(NĐMT) – Tọa lạc trên Quốc lộ 1A (thuộc ấp Xẻo Vong C, xã Hiệp Lợi, thị xã Ngã Bảy, tỉnh Hậu Giang), Già Lam Cổ Tự ấn tượng bởi kiến trúc đậm chất Ấn Độ cùng hàng trăm pho tượng Phật, Tiên, Thánh được chạm khắc tinh xảo, công phu tạo nên không gian thanh tịnh, trang nghiêm của ngôi cổ tự.
Khác lạ với kiến trúc Ấn Độ
Già Lam Cổ Tự hình thành từ năm 1940 do hòa thượng Thích Huệ Đức cùng bà con, Phật tử cúng dường xây dựng. Qua quá trình gần 80 năm hình thành, hoằng hóa, khuếch trương giáo lý nhà Phật đến nay chùa có diện tích 2.376m2 và có đến 148 pho tượng.
Vì các pho tượng đa phần do Phật tử xây dựng cúng dường nên theo thời gian, số lượng tượng lại nhiều hơn.
Dulichgo
Khuôn viên chùa, có rất nhiều tượng Phật lớn nhỏ mang nhiều giá trị nghệ thuật độc đáo, trong đó phải kể đến tượng Phật Thích Ca nhập niết bàn dài 14m, tượng Phật Quan Âm cao 12m, Vườn Lâm Tì Ni, ngựa Xích Thố, 25 đỉnh hương và nhiều bảo tháp khác. Mỗi bức tượng đều gắn với một câu chuyện liên quan tới nhà Phật, mang ý nghĩ triết lý sâu sắc.
Chùa theo trường phái Phật giáo Bắc Tông, ảnh hưởng từ Trung Quốc. Sở dĩ chùa có tên là Già Lam vì chùa thờ Già Lam Bồ Tát, một vị Bồ Tát có nguồn gốc từ Trung Quốc.
Gọi Già Lam Bồ Tát có vẻ xa lạ đối với người dân nhưng thực sự đó chính là Quan Thánh Đế Quân rất gần gũi trong văn hóa dân gian và được thờ cúng ở nhiều đình, miếu ở các địa phương.
Quan Thánh Đế Quân hay còn gọi là Quan Vũ, Quan Công hay Quan Vân Trường là một vị tướng thời Tam Quốc. Ông là người đã góp công lớn vào việc thành lập nhà Thục Hán (Trung Quốc).
Dulichgo
Quan Công đi sâu vào tâm thức người dân là hình tượng dũng mãnh, râu dài, mặt đỏ tay cầm Thanh Long Đao và cưỡi ngựa Xích Thố. Là một vị tướng tài “quá ngũ quan trảm lục tướng”.
Theo tương truyền, Quan Công từng hiển thánh tại núi Ngọc Tuyền và quy y nhà Phật nên được phong Hộ Pháp, bảo vệ nơi chùa chiền hay còn gọi là Già Lam Thánh chúng Bồ Tát. Điều độc đáo được mọi người quan tâm là một ngôi chùa Bắc Tông, ảnh hưởng rất nhiều từ Trung Quốc nhưng lại mang đậm kiến trúc Ấn Độ.
Thông thường các ngôi miếu thờ Quan Đế thường theo lối kiến trúc của người Hoa với tổng thể hình chữ “Khẩu” hay chữ “Quốc”, các dãy nhà khép kín vuông góc hay thường mang đậm nét phong cách Triều Châu với lối thiết kế lấy màu đỏ làm chủ đạo. Tuy nhiên, Già Lam Cổ Tự hoàn toàn khác, kiến trúc được thiết kế theo kiểu Ấn Độ độc đáo, giống với lối kiến trúc của của Tây An Cổ Tự Châu Đốc – An Giang.
Đó là thiết kế tháp chính điện có nóc tròn hình “củ hành”, giống những đền chùa ở Ấn Độ, đỉnh tháp được trang trí rất cầu kì, đặc biệt các hoa văn, họa tiết vô cùng sặc sỡ, tinh xảo. Hai bên tháp chính là hai ngọn tháp có phần dưới vuông giống như kiến trúc chùa tháp người Việt.
