(BGO) – Về xã Việt Lập, huyện Tân Yên (Bắc Giang), nhân dân và du khách thập phương sẽ có dịp đến thăm một công trình kiến trúc cổ kính, uy nghiêm, mang nhiều dấu ấn lịch sử. Đó là lăng Giáp Đăng Luân, vừa được công nhận di tích kiến trúc nghệ thuật quốc gia.
Lăng Giáp Đăng Luân nằm trên một ngọn đồi thấp, thuộc thôn Ngọc Trai, xã Việt Lập, huyện Tân Yên, là nơi an nghỉ của Quận công Giáp Đăng Luân làm việc dưới triều Lê – Trịnh và được xây dựng vào những năm 1728-1733, khi Giáp Đăng Luân còn sống, ông lấy đây làm chốn dưỡng nhân, khi mất lại chôn cất tại đó.
Đến thăm khu lăng, du khách sẽ được chiêm ngưỡng một công trình kiến trúc cổ hơn 300 năm nhưng còn khá nguyên vẹn. Cổng lăng dựng hai cột đá tứ diện, phía dưới đặt hai linh cẩu đá. Toàn bộ khu lăng được bao bọc bởi tường xây gạch cổ, xen các khối đá xanh thẫm. Các hạng mục công trình được xây theo lối kiến trúc cổ, cách bài trí sắp xếp gọn gàng, khoa học theo một trục dọc.
Dulichgo
Cổng tam môn nhô lồi hẳn ra khỏi trước khu lăng, cả 3 cửa đều cuốn vòm, cửa giữa có 3 chữ Hán “Phục Chân Đường”. Tiếp đó, du khách sẽ bắt gặp hệ thống các pho tượng linh thú, nghê đá, sấu đá, chồn đá, chó đá… vẫn còn giữ nguyên vẹn hình thù và giá trị trên phương diện lịch sử, văn hóa, thẩm mỹ qua bao đời.
Phục Chân Đường trước đây có ba toà nhà lớn, nhưng cách đây vài chục năm, người ta đã dỡ mất ngôi Tiền đường, nên Phục Chân Đường chỉ còn lại Trung đường và Hậu đường. Một trong những hiện vật đặc sắc được lưu giữ ở Toà Trung đường là hệ thống 4 tượng người hầu nữ. Từ ngoài vào là hai nữ túc vệ cầm côn đứng đối diện nhau. Tiếp đến là hai Thị Thư, tay bưng tráp, cầm bút, sách xuyến mực…
Ngoài ra còn có tượng thú, và hai bia đá, khắc vào năm 1729, nét chữ to, đẹp, rõ. Tòa Hậu đường, có khám và bệ thờ đặt đồ thờ, Ngai, bài vị, mâm bài, mâm xe. Hai bên khám có đủ long trùy, chấp kích uy nghi. Đáng chú ý nhất ở đây là bài vị và bức hoành phi. Theo đó, bài vị ghi Giáp Đăng Luân, trước được đặc tiến “Phụ quốc thượng tướng quân” và sau đó được phong tặng “Tham đốc, thượng trụ quốc, Lập quận công”.
Dulichgo
Ông Giáp Công Sự (75 tuổi, hậu duệ nhiều đời của cụ Giáp Đăng Luân), thôn Ngọc Trai, xã Việt Lập chia sẻ: “Dân làng chúng tôi rất vinh dự, tự hào có ngôi lăng mộ của cụ tổ làng này. Chúng tôi có nguyện vọng được Nhà nước quan tâm, hỗ trợ để khôi phục lại tòa Tiền đường, trả lại đúng vị thế của lăng trước đây”.
Phía sau Phục Chân Đường là khu mộ – nơi an nghỉ của Lập nghĩa hầu Giáp Đăng Luân. Phía trên cổng vào khu mộ khắc ba chữ: Tiêu Dao Am (Am của một người thong thả chơi xa). Khoảng sân hẹp trước cổng nhà mộ được lát gạch chỉ phẳng phiu, hai bên xây tường thấp bằng gạch cổ. Bên trong là phần mộ Lập Quận công Giáp Đăng Luân, phía trước có nồi hương đặt trên bệ đá phiến, tạo nên sự trang nghiêm. Xung quanh lăng được bao bọc bởi cây cối quanh năm xanh mát, càng khiến cho cảnh sắc nơi đây thơ mộng, hữu tình.
Ông Nguyễn Văn Đại, Chủ tịch UBND xã Việt Lập cho biết: Trong những năm qua, địa phương đã tuyên truyền những giá trị lịch sử của lăng đối với nhân dân, nhất là thế hệ trẻ; đồng thời quan tâm sửa chữa những hạng mục công trình xuống cấp. Thời gian tới, mong rằng các cơ quan chức năng tiếp tục hỗ trợ kinh phí để tu bổ, trùng tu ngôi lăng mộ này”.
Dulichgo
Nơi đây từ xa xưa là nơi sinh hoạt văn hóa tín ngưỡng của nhân dân địa phương. Hàng năm, tại di tích, nhân dân cúng lễ vào ngày mùng 6 tháng Giêng để tưởng nhớ tới người có công lao với nước. Với những giá trị lịch sử văn hóa tiêu biểu, mới đây, Cục Di sản văn hóa (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) xếp hạng lăng là di tích kiến trúc nghệ thuật quốc gia để xứng tầm với giá trị và ý nghĩa của khu di tích này trong hệ thống di tích lịch sử của dân tộc.
Theo Thu Hường (Báo Bắc Giang)
Người Miền Trung !
DienDan.Edu.Vn Cám ơn bạn đã quan tâm và rất vui vì bài viết đã đem lại thông tin hữu ích cho bạn.DienDan.Edu.Vn! là một website với tiêu chí chia sẻ thông tin,... Bạn có thể nhận xét, bổ sung hay yêu cầu hướng dẫn liên quan đến bài viết. Vậy nên đề nghị các bạn cũng không quảng cáo trong comment này ngoại trừ trong chính phần tên của bạn.Cám ơn.