(QBO) – Tháng 10 năm 2011, khi dòng sông Son hiền hòa đang trong cơn cuồng nộ bởi mưa lũ, tôi về làng Na (xã Sơn Trạch, Bố Trạch). Làng Na ngày ấy tiêu điều và tan hoang sau cơn hồng thủy. Những căn nhà nhỏ bé nằm cạnh dòng sông ngày thường vốn dĩ không bao giờ đóng cửa, giờ bốn bề trống hoác…
Tháng 10 này, tôi trở lại làng Na. Bình yên trong nắng sớm, những ngôi nhà của người làng Na giờ kiên cố, vững chãi hơn, đủ sức đương đầu với mưa lũ mỗi năm vẫn luôn rập rình đe dọa.
Người làng Na, dù sông Son như chàng Thủy Tinh si tình mỗi năm đôi bận dâng nước nhấn chìm làng mạc nhằm giành lại nàng Mỵ Nương xinh đẹp khiến người ven sông chịu bao khổ sở, thì họ vẫn luôn gắn bó với dòng sông này. Những ngôi nhà dù kiên cố hay nhỏ bé, vẫn bình yên nằm ngoảnh mặt nhìn ra sông.
Bảy năm trước, chạy xe máy theo con đường hẹp và khúc khuỷu ven sông Son, tôi và bạn đồng hành bao phen thót tim vì chỉ cần một chút sơ sẩy, cả người lẫn xe sẽ mất hút trong lòng sông Son đang cuồn cuộn chảy giữa ngày mưa lũ…
Giờ thì làng Na đã có đường nông thôn mới thay cho con đường gập ghềnh năm xưa. Con đường bê tông dài gần 3km chạy ven sông như vệt sáng mềm mại. Trẻ con làng Na thấy khách lạ đi qua làng hồ hởi chạy ra vẫy tay và rúc rích đùn đẩy nhau “hello, hello”, tiếng cười trẻ thơ lảnh lót và vang xa trong nắng sớm.
Dulichgo
Trong một ngôi nhà kiên cố vừa được xây xong vẫn còn thơm mùi vôi vữa, chị Cao Thị Lê (sinh năm 1991) hồ hởi khoe: “Nhà em trước ở sâu trong làng, năm 2015 mới tham gia đấu giá đất và xây nhà ở đây! Em làm nghề chụp ảnh, chồng em chạy thuyền du lịch. Khi hết mùa du lịch thì chồng đi làm thuê, em vớt rong, cắt cỏ nuôi cá lồng trên sông. Dù vẫn còn nhiều vất vả, nhưng năm rồi bọn em đã làm được nhà, đỡ sợ mưa bão. Làng em giờ cũng khấm khá hơn trước nhiều!”.
Cùng với nhà chị Lê là hàng chục ngôi nhà khác đã và đang hoàn thiện, trong đó có nhiều nhà hai tầng, tạo nên một hình ảnh làng Na mới mẻ, vững chãi. Du lịch phát triển đã góp phần thay đổi diện mạo làng quê và đời sống người làng Na.
Trong tổng số 400 thuyền du lịch hoạt động trên tuyến sông Son đưa khách tham quan động Phong Nha, Tiên Sơn, làng Na có 225 thuyền, đồng nghĩa với con số 450 lao động tham gia dịch vụ này. Mỗi chiếc thuyền gồm hai người tham gia, thường là các đôi vợ chồng hoặc bố mẹ – con vừa điều khiển thuyền vừa tham gia chụp ảnh. “Dù không làm giàu được bằng nghề này, nhưng cuộc sống cũng đang dần ổn định hơn chị ạ!”, chị Lê chia sẻ.
Hết mùa du lịch, người làng Na trở về với nghề nuôi cá lồng, nuôi dê. Xã Sơn Trạch có 5/9 thôn hiện đang phát triển mạnh nghề nuôi cá lồng. Trong số 600 lồng cá của toàn xã, làng Na có 120 lồng. Nghề nuôi cá lồng trên sông Son không chỉ mang lại lợi ích kinh tế, mà cùng đồng hành với du lịch, hội thi cá trắm sông Son đã và đang trở thành một nét văn hoá đặc sắc của vùng đất này, thu hút sự tham gia của nhiều du khách.