Cách thức thờ cúng Phật Già Lam tại chùa so với nhiều đình, miếu thờ Quan Thánh Đế Quân cũng không khác nhiều. Trong chánh điện của chùa thờ 3 pho tượng Quan Công, Quan Bình và Châu Thương rất lớn. Quan Công ngồi giữa, tay vuốt râu, bên trái là Quan Bình giữ ấn, bên phải Châu Thương cầm đao Thanh Long. 3 pho tượng ngự uy nghi trên bục thờ.
Dulichgo
Chùa cổ có nhiều tượng lạ
Theo Hòa Thượng Thích Huệ Sanh – Trụ trì Già Lam Cổ tự, chùa có tượng Phật Già Lam lớn nhất khu vực ĐBSCL. Một điều đặc biệt nữa, tạo nên sự khác biệt đối với nhiều ngôi chùa ở khu vực ĐBSCL là ngoài việc thờ Phật như Phật Thích Ca, Quan Thế Âm Bồ Tát, Phật Di Lặc,… thì chùa còn thờ chư vị thuộc hàng Tiên, Thánh như Tứ đại Thiên Vương, Tam Hoàng Ngũ Đế, Thiên Lý Nhãn, Thuận Phong Nhĩ, Bát tiên, Bà Chúa Xứ…
Chùa có nhiều Phật tử tìm đến cúng bái, cầu mong sức khỏe, bình an và mọi điều thuận lời. Có lẽ cũng nhờ sự mầu nhiệm mà dù trải qua hai cuộc chiến tranh thần thánh của dân tộc nhưng vẫn hiên ngang và trầm mặc không bị bất kỳ sự tổn hại nào: “Chiến tranh dữ dội nhưng khi đi qua ngôi chùa này, quân lính không bắn tiếng súng nào” – Hòa Thượng Thích Huệ Sanh kể.
Dulichgo
Một “báu vật” khác của chùa là tượng Xích Thố vô cùng độc lạ. Tượng cao hơn 3m, dài khoảng 2m, toàn thân có màu hồng sẫm, đứng trong tư thế hiên ngang, hùng mãnh, sẵn sàng chiến đấu. Đôi mắt trong, có hồn, thể hiện được phần thế uy nghi của mình. Người đúc nên pho tượng ngựa này là một nghệ nhân ở Sóc Trăng tên Ba Đém, ông được mời về để làm con ngựa với giá 1 triệu đồng (tương đương với 50 lượng vàng lúc bấy giờ).
Tương truyền trong quá trình chế tác ra pho tượng, ông không cho phép ai đến gần trừ một người thợ phụ, ông đúc liên tục và hoàn thành chỉ trong vòng 1 tháng. Tượng ngựa được làm bằng chất liệu xi măng, trộn trực tiếp với màu chứ không phải sơn phết như bình thường. Đặc biệt là ông đã làm đầy đủ lục phủ ngũ tạng như gan, tim, phổi,… bằng xi măng rồi bỏ vào trong bụng ngựa trước khi đắp tượng lại.
Đến nay dù chưa một lần tu sửa nhưng tượng ngựa vẫn còn mới như lúc ban đầu, sừng sững đứng hiên ngang cùng trời đất.
Dulichgo
Tới nay hòa thượng Thích Huệ Sanh tiếp quản ngôi chùa và là vị sư duy nhất trong ngôi chùa này. Ông cũng là người tự tay sơn phết, tu bổ các công trình, tượng Phật, chăm nom và đứng ra tổ chức cúng viếng vào các ngày lễ lớn.
Không gian yên tĩnh, thoáng mát trong khuôn viên chùa là địa điểm lý tưởng để khách tham quan cũng như các Phật tử đến cúng bái và yên tĩnh tâm hồn. Trong thời gian tới, ngôi chùa sẽ xây dựng thêm tượng Tế Công do Phật Tử đến cúng dường.
Theo Nét Đẹp Miền Tây
Người Miền Trung !
DienDan.Edu.Vn Cám ơn bạn đã quan tâm và rất vui vì bài viết đã đem lại thông tin hữu ích cho bạn.DienDan.Edu.Vn! là một website với tiêu chí chia sẻ thông tin,... Bạn có thể nhận xét, bổ sung hay yêu cầu hướng dẫn liên quan đến bài viết. Vậy nên đề nghị các bạn cũng không quảng cáo trong comment này ngoại trừ trong chính phần tên của bạn.Cám ơn.