đoạn thập niên 80 – 90 thế kỷ trước.
Thống trị tuổi thơ nhiều thế hệ
Đến bây giờ trên thị trường đã có hàng trăm loại mì gói, cả trong nước và ngoại nhập, nhưng với nhiều gia đình vẫn trung thành với mì Miliket. Đại gia đình ông bà Lập – Hảo (Xuân Sơn, Sơn Tây, Hà Nội) là điển hình. Từ đời ông bà cho đến con và bây giờ là thế hệ các cháu, cứ mì gói thì phải Miliket, mà phải gói giấy mới chịu.
Là người nội trợ chính trong nhà, bà Hảo cũng nhiều lần thay đổi khẩu vị khi xem quảng cáo các loại mì thơm ngon hấp dẫn khác nhưng lần nào cũng bị phản đối, nên Miliket vẫn là lựa chọn duy nhất và cuối cùng. “Thấy nhiều người nói mì của Hàn, Nhật không nóng, tôi mua về nhưng ai cũng chê không bằng Miliket nên mấy chục năm nay nhà tôi chỉ dùng một loại mì này thôi”, bà Hảo cho biết.
Một phỏng vấn bỏ túi với những “tín đồ” của Miliket cho thấy, họ chọn loại mì này ngoài thói quen còn vì sự gắn bó suốt chặng đường phát triển sau khi thống nhất đất nước. Năm 1975, Colusa do Công ty thực phẩm Sài Gòn sản xuất là một trong những thương hiệu mì ăn liền đầu tiên tại VN, sau này được ghép thêm tên Miliket thành Colusa – Miliket (thường gọi là Miliket). Nhắm vào phân khúc giá rẻ, bình dân, đặc biệt là khu vực nông thôn, Miliket “xâm chiếm” kệ bếp của hầu khắp các gia đình.
Hình ảnh hai con tôm chụm đầu vào nhau in ngoài bao bì đã trở thành biểu tượng, thành thói quen in vào trong nếp sống hằng ngày của mỗi người dân. Dần dà, người ta lấy luôn từ “mì tôm” để định danh cho loại thực phẩm này. Trên vỏ gói mì in hình bao nhiêu con tôm thì người ta gọi tên theo từng ấy con. Bởi vậy mới có mì hai tôm, mì bốn tôm (mì ký – bán theo kg với hình ảnh 4 con tôm trên mỗi túi 1 ký). Thậm chí, nhiều người còn kháo nhau mì bốn tôm ngon hơn mì hai tôm vì có nhiều hơn… hai con tôm. Cứ thế, Miliket chiếm lĩnh và gần như độc quyền ở thị trường mì ăn liền VN trong suốt hơn một thập niên.
Cầm trên tay gói mì Miliket giấy bóng trắng, bà Ngô Thị Ngọc Lý (47 tuổi, Q.12, TP.HCM) lắc đầu: Đây chưa chuẩn mì gói hai tôm. Mì Miliket ngày xưa lớp bao gói bên ngoài màu hơi xám vàng, giống giấy xi măng chứ không phải ni lông sáng bóng thế này. “Sau năm 1975, khi tôi chưa đầy 4 tuổi thì cả gia đình chuyển từ Nam Định vào Sài Gòn. Hồi đó ở quê nghèo nào có biết mì gói là gì. Vào đây thấy mấy đứa hàng xóm cứ cầm gói Miliket khoe nhau “Tao có mì hai tôm”, “Mì nhà tao bốn tôm lận”… tôi tưởng có con tôm thật, cứ nghĩ “trong nam sướng thật, bữa nào cũng được ăn hải sản”. Sau mới biết thế nào là mì tôm. Thời đó nhà nào có tiền mà mua mì tôm là oách lắm. Nhà nghèo nên mẹ tôi hay mua loại mì bán theo ký cho rẻ. Khi nào ốm, mẹ tôi mới mua mì tôm cho ăn”, bà Lý bồi hồi nhớ lại.
Thời đó, Miliket là “vua mì gói”, thống trị cả thị trường và thống trị luôn cả tuổi thơ của biết bao thế hệ.
Vẫn âm thầm phát triển
Năm 2000, Vina Acecook (100% vốn Nhật Bản) “khai sinh” mì Hảo Hảo cùng với sự gia nhập thị trường liên tiếp của nhiều hãng mì ăn liền trong và ngoài nước như Masan, Asia Food, khiến “ngai vàng” của Miliket bắt đầu lung lay. Với nguồn lực mạnh mẽ, chiến lược đầu tư, quảng bá hình ảnh bài bản, mẫu bao bì bắt mắt cùng kênh phân phối rộng lớn, các tay đua đến sau đã lần lượt vượt mặt anh cả. Miliket dần tụt hạng cho đến khi vào top cuối bảng với thị phần ước tính chỉ khoảng 3 – 4% (giai đoạn 2018 – 2019).
Thoi thóp đứng hạng chót, đã có lúc người ta quên mất sự hiện diện của “ông vua” mì gói một thời. Thế nhưng thực tế, giữa cuộc cạnh tranh tàn khốc của thị trường mì ăn liền, Miliket vẫn tìm được một hướng riêng để tồn tại trong suốt thập niên qua. Doanh nghiệp này đã phát triển thêm nhiều sản phẩm khác như phở, cháo, hủ tiếu, miến ăn liền… và sản xuất các sản phẩm từ gạo. Mục tiêu doanh nghiệp này đưa ra là tăng sản lượng các sản phẩm từ gạo lên 1.600 tấn/tháng. Dù vậy, sản lượng tiêu thụ mì gói giấy hai tôm quen thuộc vẫn chiếm tỷ lệ lớn trong cơ cấu tiêu thụ sản lượng hằng năm của Miliket. Cũng trong giai đoạn này, thay vì chỉ tập trung giành thị phần nội địa, mì hai tôm đã mạnh dạn khai thác thêm nhiều thị trường mới như Trung Quốc, Hàn Quốc, Myanmar, Singapore, tuy nhiên sản lượng chưa cao.