Dulichgo
Ông Hoàng Minh Chiêm, Chủ tịch Hội Nông dân xã Sơn Trạch, đồng thời là thành viên Ban tổ chức hội thi cá trắm sông Son hàng năm, cho biết, cá trắm sông Son được người tiêu dùng ưa chuộng vì đây là thực phẩm sạch, thức ăn của cá là cỏ hoặc rong rêu sông Son. Đặc biệt, từ ngày hội thi được tổ chức, nghề nuôi cá lồng càng phát triển mạnh. Đây cũng là một trong những hướng đi nhằm xoá đói giảm nghèo cho người dân. Đến thời điểm này, thôn Na chỉ còn 6 hộ nghèo trong tổng số 240 hộ với gần 1.000 nhân khẩu.
Cùng với nuôi cá lồng, nghề nuôi dê cũng đang giúp cuộc sống của người dân thôn Na ngày càng trở nên khấm khá hơn. Hiện, toàn thôn có gần 20 hộ nuôi dê, hộ nuôi nhiều nhất là 50 con. Người nuôi dê được tham gia tập huấn kỹ thuật, đồng thời kết hợp kinh nghiệm nuôi dê truyền thống, phát triển đàn dê ổn định và mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Sông Son sau những cơn cuồng nộ lại dịu dàng tưới tắm cho ngô lúa đôi bờ, giúp người dân ven sông nói chung, người làng Na nói riêng có được những vụ mùa bội thu. Người làng Na muôn đời vẫn quen chạy lũ nhưng vẫn luôn gắn bó với dòng sông. Nhiều năm trước, đứng ở bến thuyền sông Son nhìn về làng Na, buổi tối chỉ leo lét ánh điện, ban ngày cũng chỉ thấy bóng dáng dăm ba ngôi nhà đơn lẻ và nhỏ bé nằm khiêm nhường bên sông.
Giờ làng Na trù phú, xinh đẹp và yên bình. Nhiều dự án du lịch đã và đang hình thành nơi đây, hứa hẹn một làng Na sẽ là điểm đến của du khách yêu thiên nhiên tươi đẹp và những con người hồn hậu. Người làng Na biết làm dịch vụ từ những nghề truyền thống của mình, trẻ con làng Na đã biết nói đôi câu tiếng Anh chào khách, đó là những bước đi quan trọng để làng Na ngày mai sẽ phát triển hơn nhiều so với làng Na bây giờ.
Dulichgo
Chia tay làng Na, tôi chợt nhớ cậu bé tên Thành ở trong ngôi nhà nhỏ mà tôi tá túc năm nào khi trời bất chợt đổ mưa. 6 năm qua đi, Thành giờ này chắc hẳn đã trở thành một chàng trai. Có thể, cậu đang có mặt trong đội chèo thuyền đưa khách tham quan du lịch động Phong Nha, Tiên Sơn, hoặc là thợ chụp ảnh hay ông chủ trang trại nuôi dê, nuôi cá lồng…
Ngôi nhà nhỏ bé, đơn sơ ngày xưa giờ đã được thay thế bằng một ngôi nhà mái bằng vững chãi. Cũng có thể trong ngôi nhà đó, lúc chiều về, Thành sẽ trở về cùng với vợ và những đứa con, ríu ra ríu rít chuyện trò sau một ngày lao động mệt nhoài nhưng nhiều niềm vui…
Dulichgo
Trên gương mặt người làng Na là niềm hạnh phúc bởi những thành quả của họ đã và đang mang lại bao đổi thay tích cực. Chia tay, tôi mang theo niềm vui ấy của người làng Na cùng ý nghĩ, nhiều năm nữa, nhất định mình sẽ trở lại nơi này, để lại tiếp tục được chứng kiến những đổi thay của ngôi làng xinh đẹp, yên bình bên sông Son…
Theo Ngọc Mai (Báo Quảng Bình)
Người Miền Trung !
DienDan.Edu.Vn Cám ơn bạn đã quan tâm và rất vui vì bài viết đã đem lại thông tin hữu ích cho bạn.DienDan.Edu.Vn! là một website với tiêu chí chia sẻ thông tin,... Bạn có thể nhận xét, bổ sung hay yêu cầu hướng dẫn liên quan đến bài viết. Vậy nên đề nghị các bạn cũng không quảng cáo trong comment này ngoại trừ trong chính phần tên của bạn.Cám ơn.