Bằng sự nỗ lực không ngừng nghỉ, sau 45 năm thăng trầm, đầu tháng 7.2017, Công ty cổ phần lương thực thực phẩm Cosula – Miliket chính thức được niêm yết trên sàn UPCOM với giá tham chiếu là 25.800 đồng/cổ phiếu. Tại mức giá này, vốn hóa của Cosula đạt 124 tỉ đồng. Báo cáo tài chính của công ty cho thấy trong suốt 10 năm qua, Miliket không hề thua lỗ mà vẫn ghi nhận mức tăng trưởng bình quân doanh thu là 13,12%/năm. Lợi nhuận bình quân cũng đạt tăng trưởng 11,65%/năm. So với năm 2008, lợi nhuận của Miliket đã tăng hơn gấp 3.
Chuyển hướng tìm lại hào quang
Dạo một vòng quanh các siêu thị tại TP.HCM, có thể nhận ra chiến lược của Miliket không hề thay đổi, vẫn nhắm vào phân khúc khách bình dân, giá rẻ. Mì hai tôm là 1 trong những loại mì có giá rẻ nhất trên quầy thực phẩm ăn liền. Một gói mì Miliket giấy vàng 65 gr chỉ 2.600 đồng/gói, loại gói giấy trắng bóng, mẫu mã mới bắt mắt hơn giá 3.000 đồng/gói.
Miliket cũng tích cực cho ra đời nhiều hương vị mì khác nhau như Miliket hương vị tôm gà giá 3.300 đồng/gói; mì hai tôm vị hải sản, mì hai tôm vị tôm chua cay, mì hai tôm hương vị sa tế đồng giá 4.400 đồng/gói, tuy có cao hơn nhưng vẫn chưa bằng giá khuyến mãi 5.500 đồng/gói mì Đệ Nhất vị thịt bằm nằm ngay kệ hàng bên cạnh…
Nhiều người nói mì hai tôm hiện nay “sống” được chủ yếu là nhờ các quán lẩu vì giá rẻ, chứ ngay cả những công nhân, dân thu nhập thấp họ cũng không vì giá mà chuộng. Thế nhưng, thực tế có không ít người đứng tuổi trở lên vẫn là “fan” trung thành của thương hiệu mì tuổi thơ này.
Nhặt vào túi đồ khoảng 10 gói mì nhiều loại khác nhau, trong đó có 3 gói Miliket hai tôm giấy vàng, cô Lan Anh (ngụ Q.10, TP.HCM) cho biết nhà cô chia làm 3 thành phần: hai đứa cháu nội nhỏ thích mì cay Hàn Quốc, bố mẹ chúng ăn mì Hảo Hảo, còn cô và bác trai vẫn chọn Miliket. “Ăn mì khác cũng được nhưng từ nhỏ đến lớn ăn Miliket quen rồi. Mì Miliket sợi dai hơn, gói gia vị cũng ít hương vị hơn các loại mì sau này. Mà phải đúng loại gói giấy vàng này chứ gói giấy bóng ông nhà tôi cũng không thích. Nó cũng như một thói quen, gợi nhớ kỷ niệm thời xưa nữa”, cô Lan Anh nói.
Không đổ tiền vào quảng cáo, marketing trên các phương tiện truyền thông mà âm thầm đưa sản phẩm tới các hội chợ hàng VN chất lượng cao, Hàng Việt về nông thôn và phân phối sản phẩm tới các chợ đầu mối, chợ bán lẻ, đại lý, độ phủ sóng của mì Miliket vẫn được đảm bảo. Trong một thị trường mì gói cạnh tranh quá khốc liệt hiện nay, việc chọn phân khúc giá rẻ cùng với lợi thế hồi ức và thói quen, biết đâu đến một ngày nào đó, Miliket trở lại thời hoàng kim, gắn liền với mì ăn lẩu, mì giá rẻ…
Trong tác phẩm Cho tôi xin một vé đi tuổi thơ của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh có đoạn: “Hồi đó, tôi chỉ thích có ba món: mì gói, mì gói và dĩ nhiên mì gói. Là cái thứ mà nếu bắt gặp tôi ôm trong người thế nào mẹ tôi cũng giằng khỏi tay tôi, kể cả bằng biện pháp bạo lực hoàn toàn trái với bản tính hiền lành của bà. Tóm lại, muốn ăn mì gói tôi phải trốn qua nhà con Tí sún, nhờ nó nấu giùm. Gọi nấu mì là gọi cho oai, chứ thực ra chỉ là nấu một ấm nước sôi. Con Tí sún chỉ bỏ mì vô tô, sau đó bỏ thêm các bịch gia vị có sẵn rồi chế nước sôi vào”.
Theo Hà Mai (Thanh Niên)
Chuyện mì 2 con tôm ở Villejuif
DienDan.Edu.Vn Cám ơn bạn đã quan tâm và rất vui vì bài viết đã đem lại thông tin hữu ích cho bạn.DienDan.Edu.Vn! là một website với tiêu chí chia sẻ thông tin,... Bạn có thể nhận xét, bổ sung hay yêu cầu hướng dẫn liên quan đến bài viết. Vậy nên đề nghị các bạn cũng không quảng cáo trong comment này ngoại trừ trong chính phần tên của bạn.Cám ơn.